Rap 'Truyện Kiều' gây sốt: Khi kiệt tác của Nguyễn Du được phóng tác

Chỉ vài ngày sau khi đưa lên Facebook, bản Rap Truyện Kiều của Hữu Danh, chàng sinh viên tại Cần Thơ, đã lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Người khen nhiều, còn tiếng chê, nếu có, cũng chỉ xoay sang vấn đề.... chất lượng nhạc nền chưa hay, chưa thích.

Rap 'Truyện Kiều' gây sốt: Khi kiệt tác của Nguyễn Du được phóng tác ảnh 1
Ảnh minh họa

1. Có nghĩa, ở trường hợp này, chuyện "chuyển thể" Truyện Kiều thành nhạc rap tạm thời chưa bị gán cho những cái lỗi "xuyên tạc", "bậy bạ", "bóp méo". Cũng điều dễ hiểu, bởi cơ bản, "sáng tác" này chỉ là việc đọc 90 câu đầu trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du trên nền nhạc chế, và hoàn toàn trung thành với... nguyên tác.

Bởi, nếu bỏ thời gian tìm kiếm trên các diễn đàn giải trí, (hoặc diễn đàn của học sinh), người ta cũng có thể gặp khá nhiều phiên bản Kiều chế, Kiều hài, hoặc kỳ công hơn nữa là truyện tranh được vẽ theo nội dung của Truyện Kiều. Ở đó, không ít lần, kiệt tác của cụ Nguyễn Du được "nhại" lại để mua vui bằng ngôn ngữ thô thiển, nông cạn, và không có chút chất xám nào.

Câu hỏi đặt ra: nếu tạm coi việc "phóng tác" Truyện Kiều là sự vui đùa nên thông cảm của giới trẻ, đâu sẽ là ranh giới để những "tác phẩm" ấy được người ta chấp nhận mà không cảm thấy khó chịu, bực mình?

2. Hơn 2 năm trước, một học sinh chuyên toán tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng từng khiến rất nhiều độc giả khoái chí, khi đưa ra bản... tóm tắt nội dung Truyện Kiều chỉ trong 38 câu lục bát, với những đoạn khá ngộ nghĩnh theo kiểu: "Ngỡ chăng chấm dứt nỗi sầu/ Lại Hồ Tôn Hiến hiểm sâu đánh lừa/ Từ Hải chết đứng không thưa/ Thúy Kiều lại kiếp ngày xưa quay về..." .

Cũng không dám "động" đến nguyên bản Truyện Kiều, bản "Kiều tóm tắt" này còn giống với bản "rap" Kiều của chàng sinh viên Hữu Danh ở một mục đích khá đơn giản và thiết thực: giúp các bạn trẻ - vốn phải học khá nhiều trích đoạn Truyện Kiều trong 2 năm lớp 9, lớp 10 - có thể dễ dàng... thuộc bài và nắm bắt nội dung của tác phẩm.

Ngược lại, dù cùng sử dụng ngôn ngữ lục bát, những vần "Kiều chế" khi cố "nhái" theo nguyên bản chỉ càng khiến người đọc nhận rõ sự tương phản giữa những vần thơ tài hoa của cụ Nguyễn Tiên Điền với những ngôn từ ngô nghê, gượng gạo mà các bạn trẻ khiên cưỡng "ép" vào.

Cùng là sản phẩm "tự phát", nhưng nếu biết cách - hoặc có một chút trình độ - phải chăng chúng ta cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong vô vàn những thứ đang trôi nổi trên không gian mạng?

Theo Sơn Tùng/Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast