Sức sống bài thơ "Mừng chiến thắng với trời quê"

(Baohatinh.vn) - 50 năm trôi qua, nhưng khi đọc lại bài thơ "Mừng chiến thắng với trời quê", tôi vẫn còn cảm giác náo nức như năm nào. Tôi tin, "Mừng chiến thắng với trời quê", Duy Thảo đã viết một mạch, bởi trong ông đã có sẵn những kỷ niệm, ký ức đau đáu với quê hương.

Trong thi ca Việt Nam có một hiện tượng khá đặc biệt: nhiều nhà thơ có một bài thơ nổi tiếng gắn với tên tuổi của mình đều viết một giọng kể, có bài còn có cả cốt truyện, nhân vật. Hữu Loan với Màu tím hoa sim, Vũ Cao có Núi đôi, rồi Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ và Thăm lúa của Trần Hữu Thung…

Sức sống bài thơ "Mừng chiến thắng với trời quê" ảnh 1
Quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ trong 45 phút ở trận địa ra-đa rú Nài (Ảnh tư liệu)

Nhà thơ Duy Thảo - người con của Hà Tĩnh với bài thơ Mừng chiến thắng với trời quê viết cách đây 50 năm khi ông đang là chiến sĩ bộ đội pháo cao xạ thì nghe tin: Hà Tĩnh trận đầu chiến thắng, bắn rơi 12 máy bay Mỹ ngày 26/3/1965. Bài thơ là một dấu mốc quan trọng và tạo bước ngoặt trong cuộc đời ông:

Mừng chiến thắng với trời quê

(Gửi Hà Tĩnh anh hùng bắn rơi 12 máy bay Mỹ trận đầu 26/3/1965.

Quê hương ơi! Chiều nay nghe náo nức

Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng:

Hà Tĩnh quê ta trận đầu diệt Mỹ

Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng

Mỗi kỷ niệm lại hiện về đậm nét

Ơi con đò đưa câu ví, giặm quê nhà,

Cây cỏ Đèo Ngang, cánh buồm Cửa Hội,

Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng bến Tam Soa.

Mỗi gié lúa trên đồng quê xanh ngắt,

Đều thấm ơn bao nhiêu hạt mồ hôi

Mỗi viên gạch ta nâng niu xây dựng,

Đều nặng công gom góp mấy năm trời

Ai cho chúng gieo khăn tang, nạng gỗ (1)

Trên đất từng nhuộm thấm máu cha ông

Trên mảnh đất cháu con ta kế tục,

Máu Cần vương, máu Xô-viết anh hùng.

Phải bắn chúng cho máu sôi hả giận,

Hố bom năm xưa ta mới lấp đầy

Đạn chúng bắn cột nhà còn giữ vết,

Từng nấm mồ còn xanh cỏ hôm nay.

Phải bắn chúng cho máu sôi hả giận,

Căm thù đây chồng chất bao năm trời

Từng bữa ăn miếng cơm còn nghẽn cổ,

Bình Định ruột rà thương nhớ không nguôi (2)

Mười hai chiếc, thấy chưa quân cướp Mỹ?

Đất quê ta mới phun lửa trận đầu

Mười hai chiếc, thấy chưa quân cướp Mỹ?

Đụng vào đây còn nhiều vố thua đau!...

Ta quyết giữ đất trời quê đẹp mãi,

Cho Ngàn Sâu, Ngàn Phố gỗ xuôi bè.

Chiếc bánh tày Voi nếp đồng nhà thơm dẻo,

Khoai Mục Bài đậm ngon vị đất quê.

Cho Phúc Trạch quýt thơm, bưởi ngọt,

Nón Ba Giang óng ả đường làng.

Muối Hộ Độ càng thêm trắng muốt,

Cửa Nhượng thuyền về cá chở đầy khoang.

Cho lụa Hạ trên khung thêm mịn,

Chiếu cói Nghèn trải giường gỗ Thái Yên.

Linh Cảm, Thượng Tuy mát dòng nước ngọt,

Nuôi ruộng đồng, đưa cuộc sống đi lên...

Ơi các chị, các anh chiều nay bên công sự,

Có phải quê ta mỗi tiếng trẻ chào đời,

Cũng giục giã tay súng ta lên đạn,

Bắt kẻ thù phải đền tội khắp nơi.

Quê hương ơi, đứa con xa náo nức

Chiều nay mừng chiến thắng với quê hương

Chắc tay súng trong điệp trùng đội ngũ

Theo bài ca: Tiếng gọi lên đường!

(Đêm 26/3/1965)

50 năm trôi qua, nhưng khi đọc lại bài thơ này, tôi vẫn còn cảm giác náo nức như năm nào. Tôi tin,Mừng chiến thắng với trời quê, Duy Thảo đã viết một mạch, bởi trong ông đã có sẵn những kỷ niệm, ký ức đau đáu với quê hương. Và đây là cái cớ để vỡ òa cảm xúc bấy lâu chan chứa trong lòng. Từ một tiếng reo vang thật hồn nhiên: Quê hương ơi chiều nay nghe náo nức/ Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng/ Hà Tĩnh quê ta trận đầu diệt Mỹ, ông bỗng lắng lại: Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng. Câu thơ như một nốt lặng để ông nhớ về bao kỷ niệm thân thương.

Sức sống bài thơ "Mừng chiến thắng với trời quê" ảnh 2
Nhà thơ Duy Thảo và người vợ hiền luôn cận kề ông sớm hôm khuya tối (Ảnh: An ninh Thế giới)

Cái hay của bài thơ là thái độ tự biết, tự tin, tự lớn ở tư thế của người chiến thắng. Mặc dù, có lúc cái gọi là chất thơ ở đây rất ít nhưng tiếng lòng tha thiết, chân thành đã neo giữ được cái tình muốn sẻ chia, muốn “truyền điện” sang người khác. Điệu nói phải bắn chúng… như một cuộc đối thoại hay độc thoại, như muốn truyền sức mạnh cho mình và đồng đội vì lúc ấy ông đang là một chiến sĩ pháo cao xạ.

Bài thơ có 3 khổ, là bức tranh toàn bích về vẻ đẹp thiên nhiên, sản vật làng nghề truyền thống của Hà Tĩnh đã được Duy Thảo chọn lọc làm cho tứ thơ có một sức sống vững bền khi viết về: Chiếc bánh tày Voi nếp đồng nhà thơm dẻo/ Khoai Mục Bài đậm ngon vị đất quê hay: Cho Phúc Trạch quýt thơm, bưởi ngọt/ Nón Ba Giang óng ả đường làng đến: Cho Lụa Hạ trên khung thêm mịn/ Chiếu cói Nghèn trải giường gỗ Thái Yên. Nếu cắt nguyên 3 khổ thơ này cũng đã có một tứ thơ tương đối hoàn chỉnh viết về quê hương. Cái hay là nhà thơ đã khéo đặt trong bối cảnh của một khúc ca tự hào chiến thắng còn ngổn ngang chiến hào một gam màu ấm sáng với sự nâng niu và trân trọng các địa danh Hà Tĩnh.

Nhà thơ Duy Thảo kể lại: ngày đó, ông đang trực chiến ở trận địa pháo cao xạ đóng ở đồi Xuân Mai để phục bắn máy bay tầng thấp của Mỹ lẻn vào đánh Hà Nội thì chiều 26/3/1965, qua chiếc đài Oriongtong của đại đội trưởng, bản tin Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ trong 45 phút ở trận địa ra-đa rú Nài - một điểm cao ven thị xã Hà Tĩnh. Đêm đó, dưới ngọn đèn dầu kê trên thùng đạn pháo trong hầm trực chiến, Duy Thảo đã viết một mạch bài thơ này. Những cảm xúc ùa về theo nhiều thang bậc. Có lúc chập chờn nghĩ về hiện tại lại bất chợt đan xen quá khứ. Dòng chảy của thơ ông cứ ngỡ như đứt đoạn, lúc rạo rực căm hờn, lúc lặng thầm thao thiết, lúc sẻ chia đồng cảm, lúc tự vấn mình.

Duy Thảo kể: Khi bài thơ hoàn thành, ông nhờ một chiến sĩ trong đơn vị đi công tác qua Hà Nội bỏ vào hộp thư bưu điện Bờ Hồ. Một bản gửi cho Báo Hà Tĩnh, một bản gửi cho ông Vũ Hoàng (Thái Kim Đỉnh) ở Hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Hai tuần sau, ông nhận được tờ Báo Hà Tĩnh đăng bài thơ của mình và nhuận bút là 8 con tem.

Ba năm sau, khi ông về công tác tại Báo Phòng không - Không quân thì nghe nhà thơ Duy Khán thông báo, tại hội diễn văn hóa quần chúng toàn miền Bắc lần thứ hai (năm 1968), có một bài thơ do một nữ nghệ sĩ trong Đoàn Văn công Hà Tĩnh ngâm được nhiều người vỗ tay nhiệt liệt đề nghị ngâm lại và được giải cao. Diễn viên Xuân Năm (nay là nghệ sỹ ưu tú) đã ngâm bài thơ này ở Phủ Chủ Tịch cho Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị nghe và được Bác Hồ khen ngợi.

Những năm 1967-1968, từ chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam phát lại bài thơ để góp phần động viên tinh thần bộ đội. Ông Hà Tình trong ghi chép Chúng tôi vào tuyến lửa in trên tuần báo Văn nghệ năm 1968 đã kể: “Trước khi Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương vào Hà Tĩnh, một nghệ sỹ trong đoàn đã tìm đọc rồi tranh thủ học thuộc bài thơ và ngâm ở dưới chân núi Nài - nơi diễn ra trận chiến đấu quyết liệt của quân dân Hà Tĩnh. Khi bài thơ được ngâm lên, chúng tôi cảm thấy đất dưới chân mình cũng run lên xúc động...”.

Một bước ngoặt đến với Duy Thảo khi ông ra quân được nhiều tờ báo ở Hà Nội nhận vào làm việc nhưng ông nhất quyết trở về quê hương Hà Tĩnh. Ông làm cán bộ tuyên huấn Tỉnh đoàn hơn một năm rồi lại trở về với nghề văn, nghiệp báo cho đến nay.

50 năm đã qua, mặc dù bây giờ, nhà thơ Duy Thảo đã xuất bản hơn 10 tập thơ với nhiều giải thưởng khác nhau nhưng Mừng chiến thắng với trời quê vẫn là giải thưởng lớn nhất đối với ông trong tình cảm của người dân Hà Tĩnh, của những người yêu thơ, bạn thơ. Bởi linh khí trời đất, truyền thống văn chương, tình cảm con người và sự kiện chiến thắng trận đầu đánh Mỹ đã hội tụ để ông thăng hoa một tác phẩm để đời. Và cao hơn là một khúc ca quê hương chiến thắng truyền lại cho thế hệ mai sau…

-----------------

(1) Ý của nhà thơ Chế Lan Viên.

(2) Bình Định: Tỉnh kết nghĩa với Hà Tĩnh thời chống Mỹ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast