Thanh Minh trong cõi trăm năm

(Baohatinh.vn) - Thanh Minh tên thật là Nguyễn Hưu (1914-1986), nguyên quán làng Yên Tập, tổng Phù Lưu, nay là xã Tân Lộc (Lộc Hà), là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh.

Kỷ niệm 100 năm sinh nhà nghiên cứu văn hóa Thanh Minh (20/8/1914 - 20/8/2014)

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, lại sớm mồ côi mẹ nên thuở thiếu thời, Nguyễn Hưu trải qua nhiều gian nan, vất vả, đau buồn. Lúc bé, ông được theo học chữ Nho với thầy đồ trong làng, lớn lên được học quốc ngữ trong nhà trường Pháp - Việt. Do gia cảnh khó khăn, lại có người thân dính vào việc “quốc sự” nên con đường học hành của ông bị gián đoạn. Sau này, khi đã thành niên, có gia đình riêng, ông tiếp tục bổ túc kiến thức cho mình bằng con đường tự học.

Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Minh.

Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Minh.

Tuy học vấn không được viên thành trong nhà trường, cuộc sống lại gặp nhiều trắc trở, éo le, nhưng do có năng khiếu lại được tiếp xúc nhiều với giới trí thức cấp tiến, nên trước năm 1945, Nguyễn Hưu đã có nhiều thơ văn đăng trên báo chí đương thời. Giai đoạn này, Nguyễn Hưu vừa đi tìm việc làm, vừa giao du với bạn bè nhiều nơi (ông là bạn thân của GS Nguyễn Đổng Chi từ thời trẻ) để tạo dựng sự nghiệp, đồng thời làm nhiều nghề để sống và nuôi vợ con như: viết văn, làm báo, bốc thuốc, gia sư...

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hưu đã ở tuổi “tam thập nhi lập”, hăng hái tham gia hoạt động kháng chiến, kiến quốc. Ban đầu, ông được chính quyền Việt minh địa phương giao làm giáo viên tiểu học. Năm 1949, ông đang làm trưởng ban tuyên truyền cấp xã thì được điều lên tỉnh làm cán bộ Ty Thông tin. Từ đây, ông dành toàn bộ thời gian và tâm trí cho việc biên tập tài liệu tuyên truyền và sáng tác văn nghệ với bút danh Thanh Minh.

Năm 1951, ông là hội viên sáng lập Phân hội Văn nghệ Hà Tĩnh (trực thuộc Chi hội Liên khu 4 của Hội Văn nghệ Việt Nam). Năm 1955, tỉnh thành lập Ty Văn hóa, Thanh Minh lại được chuyển sang cơ quan này và được phân công phụ trách mảng văn nghệ. Mùa xuân năm 1969, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh cho tiến hành đại hội thành lập Hội Sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh, Thanh Minh được bầu làm Thư ký Ban Chấp hành hội. Đến đại hội lần thứ hai vào cuối năm 1971, hội đổi tên là Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, Thanh Minh lại được bầu làm Hội trưởng.

Ngoài việc lãnh đạo Hội Văn nghệ và sáng tác, Thanh Minh còn có nhiều đóng góp nổi bật trên lĩnh vực sưu tầm và khảo cứu văn nghệ dân gian. Được Ty Văn hóa hỗ trợ, ông cùng với ông Thái Kim Đỉnh thành lập và chủ trì Tiểu ban Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh, có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản tác phẩm dân gian... Ngoài việc lãnh đạo công tác chuyên môn, Thanh Minh còn là Ủy viên Đảng đoàn văn hóa - văn nghệ, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh từ năm 1969-1977, đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 4.

Trải qua nhiều thăng trầm và gần như suốt đời nghèo túng, chật vật, nhưng ông đã cùng với đồng nghiệp sưu khảo vốn cổ văn nghệ dân gian, văn chương bác học; dịch thuật Hán Nôm, sáng tác thơ văn, đạt nhiều thành tựu. Ông đã cho in 2 tập thơ: Những hạt nắng (1973), Chung thủy (1976) và hiện một tập chưa in lấy nhan đề là Những mảnh vụn trái tim. Về sưu tầm, khảo cứu, ngoài những bài giới thiệu sách, bài viết lẻ, ông có các sách: Thơ ca cách mạng (tập 1, 2), Thơ văn tập Kiều (đã in), Thơ văn Hồng La, Bút châm đồ Nghệ. Về dịch thuật Hán Nôm, Thanh Minh cũng có nhiều đóng góp đáng nể. Ông đã dịch các sách: Phong thổ ký các huyện ở Hà Tĩnh (Sở VH-TT Hà Tĩnh xuất bản năm 2001), Nghi Xuân huyện thông chí (chưa xuất bản, bản thảo hiện lưu ở Thư viện Hà Tĩnh) và tập di cảo Những vần thơ dịch gồm trên 70 bài dịch thơ của các tác giả Việt Nam và Trung Hoa. Ông cũng là tác giả hiệu đính, chú giải Truyện Kiều.

Cuộc đời cầm bút trên nửa thế kỷ của ông đã để lại cho đời một di sản văn hóa, văn nghệ khá lớn với nhiều lĩnh vực, chủng loại và ở những mức độ khác nhau, những di sản đó đến nay vẫn còn không ít giá trị để chúng ta khai thác và phát huy. Hướng tới kỷ niệm 100 năm sinh Thanh Minh, người bạn vong niên của ông, cụ Thái Kim Đỉnh, không quản tuổi già, sức yếu, ngày đêm miệt mài sưu tầm, chỉnh lý di cảo cũng như sách báo đã in, biên soạn thành một tuyển tập có tên là Thơ văn Thanh Minh xuất bản làm món quà quý giá của bậc tiền bối gửi tặng hậu thế.

Nhớ về Thanh Minh, tôi lại liên tưởng đến câu thơ của Phan Bội Châu viết tại nhà ngục tỉnh Quảng Đông (bản dịch):

... Trong khoảng trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở há không ai?...

_______

* Bài viết sử dụng một số tư liệu do nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh cung cấp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast