Những "lát cắt" ngắn của Phan Tấn Linh

Từ nguyên liệu xã hội và nhân sinh trong mảnh đất hiện thực phong phú, ngổn ngang, trong tình cảm, tâm lý, tư duy phức tạp của con người thời hiện đại, Phan Tấn Linh đã chắt lọc, chưng cất nên những truyện ngắn rất ngắn (trên dưới 100 chữ/ 1 truyện). Mỗi truyện là một lát cắt, một khoảnh khắc của dòng đời vội vã và bất tận.

Ở đó có những vấn đề lớn như sự bao dung, hòa hợp trong nỗi day dứt (Đoàn tụ), nỗi ân hận đầy dư vị của một tấm lòng hồn hậu ( Biển), sự cứng nhắc, giáo điều vùi dập những mơ ước trắng trong (Bài văn xuất sắc), lòng nhân hậu bền bỉ trước những trớ trêu của cuộc đời (Mẹ của con là ai?), những nghịch cảnh rất đời thường (Hàng xóm, Bạn) … Ở đó không có những lời răn dạy, những bài học đạo lý, chỉ có những tình huống bất ngờ tự nhiên như đời sống làm chúng ta giật mình và xúc động trước những nẻo đời và thân phận những con người.

Và, đấy chính là văn chương thực.

Nhà văn Đức Ban

Chùm truyện cực ngắn của Phan Tấn Linh

BIỂN

Mặt trời thẳng đứng. Biển chói nắng. Không xuống biển để tắm, ở một góc riêng, Miên đắm trong kí ức.

Ngày ấy, sau những bướm ong, Tuấn lẳng lặng bỏ đi. Khi Miên đang khổ đau một mình thì bạn bè báo tin, rằng Tuấn đang vui vẻ với người tình mới ở biển. Lúc ấy, đau khổ, Miên đã thầm rủa "Cầu mong biển hãy cuốn phăng nó đi".

Biển làm thật, người ta không tìm thấy xác Tuấn, chỉ thấy xác người tình mới. Miên như người phát điên.

Mỗi mùa hạ, người ta lại thấy người đàn bà tóc xoã dắt theo đứa con lặng lẽ về với biển, lặng lẽ bỏ vài bông cúc trắng xuống biển, rồi đi.

Người ta đồn rằng người đàn bà tóc xoã là Miên, còn đứa con chính là con trai của Tuấn./.

SIÊU THỰC

Gã vẽ. Người đàn bà hiện dần lên toan, hết bức này đến bức khác. Mù mờ và siêu thực mà có cả những chi tiết thực đến khó tin. Đó là những bức chân dung người yêu mộng mỵ của gã.

Tranh của gã chỉ vẽ độc chân dung con đàn bà của gã, đủ góc nhìn, đủ cách hiểu và đủ chất liệu. Tranh của gã, do vậy, chỉ bán rất khiêm tốn. Nghĩa là tranh không nuôi nổi gã!

Vợ gã vẫn ngược xuôi vất vả chạy gạo hàng ngày để nuôi gã.Chị ngày xưa cũng là nhân vật trong tranh của gã./.

KIẾN TRÚC TÌNH YÊU

Hạ xây ngôi nhà hạnh phúc của cô theo kiểu nhiều cửa, nhiều phòng. Và lý luận: Nhiều cửa dễ ra dễ vào, nhiều phòng thì muốn ở phòng nào cũng được, đỡ nhàm chán.

Hạ có một lúc năm người yêu. Chưa kể còn vài ba người theo đuổi nhưng cô chả thèm để ý, vì “Họ không xứng”

Thời gian trôi và những người đàn ông lần lượt bỏ Hạ đi như những dòng sông. Sáng nay, Hạ ngồi trước đống kỷ niệm mà không biết nhặt lên trên tay cái nào đầu tiên. Ngôi nhà của Hạ giờ chỉ còn một cửa, một phòng.

Nhưng gió đã không còn thanh tân./.

MẸ CỦA CON LÀ AI HẢ MẸ

Năm con lên tám, ba ghé nhà ký Đơn ly hôn, lạnh lùng nhìn lướt hai mẹ con, rồi bỏ đi. Con hận người đàn ông bạc tình từ đó.

Mẹ vất vả nuôi con. Năm con lên 17, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, gọi con và dặn:

- Đừng oán trách ba con. Khi nào ba về thắp nhang cho mẹ, hãy nói với ba rằng mẹ xin lỗi. Con nghẹn ngào:

- Nhưng vì sao, mẹ ơi!

- Vì mẹ không thể sinh con cho ba. Mẹ đưa con về khi ba đã bỏ đi.

- Vậy, mẹ của con là ai hả mẹ!

- Con cũng đừng oán trách người ấy. Người ấy chắc phải có nỗi khổ tâm nào đó. Mẹ đã gặp con và sự sống trước cổng làng, mẹ đã cám ơn ông trời vì Người đã cho mẹ một đứa con. Con là con gái của mẹ.

Mùa đông xao xác, ngoài cửa sổ, lá trút bời bời. Trong nhà, hai người phụ nữ ôm nhau trong một cơn nấc nghẹn và nước mắt./.

KỊCH

Bố mẹ nó là bạn học từ thuở sinh viên, yêu nhau tha thiết. Ra trường, Bố đi dạy trường làng. Mẹ làm cho công ty nước ngoài trên phố. Gia đình đầy ắp tiếng cười. Nó lớn lên trong một gia đình như thế.

Một ngày, nó nghe trộm được câu chuyện của hai người.

Mẹ: Đóng kịch đến chừng ấy năm là đủ rồi. Tôi không đủ sức chịu đựng nữa.

Bố: Thế cô tưởng tôi dễ chịu khi hàng ngày phải tạo ra cảm xúc sân khấu ư. Đơn tôi đã thảo sẵn từ mấy năm nay rồi, nay con lớn rồi, cô ký đi. Chúc cô hạnh phúc, tôi sẽ nuôi con.

Kịch hạ màn quá sớm.

Vai nó run lên. Nó vẫn chưa đủ sức để đối phó với tấn kịch ấy./.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

BÀI VĂN XUẤT SẮC

Chỉ còn 60 phút nữa là hết thời gian môn thi Văn. Nó quyết định đặt bút xuống trang giấy và viết.

Bài văn viết về người bố làm nghề đạp xích lô đầy xúc động với lời văn giản dị, trong sáng và hồn nhiên của một đứa con ngoan được chấm 9,5 điểm. Được đọc trang trọng ở buổi chào cờ đầu tuần trước toàn trường. Rồi được các cơ quan truyền thông khai thác, tung hô và… chà đạp, chỉ vì sự thật ngoài đời em không có một người bố như thế. Sự thật, bố của em đang phải thi hành án tù vì buôn bán ma túy.

Sau những cảm xúc trái ngược của vinh danh, của chửi rủa ê chề, nó tha thủi trở về mình và nghĩ: Đó là ước mơ của mình về một người bố chịu thương chịu khó, tần tảo sớm hôm. Đó là ước mơ của mình về một gia đình tuy nghèo nhưng yên ấm, hạnh phúc.

Nào mình có làm gì nên tội./.

CHỊ TÔI

"Cô chị có đi, cô gì mới lớn". Ông chú họ khi nhìn hai chị em tôi đã phán vậy. Chị tôi thì không vội vã. Những gã trai vớ va vớ vẩn không mảy may làm chị chạnh lòng. Hình mẫu Hoàng tử của chị phải đẹp, thành đạt và lãng mạn.

Chị sống nội tâm. Làm thơ và viết nhật ký. Chị ba mươi tuổi và những gã trai vớ va vớ vẩn đến rồi đi. Tạnh không thấy bóng bạch mã hoàng tử.

Tôi vội vã tuổi xuân của mình với một trong những gã trai vớ va vớ vẩn như vậy. Chị bế cháu, mặt không cảm xúc và nén tiếng thở dài.

Tôi lặng lẽ bước bên cuộc đời chị và cầu mong Bạch mã của chị chết hết đi, ít ra là trong tâm hồn chị./.

BÃO

Anh nghỉ mất sức, về nhà chăm con gà, con lợn. Chị dạy học trường làng. Ăn chưa đủ chứ đừng nói khấm khá.

Rồi chị nghe lời bạn, bỏ dạy học, lên phố đi buôn. Cuốn vào cơn bão thị thành, chị hầu như không còn thời gian chăm chút sắc đẹp, gia đình. Đời sống khá dần lên. Anh cũng rảnh rang hơn, béo đẹp ra.

Một chiều, dừng lại giữa ưu tư, chị giật mình vì anh chị lâu nay như người dưng. Chị về đến nhà là anh đã đi. Anh về nhà khi chị đã trên phố.

Chị đã vượt qua cơn bão thị thành, nhưng bão trong lòng chị dâng lên. Chị ngồi đó và cầu mong rằng điều chị nghĩ sẽ không xảy đến.

HÀNG XÓM

Tuyến đường đi qua vùng ven của cái Thị xã nửa phố nửa làng đã hoàn thành. Sáng sáng, người ta vẫn còn thấy ông Trọng - Cán bộ địa chính về hưu ôm một chồng hồ sơ lên Ủy ban. Ông chưa “chịu” cái giá bồi thường của Ủy ban.

Nhà hàng xóm, ông Hai xếp bằng trên tràng kỷ, mồi thuốc lào, ngửa cổ phun khói và khoan khoán nghĩ: Con đường đẹp quá, Nhà nước lấy đất thế chứ lấy nữa, ông cũng hiến.

Ông ngắm cái tường rào, nhà xây mái ngói đỏ tươi vừa lợp, thứ mà cha con ông ky cóp từ mẫu ruộng mấy năm qua mà chưa làm được.

Sáng sáng, người ta vẫn thấy ông Trọng đi kiện và ông Hai khoan khoái rít thuốc lào./.

NGƯỜI GHÉT PHIM HÀN

Mẹ nó mê mẩn phim Hàn, khóc cười thật với những số phận giả trên phim. Nhà nó mặt đường, mở quầy tạp hóa. Mẹ nó say phim Hàn đến nỗi, nhiều khách đến mua hàng đã phải gọi toáng lên.

Ba nó là người ít nói, ghét cay ghét đắng những lời hoa mỹ và kiểu cách. Là công chức nhưng ông sống mộc mạc như một lão nông.

Sáng chủ nhật, mẹ nó sau khi làm lơ với con bé ăn xin trước cửa, đã mắng đuổi sa sả: Đi đi, vừa mới bảnh mắt ra đã ám quẻ.

Ba lẳng lặng mở ví cho cô bé mấy ngàn tiền lẻ rồi nhìn mẹ lắc đầu. Dường như ông lắc đầu với cả cái thứ mẹ yêu thích./.

BẠN

Bạn ngồi đó, uy quyền, ném về phía anh ánh nhìn kẻ cả.

Gắn bó ấu thơ, học chung lớp chung trường, anh tỏ ra là một thủ lĩnh cừ trên mọi lĩnh vực. Bạn thì trắng xanh, béo ủng, nép sau lưng anh khi có “chiến sự” học trò. Học hành cũng vậy, anh là học sinh thường được nêu gương về thành tích học tập lẫn tinh thần giúp đỡ bạn học tập cùng tiến bộ, trong đó có bạn.

Bạn không được như anh. Bù lại, bạn có bố làm giám đốc, giàu lắm.

Cuộc đời xô đẩy, chiến tranh biên giới trở về, anh trầy trật thi vào đại học.

Giờ bạn ngồi đó, anh khép nép nộp bộ Hồ sơ xin việc và lầm lũi quay lui.

Bạn không còn nhận ra anh với một bên mắt trái bị mù do mảnh đạn của kẻ thù những năm chiến tranh biên giới.

ĐOÀN TỤ

Má Năm nhận được tin dữ của thằng út vào một ngày cận kề hòa bình. Cái thằng đã không theo bước chân cha, anh nó, theo lý tưởng cách mạng.

Tưởng như không còn nước mắt khóc chồng, khóc con. Tưởng như sự giận dữ của người mẹ đối đứa con lầm đường đã làm má trơ lỳ. Nhưng không, má đã khóc ròng.

Nguồn: tamtay.vn
Nguồn: tamtay.vn

Má thắp hương trước di ảnh chồng và nói với ông:

- Thế là tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ mà mình giao lại. Thôi thì, đất nước sắp hoà bình rồi, tôi sẽ đưa chúng nó về gần mình.

Giờ má nằm đó, bà con xóm giềng bên cạnh. Má đã đưa được ba đứa con trai về gần cha nó. Rồi, gia đình má cũng sẽ được đoàn tụ./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast