Những khúc sông quê

1. Một ngày nọ khi lúa đã chất đầy sân phơi, đã đổ đầy bồ, đã đầy các bao thì ngọn gió cũng ngọt như sữa. Ngọn gió chạy qua sông để thơm thêm hương lúa, hương đồng. Ông cố ngoại của tôi nằm phe phẩy quạt mo cau. Chiếc võng lắc lư, hai đầu mắc vào thân hai cây xoài đang tuổi lớn, cành lá de ra xum xuê. Nước mé sông thổi lên mát lạnh. Ông cố ngoại cứ cởi trần, chân không, đầu quấn cái khăn rằn và lúc này đây ông lim dim mắt phả từng cuộn khói thuốc gò lên trời xanh. Ông cười cho ngày trúng mùa.

- Mưa bây ơi, coi cào lúa, đem bao ra nhanh cho kịp - mắt lim dim nhưng ông cố ngoại kịp gọi giật mọi người trong nhà.

Ông cố ngoại cùng mọi người trong nhà nhanh tay nhanh chân kẻ cào, người xúc, kẻ quét, người cột bao và vác đem vô trong kho chứa lúa. Loáng một cái bốn sân phơi rộng đầy ắp vàng lúa đã trống hươ trống hoác, nền gạch tàu đỏ au chỉ còn lại dúm bụi cát phơ phất gió.

Khi mọi người chuẩn bị thau thùng hứng nước mưa cũng là lúc những đụn mây đen đang sà xuống sát mé sông. Một lúc sau khi gió thổi mạnh lay những tàu chuối lạch xạch, những tàu dừa lao xao thì những hột mưa đầu tiên lộp bộp vỗ trên máng xối. Tiếng mưa mỗi lúc một dày. Con nít trong nhà hí hửng chạy ra sân gạch phơi lúa khi nãy mặc sức tắm mưa và rượt đuổi vui tít mắt. Tiếng cười râm ran.

Ông trầm ngâm hút thuốc, nhấp ngụm trà thơm trong làn mưa trắng xóa. Mưa cuối dải đất phương Nam này mau đến cũng mau đi. Mưa dứt khoát, sảng khoái như lòng người vậy.

2. Nhà ông cố ngoại của tôi lúc bấy giờ có thể nói là giàu nhứt nhì ở miệt quê đó. Nhưng ông lúc nào dường như cũng chất chứa bao nỗi niềm. Ông mơ được đi khắp đất nước. Ông mơ được ra biển ngắm khơi xa quê nhà. Nhiều lúc buồn chân buồn tay, ông lại ra sau vườn, một mình luyện lại các thế võ. Người ông chắc nịch, da ngăm đượm vị phèn, vị đất quê, đặc biệt là đôi mắt sáng quắc. Vì thế mà ít ai dám nhìn trực diện khi phải nói chuyện với ông. Ông đã từng làm ông hổ phải chạy vô sâu trong rừng tràm, không dám bén mảng ra nhà dân cắp gà vịt nữa.

Chuyện là lần đó có con cọp vằn đói dữ lại gặp cảnh cháy rừng nên nó chạy loạn cào cào. Chúa hổ làm thịt luôn mấy con gà quanh vườn nhà ông cố ngoại. Tiếng chó sủa, gà, vịt chạy réo loạn xạ, mọi người chạy ra há hốc mồm. Riêng ông với cây trường côn quần thảo với chúa hổ miệt U Minh hạ này. Từ lúc trời nhá nhem tối tới trăng lên đọt dừa, một người một vật cứ gầm gừ đánh bổ vào nhau. Bỗng một tiếng gầm lần sau cuối vọt ra từ miệng chúa hổ. Trường côn của ông đã giáng một đòn chí mạng ngay yết hầu. Cuộc chiến đã xong. Ông cũng mệt ngất ngư. Mọi người vừa lo vừa mừng khôn xiết. Lời đồn vang khắp xứ. Còn ông cố ngoại coi như chưa từng có chuyện xảy ra giữa ông với chúa hổ đánh nhau. Ông nói tỉnh bơ, nó chết là không may thôi. Nó ăn thịt gà vịt được rồi sẽ tới lượt ăn tới người thì chòm xóm mình sẽ không yên. Diệt nó để bảo vệ chung cũng là cách tự mình bảo vệ mình.

Lúc sanh tiền bà nội hay kể về ông cố ngoại. Kể riết thành ra tôi thuộc lòng từ khi nào cũng không biết. Chỉ thấy lâu dần nó như chất hồ keo đóng khít, tình thương ruột thịt cứ chảy tràn không thôi.

Có lần nọ tôi mạnh miệng hỏi bà nội sao mà bà dì Tư chết sớm. Bà nhìn tôi hồi lâu rồi nói, bà dì Tư dáng người cao ráo, đẹp người đẹp nết, có điều bịnh rề rề hoài. Năm bà dì Tư tròn mười bảy thì cũng là lúc bao chàng trai ngấp nghé, nhiều nhà dạm hỏi nhưng bà chưa ưng ai. Một bữa, bà ra sông Lớn lên chợ huyện mua ít đồ mới. Trời xui đất khiến thế nào mà con đò bỗng chết máy giữa dòng nước, đò bị rỉ nước, gặp lúc sóng lưỡi búa duềnh ập lên làm nhiều người trên đò xôn xao cứ lắc lư. Mọi người càng hoảng đò càng chao. Rồi lật đò. Rồi bà dì Tư của bây về với vua Thủy Tề đận đó. Lấy được xác chớ có cứu được người đâu con ơi… Cũng vì chuyện bà dì Tư mất mà ông cố ngoại của con đã nhiều lần thao thức, thở dài thườn thượt nhiều đêm. Ông cố ngoại tự trách mình chưa chịu dạy bà dì Tư bơi lội, bởi bà dì Tư ốm yếu quá. Trong nhà ai cũng bơi lội giỏi.

Sau lần đó, ông cố ngoại họp gia đình. Ông bắt buộc mấy chị em của bà nội phải học võ do ông dạy vào mỗi lúc chạng vạng. Ông khuyên các con phải học chữ đến khi nào thấy chán thì thôi. Ông lo hết. Vậy là cứ chiều chiều tối tối mấy bà dì, ông cậu và bà nội của bây lại hì hục tập luyện thở, đứng tấn, đi quyền, múa gậy…

3. Một đêm không trăng sao. Tiếng ếch nhái đưa vọng lại đều đều, nước róc rách chảy và sóng cứ trôi. Bỗng đâu những đốm lửa từ đuốc lá dừa cháy rực lên, lô nhô dáng người, mặt mày hung tợn, lời nói bặm trợn. Họ thét cả nhà choàng tỉnh giữa khuya. Ông cố ngoại thức dậy từ lúc nghe động bước chân lạ, nhưng cố nằm im coi sao. Ông nghĩ chắc là cướp rồi.

Mau kêu người nhà khuân lúa gạo ra ghe cho tao, mau lên - một tên chắc là đầu sỏ giở mùng tung lên, hất hàm phía ông cố ngoại.

Bây đâu mở đèn cho sáng coi - ông điềm nhiên gọi mọi người trong nhà như chưa hề có việc gì đang xảy ra.

Dưới ánh đèn dầu, ông cố ngoại nhìn lướt qua bọn cướp và đếm nhanh có mười tám tên. Ông nói với chúng, nếu nghèo khó thiếu vốn làm ăn, gặp phải mất mùa, thiên tai, dịch bịnh mà đến xin lúa gạo hoặc vay tiền thì ở đây sẵn lòng. Còn cướp cạn thì khó. Khó lắm đó. Tên cướp đầu sỏ, có thể là vậy, chửi lèm bèm rồi lệnh cho đồng bọn nhào vô cướp lúa gạo. Ông cố ngoại trong phút chốc đi quyền múa cước loang loáng. Bọn cướp kẻ thì văng xuống mé sông lóp ngóp, đứa thì văng ra nền gạch nằm ôm bụng, thằng năn nỉ xin tha mạng.

Về sau, ông cố ngoại dốc lúa gạo giúp Việt Minh. Bà nội với ông cậu Bảy hăng hái vô chiến khu. Bà nội lo chuyện hậu cần. Sau này bà nội gặp ông nội cũng từ chiến khu. Ông nội hào hoa thanh lịch, giỏi văn chương, đờn măng đô lin giỏi và ngón đờn ghi ta phím lõm thì nghe mùi làm sao. Chính ông nội đã hướng dẫn cặn kẽ cho bà nội hát đúng nhịp từ nhạc đỏ tới Dạ cổ hoài lang. Vậy là bà nội ngoài việc lo bên hậu cần thì khi có dịp cũng cùng chiến sĩ vui liên hoan văn nghệ hoặc như biểu diễn phục vụ bộ đội thêm hăng hái chiến trường.

4. Ông cố ngoại ra đi theo khói rạ đồng bưng từ sau lần bà nội giác ngộ rồi trưởng thành từ chiến khu. Ông cố ngoại nói lời cuối cùng với bà nội mà mãi sau này bà vẫn thường kể cho tôi nghe. Ông cố ngoại nhắc bà nội: “Làm việc gì thiện, có ích thì ráng mà làm đừng nệ công. Làm việc gì mà đem lại điều xấu, điều ác với người khác thì càng tránh càng tốt. Của nhà không thiếu, giúp người khó khăn hơn mình thì nên làm. Nhưng cũng đừng để bị đánh tráo tình thương, đừng để bị lừa dối trong cách hành xử thiện tâm.” Mỗi khi trời trở gió sang mùa đông, bà nội lại thêm nhiều tâm sự. Bà nội buồn vì chưa làm hết những lời ông cố ngoại trăng trối. Bởi tánh thật thà, thương người mà bà nội cho hết. Có lẽ chất nghệ sĩ và thích tự do đó đây sông nước mà bà nội bất cần đeo mang gì cho nặng lòng chăng…

Giờ đây, mỗi lần tiết Thanh Minh hay giỗ chạp gì đó của dòng tộc, tôi lại miên man, đưa lòng về với gió phương Nam mà như nghe âm âm lời của người xưa, có thể đã truyền từ ông cố ngoại tới bà nội rồi tới ba tôi và chú Bảy tôi cũng từng nói với tôi đại ý rằng: “Đừng làm cái tên cái họ của mình bị lấm bùn nghen, con!”

Gió thổi những tro cuống rạ bay về trời. Gió thổi mát lời xưa còn đồng vọng đâu đây. Đêm này, tôi lật lại gia phả ngồn ngộn màu thời gian hàng trăm, trên trăm tuổi…

Tiếng ngái ngủ, trở mình của con gái sắp tròn một tuổi của tôi như đang thêm vào một dòng mới cho dòng dòng gia phả

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast