Sông không trở lại

Nhà văn Phương Trà
Nhà văn Phương Trà

Một cơn mưa nữa lại ào tới. Nó tới thiệt mau mà dứt cũng thiệt mau. Nó đổ rào rào trên mấy tàu lá chuối, trên mái nhà. Nó đi trước, báo hiệu cho những trận mưa dữ hơn, dai hơn, sầm sập sầm sập cùng những trận gió bấc.

Bà Sáu vần nồi cơm xuống chỗ than hồng. Có tiết, hèn chi mấy bữa nay mình mẩy đau nhức. Mưa kiểu này chắc nấm mọc nhiều lắm đây. Phải chi chưn cẳng còn dẻo dai thì cắp rổ vô rừng. Có khi bưng về hổng hết, lớp xào, lớp đúc bánh xèo. Phải chi…

Bà nghe có tiếng chân người đang đi tới, lối bên hông nhà. À, thằng Mạnh chớ ai.

Mạnh sùm sụp áo tơi, tay xách xâu cá.

- Con ra sông, có mấy con cá tràu…

- Trời đất. Mấy con rô phi cháu đưa hôm qua còn trong xoong kia kìa. Để bển ăn, khỏi mất công đi chợ.

Mạnh cởi áo tơi, vắt lên chiếc gióng treo bên chái bếp.

- Dạ, mình con làm biếng nấu. Con qua ăn cơm với bác nghen!

- Thì tao nói rồi, qua đây ăn với tao. Ở bển một mình buồn hiu.

Bà Sáu thấy vui trong bụng. Người già đâu ai muốn ở một mình. Thui thủi đi ra đi vô, buồn, nhớ chuyện xưa, lại càng buồn. Thằng Mạnh cũng thui thủi một mình, cũng có nỗi buồn giống bà. Đận trước biểu nó qua bên này, hai bác cháu hủ hỉ cho vui. Nó chịu rồi, vậy mà con Thanh nói câu gì đó, nó đổi ý.

Nhìn Mạnh lui cui làm cá, tự nhiên bà thấy thương quá! Ngoài bốn mươi mà nhà trống thông thốc, không có bóng đàn bà, không có tiếng trẻ con. Mà nó với con Thanh cũng lạ! Cho tới bây giờ cũng cứ trơ mắt nhìn nhau. Không biết trong bụng tụi nó nghĩ cái gì… Phải chi thằng Mẫn còn sống, giờ này bà đã có cháu nội.

Ngày nào, bà Sáu cũng bụng bảo dạ: Phải chi, phải chi… Ý nghĩ như một cuộn chỉ rối bung xung trong đầu. Có khi nó là những cái gai, chích nhẹ nhẹ mà đau lắm.

Mâm cơm vừa dọn ra thì Thanh tới. Chị cắp một cái rổ, đậy lá chuối ở phía trên.

- Con gặp nấm dưới chân núi. Biết bác thích ăn bánh xèo nên…

Bà Sáu tặc lưỡi:

- Cha, người thì cho cá, người cho bánh xèo. Sẵn bữa ngồi lại ăn với bác chén cơm, có thằng Mạnh đây.

Bà Sáu sắp bánh xèo ra dĩa, vừa sắp vừa trầm trồ:

- Ngon quá ta! Bánh xèo mà đúc với nấm là nhứt hạng, thịt thà gì cũng hổng bằng. Hồi thằng Mẫn…

Bà ngừng lại. Bà biết mình không nên nhắc chuyện đã thành ngày xửa ngày xưa. Giờ đây, Mẫn là tảng đá vô hình chắn giữa họ. Bà lờ mờ hiểu được điều đó nên tránh nhắc tới Mẫn mỗi khi có mặt hai người. Tại mấy cái bánh xèo, nó làm bà nhớ tới đứa con duy nhất đã hy sinh.

Thanh nhìn ra sân. Có một đám mây đang sà xuống mâm cơm. Bà Sáu cố xua đuổi nó:

- Thanh, ngồi xuống cầm đũa đi con!

Nhưng Thanh không ngồi. Chị nhìn Mạnh bằng cái nhìn không thể nào hiểu nổi:

- Dạ, con không ăn được cá tràu. Thôi, thưa bác con về.

Chị nôn nóng bước xuống mấy bậc cấp, tới chỗ chiếc xe đạp dựng bên hàng rào. Cơn mưa ào tới. Chị gò lưng, trong khi bà Sáu í ới kêu vô lấy cái áo mưa.

- Nó làm sao vậy ta? Rồi bà quay lại nhìn Mạnh – Tụi bay có chuyện gì vậy?

***

Mưa quất vào mặt rát rạt. Chiếc xe lâu ngày không sửa sang đã trở nên cọc cạch, lại do Thanh đạp thiệt nhanh nên khi tới chỗ cây sung già bên sông, nó dở chứng tuột sên. Chị dựng xe dưới gốc sung, lấy tay áo ướt sũng lau nước mưa đầm đìa trên mặt rồi bắc lại sợi dây sên. Lau qua quýt mất ngón tay dính nhớt đen thui xuống đám cỏ, chị ngồi dựa lưng vô gốc sung, hai tay ôm đầu gối, cảm nhận một nỗi buồn mịt mờ tứ phía.

Chị thấy mình sáu bảy tuổi, theo ba chèo sõng đi vớt rong trên khúc sông này. Chị thấy mình mười một mười hai tuổi, trưa trưa trốn nhà ra sông tắm. Nghe nói khúc sông này có ma da, lâu lâu nó lại kéo người ta. Người lớn thì thào những câu chuyện đầy bí ẩn, lắc đầu lè lưỡi. Tụi nhỏ cũng thì thào rồi rụt cổ lại. Nhưng mặc cho nỗi mơ hồ, mặc cho những trận đòn bằng roi táo nhơn, tụi nhỏ cứ trốn nhà đi tắm sông. Thanh cũng vậy, nhưng bên cạnh lúc nào cũng có hai thằng con trai cùng xóm, tuổi nhỉnh hơn một chút. Một đứa cũng như Thanh, bơi rất “chiến”, đứa kia chỉ biết chập chạ, lại nhát kháy. Trưa tròn bóng, ba đứa rủ nhau tụ tập ở khúc sông này. Đứa nhát kháy ngồi núp trong bụi, hai đứa bơi giỏi thì trèo lên cây sung, núp trên một cái nhánh dềnh dàng chìa ra trên mặt sông. Hai đứa ngồi thu lu ở đó, chờ bà nào vừa đi qua khỏi chiếc cầu tre gập ghềnh, kêu cọt kẹt là nhảy ùm xuống nước rồi lặn mất biệt. Trò này làm bà Bốn ở xóm trên quăng hết gánh rau mới cắt ngoài soi mà chạy, miệng la bai bải: Ma da! Bớ làng xóm có ma da!

Bữa nọ, cũng trưa tròn bóng, ba đứa lại trốn nhà ra sông. Đứa nhát lại ngồi trong bụi, còn hai đứa kia leo lên cây sung, chờ. Bà Bảy điếc vừa bước qua cầu, hai đứa từ trên nhánh sung nhảy xuống nước, quên mất là dù có kê miệng vô lỗ tai nói, bà cũng nghe tiếng được tiếng không. Bà Bảy không nghe nước kêu ùm ùm, nhưng ông Tư Thón rình ở phía sau thì nghe và thấy rõ. Chờ hai đứa lóp ngóp lên bờ, ông tới thộp cổ:

- À, con của Bảy thợ mộc với con thằng Chín giá đây mà. Tụi bay không chịu ngủ trưa mà ra đây hù người ta phải hông? Tao bắt tại trận rồi nghe, để coi cha tụi bay nói làm sao.

Ông Bảy thợ mộc, cha Thanh không nói gì hết. Nghe Tư Thón kể đầu đuôi, ông hầm hầm đi ra hàng rào, bẻ một cây táo nhơn to bằng ngón tay út, tuốt hết lá rồi hầm hầm đi vô. Thanh biết thân, lón nhón trèo lên phản nằm. Roi táo nhơn quất xuống trót trót bảy tám cái.

- Ma da nè! Hù dọa nè! Từ nay chừa chưa?

Thanh nói trong tiếng khóc:

- Thưa ba… từ nay… con không dám nữa.

Phóng cái roi ra sân, ông Bảy ra lệnh:

- Từ nay tao cấm mày đi với hai thằng đó. Con gái con đứa gì mà cứ theo chơi với con trai!

Bữa đó hai “con ma da” no đòn. Chỉ có đứa ngồi im thin thít trong bụi cây là Tư Thón không biết nên không tới nhà méc vốn. Hai ba bữa, nó lò dò tới, đứng thập thò ngoài sân.

- Thanh! Thanh! Làm gì đó mậy?

- Hổng làm gì hết, nhưng mà hổng đi được.

- Sao?

- Ba tao cấm.

- Trời đất! Thằng Mẫn không đi, mày cũng hổng đi, tao chơi với ai?

Cơm mưa yếu dần rồi dứt hẳn. Tiếng người lao xao ở ngoài soi. Những gương mặt vụt biến mất trên dòng nước mải miết chảy từ phía núi Bà, trong đám lau sậy um tùm xạc xào bao điều bí mật. Thanh lại thấy mắt cay cay.

***

Nhà Mạnh cuối xóm, trong một khu vườn rộng. Lâu lâu, bạn bè ở đơn vị cũ tìm tới thăm, chép miệng:

- Lỡ nửa đêm trúng gió, biết làm sao hả ông?

Mạnh cười:

- Chừng nào trúng thì hay.

Thiệt ra, chỗ ở thường xuyên của anh là một cái trại trong Hố Cùng. Tên là Hố Cùng, kỳ thực nó là một ngọn đồi nằm sát núi Bà, có suối nước chảy quanh năm. Từ một con bò vay vốn của ngân hàng cộng với vốn liếng dành dụm, bây giờ Mạnh đã có đàn bò hơn năm chục con thả trong đó. Năm rồi, anh bán bốn con, ủng hộ tiền xây hai phòng học cho tụi nhỏ trong vùng. Mới đây, anh lại bán bò, ủng hộ xã xây cây cầu bắc qua sông. Có người nói tại ổng không vợ con, đâu có ai cất tiền thành ra thong thả vậy. Người khác lại nói, thằng chả bị thương nên không bình thường. Đồng tiền làm ra mồ hôi trộn nước mắt, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu mà lại…

Nhờ có phòng học mới, tụi nhỏ không phải đi xa ba bốn cây số. Nhờ cây cầu xi-măng, mùa mưa nước gầm gào, cha mẹ không còn phải dẫn con đi qua chiếc cầu gỗ lỏng lẻo. Những chuyện đó cô giáo Thanh biết. Sau cuộc họp xã, chạm mặt anh, chị ngập ngừng rồi nói trổng trổng:

- Cảm ơn.

- Tôi làm vì mấy đứa nhỏ, không phải để nghe lời cảm ơn.

Thanh nhìn anh, cái nhìn tối hun hút:

- Và để lòng thanh thản nữa chớ.

Mạnh muốn nổi nóng:

- Tôi làm gì mà cần thanh thản?

Thanh đạp xe đi. Chừng như không nghe thấy câu hỏi, hoặc là không thèm trả lời. Bao năm nay, chị cần một lời giải thích, mà anh thì cứ im lặng.

Trước lúc nhập ngũ, Mạnh rủ Thanh ra cầu chơi. Từng khúc tre rung rinh, gập nghềnh dưới bước chân hai đứa. Mạnh nói:

- Tui đi, hổng biết chừng nào về…

- Chiến tranh mà – Thanh thở dài – Làm gì thì làm cũng coi chừng tên bay đạn lạc.

Mạnh cười:

- Mấy người nói y sì chị Hai tui.

Thanh mím môi:

- Thì tui làm chị Ba…

- Không, tui hổng muốn mấy người làm chị ba. Tui muốn… muốn mấy người chờ tui về …

Cuối cùng thì anh chàng nhát như thỏ đế cũng nói ra điều mà mấy chục lần, mấy trăm lần muốn nói. Thanh đỏ mặt, ấp úng:

- Tui… tui cũng không biết nữa!

Người trong xóm nói: Hai thằng đó, rồi cũng khổ với con nhỏ này. Ai cũng đoán Thanh sẽ chọn Mẫn, vì Mẫn xốc vác hơn, cao ráo hơn. Nhưng chiến tranh đã không cho ai cơ hội. Đến khi im tiếng súng, mọi thứ đã trễ quá rồi, muốn cầm muốn giữ cũng không được. Thì nói làm gì nữa?

***

Hay tin con hy sinh, bà Sáu chết điếng. Không một tiếng khóc nào bật ra khỏi cổ họng đã bị chận một hòn đá to. Không một giọt nước mắt nào rơi ra khỏi đôi mắt trũng sâu. Ai đó đang cầm dao cắt từng khúc ruột của bà. Chồng hy sinh không tìm thấy xác, bàn thờ vẫn còn trắng lạnh, bây giờ đến lượt đứa con trai độc nhứt ra đi. Bà Sáu đau đến chết đi sống lại. Bà trở thành cái bóng, lầm lũi đi ra đi vô trong căn nhà không còn tiếng cười. Người ta tản cư, bà ở lại. Sợ gì chớ, chồng chết con chết, bà có còn gì nữa đâu.

Hai ba bữa, Thanh lại tới thăm. Nhìn nó, nước mắt bà lại chảy. Phần bà nhớ thằng Mẫn, phần bà thương nó quá chừng. Từ cái lô cốt trên đồi ông Cọp, chúng bắn canh nông tới. Cả nhà chết bên mâm cơm. Bữa đó con Thanh đi đâu về trễ nên thoát. Nó lăn lộn trong đống đất lẫn với tranh, cào bới tứa máu mấy đầu ngón tay, lạc giọng kêu ba ơi, má ơi, út ơi..

Còn một mình nó, còn một mình bà. Hai con người đơn độc nương tựa vào nhau, an ủi nhau. Nhiều lúc nghĩ, phải chi nó là con dâu bà thì hay biết mấy. Rồi lại thấy mình hẹp hòi, chỉ biết có phần mình. Thằng Mẫn mà cưới nó, bây giờ nó thành góa bụa thì biết làm sao!

Chiến tranh kết thúc. Trai tráng trở về, đem theo những vết thương, những câu chuyện đạn bom khói lửa. Có người nói Mẫn và Mạnh đều thương Thanh. Hai người cùng một tổ công tác, Mẫn hy sinh còn Mạnh thì bị thương trở về, không thấy lạ sao? Nếu Mẫn không thương Thanh, chắc Mạnh đã cõng Mẫn về, biết đâu Mẫn vẫn còn sống? Lời nói của một người trong lúc trà dư tửu hậu như nắm bông bay vung trong gió. Nó không tới tai bà Sáu, nhưng nó tới tai Thanh. Bụng bảo dạ: đừng tin, nhưng những gì nghe được cứ gờn gợn trong tâm trí. Đám giỗ Mẫn – lần giỗ đầu tiên kể từ lúc hòa bình - Mạnh tới từ hôm trước, phụ bà Sáu chuyện này chuyện kia. Tới khi thắp nhang lên bàn thờ Mẫn, Mạnh nói nhỏ, nghèn nghẹn:

- Đừng trách tao! Đừng trách tao nghen!

Thanh đứng gần đó, đăm đăm nhìn. Câu nói của Mạnh lọt vô tai, thành một mũi kim xiên vào tâm trí. Người ta nói đúng. Mạnh không cứu Mẫn, chỉ vì Mẫn cũng thương Thanh. Thiệt là hẹp hòi, ác độc!

***

Cơ quan gì đó trên tỉnh xây tặng bà Sáu căn nhà mới ngót hai mươi triệu. Sau lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho Mẹ Việt Nam anh hùng có mặt lãnh đạo xã và mấy người ở trên tỉnh, bà Sáu nói:

- Ở lại ăn bữa cơm hẵng về. Cây nhà lá vườn, cá bắt dưới sông, mấy con đừng chê.

Ai dám từ chối lời mời rất thiệt lòng của một bà mẹ anh hùng? Khách dạ ran. Thanh tính nấu nướng xong thì đi, nhưng bà đã ấn ngồi vô bàn. Trong bữa cơm, một người khách chợt nhớ ra:

- Con có tấm hình chụp chung với anh Mẫn, mấy lần tính gởi lại mẹ mà quên miết.

Anh ta gác đũa, mở cặp lấy ra một tấm ảnh đen trắng đã ngả màu, ép nhựa cẩn thận. Trong ảnh là những gương mặt thời trai trẻ: Mạnh, Mẫn, anh ta và một số người nữa trong đơn vị. Tất cả đều cười rất tươi.

Bà Sáu đón tấm ảnh bằng đôi tay run run. Người khách lại hỏi:

- Anh Mạnh bây giờ làm gì hả mẹ?

- Nó lập trang trại nuôi bò. Nhiều lắm. Cái thằng, tới giờ cũng chưa tính chuyện vợ con, toàn làm chuyện công ích.

Khách trầm giọng:

- Trận đó ảnh bị thương nặng, máu ra như xối, vậy mà cứ lết đi tìm anh Mẫn. Con cõng ảnh ra, ảnh la “Còn thằng Mẫn ở trỏng”. Kỳ thực anh Mẫn hy sinh rồi.

Đôi đũa rớt khỏi tay Thanh. Một luồng sáng rọi qua tâm trí. Chị thắt tim. Chị luống cuống đứng dậy, lí nhí câu gì đó rồi đi như chạy ra sân. Trời lại lâm râm mưa. Vơ lấy chiếc xe đạp, chị guồng chân đạp. Phải gặp ảnh để nói lời xin lỗi, dù đã trễ quá rồi. Từng đó năm em hiểu sai về anh. Em đã nghĩ oan cho anh. Biết làm sao bây giờ ?

Con suối ở Hố Cùng bữa nay sao ồn ào vậy? Người ta căng mắt tìm cái gì dưới suối? Thanh dựng xe, nôn nóng chen vô. Ông Tư đang hô hấp nhân tạo cho một đứa nhỏ nằm sóng soài. Người đàn bà đứng gần đó chắp tay trước ngực lầm rầm cầu nguyện trong nước mắt:

- Lạy trời lạy Phật cứu con trai con! Lạy trời lạy Phật cho người ta tìm thấy chú Mạnh, cho chú ấy còn sống…

Thanh lạnh toát cả người. Sau phút chôn chân tại chỗ, chị lao mình xuống suối. Ở đâu đó trong dòng nước này là Mạnh của chị. Mới đầu mùa mưa nhưng con suối không còn hiền hòa. Anh bơi không giỏi, lại hay bị chuột rút, song anh đã quên điều đó khi lao xuống cứu đứa nhỏ kia. Bây giờ anh đang ở đâu? Chị cuống cuồng ngụp lặn, cuống cuồng tìm kiếm. Đó là tình yêu của chị, dẫu rất muộn màng. Đó là hạnh phúc của chị, dẫu có nhiều cay đắng. Anh không hẹp hòi độc ác như chị nghĩ. Anh coi người khác quan trọng hơn bản thân mình. Bây giờ anh ở đâu?

Trên bờ người ta la thất thanh. Kỳ lạ, con suối cứ rộng ra, rộng ra. Thanh mơ hồ thấy hiện lên khuôn mặt Mạnh…

Phương Trà

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast