Thương vợ

Ông Cần biết tính vợ, bà vốn người hiền lành, nhưng rất dễ bị kích động. Đã có đêm nằm bên vợ, ông nghe tiếng bà vừa khóc vừa nói trong mơ: "Dì không làm được… tôi sẽ tự tử!". Ngay sáng hôm sau, ông Cần lẳng lặng đi chợ rõ sớm. Sau khi mua vài lạng thịt cho hai mẹ con, ông bí mật nhảy xe buýt ra đường Một để lên xe ca đi Hà Nội...

Truyện ngắn của Trọng Nghĩa

Kể từ khi cậu con trai về làm việc ở khoa nội bệnh viện tỉnh, nhịp sống của ông Cần có nhiều thay đổi. Ông say mê công việc đồng áng hơn, nước da sáng lên. Được thể, ông cho cô đồng Ngát nói trước mặt vợ ông rằng "Khí nhà đang vượng, làm gì được nấy". Bà Lương thoạt nghe thì mừng, nhưng càng ngẫm, càng nghĩ lại buồn, hai khóe miệng dần dần chảy xuống sát cằm. Có đêm, không ngủ được, bà than phiền với chồng:

- Chả biết thực hư thế nào. Cô đồng Ngát bảo nhà ta đang "ăn nên làm ra", nhưng tôi ngẫm đã có gì nên đâu mà nên - Nói rồi, bà ngước mắt trong đêm cố tìm ông trách móc - Tôi đã bảo cho thằng Quy học giao thông, ông cứ bắt nó phải học ngành y… Bằng giờ sang năm, kiếm đâu ra… một trăm triệu?

- Bà không hiểu, nó đâu có sở trường thi khối A. Thôi được, trời sinh voi sẽ sinh cỏ, cháo húp quanh… Bà không thấy mấy đứa cầm bằng đại học giao thông đi khắp nơi tìm việc đấy à… Không được, đành phải chui vào các công ty làm thuê. Nay người ta có việc cho làm, mai hết việc phải chạy tìm chỗ khác. Thằng Quy nhà ta, bà chưa thấy vinh dự sao: ung dung ở khoa nội đàng hoàng nhé. Mai kia, với bằng cấp ấy nó sẽ lên chức trưởng khoa, rồi cũng có thể lên đến giám đốc… như chơi!

- Người ta chết cả, để nó lên chắc!

- Tôi không nói ngày một ngày hai, mà phải có thời gian.

Nói tới đây, ông Cần phấn khích quay sang ôm ngang hông vợ.

- Hượm đã… để tôi nói cái này… Vừa rồi, gặp dì Duyên ở quê, tôi đã nói tất tần tật về chuyện chạy việc cho Quy. Mới nghe tôi kể, dì đã giãy nảy: "Sao không bảo bọn em. Nay anh Báo là Trưởng ban Thanh tra rồi, chả lẽ không lo nổi cho một đứa cháu!".

- Sao bà lại cho dì ấy biết? - ông Cần sửng sốt.

- Cũng được chứ sao?

- Chết thật rồi! Bà không biết tính thằng Báo à, hắn nóng như lửa. Chuyện này hắn chẳng để yên đâu. Hắn đã nổi tiếng về việc xử các vụ… Khổ thân tôi, "Trạng chết chúa cũng băng hà!". Xong việc của nó, con mình lại khổ, những người trong ngành sẽ nhìn con mình bằng con mắt khác… Lợi chưa thấy đâu đã gặp hại, trời ơi!

- Làm gì mà rống lên thế! Tôi đã dặn dì ấy không được cho chồng biết… Dì bảo tới đây ra Hà Nội, dì giúp hai mươi triệu để trả bớt, tốt quá còn gì!

- Hai mươi triệu của dì ấy đâu phải đã hết việc? Bà coi chừng, thằng Báo mà nhân chuyện này tố đồng nghiệp, làm hỏng việc của thằng Quy thì đừng có trách tôi không nói trước!

Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Bà Lương ân hận mình đã trót dại hở lời với em gái. Ruột gan bà nóng như có lửa. Bà mong chóng khỏe để ra Hà Nội cầu xin em gái tìm cách ngăn chồng làm cái việc mà bà cho là dại dột. Nếu không, bà chỉ còn cách tìm đường… tự tử.

Ông Cần biết tính vợ, bà vốn người hiền lành, nhưng rất dễ bị kích động. Đã có đêm nằm bên vợ, ông nghe tiếng bà vừa khóc vừa nói trong mơ: "Dì không làm được… tôi sẽ tự tử!". Ngay sáng hôm sau, ông Cần lẳng lặng đi chợ rõ sớm. Sau khi mua vài lạng thịt cho hai mẹ con, ông bí mật nhảy xe buýt ra đường Một để lên xe ca đi Hà Nội.

Vừa gặp ông Cần, chẳng chờ cho ông kịp lên tiếng, ông Báo đã phủ đầu:

- Tôi biết anh chị lo cho cháu Quy được là tốt, nhưng việc gì phải tung một trăm triệu, chẳng khác nào đi mua! Sao không bảo tôi?

"Chết thật rồi - ông Cần giật thót, chẳng khác giữa ngày đông lạnh giá bị giội gáo nước lạnh. Ông thầm nhủ: "Mình phải ra tay kẻo nó làm hỏng việc. Tiền mình chủ động đưa cho họ chứ họ có ngửa tay xin? Đã thế, lấy đâu ra bằng chứng? Mình đưa cho vợ sếp cơ mà… Tay Báo làm to chuyện, thằng Quy sẽ đi đời". Nghĩ đến đây, ông chặn ngay:

- Chú Báo ạ… nhà tôi phải mất một năm chạy cho thằng Quy đấy. May mà tháng tư vừa qua, gặp một người có vai vế… Còn chuyện tiền nong đáng là bao. Cách đây hai năm, đã có người bỏ một trăm triệu rồi. Nay họ nói giá đã lên đến hai trăm… Tôi nghĩ cũng có lý, bởi giá cả cái gì cũng lên, riêng mỗi lúa gạo nhà nông mình làm ra vẫn giậm chân tại chỗ. Bực nhất vừa qua nó hạ xuống bốn trăm tám mươi ngàn đồng một tạ... Nên thú thực với chú, tôi phải thế chấp trích lục đất ngân hàng mới cho vay được một số…

- Anh tưởng những người nhận thằng Quy vào làm nghèo lắm ư? Cứ ru rú ở nhà nông như anh, làm sao biết cuộc sống của họ như thế nào. Chuyến này anh chị phải cho tôi biết đã đưa tiền cho ai? Ma không bao giờ thương người ốm đâu! Anh đừng ngăn tôi. Sao lại quắc mắt với tôi thế! - Mặt ông Báo tái đi vì uất ức - Anh cứ phải để mặc tôi, chuyện này chẳng nên dài dòng!

- Tôi xin chú! - Ông Cần lớn giọng - Chú muốn đuổi tôi hả, không còn nghĩa tình với nhau nữa à! Được thôi…- Nói tới đây, nước mắt ông ứa ra - Chú định giết thằng Quy nhà tôi à!

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Bà Duyên bê mâm cơm vừa tới cửa phòng, nghe tiếng ông Cần như đang gào, giật mình, cả cái mâm rơi xuống nền gạch đánh xoảng. Bà vội thu dọn, chạy vào lấy khăn lau qua hai bàn tay rồi nhảy ra phòng khách:

- Em đã nói rồi mà anh không nghe - Bà nhìn thẳng vào mặt chồng, thét - Anh thâm quá! Chị Lương đã điện cho em hôm qua… Nếu anh cứ giở chuyện, chị ấy sẽ tự tử!

- Anh đã làm gì đâu…

- Tính anh như cọp, thảo nào cha mẹ đặt tên là… Báo. Nói thực, nếu chị Lương mà tự tử, em cũng sẽ "đi"! Em nói không sai đâu!

- Thôi được - ông Báo dịu giọng - anh hứa sẽ cho qua, thật đấy… được chưa? Còn việc này, trước mắt em đưa bác Cần năm mươi triệu để bác trả bớt nợ lãi. Chuyện sửa nhà ta để cuối năm, được không? Rồi cả em và chị Lương chớ có nghĩ quẩn - Nói tới đây, ông Báo quay sang vỗ vai ông Cần - Phụ nữ họ mềm yếu quá, mới thế mà đã sợ, ta đành chiều họ thôi… Xong rồi đấy, em xuống dọn xem còn cái gì mang cả lên đây, để anh cùng bác Cần vui tí "tửu". Anh em chẳng mấy khi gặp nhau. Còn về việc của thằng Quy, anh chị phải động viên nó làm thật tốt. Phải vừa học vừa làm… Bảo nó, mọi suy nghĩ hành động cứ theo trái tim mình mách bảo. Giữ được tiếng lương y thời buổi này không khó!...

*

Hai tháng sau nhà ông Cần xảy ra một sự cố…

Trong thời gian công tác tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ Quy rất chăm chỉ làm việc, thái độ ân cần, vui vẻ, được nhiều bệnh nhân quý trọng. Có những ca cấp cứu, người nhà bệnh nhân phải chờ lúc anh ra về, cố nì nèo đưa tiền bằng được, nhưng chỉ nhận được câu: "Cảm ơn bác, cứ để số tiền này bồi dưỡng cho cụ có hơn không!".

Trước ngày anh rời bệnh viện vào một chiều thu mưa gió đầy trời, sấm vang chớp giật, còn một giờ nữa nghỉ việc, trưởng khoa vỗ vai anh:

- Chú lên phòng giám đốc gặp.

- Gì thế anh, quan trọng lắm không?

- Tôi cũng không biết.

Giám đốc Đào đang ngồi, cùi tay chống lên bàn, còn hai bàn tay đỡ lấy cái cằm nhọn hoắt. Mặt đầy tàn nhang, ông đưa mắt nhìn Quy suốt từ đầu đến chân trong bộ quần áo bờ lu trắng gọn ghẽ.

- Chú gọi cháu? - Quy lên tiếng.

- Phải. Anh cảm thấy làm việc ở đây thế nào?

- Bình thường chú ạ.

- Hình như anh không được thích lắm?

Quy giật mình, đáp:

- Sao chú lại nói thế? Với công việc hiện nay, cháu thấy rất hợp với khả năng…

- Không hợp đâu. Anh nên tìm nơi khác thì tốt hơn. Cố nhiên cá nhân tôi không có quyền…

- Sao chú nói vậy, hay khả năng cháu kém, hoặc… có bệnh nhân nào chê trách?

- Anh đã biết Giám đốc Sở Y tế tỉnh ta đang lâm vào hoàn cảnh nào chưa? Có đơn tố cáo đấy, rằng ông ấy đã ăn tiền, kể cả nhà anh cũng đóng góp một phần. Anh không thể không biết!...

Quy hoảng hốt, mặt tái xanh, giọng như có gì mắc trong họng:

- Chú nói cụ thể đi, cháu hoàn toàn ngạc nhiên!

- Nhà anh đút lót cho những ai, bao nhiêu tiền? Có bằng chứng gì?

- À ra thế, cháu không hề biết, vậy chú nói rõ cháu nghe!

- Thôi, anh tự nghĩ, làm việc ở đây nữa hay thôi… tùy anh! Trước mắt, tôi chuyển anh xuống khoa lây, bắt đầu từ ngày mai.

Mờ tối, Quy phóng xe về đến nhà, quần áo ướt dính sát người, trong cốp xe có áo mưa anh cũng không thèm mặc. Bố mẹ bảo ăn cơm, anh lắc đầu.

- Sao thế - bà Lương hỏi - Con ốm à?

- Còn hơn ốm mẹ ạ.

Ông Cần bỏ đũa trố mắt nhìn Quy. Không kìm được nữa, ông đứng dậy vào bàn nước.

- Thế nào - Ông nhướng mắt lên như cố nhìn rõ mặt con - Sao mày cứ câm như hến thế? Vào thay quần áo đi, nhanh lên. Rồi có gì nói tao nghe!

Vẫn chưa chịu thay áo quần, Quy đứng vuốt nước mưa trên mặt, dằn từng tiếng:

- Bố mẹ đưa tiền cho người ta còn kiện, chẳng ra gì! Con còn mặt mũi nào nữa. Thế là hết! Ngày mai con sẽ đi miền Nam tìm việc. Con đã nói trước rồi: Không phải đút cho ai, cứ để tự con. Phải bám lấy bệnh viện của Nhà nước mới sống được à?... Bố mẹ đã đưa tiền cho ai, bao nhiêu, sao không nói với con?

- Ai bảo! Tao đâu phải thằng điên!

Cả hai bố con nhìn nhau, mặt người nào cũng đỏ. Họ đâu để ý thấy bà Lương đang nuốt dở miếng cơm bỗng nghẹn ứ cổ, tắc hầu, rồi ngã vật ra nền nhà. Quy ôm lấy mẹ, vỗ vỗ vào ngực bà rõ lâu. Mặt bà Lương tái xanh, dần dần thâm tím, mắt trợn ngược. Sau một phút, hai đồng tử bất động. Bác sĩ Quy hô hấp nhân tạo và tìm mọi biện pháp cấp cứu cho mẹ nhưng vô hiệu.

Từ tối hôm ấy trở đi, bà con cô bác đến thăm viếng, ai hỏi về nguyên nhân dẫn tới cái chết của bà Lương, ông Cần chỉ nói: "Do tôi, cũng vì chủ quan quá không nghĩ đến bệnh hiểm nghèo của bà ấy!". Riêng với dì Duyên, cả hai bố con thống nhất cho dì ấy tạm hiểu bà bị cảm đột ngột. Cứ nghĩ về ông Báo, ông Cần căm phẫn lắm, mặc dù ông này có mang số tiền khá lớn về góp tang cho chị vợ…

Lo việc bốn chín ngày cho mẹ xong, Quy chuẩn bị hành trang vào Huế kiếm việc làm. Anh được hiệu khám chữa bệnh Tân Giao đón tiếp nhiệt tình. Tại đây, anh mạnh dạn bắt tay vào việc. Với sự tận tình, chu đáo, lại giỏi nghề, uy tín của vị bác sĩ trẻ ngày càng lên cao. Đã có lúc, anh muốn đưa bố và em trai vào đấy để tiện đường chăm sóc, nhất là khi ông Tân Giao hiểu được hoàn cảnh của anh, đã gợi ý cho anh chuyển toàn bộ gia đình… Nhưng ý đó không thành, bởi bố anh chưa nguôi nỗi đau mất vợ. Vả lại, ông đã đến cái tuổi chẳng mấy ai nỡ rời bỏ quê hương. Đêm đến, ông mở máy điện thoại nói chuyện với Quy, hết thương cảnh thằng con phải đi làm ăn thật xa lại thương thân trách phận đã vô tình để người vợ chết oan…

*

Đầu năm nay ông Thanh, nguyên phó giám đốc bệnh viện đã lên giữ chức giám đốc thay ông Đào. Ông Thanh đến thăm hỏi gia đình ông Cần. Trước khi vào chuyện, ông xin ông Cần dẫn ra phần mộ thắp hương cho bà Lương. Khi trở về ông hỏi:

- Bác nghe chuyện Giám đốc Sở Y tế tỉnh ta chưa?

- Tôi làm sao mà biết được. Ông ấy thế nào?

- Đó là chuyện bà vợ thay chồng nhận một số tiền khá lớn của những người được tuyển dụng vào ngành trong mấy năm qua. Đầu tiên ông ta cứ khăng khăng giở lý, rằng việc của vợ làm, chồng chẳng liên quan… Vì thế, trước mắt cấp trên tạm thời cho ông ta nghỉ để thu xếp việc nhà; buộc bà vợ phải trả hết số tiền cho những ai mang đến nhờ bà chạy việc cho con…

- Cơ sở nào đảm bảo bà ấy nhận tiền của người ta? - ông Cần hỏi với vẻ lo lắng - Hay là Thanh tra Bộ đã làm việc ấy? Anh có nghe tên Trần Văn Báo ngoài Bộ không?

- Những người chạy việc cho con, ai dại gì "tố" chuyện ấy. Còn những người như ông Báo, làm sao biết được chuyện này… Theo tôi, việc "áo gấm đi đêm" xảy ra ở nhà ông Kiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh đã bị dân tình dị nghị từ lâu… Đến khi lực lượng Cảnh sát Kinh tế trực tiếp vào cuộc, mới vỡ ra cái "tổ" con chuồn chuồn, bác ạ. Mà đến khi lấy lời khai, họ giỏi lắm, cứ nói như có Thánh mách bảo ấy, đến nỗi bà vợ ông Kiền, thoạt đầu còn loanh quanh, sau rốt cứ thông thốc khai ra hết. Đến mức quan hệ giữa giám đốc các bệnh viện với ông ta thế nào, bà ta cũng không từ. Có lẽ bà cũng muốn dùng họ để gánh đỡ tội cho chồng. Lúc nãy bác hỏi vì sao ông Đào nghỉ? Cũng tội danh tương tự các vị trên thôi! - Nói tới đây, ông Thanh bất ngờ chuyển đổi câu chuyện - Quy vẫn thường xuyên điện cho bác chứ? Công việc có ổn không?

- Không ổn cũng phải làm. Nghe cháu nói, chủ hiệu quan tâm lắm, tôi rất mừng.

- Tôi biết, con người như Quy làm việc ở đâu cũng ổn. Từ ngày chú ấy đi, nhiều anh em trong cơ quan nhớ lắm… Hôm nay nhân tiện đến thăm gia đình, tôi muốn nhờ bác bàn với Quy nên trở về bệnh viện. Cứ nói rằng tôi đã đặt vấn đề. Nếu cậu ấy đồng ý thì điện cho tôi…

- Cảm ơn anh! Nhưng tôi nghĩ chắc cháu sẽ không về…

Từ hôm ấy ông Cần không còn lang thang khắp làng thăm hỏi bà con thân quen cho quên bớt nỗi đau. Ông lao vào công việc đồng áng như xưa. Ông chăm sóc đàn lợn và hơn một trăm con gà lớn nhỏ. Đó là trách nhiệm chính của người chồng làm thay vợ trong những năm tháng còn lại của đời người.

- Bà ơi - ông ngửa mặt nhìn lên ba nén nhang đang cháy dở trên bát hương bàn thờ, ứa hai hàng nước mắt - Bà cứ yên tâm ở dưới ấy mà nghỉ nhé, tôi sẽ gắng làm cả tất tần tật những công việc còn lại thay bà…

Nguồn: CAND.com

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast