Thời nông nổi

Hồng sinh ra ở một vùng quê duyên hải. Khi còn học lớp mười một thì bố Hồng bị lâm nạn trong một chuyến theo tàu đánh cá. Và Hồng bỏ học cùng các anh, các chú ra khơi nối nghiệp. Thấy Hồng thua thiệt so với tốp bạn cùng trang lứa, một hôm ông cậu ruột nhà ở thành phố về bảo với mẹ Hồng: “Chị cho tôi đưa cháu lên học để nay mai đỡ kiếp lênh đênh biển cả”. Không phụ lòng tốt của gia đình cậu mự, Hồng gạt nước mắt, hứa với mẹ và hai em sẽ học giỏi hơn.

Lên thành phố, được sự quan tâm của cô giáo, sự yêu thương của bạn bè, Hồng đã cố gắng và học giỏi. Nhưng Hồng học giỏi lại là một bi kịch, bởi Hồng bị một số bạn bè trong lớp ganh ghét: “Ôi! Đồ rạm hôi, đồ cóc ngạch”. Sự phân biệt ganh ghét của một số đứa trong lớp không làm Hồng sa sút học hành. Rồi kết quả học kỳ một, Hồng đạt điểm tổng kết đứng thứ hai lớp.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Sang học kỳ hai, thằng Phi lớp trưởng bất ngờ chuyển trường. Cô giáo chủ nhiệm và cán sự lớp đồng ý đưa Hồng lên thay Phi. Quyết định này được số đông bạn bè đồng tình. Chỉ có tôi với thằng Long “tóc xoăn” và Vị “ốc nhồi” là không đồng ý. Một hôm trong giờ sinh hoạt cuối tuần, cô giáo chủ nhiệm có việc đột xuất nên giao cho lớp tự quản. Thấy vắng cô giáo, Long “tóc xoăn” được đà làm mưa, làm gió trong giờ: “Cả lớp ta có 42 người, không ai làm được lớp trưởng hay sao mà để cóc ngạch lên thay. Tụi tao không nghe cóc ngạch đâu”. Dứt lời, Long nắm tay tôi và tay Vị bỏ giờ sinh hoạt chạy ra khỏi lớp, tới bàn bida trong hẻm phố đánh cá độ.

Ngày hôm sau, cô giáo chủ nhiệm và Hồng tới nhà ba đứa chúng tôi, thông báo sự việc. Tối đến, thằng Long điện thoại cho tôi nói về việc làm mà nó cho là “thòi boi” của Hồng. Cũng từ đó, bố mẹ cấm tôi kết bạn với thằng Long và thằng Vị. Nhưng nói gì thì chúng tôi cũng là tốp bạn được sinh ra rồi lớn lên cùng con phố. Và người thành phố chính hãng bao giờ cũng tự cho mình một cái “tôi” đầy cao ngạo. Vào chiều thứ bảy, khi biết Hồng đạp xe về quê, ba đứa chúng tôi đón chặn ở một ngã tư. Thấy chúng tôi, khuôn mặt Hồng ngạc nhiên sợ hãi. Chưa kịp một lời thanh minh thì Hồng bị Long “tóc xoăn” và Vị “ốc nhồi” nhảy vào đấm đá túi bụi. Hồng ngã xuống đường mặt mày sưng tấy. Tôi đỡ Hồng dậy, Hồng nhìn vào mặt tôi: “đồ độc ác”, rồi lặng lẽ đạp xe rời khỏi thành phố.

Ngày hôm sau không thấy Hồng tới trường, cô giáo chủ nhiệm và cả lớp chẳng rõ nguyên nhân. Rồi bước sang ngày thứ ba, thứ tư, Hồng vẫn vắng mặt không lý do. Sang sáng thứ năm, tôi, thằng Long và thằng Vị có giấy triệu tập của ban giám hiệu nhà trường. Chúng tôi vừa tới cửa văn phòng thì thấy thầy hiệu trưởng đăm chiêu đã ngồi sẵn ở bàn. Thầy nói: “Chiều thứ bảy vừa rồi 3 em đánh bạn Hồng phải không?”. Long và Vị cúi sầm mặt xuống bàn. Tôi trả lời: “Thưa thầy em đứng ngoài, còn bạn Vị và bạn Long đánh bạn Hồng ạ!”. Thầy hiệu trưởng nhìn tôi: “Em đứng ở ngoài, a dua cổ vũ chứ gì. Biết đâu em là kẻ chủ mưu. Các em thật ích kỷ. Bên cạnh có người bạn như Hồng, chúng ta phải giúp đỡ và quý trọng chứ. Ba em chiều nay về làm bản kiểm điểm, có cam đoan của gia đình nộp cho ban giám hiệu”.

Ba đứa chúng tôi được trả về lớp. Ánh nắng sân trường đã gắt gao. Từ đâu, một con ve sầu đổ nhạc rồi cả đoàn ve giấu mình trong kẽ lá cùng cất tiếng râm ran, báo hiệu một năm học sắp kết thúc.

Trưa hôm đó về nhà, tôi cứ thổn thức và chìm đắm trong suy nghĩ miên man. Lương tâm mách bảo tôi phải làm một việc gì đó để bù đắp cho tội lỗi. Trời xế chiều, lần theo địa chỉ của Hồng, tôi lặng lẽ đạp xe tìm về quê biển. Lúc trời chạng vạng, tôi có mặt tại phiên chợ cá. Hôm nay biển động, không có cá lớn. Phiên chợ chỉ có mấy người phụ nữ tầm tuổi mẹ tôi bưng từng mớ cá nhỏ xắng xả mời khách. Tôi hỏi một phụ nữ thì trúng ngay mẹ của Hồng. Người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, mình gầy như thanh củi khô. Biết tôi là bạn học của Hồng, bác niềm nở vô cùng. Gửi lại mớ cá cho một người phụ nữ khác, bác đưa tôi về nhà.

Bác than thở: “Không rõ Hồng gây gổ với bạn nào? Bác nghe nói ở thành phố phức tạp lắm hả cháu”. Tôi không biết trả lời ra sao, đành im lặng bước theo. Tới nhà, tôi thấy Hồng mặt đỏ như vỏ cua um đang ngồi bên hai đứa em quạt than nướng cá. Cái cặp sách vẫn nằm bên bếp than hồng. Thấy tôi, Hồng dừng tay và cười tươi như quên hết hận thù. Hồng xách ra hai con cá nướng còn nóng hôi hổi và một bát nước mắm thơm lừng rồi bẻ đôi con cá mời tôi cùng ăn. Tối hôm đó, tôi ngủ chung với Hồng trên cái giường xiêu vẹo. Nhà lợp tôn, nhưng không khí mát mẻ vô cùng. Ngoài kia, tiếng sóng vỗ vào bờ nghe thao thiết. Trên án thư, bức ảnh bố Hồng như đang dõi theo chúng tôi.

5h sáng, tôi đèo Hồng lên phố. Sáng hôm đó Hồng không qua nhà cậu mự mà vào thẳng lớp học luôn. Nhưng lớp lại vắng mặt thằng Long và thằng Vị. Hôm sau, tôi đến nhà hai đứa chúng nó, nhưng đều nhận được câu trả lời: “Hai thằng tao thà bỏ học chứ không thể nhìn cóc ngạch làm lớp trưởng”. Nhận được thông điệp này, hôm sau Hồng quyết định chuyển trường. Khi cùng Hồng đến chào tạm biệt lớp, ông cậu nói: “Mẹ của Hồng bị ốm nặng, nên cháu phải chuyển về trường gần nhà để có điều kiện chăm sóc mẹ”. Cuối buổi học, cả lớp ôm lấy Hồng khóc nức nở. Có lẽ tôi là đứa khóc nhiều nhất. Sau đó, tôi và cô giáo tới gặp riêng Hồng. Hồng nói: “Không ai cản được con đường học tập của em. Nhưng nếu vì em mà 2 bạn ấy mất học thì thà em bỏ học”. Từ đó, lớp tôi vắng bóng Hồng.

Thời gian trôi đi, năm học cuối cấp lại đến, rồi kết thúc. Thằng Long, thằng Vị trượt tốt nghiệp, vào Nam lơ xe cho một tỷ phú. Nghe đâu, bởi cái tính không thật thà và hay chụp giật nên làm được một tháng thì bị chủ đuổi. Còn tôi và tốp bạn tiếp tục ôn thi đại học. Tôi trượt đại học, lên đường vào lính nghĩa vụ. Xong 2 năm tôi trở về làm đủ nghề nhưng chẳng đủ ăn. Cuối cùng, nhờ sự định hướng của ông bác ruột, tôi vào học một lớp vệ sĩ. Vừa tốt nghiệp thì một hôm thấy ti vi phát dòng tin nhắn: “Công ty Bưu chính viễn thông cần tuyển người... độ tuổi... làm bảo vệ”. Tôi mừng quá, nộp hồ sơ ngay. Nhiều người thân thấy thế đã trề môi: “Trời ạ! Việc ngon đâu đến lượt mày”. Nhưng thật bất ngờ, 2 tuần sau tôi có giấy tiếp nhận. Vận may đến quá bất ngờ tôi mừng đến phát khóc.

Đúng ngày hẹn, tôi ăn mặc chỉnh tề cầm hồ sơ lên cơ quan. Tới cổng, người đầu tiên tôi gặp là ông trưởng ban bảo vệ. Nhìn tôi ông nói: “Thông báo tuyển người, mới mười lăm ngày mà có tới gần hai trăm người nộp hồ sơ. Quả thật, cậu là người may mắn nhờ có ông trưởng phòng tổ chức đứng ra bảo lãnh”. Tôi ngạc nhiên, thầm nghĩ: “Chắc bác ấy nhầm. Chứ tôi chẳng có ai thân quen cả”. Tôi cầm hồ sơ đi vào. Trước mắt tôi, cửa phòng của ông trưởng phòng tổ chức đóng kín. Tôi gõ cửa. Phía trong có tiếng trả lời: “Xin mời vào”. Tôi đã chuẩn bị cho mình một lời chào kính cẩn. Và hồi hộp đẩy cửa. Tôi như không tin vào mắt mình. Từ cái ghế đệm, Hồng điềm đạm quay ghế nửa vòng, rồi đứng lên bắt tay tôi. Thật không ngờ, 6 năm trôi qua, tôi lại gặp Hồng với một hoàn cảnh như vậy và ở trong một vị trí như vậy. Hồng vẫn thân mật như quên biệt những kỷ niệm buồn quá khứ: í Mình về làm được sáu tháng thì được bổ nhiệm làm trưởng phòng tổ chức. Hôm tiếp nhận, thấy hồ sơ của cậu”.

Từ đó, tôi và Hồng lại sống bên nhau. Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, Hồng lấy xe đưa tôi về thăm gia đình tôi. Nghĩ về một thời nông nổi, tôi thấy ngượng ngùng, nhưng tôi tin, thời gian sẽ xóa nhòa tất cả.

Một đêm cuối thu, hôm ấy là phiên trực của tôi. Khoảng mười hai giờ đêm thì có trận mưa rào. Tôi rũ bạt che mấy phụ kiện. Đang che thì thấy hai bóng đen lóp ngóp ngồi lên xe máy của một nhân viên. Tôi hô: “Ai” thì tên cầm lái đã lên xe vù ga vèo ra khỏi cổng. Tôi lấy lại bình tĩnh, dùng xe máy của mình rượt đuổi theo. Mưa rào sàn sạt như có ai ném sỏi vào mặt. Chúng nó quẹo vào một con hẻm. Tôi bám riết cua xe theo. Khi hai xe ngang nhau, tôi rướn người, quật ngã tên cầm lái. Tên ngồi sau bỏ chạy thục mạng. Dựng mặt tên cướp dậy, tôi định “chưởng” tiếp một đòn nữa thì có tiếng thì thào: “Mày quên bọn tao rồi sao. Tao là Long tóc xoăn đây. Biết mày trực bảo vệ, tao và Vị ốc nhồi đã rình rập mấy hôm. Hồng cóc ngạch là sếp của mày hả”. Tôi tức tối thét lên: “Đồ khốn nạn”. Trả xe vào chỗ cũ. Long không dám nhìn mặt tôi, cúi đầu biến mất trong bóng tối.

Trở vào phòng trực, tôi nằm bất động như để sự việc ngủ yên trong ký ức. Lúc giao ca, tôi vẫn im lặng. Từ đó, tôi không thấy Long tóc xoăn và Vị ốc nhồi ở đâu. Người chúng nó, hôm gặp tôi có nói: “Hai đứa rủ nhau đi xây dựng làng kinh tế miền núi”. Rồi một hôm, tôi nhận được tin nhắn của Long tóc xoăn: “Bọn tao xấu hổ quá, không dám nhìn mày. Mày thông cảm, bây giờ chúng ta đã bước qua thời nông nổi”.

Chuyện lấy cắp xe máy của Long tóc xoăn và Vị ốc nhồi, tôi không kể cho ai nghe vì không muốn Hồng sống lại với những kỷ niệm buồn của thời nông nổi.

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast