Sông quê mùa lũ

Tuổi thơ tôi gắn bó với miền quê nghèo Sơn Thịnh (Hương Sơn), nơi có con sông Ngàn Phố hiền hòa uốn lượn, bên lũy tre làng xanh mát. Thế nhưng, mùa lũ, con sông ấy trở nên hung dữ, đỏ ngầu, nước sông dâng ngập bạc cả cánh đồng, làng mạc. Lúc ấy, đường biến thành sông và quê tôi chỉ còn lại những nóc nhà ngập chìm trong nước lũ...

Lũ đến như hẹn sẵn! Cứ khoảng sau rằm tháng 7 âm lịch (những năm gần đây thì muộn hơn) là mưa lũ liên miên. Người lớn ở quê tôi coi đó là nỗi lo thường trực vì họ sợ nước lên sẽ cuốn trôi tất cả thóc lúa, nhà cửa. Nhưng lũ trẻ con chúng tôi lại háo hức với con nước dâng lên ngày càng nhanh, càng mạnh trên cánh đồng quê và ngõ hẻm trong làng.

Lội cầu giữa dòng lũ lớn trên sông Ngàn Phố
Lội cầu giữa dòng lũ lớn trên sông Ngàn Phố

Những năm lũ về sớm, khi đồng ruộng còn xanh ngắt, lúa bắt đầu trổ bông, nhìn cả cánh đồng ngập tràn trong biển nước hàng tuần không rút, mọi người ra đồng mà lòng xót xa. Nhìn bà nội đứng trước đám ruộng nhà mình lặng im không nói gì, tôi lơ mơ hiểu được phần nào nỗi lo của bà. Tôi cũng buồn theo nội như để cùng cảm thông, chia sẻ với bà nỗi lo lắng nhưng nỗi buồn của tôi cũng qua nhanh.

Khi đài truyền thanh báo có mưa bão là lúc cả nhà lo lắng vì sợ nước cuốn phăng ngôi nhà tranh nhỏ bé của bà cháu tôi. Năm bão đến, ngay trong những ngày nước ngập sâu, cả nhà phải leo lên chạn (gác) trú ẩn. Qua mấy ngày gió giật tưởng là hết bão thì mưa như trút nước. Mưa 3 ngày, 2 đêm, thế là cả làng ngập trắng. Những con đường hàng ngày tôi vẫn tung tăng đến lớp biến thành những dòng sông đỏ ngòm, đặc quánh rác và bèo. Nóc nhà giống như những ốc đảo giữa biển nước và muốn ra ngoài người ta phải dỡ ngói chui ra. Lũ thường lên rất nhanh, có khi chỉ trong đêm là đã vào đến nhà trên nhưng lại rút chậm, chí ít cũng phải dăm bảy ngày, thậm chí có năm lũ ngâm hơn 10 ngày.

Bố tôi mất sớm. Mẹ tôi là dân thị xã về làm dâu chẳng biết mô tê gì về sông nước, thấy lũ về là cuống cả lên. Mỗi lần lũ lên, mấy bà cháu, mẹ con phải cõng nhau chạy lũ. Bà nội đã quen với cảnh này bao năm nên đã chuẩn bị cơ man nào là mắm, ruốc, cá khô cất lên chạn. Rồi bà lấy mấy tấm ni lông, dùng dây cao su bịt kín miệng giếng. Thấy tôi thắc mắc, bà bảo phải bịt kín như thế thì nước bẩn không vào được, hết lũ mới có nước sạch ăn. Chú tôi đi đánh cá bằng những cheo lưới cũ kỹ của ông tôi để lại, bắt được những mớ cá rô, cá diếc béo tròn. Mẹ tôi rán lên thơm ngậy cả gian nhà. Thức ăn mùa lũ thường là thức ăn khô dự trữ. Mẹ tôi lấy ra mớ cá khô, món cà muối hay mớ nhút mít, nhút đậu muối dự trữ trước khi mùa lũ đến, nấu với tóp mỡ ăn. Lũ về, bọn trẻ con chúng tôi leo lên chạn ăn cơm với cá khô và nhút không biết no là gì.

Làng tôi nằm ngay cái hói sâu, nước trên nguồn như đổ xoáy vào làng làm bờ sông cứ thế xói mãi. Nghe đâu nhà cũ của ông bà nội ngày xưa nằm ở bên kia sông. Cả cái trôộc đò (bến đò) bà Phú ngày trước và một phần của làng Thịnh Quang giờ chỉ là một bãi đất bồi bên kia sông. Mùa lũ, bọn trẻ con chúng tôi vui vì được nghỉ học ở nhà bởi trường cũng ngập đầy nước. Ngày ấy, mưa thì to, gió thì lớn, tôi xắn quần chạy lon ton sang nhà mấy đứa bạn trong xóm ríu rít: “Sắp lụt rồi, sắp lụt rồi, sẽ được nghỉ học đi lội lụt bây ơi!…”. Lúc ấy, dù đã có ý thức trong đầu nhưng chẳng đủ lớn để hiểu rằng mỗi lần lụt, người lớn cực nhọc biết chừng nào.

Tôi thích mùa lũ, vì với tôi, mùa lũ là một thứ gì đó vừa bí ẩn vừa thú vị. Được theo chú leo lên thuyền gỗ bơi ra ngoài sông, hoặc bơi ngay trong con sông nhỏ mà ngày thường là những con đường làng phẳng phiu. Với những xã ngoài đê như Sơn Thịnh, thuyền gỗ mà dân tôi thường gọi là nôốc luôn là vật bất li thân của bất cứ gia đình nào. Quanh năm, nôốc được gác ở hiên nhà chờ mùa lũ đưa ra sử dụng. Dân trong làng dùng nôốc gỗ trong những ngày lũ để chở người, vật nuôi lên vùng cao gửi, chèo thuyền vào tận rừng sâu chặt củi, nứa. Nước từ thượng nguồn đổ cuốn theo bao nhiêu cành cây, thậm chí những cây gỗ lớn to bằng mấy người ôm. Hết lũ, củi tha hồ mà nấu. Buổi tối, chú tôi cùng đám thanh niên kéo nhau đi bắt ếch. Dưới ánh đèn măng - sông và những ngọn đuốc được làm bằng lốp xe đạp cũ, lần lượt những chú ếch vàng hươm được cho vào túi vải. Bắt được bọn ếch này không dễ chút nào, vì chúng rất tinh mắt, thấy bóng người từ xa là nhảy tùm xuống nước trốn đến chừng mười lăm phút sau mới lại ngoi lên để thở.

Sau mỗi lần lũ rút, cả cánh đồng bạc phếch một màu của đất phèn, những bừa bộn rác rưởi và cả xác súc vật thối rữa. Mặt nước đen ngầu, những con tôm, con cá ngoi lên bờ nằm chết. Phù sa phủ một lớp dày khiến việc đi lại rất khó khăn. Nhưng nghe đâu, sau mùa lũ thì sang năm cây cối xanh tươi, lúa ngô được mùa. Thế nên, dân làng ngoài đê như làng tôi lâu không thấy lũ lại nhớ. Bây giờ, về Sơn Thịnh, người ta không còn phải qua sông bằng những chuyến đò ngang nữa, thay vào đó là cây cầu Mỹ Thịnh vững chãi và những chuyến xe khách tấp nập đi về. Những trộôc đò bà Phú, trộôc đò cơn bàng giờ chỉ là những ký ức đẹp đẽ. Người dân trong làng cũng không phải dùng thuyền chở trâu bò lên núi mà mỗi lần lũ đến chỉ việc đưa lên cầu tránh lũ. Phần lớn, người trong làng với sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội đã xây cho mình những ngôi nhà có chòi tránh lũ. Sống chung với lũ, quen với lũ nên chẳng mấy khi có người trong làng bị lũ cuốn.

Đã qua rồi cái tuổi bé dại mong những ngày lụt đến rồi đi. Thời gian trôi, những con đường quê tôi nay đã được thay bằng những con đường bê tông rộng lớn. Nhưng những ký ức về mùa lũ ở một miền quê nghèo khó vẫn mãi đẹp và không thể xóa nhòa trong tâm trí tôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast