Tiếng chim gọi trên sông

Chị Mãng lội xuống sông. Chị khóc ré lên. Ôi đau quá! Máu chị chảy váng trên sông, nở bung như những bông hoa gạo.

Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Chị gọi tên tôi, Hiển ơi! Hiển làm răng giúp chị với! Tôi cuống cuồng với lời cầu cứu và giọt nước mắt của chị. Tôi vê hai bàn tay rồi tụt quần lội xuống chỗ chị. Nước ngập đến cổ tôi, khó khăn lắm tôi mới đứng vững để cho chị Mãng bám vào. Trong phút ấy, mặt chị Mãng tái nhợt và môi chị xanh như rêu. Chị khóc, tôi cũng khóc. Khúc sông Vãng sớm ấy bình lặng, không có tiếng súng như mọi hôm. Nếu nhìn qua bên bờ Nam có thể thấy rõ cả cánh đồng bắp xanh rờn, yên ả. Cánh đồng bắp nằm sát bờ sông. Cánh đồng xanh, con sông xanh, bầu trời sáng hôm ấy xanh. Tôi nhớ mãi. Năm đó tôi mười một còn chị Mãng mười ba. Nhưng tiếng súng thì hơn. Vì mạ nói tiếng súng về đây từ hồi chín năm cho đến chừ, dài ơi là dài. Làng tôi nuôi khát vọng cho ngày hòa bình. Nhưng mà mần răng đem cho được hòa bình về. Phải trả lại làn nước xanh trong không có mùi khói súng cho con sông Vãng. Tôi nghe không hiểu lắm nhưng nghe trả lại màu nước xanh cho sông là tôi ưng bụng rồi. Chị Mãng thích tắm sông. Mỗi lần chị lội xuống bến là nước sông sáng lên một màu lấp loáng. Chị Mãng thích làn nước mát nhưng ghét mùi khói súng lẫn vào nước sông.

Cả bốn mươi ngôi nhà trong làng tôi đều nằm mấp mé bên sông Vãng. Con gái làng tôi đẹp hết cỡ. Nhưng người làng nói chị Mãng lại là người đẹp đến vô cùng. Tôi nghe nói rứa cứ tin là rứa, chưa biết xấu đẹp chi. Chỉ nhìn chị Mãng là không chớp mắt được. Có lần chị hỏi tôi, Hiển răng nhìn chị dữ rứa? Tôi trả lời không biết. Tôi thấy má chị Mãng ửng hồng. Chị vén tóc lên rồi đi ngang qua tôi để lộ cái cổ ba ngấn trắng ngần. Hình ảnh đó tự dưng sống mãi. Đêm đêm tôi nằm mơ thấy chị tóc dài ra bất tận. Tóc chị là con sông chảy vào đời tôi trong những ngày khói lửa.

Tôi thành bộ đội. Dù ngày mặc quân phục vào trông tôi vẫn còn quê độ lắm. Mạ thì cứ khen hoài. Mạ nói thằng Hiển ngó oai rứa, nhưng ngấn lệ đôi hàng mi mạ. Mấy người trong làng mừng khi tôi được vào chiến dịch, cái bắt tay đậm đà như ngày về đã xa. Tôi thấy tự hào và cảm xúc lâng lâng. Chị Mãng thì đứng ngó lơ giấu đôi mắt hoe hoe đỏ. Tôi cười nói xôn xao. Chị Mãng khóc chi rứa? Chị khóc vì Hiển đi bộ đội à? Hiển đi bộ đội răng mà chị Mãng khóc? Mấy câu hỏi của tôi khiến bà con chòm xóm cười xòa. Cái thằng không hiểu mô tê chi hết. Đó là buổi tối hôm tôi mười sáu còn chị Mãng mười tám. Tính chị hay khóc kể từ ngày chiến tranh mang ba mạ chị đi. Xác ba mạ chị tan vào sông Vãng. Chị sống với mệ ngoại. Mệ ngoại chị giặc Pháp cướp đi đôi mắt còn giặc Mỹ mượn một cái chân. Cho nên nói mệ ngoại sống với chị cũng đúng mà nói chị sống với mệ ngoại cũng không sai.

Đêm chia tay con chim Hết kêu nghe thương não nề. Chị Mãng đi dọc bờ sông, tôi chậm rãi bước theo sau. Bao nhiêu năm rồi nhỉ, từ ngày tôi lên bốn tuổi tôi theo chân chị Mãng đi trên cánh đồng bắp ven con sông này. Mùa bắp trổ bông, hương thơm ngầy ngậy. Mùi phấn bắp hối thúc tôi như mùi thơm trên áo chị. Mỗi bận đi dò bắp ven sông, tôi hay nắm lấy vạt áo chị đưa vào mũi. Chị Mãng bảo tôi hư. Từ đó nghe dường như hơi xấu nhưng hương thơm trên áo chị khiến tôi tò mò.

- Chị Mãng, mùi đó là mùi phấn bắp hay... mùi chị?

- Hiển hỏi chi rứa?

- Thì Hiển nghe thơm nhưng không biết đó là mùi chi.

- Rứa Hiển có thích không?

- Thích lắm!

- Hư, Hiển hư thiệt!

Chị cầm đuốc đi trước còn tôi vội vàng theo sau. Chốc chốc tôi đứng lại nghe hương tỏa ra giữa bạt ngàn gió thoảng. Từ xa xa, có thể thấy cây đuốc trên tay chị Mãng sáng tỏa ra một vùng vừa đủ cho tấm thân chị nổi lên trên nền bắp xanh mướt. Tôi đứng ngẩn ngơ. Hương nào của chị Mãng, hương nào tỏa ra từ ruộng bắp? Tôi không tài nào phân biệt được nhưng tôi yêu nó như nhau. Và tôi sẽ gìn giữ nó như lời cầu mong của chị.

- Hiển thương chị thì nhớ mang hòa bình về. Chị không muốn đạn vãi làm rách những ruộng bắp. Chị thương con chim Hết dữ tợn! Nó kêu đứt ruột đứt gan.

- Hiển nhớ mà. Nhưng chị Mãng cũng nhớ nghe, ngày Hiển về chị phải cho Hiển biết mùi thơm đó có từ mô. Từ ruộng bắp hay từ người chị.

Chị Mãng không nói thêm gì. Chị nắm tay tôi đi dọc dòng sông trong tiếng sóng vỗ bờ, trong ánh pháo sáng rực sông. Trong màu nước lấp loáng gợn lên từng đợt sóng. Tôi hôn lên tay chị, hôn lên bông bắp ở gần mé sông và mang theo vào hành trình cùng tiếng kêu của con chim Hết “đi về cho hết, đi về cho hết”. Đó là tháng hai âm lịch, ruộng bắp bắt đầu ngậm sữa. Từng quả bắp xanh tươi căng tràn. Tôi nhìn chị Mãng thêm lần nữa, tôi vuốt tóc chị rồi lội xuống sông cùng đoàn quân. Khi di chuyển đến giữa dòng, tôi bất giác nghe tiếng chị kêu. Hiển ơi! Hiển ơi. Tôi ngoái đầu nhìn lại thì cánh tay của người bên cạnh gạt đầu tôi trở lại cùng câu gắt: Bơi nhanh đi!

Chiến tranh trở nên cao độ với những ngày kinh hoàng nhất của Thành Cổ 1972. Ở phía Nam sông Vãng, có thể thấy cây cỏ bên bờ Bắc bầm dập, héo úa rồi những mái nhà cháy rừng rực. Chỗ chúng tôi, ngày cũng như đêm, Cổ Thành rừng rực như chảo lửa. Bom B52 cày nát cả một vùng. Đêm cuối cùng chốt giữ cổng thành phía Đông, tôi và một đồng đội tên Kỳ trò chuyện với nhau trong những giây phút yên lặng hiếm hoi của chiến dịch. Kỳ bảo Kỳ có vợ rồi, mới cưới xong, đã nếm mùi đàn bà được một đêm nên lỡ có mệnh hệ gì cũng dễ siêu thoát. Anh ngó qua phía tôi với đôi mắt tinh nghịch rồi nói tiếp mấy lời:

“Cậu chưa biết mùi đàn bà lỡ có đi theo tiếng súng khó lòng mà siêu thoát được”.

“Tôi biết mùi đàn bà rồi”.

“Của ai? Có sướng không? Người yêu cậu hả?

“Sướng chứ. Của chị Mãng, hàng xóm tôi”.

“Khá. Cô ấy có đẹp không?”

“Đẹp đến vô cùng”.

“Là sao?”

“Đẹp không tưởng tượng nổi ấy.”

“Hà hà. Thế chị ấy cho cậu à?”

“Cho gì?”

“Mùi đàn bà”.

“Không, tôi tự ngửi trên áo chị”.

“Ơ, chỉ thế thôi a?”

“Chỉ thế thôi”.

“Dào, cứ tưởng. Thế mà bảo là sướng”.

Sau phút giây ấy chúng tôi chia tay nhau. Kỳ nằm lại với mảnh đất này mãi mãi. Sáng mai ra nghe vài câu chuyện lòng tự hỏi lòng, có thực sự không siêu thoát được khi chưa trở thành đàn ông? Vì tôi thương Kỳ quá! Kỳ chỉ nói xạo tôi, Kỳ chỉ mới mười bảy tuổi.

Lúc bấy giờ đã là tháng 8, chỉ còn non ba tháng nữa là những cánh đồng quê tôi bắt đầu cày đất gieo hạt. Đến ra giêng mầu mơn mởn xanh của bắp sẽ phủ khắp cánh đồng. Rồi sang tháng hai chim Hết bay ngang trời gọi bạn, bắp bắt đầu trổ bông. Cả làng tôi trông chờ vào cánh đồng ấy. Tôi chiến đấu... Tôi sẽ mang về dòng sông xanh cho chị Mãng, cả ruộng bắp xanh và tiếng chim Hết kêu không còn buồn. Nhưng qua tháng 8, tháng 9 rồi cũng trôi đi...

Đến giữa tháng mười. Dân quê tôi gieo mùa trong tiếng súng, bỏ hạt bắp trong nắng táp lửa hun. Vụ đông xuân năm đó bắp xanh cả đôi bờ, tiếng chim Hết kêu vang khi bông bắp quẩy lên cùng những hạt nắng ươm vàng trên những mảnh ruộng. Tôi ngồi cheo leo bên thành, chỗ có mấy phiến đá chèn sâu vào thành gạch có mùi hun khói. Đêm đêm tôi xuống sông Vãng nhìn qua. Làng đấy, mạ tôi ở bên ấy dáng còng tóc bạc, chị Mãng mỗi ngày chạy khắp dòng sông gọi miết tên tôi, nhưng tôi không thể nào về được...

*

* *

Mùa bắp về ngập tràn bên hai bờ sông.

Hương bắp ướp vào trong làn gió, thấm đẫm vào trong làn nước.

Chị Mãng lội xuống sông.

Nước sông Vãng đỏ nhừ.

Những thằng bạn của tôi ở bên kia bờ sông vội vàng ào tới chỗ chị. Chúng vóc những mảng nước tươi rói phủ vào đầu vào mặt rồi hập hự hú lên thăng hoa.

Tôi đứng nhìn trân trối, những thằng bạn của tôi đã hy sinh lúc vượt sông sang giữ Thành Cổ. Chúng nó người mười tám, kẻ đôi mươi. Chúng không thể cưỡng lại trước cơ thể đàn bà lấp loáng và phưng phức hương mời gọi...

Đêm ấy, chị Mãng ở lại trên sông. Chị nằm dài ra bên bờ sông chỗ có ruộng bắp xanh tươi nhất. Bên cạnh chị có một có một con chim Hết đậu. Nó kêu lên buồn thảm thiết:

“Đi về cho hết! Đi về cho hết!

Không hiểu nỗi sầu, không biết niềm vui.

Sông chảy về đâu lôi lên dìm xuống.

Tan đời đàn bà, nát đời đàn ông.

Hòa bình dưới sông hòa bình trên ruộng,

buồn vui lẫn lộn, sương khói mịt mờ,

nhớ ai nhớ ai?”

Ngày lại ngày, chị Mãng mang bụng lặc lè đi ra sông. Con chim Hết sà sà bay theo chị suốt từ ruộng bắp lên ngọn nguồn con sông rồi về nơi chốn xưa chị trở thành thiếu nữ. Chị vẫn gọi tôi cùng với tiếng kêu của con chim Hết.

Hiển ơi! Hiển ơi!

Một mùa bắp khác lại đến. Chị mang bầu tròn một năm.

Tôi đứng bên bờ này hiu hắt nhìn chị Mãng.

- Có phải người đẹp vô cùng của cậu đấy không?

Tiếng của Kỳ, nó lướt đi nhẹ nhàng trên tấm cỏ xanh mượt mà rồi đến đứng ở cạnh tôi. Nó không còn đôi chân nữa. Bộ phận thân thuộc đó của nó gửi lại trong thành. Nó đứng chăm chăm nhìn chị Mãng. Nó buồn, tôi cũng buồn. Từng làn nước sông Vãng đêm về cuộn tròn lấp lánh. Từng ánh đèn rơi rơi trên sông. Từ bên này vượt qua bên bến sông kia chưa đầy năm mươi mét. Vậy mà quá xa xôi, đến đôi bờ cách trở.

Chị Mãng không biết tôi ở bên này. Chị đã ngây ngô như sông, ngây ngô như đất, ngây ngô như nước trôi trên con sông Vãng khi đèn tàn rơi quá giới hạn âm dương. Bên kia sông, tiếng những thằng bạn tôi vang lên:

- Mãng có bầu rồi. Là con tao. - Thằng thứ nhất nói.

- Là con tớ chứ. - Thằng thứ hai cãi lại.

- Điên, là con tớ. - Thằng thứ ba cười.

Còn bao nhiêu gã nhao nhao đòi quyền làm cha. Có người tôi quen mặt, có người thì không.

Nhưng gã thứ tư ngồi không nói gì. Và bọn chúng xán lại bên người thứ tư.

- Mày đã đến trước, đúng không? - Thằng thứ nhất hỏi.

- Mày đã yêu con bé trước bọn tao? - Thằng thứ hai gằn giọng.

- Đồ khốn! Nói đi chứ. Đứa bé là con mày đúng không?

Người thứ tư quắc mắt lên và dúi bọn chúng xuống sông:

- Quân khốn! Đứa bé mà bọn mày tranh giành là cháu ngoại tao đấy!

Người thứ tư bỏ đi, bọn chúng trồi đầu lên sông nhìn người đàn ông khuất bóng. Cạnh đó còn dễ đến chục người rút lui cuộc tranh giành của dự định. Chúng không khẩn thiết vì chị Mãng đã lội xuống sông và sinh ra những đứa trẻ. Những đứa trẻ chị Mãng vừa sinh ra trên sông có một nửa hình mặt người. Mới rời mẹ, chúng đã biết ngụp lặn trên sông trong màu nước sông trong vắt. Chúng quẫy đạp, đùa nghịch. Nước sông văng lên tung tóe, nó bơi về phía những người cha của chúng. Những người đàn ông bồng bế trên tay những đứa con bằng nước cười ngạo nghễ. Bên sông, chị Mãng nằm xõa tóc dài. Chim Hết kêu mênh mang.

Đi về cho hết! Đi về cho hết!

*

* *

Tôi gặp mạ rồi trở về nhà trong một ngày đông xuân. Khi qua sông Vãng, tôi chạy tới chỗ ngày xưa chị Mãng trở thành thiếu nữ. Chốn đó bây giờ người ta xây bến thả hoa. Tầng tam cấp được lát đá hoa mầu huyết dụ. Tôi ở đấy cho đến đêm, thế giới của tôi ụp xuống. Chị Mãng lại bước ra sông trong chiếc áo trắng và cái quần lụa đen. Tôi đưa tay ngăn chị Mãng nhưng sương khói tôi không buộc được bất cứ thứ gì. Từng bước một, chị rẽ nước lội xuống sông. Những đứa bé trên sông ngoi lên nhìn chị Mãng cười đùa. Chúng réo gọi chị Mãng, mẹ ơi! Mẹ ơi! Và bất giác, chị Mãng ngụp lặn vóc lên từng hạt nước. Tiếng khóc của chị rền sông, tay chị khua nước từng hồi. Chị vẫn cứ gọi tên tôi như cái ngày ấy:

- Hiển ơi! Hiển ơi!

Tôi lội xuống sông đến gần bên chị. Tôi đặt tay lên vai chị nhưng chị không cảm nhận được vì tay tôi không còn hơi ấm sau bao nhiêu năm tôi vùi đời vào đêm lạnh. Những đứa bé trên sông nhìn tôi hỏi gặng:

- Sao ông cứ nhìn mẹ tôi thế?

- Đuổi ông ta đi chúng mày ơi!

Chúng đến vây quanh người chị Mãng và đẩy tôi đi. Tôi lội ra phía xa nhìn chúng lập lòe bên cạnh chị Mãng trắng phau như đóa sen trong nước.

- Hiển ơi! Hiển ơi!

Lại những bóng đàn ông xuất hiện chập chờn trên sóng. Đám trẻ dáo dác khua nước, í ới gọi nhau không bằng tên rồi ngã nháo nhào trôi về cuối con sông Vãng. Chúng khóc ré lên gọi mẹ với những bàn tay nhỏ xinh, chới với. Tôi chết lặng, nước mắt hòa vào sông trong ánh đèn vàng vọt. Tiếng kêu của chị Mãng vẫn vang lên như những ngày trước:

- Hiển ơi! Hiển ơi!

Tôi lao đến túm cổ một thằng đàn ông lạ mặt. Nhưng bàn tay tôi đi qua cổ nó, nhẹ như đi qua một làn khói. Khuôn mặt nó đang bừng bừng phấn khích tỏa trên mặt nước chợt tĩnh tụ lại. Nó thầm thì với tôi bằng một giọng nghiêm trang:

- Hòa bình rồi, bọn tao ở sông nhưng vẫn nghe khát... Chúng tao yêu Mãng...

Tôi gầm lên:

- Mạ cha tụi bây! Tụi bây cướp chị Mãng của tao rồi!

Tôi bưng mặt khóc. Thằng bạn lướt đến bên tôi dỗ dành:

- Mầy về với mạ đi. Rồi sẽ hiểu. Chúng tao không cướp của mầy đâu...

Tôi lờ lững bay về nhà trong cái nắng đã bắt đầu le lói. Thân tôi mỏng ra, sắp thành sương khói giữa thanh thiên bạch nhật. Mạ quỳ trước linh ảnh của tôi khóc nức nở.

- Hiển ơi! Con về đó chưa? Mạ cũng sắp hết sức rồi.

Tôi không thể trả lời mạ bằng tiếng nói thân quen. Đám nhang trên bàn thờ tôi vụt sáng, mạ khóc lớn hơn. Mạ chạy xuống bếp réo gọi tên một ai đó mà tôi không nghe rõ. Lát sau, một đứa bé bước lên. Nó tóc vàng, mắt xanh, sóng mũi khoằm. Mạ bảo thằng bé:

- Cát Tút, con khấn ba Hiển con đi!

Thằng bé quỳ trước bàn thờ tôi, trên tay cầm cây nhang nói mấy câu lầm rầm:

- Ba Hiển ơi! Ba về với con chưa rứa?

Con tôi? Tôi có con? Trời ơi! Ý nghĩ ấy mới chỉ quặn lên trong đầu tôi, chưa phát ra lời. Vậy mà dường như mạ biết. Mạ kéo vạt áo thấm mắt giãi bày:

- Cái đêm mày đi ấy, toán quân Mỹ phục kích ở bờ sông đã bắt được chị Mãng mày...

Tôi nghe lòng rách tơi bời khi nhìn Cát Tút. Trông nó không giống những đứa trẻ trên sông.

Đêm mở tiệc đãi làng vì đã tìm thấy tôi, mạ khóc rồi nhắc lại mấy câu ngày cũ. Hòa bình về với tui còn thằng Hiển thì không… Nghe mạ khóc mà sương khói tạo nên thân tôi cũng rối bời, chợt muốn rã ra giữa sông để trôi về tận cùng với biển. Mạ nói, từ ngày thằng Hiển hy sinh con Mãng chuyển lên sống hẳn trên đò. Tội và thương không hết.

Tôi tụt khỏi bàn thờ bay ra sông.

Tôi ngồi xuống bên bến thả hoa thăm thẳm xa trông nhìn chị Mãng lội ngược về nguồn sông. Ở chỗ có con đò đậu bên gốc đa. Chị trèo lên đò nằm sóng soãi.

Chị nằm đó.

Mặc mưa, mặc gió.

Chị vẫn gọi tên tôi.

Hiển ơi! Hiển ơi!

Bên cạnh chị, con chim Hết không còn di trú theo mùa, nó ở lại. Nó bay đi cùng chị Mãng suốt dọc con sông kêu lên từng hồi khắc khoải. Đi về cho hết! Đi về cho hết!

Có người nói, con chim Hết gọi mùa.

Có người nói, chim Hết gọi bạn tình từ ngàn năm cổ tích.

Có người nói, con chim Hết gọi giùm chị Mãng tên một người nào đó...

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast