Sách cũ

(Baohatinh.vn) - 1. Một giờ chiều. Nắng thành phố vẫn chang chang đổ lửa. Cuốc bộ, nhảy cóc từng đoạn, tận dụng từng bóng lá, mái hiên mà trốn nắng. Con phố dài dặc, dường như duy nhất một tiệm photocopy. Tiệm nhỏ, lúc nào cũng nườm nượp khách…

Tôi là khách lạ, mới nửa tháng đặt chân lên thành phố này.

Minh họa của Huy Tùng

Minh họa của Huy Tùng

Trại viết sắp kết thúc và các trại viên đang cuống cuồng lo khâu “nộp quyển” (hay “trả nợ áo cơm” tùy người thích gọi). Trại địa phương. Không thiếu người trước ngày đi trại còn loay hoay mướt mồ hôi với kềm kéo, cuốc cày, chợ búa, tay chai sần, mặt lọ lem. Viết lách là chuyện tay trái, đương nhiên không phải “nghệ sĩ” nào cũng biết (chớ đừng mong thạo) chuyện gõ ngón tay lên cái keyboard nói chi đến chuyện kè kè laptop theo người như dân chuyên nghiệp nơi các trại viết trung ương? Hai mươi mấy trại viên với tám mươi phần trăm là bản thảo viết tay – từ khâu đánh máy, in trang A4 đến photocopy, đóng, xén… - trăm sự đều nhờ vào mỗi một tiệm photocopy để ra được cái bản thảo không “phạm trường quy”. Đầu trại tùng tơn, cuối trại mới đổ xô chen lấn đi lo, khó trách tiệm đông nườm nượp!

Tôi thuộc trong số hai mươi phần trăm còn lại; có laptop, có USB; mọi chuyện đơn giản hơn. Văn bản có sẵn, chỉ ra tiệm nhờ mỗi công đoạn in, phô, đóng xén cái rẹt là xong. Có điều, hôm nay là hạn chót!

Tiệm kia. Rành rành tấm bảng Photocopy, in ấn, đánh máy vi tính và v.v… hoành tráng bên trên. Nhưng… cái gì vậy: cửa sắt bên dưới đóng kín. Chốt ngoài, lủng lẳng ổ khóa to đùng! Ánh phản quang từ càng khóa thép mạ kền như con mắt lóe ngạo nghễ nhìn tôi! Đừng bảo chủ tiệm nghỉ việc đi chơi xa nghe, trong nghìn lẻ một chuyện không muốn nghe lúc này, ấy chắc là chuyện tôi… ít muốn nghe nhất!

- Chị… gì ơi!...

Tiếng gọi từ cửa tiệm kế bên. Đưa mắt nhìn sang. Là một tiệm sách cũ. Cô hàng còn trẻ, khá trẻ.

- Chị muốn photo giấy tờ phải không? Họ nghỉ trưa rồi. Một rưỡi chiều mới mở cửa.

- Hôm nào cũng vậy sao cô?

- Dạ, hôm nào cũng vậy…

Còn đến ba mươi phút. Không lẽ quay về. Tưởng đến cảnh cuốc đi cuốc về hai hiệp giống vừa rồi dưới cái nắng chang chang mà hãi. Còn chờ, chẳng lẽ đứng chôn chân “đối thoại” những ba mươi phút cùng cái ổ khóa đáng… băm vằm kia? Đi dở, ở chẳng xong, đúng là tiến thoái lưỡng nan. Giậm cẳng giậm chân sốt ruột, tần ngần…

- Chị… gì ơi!

- …

- Chị có… cần gấp lắm không? Hay để em gọi.

- Thôi thôi, không cần đâu. Mình đợi được…

Bực thì nhăn gỡ gạc vậy thôi. Vẫn biết do cái… số xui của mình chớ phải tại họ đâu! Làm gì cũng phải nghỉ trưa lấy sức, ăn cơm. Có khi giờ họ đang ăn. Trời đánh tránh bữa ăn. Chuyện mình to tát gì. Vài mươi trang bản thảo photo, thu lợi chưa đến mười nghìn đồng. Làm gián đoạn bữa cơm của người ta, phải tội chết…

- Chị ơi, qua bên em mà chờ, đứng chi mỏi chân. Còn lâu lắm…

Lần này, không chỉ gọi suông mà tay ngoắc, tay kia chỉ chỉ chiếc ghế thấp.

Nhiệt tình quá. Ngại thật!

2. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến thành phố này. Thành phố nổi tiếng là “địa chỉ đỏ” trên các tour du lịch cả trong lẫn ngoài nước. Đúng là không tệ. Từ cảnh quan thiên nhiên đến nhân tạo. Uy nghi và lộng lẫy. Ngang bằng hoặc vượt trội so với các thành phố mà bước chân phiêu lãng tôi từng có dịp đi qua. Vậy nhưng, ấn tượng thì chưa! Chưa một tín hiệu đặc thù nào đủ sức đánh thức cái giác quan thứ 6 của tôi. Tín hiệu sẽ in dấu ấn cảm xúc không lẫn, không phai, để sau này, dẫu có đi qua hàng trăm, hàng nghìn thành phố lộng lẫy, uy nghi tương tự thì vẫn không nơi đâu khơi gợi được một cảm xúc trùng lặp, in chồng! Với người cầm bút, đó chính là khoảnh khắc tìm thấy, bắt gặp, hội ngộ. Mười lăm ngày. Thời gian không dài nhưng cũng không quá ngắn cho một cơ may hội ngộ. Đủ duyên ắt gặp.

Vậy mà chưa gặp.

- Chị… từ đâu tới? Em trông chị không phải người ở đây?

- Ừ, mình lần đầu tới đây. Mình người Nam. Sao bạn biết?

- Em nghe giọng nói…

À, phải. Đơn giản vậy mà không nghĩ ra. Cô bé tinh ý thật. Nhìn kỹ một chút: ăn mặc giản dị, mặt mũi không chăm sóc cầu kỳ nhưng vẫn rất duyên. Cái duyên của hoa hàm tiếu chưa đến lúc mãn khai, của người duyên chưa biết mình duyên, chưa cố sức làm duyên, chân thành đến tự nhiên, mộc mạc hóa ấn tượng! Gian hàng của cô bé rộng chỉ non 3 mét, trong tôi tối, chất đầy sách cũ. Cái bóng tiết kiệm 15w tỏa quầng sáng trắng nhợt, soi lên gáy vài cuốn sách, vài bộ sách từng nổi tiếng một thời: Sông Đông êm đềm, Ruồi trâu, Dấu chân người lính… Đọc cả rồi. Hai người khách, hai cô bé, chắc là sinh viên, mũ nón sùm sụp, nhễ nhại mồ hôi trờ xe đạp tới, phóng xuống, lao vội vô trong. Thêm hai cô bé, tiệm bỗng trở nên chật chội. Cô chủ tươi nét mặt, rời đống sách cũ nằm chờ “tân trang” ra tiếp khách.

- Mua gì mua giùm chị đi, mấy bé….

Giọng nhiệt tình và vui vẻ.

- Chị có Trăm năm cô đơn không? Không à, vậy Tiếng chim hót trong bụi mận gai hay Tội ác và trừng phạt cũng được. Bán hết rồi à, tiếc nhỉ! Thôi chào chị, lúc khác, tụi em ghé.

- Ừ, nhớ ghé ủng hộ chị nha...

Tiễn khách. Giọng vẫn vui vẻ, nhiệt tình rất thật!

3. Chờ lâu phát bực. Nhìn đồng hồ đã một rưỡi mà cửa hàng photocopy vẫn đóng im ỉm. Lỡ rồi, chờ thêm chút cũng không việc gì. Nhưng... hàng sách chật chội mà cái ghế mình ngồi – cả ghế, cả người - lại choán mất một phần ba mặt tiền. Ấy là mình đã cố thu người cho nhỏ gọn đến mức có thể. Thật ngại quá...

- Một rưỡi rồi. Chà, sao ra muộn dữ? Thôi để em gọi...

- Đừng, chắc họ mệt nên ra muộn. Mình đợi thêm chút, không sao! Mà... hỏi thật bạn nha: mình ngồi lâu thế này có phiền không? Chỗ mua bán của bạn, mình ngại...

- Ấy, chị đừng ngại, phiền phức gì đâu. Trưa, quán em vắng khách. Mà... có khách chị cũng cứ ngồi chơi, không sao!

Lại một nụ cười chân thật đến dễ thương. Nụ cười đủ sức đóng mác ISO lên câu trấn an đầy xác quyết nói trên. Nụ cười giúp tôi yên tâm được 50%. Và cũng cởi mở thêm 50%. Tôi bắt đầu thấy thích cô hàng sách...

- Sao bạn không đóng cửa nghỉ trưa như cửa hàng photo?

- Trời, họ đắt hàng chứ buôn bán ế ẩm như em làm gì dám mơ đến giấc ngủ trưa? Chịu khó thức lát trưa ngóng khách còn hy vọng kiếm thêm...

Hiểu rồi, chúng ta đang sống trong một thế giới mà những đồng bạc chân chính và lương thiện luôn khó kiếm! Tự nhiên thấy trắc ẩn. Tự nhiên thật bụng muốn làm chút gì giúp đỡ cô bé. Tôi đứng dậy, tiến vào trong.

- Bạn cho xem qua chút. Mình muốn mua một cuốn...

- Ấy, chị đừng vậy, không phải em mời chị qua… mua “ủng hộ” em đâu!

Vẫn mắt mở to, nhìn thẳng và một giọng nói rất ISO.

- Không, không phải ủng hộ bạn, mình muốn mua thật mà! Để xem có cuốn nào chưa đọc. Mình hay mua sách cũ (câu này là thật)...

- Dạ, nhưng...

4. Con người luôn có khát vọng đi tìm những giấc mơ. Đó là một cách… - không, một nỗ lực - liếm láp, băng bó những vết thương hiện tại. Quá khứ giúp vá lành hiện tại. Vậy nên, những giấc mơ luôn mang sở thích lội ngược dòng đi kiếm tìm quá khứ. Mơ đối trọng cùng thực, cân bằng cho cái thực. Đương nhiên, nhân loại càng tinh khôi, hiện đại càng mơ giấc mơ cũ càng, truyền thống...

Tôi, con người của thế giới mới, cũng luôn khao khát những giấc mơ cũ càng, truyền thống. Hy vọng, tôi đang tìm thấy giấc mơ của mình, ấn tượng của mình, nơi cuối cuộc hành trình.

-

Bạn..., à không, em, tính tiền đi, chị gửi!

Tiểu thuyết Những linh hồn chết của Gogol. Bản in đầu thập niên tám mươi. Giấy hẩm, ố vàng. May, chữ vẫn đọc được.

- Cuốn đó há? Dạ, chị gửi em ba chục.

- Sao rẻ? Em có tính nhầm...

- Dạ, không nhầm. Em tính đúng giá. Mà chị... tinh thật đó! Sách hay vậy sao em chờ lâu lắc không thấy ai mua...

- Có lẽ do nó hơi cũ, chìm lấp trên giá, khách không để ý...

- Ừ, chị nói đúng. Khách mua đa phần ham sách mới, ít quan tâm sách cũ. Mà sách cũ mới nhiều cuốn hay...

Câu nói khiến tôi hơi giật mình. Tôi nhìn kỹ cô hàng sách lần nữa, sau đó trả tiền, cám ơn và bước qua hiệu photocopy vừa mở toang. Sau lưng, chắc chắn vẫn một nụ cười tươi chất lượng ISO đích thực tiễn chân tôi. Nhét cuốn sách cũ của Gogol vào túi xách tay, tôi còn cẩn thận nhìn xem liệu sách có bị có quăn bìa, xếp góc chỗ nào không trước khi cài khóa bấm…

Giờ thì tôi tin chắc mình đã tiêu tiền đúng chỗ, mua đúng cái cần mua, cho dù tôi đã đọc Những linh hồn chết của Gogol không dưới năm lần!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast