Thằng Côi

(Baohatinh.vn) - Màn đêm đã bao phủ xóm làng. Trong mỗi ngôi nhà, người ta đã đi ngủ hoặc ngồi quây quần trò chuyện. Đường làng vắng vẻ, không một bóng người. Thỉnh thoảng có vài đôi nam nữ đi dạo. Tay trong tay, họ dùng thứ ngôn ngữ im lặng để nói với nhau. Thứ ngôn ngữ chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Thằng Côi cũng đi dưới trời đêm. Nó cũng có thứ ngôn ngữ của riêng nó. Đó là thứ ngôn ngữ thèm muốn một không khí gia đình, ngôn ngữ của cái đói cào ruột triền miên. Cái ngôn ngữ thâu mọi cảm giác để cô lại thành hai tiếng: thèm ăn!

Thằng Côi đang đói bụng. Từ sáng đến giờ, nó chỉ mới ăn được một lần. Một lần ăn ra ăn. Ăn toàn thịt. Thơm, ngon và no! Nó tiếc cho cái bụng lép của nó. Phải chi nó có cái bụng to bự của các anh, nó sẽ nhồi thêm thịt vào. Một bữa no mà từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ nó chưa được no như vậy. Ấy vậy mà, chỉ sau một buổi chiều, bụng nó lại sôi réo cái nhịp triền miên làm khổ nó: đói!

Thằng Côi ngồi xuống rồi ngã lưng nằm dài trên vạt cỏ ven đường. Hai tay đan xen các ngón vào nhau đặt dưới ót, nó ngửa mặt nhìn lên trời đếm sao để đánh lừa cái đói. Nhưng xem ra bài thuốc cũ không còn hiệu nghiệm. Cái đói vẫn cào cấu dạ dày khiến mắt nó như mờ đi. Mắt nó mờ đi vì đói mà trí nó lại tỉnh queo, nó nhớ lại hình ảnh của từng khoảng thời gian của một ngày đã qua…

Mới tảng sáng mà con chó to xù không biết của ai bị xe cán gần cổng nhà Ba Mạnh. Thằng Côi tình cờ đi ngang qua thấy được vội chạy vào nhà Ba Mạnh báo tin. Ba Mạnh tức thì chạy ra xem rồi cùng với thằng Côi lôi con chó đem vào bỏ trước sân.

Ba Mạnh vỗ vai thằng Côi:

- Mày ba chân bốn cẳng chạy đi thông báo cho các anh mày kẻo chúng đi làm hết. Phần mày do có công phát hiện nên hôm nay được phép chén thả cửa, chén kỳ đã đến vỡ bụng thì thôi.

Ánh mắt mệt mỏi của thằng Côi sáng lên mừng rỡ. Nó dợm bước định chạy đi thì vừa kịp nghe Ba Mạnh quay lưng nói một mình: “Mới sáng mà lộc trời tự dưng đem đến. Cái thằng tưởng lanh mà ngu như heo”.

Thằng Côi khựng lại, phân vân vì lời nói của Ba Mạnh. Nhưng nó chẳng dám chần chừ, vội chạy ù đi khi nghe tiếng Ba Mạnh: “Sao còn đứng đó, mày!”.

Sau gần một giờ được làm lông rồi thui lại trên ngọn lửa rơm, con chó mập ú khoảng hơn hai mươi ký lô được dội nước lại lần cuối phơi ra làn da trắng sem sém vàng đôi chỗ. Ba Mạnh tự tay mổ bụng con chó, móc hết bộ đồ lòng để ra ngoài rồi dùng búa chặt dọc xương sống phân con vật làm hai nửa. Hắn nói với đám chiến hữu:

- Nhậu bộ đồ lòng và nửa con. Nửa con này là phần chủ nhà. Tao đem bỏ quán lão Thìn. Tụi mày ở nhà luộc bộ đồ lòng nhậu trước, còn lại dồn hết nấu hon. Xem nào… Chỉ còn thằng Khang là chưa có gì để góp. Vậy thằng Khang phải mua thuốc và kiếm thêm bốn trái dừa đổ vô nồi hon. Tao đi nháy mắt về liền.

Thằng Côi nghe Ba Mạnh nói mà tiếc đứt ruột. Vậy là với nửa con chó, Ba Mạnh bỏ túi hơn trăm ngàn mà theo luật là phần của nó. Nó thấy tức anh ách nhưng có ngậm mật cọp cũng không dám nói, chỉ giương to mắt nhìn Ba Mạnh rồ máy phóng xe đi…

Ăn món thịt chó nấu ở nhà thì bàn ghế sẽ không được thoải mái, đàng hoàng nên món ăn được dọn trên nền xi măng giữa mười con người xoay quanh thành vòng tròn. So với các anh thì một thằng nhóc mới mười hai tuổi như thằng Côi chỉ là em mạt nhưng cũng được Ba Mạnh cho ngồi chung. Và cũng bởi là em mạt nên cũng để các anh sai bảo khi cần như lấy thêm chén đũa, mua thêm rượu, thuốc v.v…

Được ngồi cùng mâm, thằng Côi thấy thật vinh dự. Nó thấy mình như lớn hẳn lên. Nó bắt chước các anh từ tốn gắp chậm rãi một hai miếng đầu, rồi thì mùi thơm vị ngọt của miếng thịt làm nó tăng tốc. Các anh nhai kỹ và khen ngon, còn nó nhai dập vài cái để lấy đà nuốt chửng…

Khi thằng Côi cảm thấy lưng bụng thì nồi hon cũng vừa mềm. Ôi chao! Cái món hon thơm lừng hít vào thật khoan khoái. Tuy đã lưng bụng mà nhìn tô hon bốc hơi, thằng Côi vẫn tứa nước miếng chân răng. Nó đang căng hết cỡ các giác quan để hưởng thụ món hon thì Ba Mạnh nói:

- Thằng Côi! Mày chạy ra bà Bảy lấy anh năm lít. Nói ghi cho Ba Mạnh.

Mới non nửa nồi hon thì các anh đã lơ đũa và thằng Côi cũng căng bụng không ăn được nữa. Các anh đã uống ngà ngà. Mặt anh nào cung sần sàn, ánh mắt dài dại. Cái miệng các anh đã nghỉ ăn nên tranh nhau giành nói trước. Câu “thời buổi kinh tế thị trường” luôn được các anh hùng hổ tranh cãi đến văng cả nước bọt. Dùng lời nói suông chưa thỏa, các anh còn dùng cả bàn tay, cánh tay chém vào không khí hay chỉ thẳng vào mặt nhau để hỗ trợ cho lời nói. Nhìn các anh đỏ mặt mở hết “vô lum” làm nổi rõ những sợi gân cổ để tranh cãi, thằng Côi thấy các anh giống như con gà trống đang vươn cổ ra gáy. Nó để ý thấy các anh kia tranh nhau giành nói nhưng khi Ba Mạnh lên tiếng thì tất cả im re:

- Thời buổi kinh tế thị trường, mạnh được yếu thua, khôn sống vống chết. Tất cả đều sòng phẳng, không tình cảm gì ráo trọi. Như bữa nhậu này, mỗi thằng đều phải đóng góp, có thân mấy mà không góp cũng cho de. Tình quá sinh tệ. Mọi cái đều phải theo kịp thời đại nếu không muốn bị cho là lạc hậu. Tụi mày thử nhìn lại làng xóm mình xem. Nông thôn bây giờ sống theo tác phong công nghiệp. Thời giờ để làm ra của cải, ai dư thời gian để ý gật đầu hay hờm sẵn trên môi nụ cười để tỏ tình thân.

Thằng Côi chẳng hiểu cóc khô gì về kinh tế thị trường, về chuyện phải xử sự với nhau như thế nào trong thời đổi mới của các anh. Nó chỉ thấy khoái vì được ngồi nghe (chưa bao giờ nó được ngồi gần người lớn trong những dịp ăn uống) và thích mê khi các anh nói xong nhìn nó, hỏi:

- Tao nói vậy đúng không mày? Nhóc!

Nó cười toe toét thay cho câu trả lời.

Tiệc nhậu tan khi mặt trời đứng bóng.

Thằng Côi tiếc hùi hụi khi nửa nồi hon còn lại được khách vãng lai vào chén sạch. Nó thấy tuy Ba Mạnh hùng hồn tuyên bố có đóng góp mới được nhậu để hợp với thời kinh tế thị trường, nhưng khi rượu đã vào ngà ngà say thì không riêng gì Ba Mạnh mà tất cả các anh đều rất thảo ăn. Không uống cũng ép uống, không ăn cũng ép ăn, làm như rượu và thức ăn không tốn tiền mua vậy. Không dám nói ra nhưng nó nghĩ: “Sao các anh ấy ngu thế không biết?”…

Ó…ò…o…o…

Tiếng gà nhà ai trở chứng gáy đầu hôm lôi thằng Côi về với thực tại. Nó ngồi bật dậy lẩm bẩm: “Gáy xóm giữa chửa hai đầu” rồi vòng hai tay ôm lấy hai đầu gối, rùn vai, rụt cổ vì lạnh. Trước mặt nó, cách con đường một đám ruộng có ánh đèn trong ngôi nhà dựng mầm trỉ rất lâu mà chưa trát đất. Nhà của vợ chồng Hai Bằng. Nhà này không có rào giậu xung quanh lại không nuôi chó. Nó phải đến đó. Nó cần cái ăn cho ngày mai. Số phận đã để nó chịu mồ côi, chịu sự ghẻ lạnh của mọi người thì cũng bù trừ cho nó sự gan dạ và cái nghề - đi - đêm.

Thằng Côi bước những bước chân nhẹ như bông, êm như mèo men theo những lùm cây vòng ra sau vào chái bếp nhà Hai Bằng. Mọi vật trong nhà nó đã biết rõ, không có gì đáng giá. Nó đã vào ngôi nhà nghèo nàn nhất xóm này thường xuyên vào ban ngày để chơi với em bé. Bên kia vách đất ngăn với chái bếp là buồng ngủ của vợ chồng Hai Bằng và em bé vừa đến tuổi đi mẫu giáo. Trong góc bếp là hai mái gà đang úm con.

Thằng Côi vừa bế con gà mái đứng lên thì rùng mình lạnh buốt sống lưng khi nghe tiếng nói bên kia vách đất. Nó đứng bất động như trời trồng. Tiếng nói tuy nhỏ nhưng cũng đủ gõ vào đôi tai thính như tai mèo của nó những âm thanh rành rọt:

- “Hay là mình bán hai con gà mái lấy tiền ứng trước cho chị Hạnh rồi bắt con heo về nuôi làm vốn đi anh. Chị đồng ý cho mình mua thiếu một nửa”.

- “Không được đâu em. Gà con còn nhỏ lắm, bán gà mẹ thì bầy gà con mồ côi tội nghiệp lắm”.

- “Lâu nay, xóm mình bị mất gà nhiều. Vốn liếng mình chỉ có hai mái gà, lỡ thằng Côi nó bắt mất thì chết”.

- “Sao em nói là thằng Côi?”.

- “Thì nó không cha, không mẹ, không làm mà cũng có ăn. Mà không riêng gì em, chòm xóm và chính bà con nó cũng nói nó là thằng ăn trộm. Chẳng ai thương nó, thương cái thằng ăn trộm cả”.

- “Em này, em đừng bao giờ nói như vậy nữa nhé. Ăn trộm cũng năm ba thế ăn trộm. Em mới về sống với anh 5 năm làm sao hiểu được nhân tình ở đất này. Anh biết thằng Côi từ khi nó mới sinh. Mới lên năm đã mồ côi mẹ, cha nó là ai thì không ai biết. Bà con họ hàng nó có đó nhưng có ai mở rộng vòng tay nuôi thằng cháu mồ côi? Có cho nó ăn cái gì thì cũng dè bỉu, xói xỉa. Thằng nhỏ thật đáng thương! Người ta lên án nó vì nghi nó là thằng bắt gà trộm. Thử đặt mình vào hoàn cảnh nó rồi hãy nói. Thay vì ghét bỏ thì hãy cho nó ăn, nói với nó những lời yêu thương tận đáy lòng, rồi đặt cây cuốc vào tay nó tập cho nó làm để có ăn. Ai? Em đã thấy ai sống như vậy với nó chưa? Đã trải qua cảnh mồ côi nên anh hiểu và thương nó lắm, mặc dù là tình suông chứ mình quá nghèo không có gì cho nó cả”.

Trong thoáng chốc, thằng Côi quên bẵng cái đói và sự sợ hãi. Tiếng nói bên kia vách đất làm nó tủi thân đồng thời cũng làm nó cảm được nguồn an ủi vô biên với bản thân nó. Vẫn còn có người hiểu và thương nó.

Từ bấy lâu, thằng Côi chưa từng biết thương ai. Bởi từ khi mẹ nó mất, chưa từng có ai dạy cho nó biết yêu thương người khác bằng cách yêu thương nó. Luôn bị hắt hủi, xua đuổi nên nó luôn sống trong sự cảnh giác với trái tim bé nhỏ sớm xa lạ với tình yêu thương.

Vậy mà, bây giờ, trong một hoàn cảnh trớ trêu, tiếng nói của khổ chủ sắp bị nó hại lại bày tỏ tình thương dành cho nó, khiến con tim tưởng đã chai lỳ của nó bùng dậy một tình cảm mãnh liệt. Nó thấy thương vô cùng đôi vợ chồng trẻ và ân hận với việc nó đang làm. Nó hình dung rất nhanh nét mặt đau khổ của vợ chồng Hai Bằng khi sáng mai phát hiện bị mất gà.

Thằng Côi nhè nhẹ đặt con gà mẹ lại với bầy gà con rồi nhè nhẹ bước ra ngoài.

Sương đêm lành lạnh thấm qua áo riết lấy tấm thân còm. Đi ngang qua đụn rơm, thằng Côi bị vấp té. Một mớ rơm đổ ụp lên người nó như khối chăn bông ủ ấm tấm thân còm, ủ ấm lồng ngực giơ xương chứa đựng một sinh vật bé nhỏ đang đập những nhịp đập của tình người giữa đêm dài dằng dặc. Thằng bé nằm yên giữa mớ rơm, mắt nhìn lên sao trời. Nó bắt đầu nhận ra rằng, từ nay, mình không thể đi bắt gà trộm nữa. Không, mình phải kiếm một việc gì đó để làm, dù có khổ cũng phải làm…!

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast