Rơi xuống biển cả

(Baohatinh.vn) - Hoàng hôn ngắn ngủi đột ngột tắt. Xung quanh Tần bỗng đen ngòm. Tần đã rơi xuống cái vực thẳm khủng khiếp: biển cả!

Ngập ngụa trong khối sự kiện rối mù và hỗn loạn, thoạt đầu, Tần không hiểu gì hết. Nhưng rồi, trong giây lát, sau khi đã tách được mình ra khỏi sự kiện, Tần đã hiểu, hiểu một cách thật rõ ràng, tất cả những gì đã xẩy ra. Con tàu vận tải của anh đã gặp địch! Phải, con tàu đã gặp địch. Không ai, nghĩa là tất cả 36 thủy thủ, một anh thợ máy và ông thuyền trưởng trên con tàu đưa hàng vào trong kia, tỏ ra sợ sệt khi gặp địch cả. Nhưng, gặp địch vẫn là việc không may và không ai muốn xẩy ra. Nhiệm vụ của họ dẫu thế nào cũng vẫn là tránh gặp chúng, là đi trong thầm lặng và cập một cái bến nào đó thật hoang vắng với mấy trăm tấn lương thực, vũ khí cho đồng đội đang chiến đấu ở trong đó, miền cực Nam của đất nước.

roi xuong bien ca

Minh họa của Huy Tùng

Vậy mà, đụng phải nó rồi. Nó từ một đường chân trời nào đó ngoài khơi xa ập tới, vây chặt bọn anh, tỏ ra có một bản lĩnh cao cường trong nghề hải khấu, phụt hàng chùm lửa xuống, chụp lấy con tàu nhỏ bé của anh. Không nhìn thật rõ nó là F4, F105 hay AD6, OV10... Một vùng nước tung sóng, cuộn xoáy, giống như trung tâm một cơn bão. Lại có vẻ như một cuộc tranh hùng của ác điểu và thần ngư từ thời hồng hoang trong những huyền thoại xa xôi.

Tần tối tăm mặt mũi. Bài bản của cuộc chiến đấu chống chọi với kẻ thù trên trời, giữa biển cả mênh mông, sẽ không có tác dụng gì cả, nếu như không biến nó thành những hành động có tính bản năng. Sự sống đánh nhau với cái chết. Con tàu nhỏ nhoi chống trả lại sự áp đảo của bầy máy bay hung tợn. Và kỳ diệu thay, con tàu đã thắng: nó vượt qua lưới lửa bủa vây của kẻ thù.

Lẩn trong sóng, con tàu trườn đi.

Nhưng riêng Tần, thủy thủ phụ trách khẩu 12 ly 7, căm giận nâng cả khẩu súng nặng chĩa lên trời, đã bị hất ra khỏi boong tàu.

Biển cả nuốt chửng Tần một cách thật thản nhiên. Anh thoáng nghĩ: thế là hết, chào các đồng chí. Nhưng vừa chìm xuống nước độ hai sải tay, anh lại nổi bồng lên, giống như một chuyển động tất yếu, thật là giản dị và hết sức khó hiểu! Không! Đời anh chưa hết. Chết vậy mà khó đấy!

*

Sự thật, mới 22 tuổi nhưng Tần đã là một chiến sĩ, một thủy thủ từng trải. Trước chiến tranh, anh chỉ là một thủy thủ trên một con tàu 250 mã lực, làm nhiệm vụ nghiên cứu biển mà thôi.

Con tàu của anh nhỏ bé, hiền lành, sơn trắng, đẹp như con tàu du lịch. Chiếm phần đông bán đảo Trung Ấn, nước ta diện tích là 329.600 km2, nhưng có tới 3.260 km đường bờ biển. Tổ quốc ta là một tổ quốc biển. Chúng ta có một nền văn hóa biển. Đó là bài học đầu tiên anh tiếp nhận được khi từ một làng biển miền Trung tới nhập ngũ và học tập ở Hải Phòng. Hải Phòng! Con tàu xuất phát cũng từ đó. Mỗi chuyến đi kéo dài mươi ngày. Chạy theo tốc độ 12 hải lý một giờ. Cứ sáu mươi phút, nó lại dừng ở một điểm quy định trên hải đồ. Dừng lại để các chuyên gia quan sát mây, xem sóng, đo gió, lấy nhiệt độ từng độ sâu rồi phân tích thủy hóa, lượng nitơrat, silicát, độ mặn và ô-xy. Tiếp đó, nó vận hành với tốc độ người đi bộ, để đánh bắt hải sản.

Và lúc này là công việc của bọn anh. Đánh bắt để nghiên cứu, thuần một việc nghiên cứu, nghĩa là gồm cả một hệ thống công việc như phân loại, lấy mẫu, trong đó, có cả việc thu thập những sinh vật phù du. Công việc thật là một trường cuốn hút say mê. Sinh vật vùng biển nước ta kỳ lạ hơn cả sức tưởng tượng của anh: Có loài mực chỉ nhỏ bằng ngón tay. Cá chuồn có cánh, luôn thay đổi màu sắc. Cá ngựa nuôi con ở bụng. Cá hồi gù lưng, đến kỳ phát dục, cả cá bố, cá mẹ bơi về sông và sau sinh nở, cá bố mẹ đều chết hết. Cá quỷ râu dài lõng thõng, phát sáng. Con nhám beo tức con mập hung dữ lại sợ nhất con cá ép vì nó bé thôi, nhưng một khi nó ép được vào mình thì nó ăn nhớt nhẽo và hút luôn cả sinh lực của con ác ngư này...

Là thủy thủ còn rất trẻ, vào đời, Tần làm quen ngay với biển và chỉ độc có biển thôi, như người đàn ông chỉ biết mỗi người đàn bà là vợ mình vậy. Biển là vậy. Đó, đang ở vào trạng thái không trọng lượng, cả thân mình dập dềnh, chơi vơi, đột nhiên như mất đà, anh bị hút trụt một cái xuống một vùng đen ngòm hoăm hoẳm như âm ti địa ngục. Đó, quanh anh, lúc mờ mịt bụi nước, lúc lồng lộng một khoảng trời xanh. Anh là thứ đồ vật bị tung hứng trong một bàn tay thiên tạo khổng lồ.

*

Thái Bình Dương, trớ trêu thay cái tên hiền hòa! Sóng lớn là trạng thái thường xuyên của nó. Chao ôi! Giữa cái đại dương vô định này, một hàng không mẫu hạm khổng lồ, thậm chí, cả một hạm đội liệu có ý nghĩa gì, huống hồ một con người, một chàng thủy thủ, kể cả chàng ta như anh, đứng giữa đồng đội cao vọt lên, một mét bảy, nặng bảy chục ký. Tần thuộc loại đặc biệt về tầm vóc, sức nặng, nhưng những chỉ số ấy, có nghĩa lý gì với biển cả? Nghĩa lý gì với cơn bão cấp 10, có ngọn sóng tỏa dài, bọt dày đặc, trắng xóa từng dải lớn. Nghĩa lý gì với cơn bão cấp 11, sóng lớn tới mức che lấp cả một con tàu nhỏ. Vô nghĩa hết, cả con người anh trước những con sóng lừng lững, cao dài như những sơn mạch. Trời! Chúng chồm tới, đè rập anh, cuốn anh vào trong nó, tung anh lên rồi lại nhận anh xuống. Anh bị ném đi, bị giằng lại. Anh giống như một cái cọng rác thôi.

 Tuy vậy, may mắn cho anh, không một chút quyền lực nhưng anh chưa đến nỗi là vật vô tri. Anh còn trí não. Anh nhớ khi con tàu gặp địch là lúc nó đang ở cách bờ biển ba mươi hai hải lý. Điều đó khiến anh bớt đi nỗi cô đơn. Và điều quan trọng hơn, ký ức anh vẫn văng vẳng lời căn dặn, rút ra từ kinh nghiệm sông nước cốt tử của ông cha: Rớt xuống biển, tuyệt đối không được bơi. Chà! Không được bơi! Bửu bối sống còn là đây. Đừng chống lại tự nhiên. Và vấn đề là lựa được chiều con sóng, nương theo sóng, trở thành một bộ phận của con sóng, một phần tử của tự nhiên!

*

Theo sóng, Tần như cái xác dật dờ trên biển cả.

Ngày thứ mấy rồi, những nỗ lực của anh chỉ có thể dồn vào việc nhìn mặt trời, ngắm con sóng để tìm phương hướng và đưa mình truồi theo chiều sóng đổ. Nhưng buồn thay, chỉ những nỗ lực ấy thôi, chúng cũng đã hút cạn dần nguồn sinh lực ở anh rồi. Bây giờ thì nước mặn đã ngấm qua da thịt anh, xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng anh, người anh đang nhão ra, có cảm giác nó sũng nước. Có cảm giác anh sắp hòa tan với biển. Không còn là một thực thể nữa, anh rơi vào trạng thái nửa mơ, nửa thực. Bảng lảng xa gần trong anh những ý nghĩ kỳ quặc, những hình ảnh nhòe nhoẹt, thực thực, hư hư...

 Và sau cùng thì có lúc anh nhận ra, có một gương mặt con gái vẫn thi thoảng lại chập chờn hiện về trong óc anh. Cô gái tóc tết đuôi sam, mặc áo xanh, da nâu hồng, rắn rỏi. Cô vẫy tay khi con tàu anh nhổ neo. Còn thuyền trưởng của anh là một ông già xuất thân ngư dân, một con người lý thú. Ông nói: các chú phải đi biển cả đời mới hiểu biển được. Tất cả các dòng nước của các con sông lớn đều hợp lưu về đây mà không làm nó đầy. Tất cả các dòng nước từ nó chảy ra mà không làm nó vơi. Rồi ông thêm: Thần tình chưa? Đó là lời của Trang tử!

Xuất thân ngư dân nghèo, đi biển phải thuê thuyền, thuê lưới, cá thu về chia tứ lục, sáu phần thuộc chủ. Đời ngư dân đã vốn khổ cực và hiểm nguy. Nhưng, ông nói: Sóng gió là cái lẽ thường ở đời, có gì mà kêu than! Ông kể, ông là một trong năm người sống sót sau trận tố ngày 25 tháng 6 ta năm nào. Hôm ấy, nghe tin có đàn cá nục về, cả làng hơn trăm thuyền, gần ba trăm trai tráng liền dong thuyền ra khơi. Ham quá vì chỉ mấy vòng lưới, cá đã chất đống đầy khoang. Ham quá đến mức quên cả nhìn trời. Tới lúc bão nổi, sóng lưỡi búa bằng tòa nhà bổ xuống, thuyền chúi xuống, ngóc lên như mũi tên bắn, mới hốt hoảng tìm phương trốn chạy. Không kịp rồi! Một trăm con thuyền không chiếc nào trở về. Trở về chỉ có năm người. Vì sao mà trở về được? Đó là một điều lạ. Lạ lắm! Nhưng lạ hơn, ông nói, cứ tưởng sau đận sợ đến mất trí, mất mật ấy thì phải tởn đến già, vậy mà, không! Ồ, lững thững đi lại được đã lại mò ra bờ biển và đưa con mắt nhìn ra khơi xa, như có ai hẹn hò ngoài đó rồi. Thì ra có nỗi nhớ biển. Thì ra, đã sinh ư nghệ tất thảy không sợ tử ư nghệ. Hành thuyền, kỵ mã, mối nguy ở ngay cạnh. Nhưng sống ở đời là phải vẫy vùng, không vẫy vùng sao gọi là con người!

Ông tin vào tướng số, vận mạng và những điều cấm kỵ thiêng liêng. Xuất phát, gặp đàn bà đi ngang qua, ông quay lui, chờ giờ khác. Ông vẽ hai con mắt lên hai bên mũi con tàu. “Giang sơn đâu anh hùng đó”. Ông nói. Ông có vẻ sắt đá. Nhưng tàu đi qua Bình Định quê ông, ông đứng nhìn vào phía bờ lờ mờ hàng dừa, nước mắt ứa dòng dòng. Vợ con ông còn ở đó, trong vòng kìm kẹp của giặc.

Thợ máy con tàu của anh là một gã trai suốt ngày cởi trần trùng trục dưới hầm máy. Lấy vợ đã hai năm nhưng gã chỉ được ở với vợ có một tuần. Bây giờ, ông thuyền trưởng bảo: “Con mi một tuổi hơn rồi”. Và gã tin điều đó. Ông thuyền trưởng xem tướng cho tất cả mọi người. Đúng giờ ngọ, mặt trời ở thiên đỉnh, ông bảo, tất cả xếp hàng trên boong và lần lượt phán truyền. Hóa ra, tất cả đều thọ khảo, sống đến ngoài tám mươi cả.

Câu chuyện khiến mọi người vui vẻ. Và tình bạn bè, đồng chí, những người trên một con tàu hình như nhờ thế lại thêm khăng khít. Những người trên cùng một con tàu! Thì cũng giống như những ngày còn chưa nhập ngũ, chưa vào vai thủy thủ trên con tàu nghiên cứu biển, Tần ở trong đội thuyền hợp tác xã của bọ Thới. Bọ Thới đã ngoại sáu chục tuổi thì hơn năm mươi năm đi biển. Ôi, cuộc sống biển khơi! Đất liền có cái chi thì ở ngoài khơi cũng có cái đó. Ngoài khơi có thú vui như dong thuyền thi với đàn cá heo. Có lúc bồi hồi nghẹt thở như lúc gặp con mập hắn bám, phải nung đỏ hòn đá thả xuống cho hắn đớp hắn chết. Lại có lúc gặp vùng rạn có ma, hắn nổi chiêng trống làm mình mê mẩn, rồi cho con thuyền ma hiện ra, trêu chọc đưa mình đi lòng vòng, khiến mình không còn nhớ lối về. Không có đồng đội thì sống với ai, nhờ cậy ai, ở biển khơi này!

*

Mở bừng mắt đúng lúc trong mê tỉnh, Tần nhớ tới những con thuyền ma. Trên đầu anh lúc này đang gầm gào tiếng máy bay giặc, giống như tiếng kêu của con mèo hoang trên nóc nhà đêm đêm ở khu sơ tán. Anh nằm ngửa, tỉnh hẳn khi nhận ra chúng đông như lũ chuồn chuồn trước cơn mưa.

Một chiếc trực thăng hạ dần độ cao và rạt qua anh, là là sát mặt sóng. Anh nín thở. Một chiếc thứ hai nối theo vệt bay của chiếc thứ nhất. Quanh anh là những vòng tròn xoáy lượn. Phản lực quần trên cao. Trực thăng săm soi, nhòm ngó dưới thấp. Chúng đang đi tìm chiếc tàu bé nhỏ của anh hay chúng đang đi tìm anh? Chẳng hiểu nữa! Nhưng rõ ràng là những vòng lượn của chúng càng lúc càng xoáy tít, vang ầm mặt biển. Chúng phá vỡ trật tự của con sóng. Tuy những con sóng chỉ vỡ ra chốc lát rồi lại liền mạch, chồm dậy. Và anh nhận ra mình đang chơi trò chơi ú tim lẩn mình trong sóng với bọn giặc. Tuy rất tiếc là hình như đã có lúc sóng không tiếp nhận anh. Anh bị đẩy lên, cả thân mình như bị phơi ra giữa trời. Và bọn giặc đã nhìn thấy anh. Anh nghe thấy tiếng một cái cánh quạt quay rất chậm và ngước mắt, anh nhận thấy một chiếc trực thăng Mỹ đang hạ độ cao ngay trên đầu anh.

“Trời! Giá mình còn khẩu 12 ly 7”. Mũi anh cay xộc lên. Anh úp mặt xuống nước, nín hơi. Sóng lại đưa anh lên cao. Trên ngọn sóng, anh lại nhìn thấy cái cánh quạt nghều ngào dài như hai cái đòn gánh của chiếc máy bay nọ quay ngật ngưỡng như sắp rụng. “Trời! Ngon quá! Tao mà có một khẩu súng thì mày chết với tao”. Anh nghĩ, và một lần nữa lại chúi đầu xuống nước. - Hỡi anh em cán binh Bắc Việt! Anh em đã bị lạc giữa biển... Tiếng cái loa nào vọng xuống dưới nước vậy? Anh ngoi lên, nhận ra chiếc máy bay nọ đang luẩn quẩn tìm mục tiêu, nó vừa bay vừa gọi loa, bụng nó lõng thõng một cái thang giây mời mọc. “Hết săng là mày phải về thôi”. Anh nghĩ và chìm vào cơn mê.

Cuộc đối mặt không cân sức và kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ tiêu hao đến giọt năng lượng cuối cùng trong bầu năng lượng dự trữ của cơ thể của Tần. Tần mệt lả, hồn đã ra khỏi xác, phiêu du trên vòm trời bát ngát.

Phiêu du trên vòm trời bát ngát nên có thể nhìn thấy một sớm mai trên bờ biển nọ, dạt vào cùng vỏ sò, vỏ ốc, mai mực là hình xác anh. Mai mực, vỏ ốc, vỏ sò, cụm bèo thì quen quá rồi. Lạ chăng là hình xác anh. Và vì vậy, những người dân ở bờ biển nọ đã kéo đến và họ đưa anh vào một mái lều trên bờ cát, cạnh những con thuyền đang úp mặt để đốt hà. Anh đã chết rồi. Lấy gì ăn mà chẳng chết. Nhưng, người này là ai vậy? Người này là ai đây? Đó là một câu hỏi muôn thuở không thể trả lời ngay và rất có thể là chẳng bao giờ trả lời được. Vì có dấu chứng gì làm căn cứ để trả lời. Con tàu đi vào trong kia rất có thể sẽ gặp trắc trở, không tới đích hoặc có tới đích thì mọi người rồi cũng tản mát vào mớ công việc bận rộn, cấp bách khác. Người này là ai đây? Những vết chai sần trên bàn tay thủy thủ của anh ngâm trong nước đã nhão nát rồi còn đâu nữa. Anh và tên biệt kích người nhái, kẻ bán mình cho bọn xâm lược, thì cũng một cái mặt bợt bạt giữa đám râu tóc rậm cứng vì nước biển thôi!

Nhưng mà thôi, cuộc sống là vậy đấy, có gì mà phải than van. Tần mở mắt lần này, cùng với sự tan biến của ảo ảnh là cơn đói ngấu nghiến bào xé ruột gan. Đói quá, đói như sau một buổi làm việc căng thẳng trên boong tàu. Cơn đói đến đồng thời với sự cơn thức tỉnh của xúc giác. Ngứa ran lên, anh nhận ra khắp chân tay, mình mẩy như được bao bọc bằng một lớp vải rất dày nặng. Anh đưa tay sờ soạng. Trời! Thì ra từ cổ anh trở ra đến hai vai đã bám đầy một lớp rong rêu xanh lè. Ôi! Rêu rong biển cả đã bám vào anh, như bám vào một đồ cổ chìm dưới đáy biển. Anh thấy buồn buồn ở cổ. Một con cua gại gại cái mũi chân sắc nhọn lên da thịt anh. Anh cố nhô người lên trên ngọn sóng. Trên người anh là cả một công ty hải sản: ốc, cua, sò, tôm, hến. Chúng đến kết bạn với anh.

Bảy ngày sau, Tần theo sóng biển dạt vào đất liền. Da mặt bóc đi một lớp. Khắp người, da tróc những mảng lớn. Mắt thụt sâu. Tóc soăn rít. Lớp rong rêu kết một mảng trước ngực vẫn còn bám riết anh như những người bạn đồng hành tự nguyện dâng đời mình cho sự sống của anh.

Đất nước mình với diện tích 329.600 km2, chiếm phần phía đông bán đảo Trung Ấn trải dài trên những 3.260 km dọc theo bờ biển. Đất nước mình là đất nước của biển. Chà! Bài học đầu tiên! Ưu thế đặc hữu ấy, giờ thể hiện ở ngay số phận anh.

*

Chuyện này tôi được nghe từ năm 1976, sau ngày kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Người rơi xuống biển lúc ấy đã chuyển công tác về nhà máy đường H.H. từ sau khi đất nước thống nhất. Chính anh kể lại toàn bộ sự việc cho tôi nghe khi tôi tới đây. Sau đó, tôi đem chuyện anh kể, nói lại cho mọi người biết. Buồn thay, chả ai tin đó là chuyện thật cả.

Một con người, trong hoàn cảnh cô độc khủng khiếp ấy, bé nhỏ, hèn nhược, nguyên khiếp đảm và tuyệt vọng cũng đủ chết rồi! Buồn rầu, bực bội, tôi tìm lại địa chỉ của người đã rơi xuống biển và đã sống sót trở về nọ, viết thư cho ông, những mong ông có thể nhớ thêm chi tiết nào để bảo hiểm thêm cho tính chân thực của câu chuyện, thì được ông trả lời: Chuyện đã qua lâu quá rồi, giờ ông cũng đã già quá, ông chẳng nhớ thêm được chi tiết nào nữa!

Không còn thêm một chi tiết nào nữa để tăng sức bảo hiểm cho câu chuyện. Nhưng bây giờ nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy như thế cũng chẳng sao. Hoa đồng nhất với chính nó mà không cần gì thêm nữa, hoa đẹp là vì thế. Biển cả cũng vậy. Có gì đúng và kỳ diệu hơn sự thật! Sự thật là biển khơi nơi chứa đầy những chuyện lạ lùng về cá mú, phong ba và cuộc đời thủy thủ vốn là nơi sinh dưỡng những câu chuyện lãng mạn, phi thường; cũng như cuộc đấu lưng sấp ngửa giữa cái sống và cái chết thường cuối cùng thế nào cũng được kết thúc một cách kỳ lạ nhất. Vì con người, tức là một mảnh nhỏ của cả cuộc đời rộng lớn như biển cả này, chết đâu có dễ dàng thế! Vì người mình là người của biển cả mênh mông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast