Nói thêm về Vợ Nhặt

Năm 1956 khi báo Văn ra đời anh Nguyên Hồng bảo tôi viết một truyện ngắn để kỷ niệm Cách mạng tháng Tám.

Nhà văn KIM LÂN
Nhà văn Kim Lân
Nhà văn Kim Lân

Tôi nhớ lại cách đấy mười năm, năm 1946, khi là một cán bộ của Văn hóa cứu quốc đóng ở Cao Thượng, Yên Thế, Bắc Giang, tôi đã viết dở tiểu thuyết Xóm ngụ cư đến chương năm thì dừng lại bởi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong tiểu thuyết này tôi viết nhiều đoạn về cảnh đói và con người trong cảnh đói đó. Bây giờ tôi viết lại dưới dạng truyện ngắn.

Câu chuyện, sự việc không có thật. Chi tiết, tình huống, cảnh ngộ đều bịa. Chỗ xảy ra chuyện cũng bịa. Người ta hay dùng chữ hư cấu nhưng tôi thích dùng chữ bịa hơn, với tôi chữa bịa không chứa đứng ý xấu. Tưởng tượng ta nơi xảy ra, tưởng tượng ra nhân vật, rồi ghép người với cảnh.

Một ý nghĩ bao trùm: Giữa trận đói kinh khủng ấy, con người luôn hướng về sự sống. cuộc sống vượt lên cái chết thê thảm. Vợ Nhặt không phải là truyện duy nhất tôi viết về đề tài này. Một truyện khác tôi viết về tình yêu của đôi trai gái ở nông thôn, yêu nhưng không lấy được nhau bởi nhà anh nghèo, nhà chị khá giả hơn. Nhưng rồi trận đói đã tràn vào làng, cả hai nhà trở nên cùng kiệt, cả làng phải tha phương cầu thực. Anh chị gặp lại nhau trên con đường ăn xin, đêm giạt vào cái lều rách. Chính cái đói đã xích họ lại gần nhau. Đêm hai người nằm trong lều rách nhắc lại chuyện của làng mình, nhìn sao tua rua mọc nhớ kỳ gieo mạ. Họ nói với nhau bao dự định xây dựng cuộc sống, nhưng sáng mai ra thì hai người đã chết quắt queo trong lều đó! Hay là một truyện khác tôi viết về mấy chiến sĩ cách mạng vượt ngục chui vào nơi tụ tập của những người đói khát, lay lắt. Khi bọn cai ngục tìm đến thì chính những người đói đó đã kéo các chiến sĩ cách mạng nằm lẫn vào họ, và chính sự gày gò đói khát đã cứu sống họ…

Vợ Nhặt là một trong những truyện như thế. Khi ngồi viết tôi không dựa vào một nguyên mẫu nào để dựng nhân nhân vật của mình. Thế mà khi viết xong đọc lại, tôi giật mình vì thấy mình đã viết chuyện của mình, chứ không phải ai khác! Năm 1945, tôi đã cưới vợ, chưa có con. Mà vợ tôi có cưới hỏi đàng hoàng chứ không phải nhặt đâu, nhưng cả nhà lâm vào cảnh đói. Quê Từ Sơn của tôi không đói bằng Thái Bình, Nam Định nhưng nhà tôi thì bị đói bởi tôi là con bà vợ ba của bố tôi. Hàng ngày mẹ tôi đi buôn cám. Mua cám về giần lại lấy tấm nuôi cả nhà. Còn vợ tôi kéo xe xám từ Từ Sơn về Phố Mới (Hà Nội) để bán, tôi cầm chiếc đòn gánh mấu liền theo sau vừa đẩy xe vừa ngăn cản những người đói lao vào cướp cám. Tôi chứng kiến có những người đói cướp được nắm cám cho vào mồm chưa nuốt được thì bị chủ hàng (tất nhiên không phải là tôi) đuổi theo đánh cho ngã quỵ xuống đất. Rồi những cảnh người sắp chết đói đội chiếu đi ngoài đường, mùi khét của những đống rấm đốt những thứ liên quan với người vừa chết đói như lá trải, chiếu đắp… Bà cụ Tứ trong truyện là tôi tự nghĩ ra nhưng đọc lại thì thấy đó chính là hình ảnh của mẹ tôi, một người mẹ nghèo khổ, hết lòng yêu thương vợ chồng tôi. Còn vóc dáng của nhân vật Tràng tôi lại mượn vóc dáng của anh Nguyên, dân ngụ cư chuyên kéo xe bò ở làng tôi.

Thì ra cái mình bịa cũng không thể ra ngoài những cái mình thấy, mình nghe, mình trải và mình nghĩ. Điều nhà văn nghĩ, thái độ nhà văn trước thực tại xã hội là hết sức quan trọng cho sự thành công của tác phẩm. Chỉ ghi chép không thôi, không thành truyện mà cũng không thành nhân vật. Phải bịa, bịa nhiều vào, nhưng quan trọng trong người nhà văn đã có những gì và thái độ ra sao trước cuộc đời. Xuân Tóc đỏ, bà phó Đoan trong Số Đỏ là Vũ Trọng Phụng bịa hết chứ làm gì có trên đời. Viết Số Đỏ, Vũ Trọng Phụng thể hiện thái độ rất rõ ràng rằng: Giễu xã hội nhố nhăng, sinh ra những trò nhố nhăng. Từ phi lý chuyện trở thành hợp lý. Trong Vợ Nhặt cũng vậy, làm gì có người theo về làm vợ dễ dàng như thế trong đời thực, nhưng trong hoàn cảnh đó, người đọc vẫn chấp nhận và mong muốn cho đôi trai gái đó được hạnh phúc.

Nói thêm về Vợ Nhặt ảnh 2

Nhà văn Kim Lân và con trai - họa sĩ Thành Chương (Ảnh: st)

Về tên truyện, tôi đã cân nhắc khá nhiều, đã nghĩ khá nhiều tên, kể cả Nhặt Vợ, nhưng cuối cùng tôi thích Vợ Nhặt hơn. Còn ý nghĩa của chữ nhặt thế nào không nói gì thêm mọi người đều hiểu giống nhau. Có người thắc mắc tại sao tôi lại gọi Tràng là hắn từ đầu đến cuối, trong khi thái độ của tác giả hết sức ưu ái nhân vật này? Trong tiếng Việt, chữ hắn thường dùng để chỉ người mình khinh rẻ, không thích nhưng ở đây tôi dùng chữ hắn không với nghĩa đấy mà là để chỉ một con người lớp dưới theo cách nhìn nhận của xã hội bấy giờ. Cũng như nhân vật nữ trong truyện tôi chỉ dùng một chữ thị làm đại từ nhân xưng. Đáng ra tôi nên thay đổi đại từ này theo từng nơi, trước mắt nhìn của từng người. Ngoài thị ra, có lúc dùng chị ta, ả ta, cô ả… thì hay hơn. Và tôi đã sữa chữa trong nhiều lần tái bản, chỉ tiếc bản trích giảng trong nhà trường họ lại chọn bản in đầu tiên.

Đối với nhân vật Tràng cũng thế, nếu chọn được những đại từ nhân xưng khác phù hợp với cách nhìn của các nhân vật trong truyện thì hay hơn việc từ đầu đến cuối chỉ dùng một từ hắn.

Xem nhiều bài bình về truyện này đăng trên các báo tôi thấy có nhiều người phân tích thật hay, rất hợp lý, dù khi sáng tác, tôi không hề nghĩ thế. Ví như bài đăng trên báo Kiến thức ngày nay chẳng hạn. Như vậy tác giả không những không biết cái dở của mình mà nhiều khi còn không biết hết cái hay mình đã viết.

V.T ghi

Nguồn: Tạp chí VNQĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast