Quán quên tên

Lúc này 4 giờ chiều. Bàn chúng tôi, không khí vui sướng đang đỉnh cao. Tình cảm huynh đệ cuồn cuộn, nhưng chưa tiến tới giai đoạn ai nói nấy nghe. Mong sao chóng tới giai đoạn này, sẽ dễ chịu biết bao.

Quán quên tên ảnh 1
Nhà văn Ngô Phan Lưu

Còn nhớ tháng trước, tôi đi dự đám cưới ở Cam Ranh. Chủ nhà mướn ban nhạc sống, đặt ngay thềm nhà. Đàn, trống, kèn, ca… đinh tai nhức óc. Tôi kề mồm vào tai chủ nhà, bảo lớn: “Âm thanh ầm ĩ thế này, khách khứa không thể trò chuyện được.” Chủ nhà nhoẻn miệng cười, vỗ vai tôi: “Ai nói nấy nghe, là rất tốt. Không cãi vã, khỏi mất lòng. Ăn xong về ngay vì chịu không nổi. Thế là đạt chỉ tiêu yêu cầu của tôi.” Tôi nghiệm lại, quả đúng thế. Chủ nhà thật hay. Anh ta rước ban nhạc về, trước là cho đám cưới hoành tráng, sau là để trị bệnh “nói dai” và bệnh “ngồi dai” của khách. Quả là tuyệt vời. ừ, người ta sẽ khá hơn nếu người ta bớt nói, người ta sẽ hay hơn nếu người ta ít nói, người ta sẽ tuyệt hơn nếu người ta im lặng. Vậy, buộc người ta im lặng thì cũng tuyệt chẳng kém. Khi hiểu ra, tôi liền bắt tay chủ nhà, đầu gật gật, nồng nhiệt tán thành. Rất tâm đắc.

Lúc này, bỗng có một người khật khừ bước tới chỗ bàn chúng tôi. Hắn ta đeo kiếng trắng, quần áo cẩu thả nhưng sang trọng. Thấy thế, Công đứng phắc dậy, giơ hai tay lên trời, mừng rỡ, la to:

“Úi trời, anh Phú! Lâu nay chết xó xỉnh nào, không gặp?”.

Phát kéo Công ngồi xuống, nhắc:

“Anh ta tên Sinh… không phải tên Phú”.

Cả bàn nhao nhao:

“ồ, chào anh Phú hoặc anh Sinh. Mời ngồi.”

Người mới tới, xoa tay, nói với Công:

“Huynh lầm rồi. Đệ tên là Sinh”.

Công liền vỗ vai người mới tới:

“Vui nhỉ. Anh lại lừa tôi. Ngồi xuống. Mời cụng ly chúc sức khoẻ dẻo dai, bền vững”.

Cả bàn lại nhao nhao bưng ly. Lâm nói:

“Đừng chấp, Sinh hay Phú ơi. Tấm lòng nếu có, hãy mở cửa để có tấm lòng”.

Công cũng lập tức nói:

“Đừng chấp Phú ơi. Hãy mở cửa nếu có cửa, để thấy tấm lòng nếu có tấm lòng”.

Cả bàn lại nhao nhao:

“Chí lý. Chí lý vô chừng kể”.

Tôi nhận thấy anh bạn mới đến trông cũng quen quen, nhưng không rõ tên Sinh hay tên Phú. Tôi bèn đề nghị:

“Xin lỗi anh bạn mới đến đừng phiền. Vì hoà khí thống nhất cách xưng hô, phiền anh cho xem thẻ CMND hoặc bằng lái cũng được?”

Nghe thế, Lâm liền vỗ tay:

“Đúng vậy. Mất lòng trước, được lòng sau. Chính xác là trên hết. Đừng buồn Sinh hoặc Phú nhé?”

Nghe thế, hắn ta rút ví, lôi thẻ CMND và cả bằng lái đặt lên mặt bàn. Chúng tôi xúm xít đọc. Giấy tờ ghi họ tên là Nguyễn Mỹ, quê Đầm Dơi. Chúng tôi liền đối chiếu hình và mặt thật đều khớp.

Công to tiếng:

“Tại sao đệ dám mạo danh là Sinh?”

Mỹ Đầm Dơi xoa tay, cười, nói:

“Đệ mạo danh là Sinh à? - Mỹ Đầm Dơi nhướng mắt, hất hàm - Đó là cái tên các huynh đặt cho đệ đấy chứ? Cả cái tên Phú chết tiệt kia cũng thế. Nhưng, đệ thiết nghĩ… Sinh là sống. Muốn sống phải theo số đông, mà đệ muốn sống, nên nhận bừa mình là Sinh. Còn Phú là giàu, đệ chả thiết. Ngay đệ là Mỹ, đẹp ấy cũng hư ảo. Vẫn biết các huynh đang say, đệ vẫn phải theo để sống. Vẫn phải theo để say”.

Nghe câu nói có lý, cả bàn gật gù liên hồi ra vẻ thông hiểu.

Tôi rót bia mời anh ta:

“Chúc mừng Mỹ đại huynh đẳng cấp.”

“Thiện tai. Thiện tai. Cảm ơn”.

Nói xong, anh ta nốc cạn ly, dùng vành ly gạt bọt dính ở mép, từ tốn ngồi xuống, hai tay xá lia lịa bốn phương tám hướng như gặp ma quỷ vây bủa. Tôi liếc nhìn anh ta. Gặp ánh mắt tôi, anh ta liền quay nhìn chỗ khác. Phát cũng thấy việc này. Nhưng chỉ một thoáng sau, Mỹ Đầm Dơi chủ động cụng ly, như quen nhau từ đời kiếp. Anh ta nói:

“Uống bia mất thì giờ đi đái. –Anh ta búng ngón tay “tróc, tróc” về hướng quầy rượu, gọi cô chủ - Cho chai Golden Horse”.

Cô chủ mang rượu ra, cười tươi rói, răng đều như sắp, miệng rộng giáp tai. Cô ta thuộc loại chân dài, miệng rộng, quá tuyệt vời:

“Cấy đo. Thai ngừa.” (nghĩa lái miền Trung: Có đây. Thưa ngài).

Nhìn hộp rượu màu đỏ chói, chữ vàng rực, chúng tôi nhìn Mỹ Đầm Dơi bằng ánh mắt thiện cảm. Đang “bia ta” bỗng chơi sang “rượu tây”, ắt sẽ vô cùng hiệu quả. Mỹ Đầm Dơi đứng dậy, thận trọng mở hộp giấy, lôi chai Golden Horse hình tháp Eiffel, dùng ly có sẵn nơi miệng chai, rót một ly:

“Kính mời huynh, người khai sinh cho đệ tên Phú.”

Công đứng dậy, đỡ ly rượu nốc cạn, khà một tiếng, miệng chép chép:

“Cảm ơn hiền đệ”.

Mỹ Đầm Dơi rót một ly nữa mời Phát:

“Mời huynh, người khai sinh cho đệ tên Sinh”.

Phát cũng đứng dậy, đỡ ly rượu nốc cạn, khà một tiếng, miệng cũng chép chép:

“Ghi nhận tình cảm đôn hậu”.

Rồi tới tôi và Lâm cũng nhận một ly như thế. Tôi nói: “Cảm ơn quí huynh”. Còn Lâm nói: “Đa tạ. Đa tạ.” Cuối cùng Mỹ Đầm Dơi tự rót uống một cốc.

Chúng tôi đã ngồi xuống. Mỹ Đầm Dơi gọi thuốc Xì-gà Mild, mời mỗi người ngậm một điếu, phà khói thơm lựng.

Mỹ Đầm Dơi ngả người ra ghế, phà khói mù mịt, đột ngột đọc thơ, giọng sang sảng:

“Hỡi nữ thần chữ nghĩa/ Đệ tử một hời kéo dài/ Toàn tâm toàn trí đi theo/ Một thời bươn chải trong đời cung phụng/ Nữ thần bệnh “còi” không lớn/ Đệ tử ngẩn ngơ thân xác cũng còi.

Hoá ra nữ thần không phải nữ thần/ Chỉ là mụ đàn bà oan nghiệt/ Chữ nghĩa ơi/ Mày đánh lừa tao”.

Nghe giọng thơ sang sảng, cả bàn phấn khích, tự động rót rượu uống xoay vòng. Sau khi nốc một ly nữa, Mỹ Đầm Dơi đọc tiếp, giọng to hơn:

“Ma gọi, thần kêu, quỉ réo/ Bây giờ vẫn say chữ nghĩa/ Nữ thần lại gọi bằng em/ Đệ tử vai anh/ Bươn chải trong đời chu cấp/ Trước quá nghèo/ Giờ không giàu/ Chữ nghĩa trước thơm/ Bây giờ khét lẹt/ Nhìn em sương khói giăng giăng…”.

Mỹ Đầm Dơi nốc một ly nữa, rít xì-gà, dáng vẻ xuất thần:

“Hỡi chữ nghĩa/ Hỡi nữ thần em/ Mới hôm qua đây/ Tao biết mày rõ ràng/ Mày đâu phải nữ thần để ta cung phụng/ Mày đâu phải là em để ta chu cấp/ Mày chính là gã nô lệ khổng lồ/ Có thể chật trời/ Có thể co rút trong chai/ Tưởng nhầm nữ thần ta theo nâng xiêm sửa áo/ Tưởng nhầm là em ta mua cơm mua cháo/ Quá nửa đời chứa bụi đường ứ phổi/ Quá nửa đời bơi trong bạc đãi/ Nay ta cầm roi, cầm búa, lẫn rìu/ Tại chỗ ta ngồi/ Nay ta gọi ngươi”.

Mỹ Đầm Dơi lại uống nữa, đột ngột đứng dậy nhìn quanh, rồi nghĩ sao lại ngồi phịch xuống, cất giọng rắn rỏi, gai góc:

“Thằng chữ nghĩa đâu?/ Thưa ông chủ cần gì?/ Ta muốn mày mỏng tang dịu dàng như làn khói thuốc/ Vậy ông chủ hãy chích tôi đóm lửa/ Ta muốn mày tưới mát ruộng đồng tốt lúa ngô khoai/ Vậy ông chủ hãy rền vang sấm sét/ Ta muốn mày là bát cháo mẹ già/ Vậy ông chủ hãy đun hãy đốt/ Ta muốn mày là một con đường/ Vậy ông chủ hãy đạp lên giẫm xuống/ Chúng tôi là loài nô lệ/ Nữ thần gì tôi/ Em iếc gì tôi/ Ông chủ thương tôi/ Cứ nên tàn bạo/ Ông chủ cứu tôi/ Hãy bạo tàn hơn nữa/ Chỉ có bạo tàn tôi mới biết mình nô lệ/ Để vùng lên bứt phá gông xiềng/ Đó là ngày mừng vui chói lọi/ Đó là ngày/ Tôi tự do/ Và ông sai khiến tự do”.

Mỹ Đầm Dơi lại rít xì-gà. Mắt nhìn vượt qua chúng tôi. Lâm đảo mắt le lói nhìn hắn:

“Trí óc huynh ghê thật. Huynh là nhà thơ à?”

Mỹ Đầm Dơi trả lời:

“Chính xác là nhà trúng xổ số độc đắc”.

Nghe thế, chúng tôi như tỉnh hẳn rượu. Ai cũng dán mắt vào Mỹ Đầm Dơi. Cô chủ quán cũng tiến lại nhìn cho rõ, tay cầm quyển sách phe phẩy quạt mát anh ta. Vẫn dựa ngửa nơi ghế, phì phèo xì-gà Mild, anh ta hất hàm hỏi cô chủ:

“Đọc sách không đeo kính à?”

Cô chủ cười tình tứ:

“Hồi trước, kính em đeo. Nay, kính chẳng đeo”.

Mỹ Đầm Dơi gật đầu thông hiểu. Tôi tò mò hỏi:

“Huynh trúng xổ số, sao ban nãy thấy cái ví xẹp lép?”

“Tiền đệ cất chỗ khác, huynh ạ. Việc ấy hậu xét. Cô chủ, cho chai Golden Horse nữa”.

Cô chủ lại mang ra chai rượu nữa. Anh ta nói:

“Tứ hải giai huynh đệ. Mời tự nhiên”.

Lâm bóc hộp, mở nắp chai rượu rót vào ly, tư thế chao qua chao lại. Lúc này tình cảm chúng tôi không còn nằm ở ngoại vi nữa, ai muốn uống nấy rót, không còn khách sáo. Công giơ tay đuổi con ruồi đậu nơi chót mũi, nhưng con ruồi không thèm bay. Tôi nghe trong tai mình tiếng con ruồi cười sặc sụa. Mỹ Đầm Dơi vươn dậy thò tay rót rượu, rồi đến Phát cũng rót. Riêng tôi không rót. Tôi nhìn ra ngoài… Trời đã tối lúc nào không hay. Biển chỉ là một khoảng đen ngòm vô tận. Tôi bỗng thấy mình rỗng không. Tôi ríu mắt, gục xuống bàn, đầu tựa vào tay, chìm vào giấc ngủ…

“Lạ thật, phi lý thật! Làm sao và bằng cách nào, tôi lại đi bộ ra khỏi trái đất này được nhỉ?” Tôi tự hỏi, khi ngoái cổ nhìn thấy trái đất sau lưng mình. Những cao ốc trên bề mặt trái đất trông yếu ớt, lởm chởm như râu quả chôm chôm. Gió thời gian thổi lạnh buốt. Tuyệt thật, nơi này không có con người. ồ, nhưng lại có con quỉ đi bên cạnh. Xì, mà cũng chưa chắc đấy là quỉ. Tôi bắt chuyện:

“Này, trông tướng ông anh không phải là người trái đất?”

Con quỉ ngước nhìn tôi, cũng hỏi:

“Mà trông ông anh cũng không phải người Cồ Châu?”

Nghe thế, tôi cắn môi suy nghĩ. Người Cồ Châu? Hành tinh Cồ Châu à? Tôi liền hỏi:

“Nơi đây là Cồ Châu à?”

“Đúng vậy, nhưng ông đến đây làm gì?”

Tôi trả lời:

“Không biết. Còn ông anh đang đi đâu thế?”

Con quỉ trả lời:

“Người Cồ Châu không bao giờ biết mình đi đâu”.

“Thế, ông anh đang làm gì thế?”

“Đứng yên”.

Nghe trả lời thế, tôi nhìn kỹ con quỉ. Quả là nó đứng yên, vì hai chân nó bất động. Nó đang trôi theo tôi, trôi nhẹ nhàng, không chao đảo.

“Ông anh di chuyển bằng cách đứng yên à?”

“Cũng gần như thế”.

“Vậy, ông anh đứng yên tôi xem nào?”

Lập tức, con quỉ bước chân tới, nhưng khoảng không gian nơi chân nó cũng trượt tới. Nó hoàn toàn đứng yên mặc dù chân vẫn bước đi. Tôi vừa xa nó được một khoảng, bèn quay trở lại:

“Khi ông anh vận động, ông anh kéo theo không gian à?”

“Đúng thế. Đây là nhược điểm của bọn tôi”.

Lúc này, bên trái tôi bỗng xuất hiện một sinh vật dị kỳ. Một sinh vật không chân tay, mặt mũi. To thù lù, nhọn trên, phình dưới, ẻo lả, chờn vờn, không có xương mà chỉ toàn là thịt sợi. Nó y hệt một nọc cây rơm. Nó vượt tới, đứng áng trước mặt tôi.

Tôi liền trụt lại, tim muốn rớt ra ngoài. Con quỉ cười sặc sặc:

“Vợ tôi đấy. Bà ấy đang chửa, nên phình to như thế. Bà ấy muốn đẻ một đứa con giống ông anh, nên phải đứng trước mặt ông để lấy khuôn mẫu. Ông cứ bình tĩnh. Một chốc là xong ngay”.

Tức khắc, từ bụng nọc cây rơm, phóng ra một thằng tôi khác, giống hệt như tôi. Mới một chốc mà bà ta đẻ liền. Tôi hoảng vía, né tránh sang bên. Tôi lại sợ cái thằng tôi ấy hơn cả nọc cây rơm và con quỉ. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cái thằng tôi bên ngoài tôi rõ ràng đến như thế. úi trời! Nên bắt giam nó cho rồi! Nó gườm gườm nhìn chòng chọc vào tôi, ánh mắt lục soát. Tôi lùi lại, lùi lại, thủ thế. Nó rít lên:

“Có tiền không? Đưa hết cả đây”.

Quái. Vừa đẻ ra mà mày đã cần tiền rồi à? Trong khi bố mẹ mày không biết tiền là gì. Đột ngột, nó rút dao. Tôi lùi lại, lùi lại. Nhưng không kịp nữa rồi. Nó đã phóng tới, mũi dao đã lún sâu vào bụng. Tôi thét lên…

“Chuyện gì vậy? - Mỹ Đầm Dơi hét toáng lên - Hiền đệ chiêm bao gặp cọp à?”

Tôi dụi mắt, lắc đầu lia lịa cho rơi cuộc chiêm bao xuống đất, và ngáp một cái lê thê.

Trong khi tôi ngủ, họ uống thêm một chai Whisky nữa. Công đã gục xuống bàn, Phát và Lâm ngồi như tượng đá. Không gian im vắng cực kỳ.

Mỹ Đầm Dơi ngoắc tay cô chủ bảo tính tiền. Khi cầm phiếu tính tiền, anh liền đứng dậy đi đến quầy, rút từ túi quần một xấp tiền dày cộm và trò chuyện với cô chủ.

Trả tiền xong, Mỹ Đầm Dơi xoay người một vòng, giơ tay chào chúng tôi. Hắn ta khệnh khạng bước ra khỏi quán. Trước khi ra khỏi cửa, Mỹ Đầm Dơi chích ngón tay lên trời, nói cùng cô chủ:

“Nhớ nhé… 212 hotel Metropole”.

Tôi thoáng thấy cô chủ gật đầu, rồi thận trọng cười im lặng. Tôi nhìn toàn cảnh, lòng dạ trống trơn. Tôi bỗng nhớ đến người Cồ Châu vừa gặp trong mơ. Và, tại sao lại nhớ? Điều này chỉ có người Cồ Châu mới biết, nhưng họ không có ở đây.

Ngô Phan Lưu

Theo nhavantphcm.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast