Tiếng sáo của người lính

Tôi tình cờ gặp Tín trong một hội thảo về tác hại của chất độc màu da cam mà Mĩ rải xuống Việt Nam trong vai trò là một người đang điều tra về những di chứng mà nó để lại trên mảnh đất hình chữ S này.

Quả là một sự tình cờ bởi thời gian hội nghị gấp, lại có rất nhiều tham luận nên bài phát biểu của tôi chỉ gửi cho ban tổ chức, vì thế, nếu không có tiết mục sáo của Tín, có lẽ chúng tôi sẽ không nhận ra nhau. Kết thúc hội thảo, anh mời tôi về nhà mình cách đó dăm cây.

Thế là miên man suốt chiều ấy, tôi và anh, những người lính của một tiểu đoàn chiến công cũng khá lừng lẫy, từng dọc ngang khắp các chiến trường, đã ngồi kể lại với nhau không biết bao kỉ niệm. Nào là giữa Cánh đồng Chum, có lúc ngửa pháo lên bắn máy bay giữa trời, mà cũng có lúc chĩa pháo xuống bắn lũ bộ binh địch…

Nào là những trận máy bay địch oanh tạc trối chết… Cho đến lúc chuyện vãn, và bóng vợ anh dắt xe đi chợ khuất sau cánh cổng, tôi mới ngập ngừng nhìn cây sáo treo trên tường, cố gắng tìm lời sao cho thật khéo để hỏi thăm. Sở dĩ tôi phải nén lại bởi lẽ nhân vật chính liên quan đến cây sáo ấy là một người đàn bà, mà người ấy, lại không phải là vợ anh bây giờ…

*
* *

Giữa mùa khô cuối những năm sáu mươi, khi còn đang huấn luyện ở một làng quê Ninh Bình, bất ngờ một đêm, chúng tôi được lệnh lên đường. Ra đến ga, mỗi thằng được phát một nắm cơm. Tàu sình sịch chạy, nửa đêm đến ga Si. Xuống ga, những chiếc xe gát, xe zin buông vải bạt kín mít đầy vẻ nghiêm trọng đã chờ sẵn. Đến sáng ngó ra, thấy con sông Lam sát cạnh, biết rằng đây đang là xứ Nghệ. Khi xe dừng hẳn, chúng tôi được đổ xuống một thung lũng giữa vùng núi non hiểm trở, khi ấy mới được cấp trên phổ biến đây là một binh trạm miền Tây, chúng tôi sẽ được bổ sung cho một tiểu đoàn pháo cao xạ đang chiến đấu tại nơi này. Quái lạ, luyện tập bộ binh hàng tháng trời, thế mà nay lại bổ sung cho tiểu đoàn cao xạ 37 li, thế là cái cớ làm sao?

Điều thắc mắc này được trả lời tắp lự khi mấy hôm sau, chúng tôi được chia về các đại đội chốt giữ ở những trọng điểm. Bom đạn ở đây tơi bời, khó mà tìm được một lùm cây, thước đất vẹn nguyên. Hóa ra tuyến đường này thời gian qua ác liệt quá, đủ loại máy bay ngày đêm đánh phá, đủ loại bom đạn quân thù táng xuống, lính hi sinh nhiều nên luôn phải có tân binh trám vào những vị trí ấy…

Có một chiều, hành quân đã mệt lử, chúng tôi reo lên khi được cho hay đêm nay sẽ dừng chân nghỉ lại ở một hang đá nơi chân đèo Cô Tiên, bản doanh của một trung đội nữ thanh niên xung phong. Bàn chân lúc ấy cứ bước phăm phăm, vẫn ba lô súng ống ấy, mà ngỡ mình được chắp cánh bay. Có thằng hứng chí còn vừa đi vừa hát, khác hẳn những đoạn đường trước, hành quân hổn hà hổn hển, cấm thằng nào hé răng một lời.

Xẩm chiều tới một hang đá giữa rừng cây rậm rạp, đã thấy các em thanh niên xung phong đứng chờ sẵn, tay bắt mặt mừng, nói cười ríu rít. Thấy chúng tôi thằng nào cũng tươm tất, lại khéo ăn khéo nói, chị em càng quý, cứ từng đôi sát cánh bên nhau nhóm củi, nhặt rau, ra suối kín nước… Đúng là lính tráng nơi cửa ngõ chiến trường được gặp phụ nữ, thằng nào cũng đều mê tơi. Thế nhưng ngặt một nỗi, khi đã “cơm no rượu say” rồi, tỉ tê rủ các em vào rừng tâm sự, thì em nào cũng lắc đầu quầy quậy. Hỏi cớ làm sao mà các em vô tình như vậy, sống chết ở đây tính từng phút từng giây các em ơi, thì các em mới thút thít cho hay kỉ luật của trung đội nghiêm lắm, khi màn đêm xuống, cấm một ai được ra khỏi hang, trừ phi lên mặt đường làm nhiệm vụ.

Nguyên tắc bất biến này có từ khi trung đội trưởng Hằng được binh trạm điều về thay trung đội trưởng cũ - một người đàn ông ba mặt con, dù lái máy húc phá bom rất tài, nhưng can tội đã làm cho một cô trong đơn vị mang ba lô trước bụng. Trung đội trưởng mới vóc người cao to, thuộc diện “gái một con trông mòn con mắt”, cánh lái xe, cánh công binh… thằng nào có vợ nhìn thấy trung đội trưởng Hằng cũng đều nuốt nước bọt ừng ực. Đã từng có một đại úy giở trò ỡm ờ này kia và đã được tặng một cái tát nổ đom đóm mắt… Ở đây, ai cũng khiếp trung đội trưởng Hằng nên có cho vàng mười các cô cũng chẳng đứa nào dám rời hang vào rừng “tựa cây” như các anh rủ rê đâu…

“Thế thì còn nước mẹ gì nữa!” Chúng tôi thằng nào thằng nấy tiu nghỉu, nhìn nhau hậm hực. Trong cái khó bỗng ló cái khôn, chúng tôi sực nhớ tới Tín, kẻ vừa đẹp trai, lại dẻo miệng, cây tán gái số một của đơn vị từ thuở đóng quân ở hậu phương. Vậy là “phương án tác chiến” được đưa ra tức thì mà con át chủ bài là Tín. Đúng là danh bất hư truyền, Tín quả hết sức xứng đáng với sự tin cậy của mọi người. Dù kém trung đội trưởng Hằng dăm bảy tuổi, nhưng ngồi bên chị Hằng, nó cứ lả lơi ngọt xớt. Rồi không hiểu bằng cách nào, nó nắm ngay được điểm nhạy cảm nhất của người đàn bà khó đăm đăm này là mê hát quan họ. Mê tơi luôn! Riêng quan họ thì có thể ngồi hát thâu đêm suốt sáng. Mà bài bà chị mê nhất là Bèo dạt mây trôi! Câu hát giống như nỗi lòng, mỗi lần cất lên là thấy nguôi ngoai nỗi nhớ chồng đang chiến đấu ở xa, nghe nói mãi đâu tận miền Đông Nam Bộ... Vậy là một buổi giao lưu văn nghệ được tổ chức trong hang của đội nữ thanh niên xung phong khi màn đêm vừa buông xuống…

- Bây giờ xin mời trung đội trưởng Thu Hằng (chữ Thu là Tín mới thêm vào) sẽ hát khúc quan họ Bèo dạt mây trôi, còn người thổi sáo hòa cùng tiếng hát Thu Hằng chính là tôi đây, Hoàng Tín…

Tín thong thả rút cây sáo từ trong ba lô ra, bắt đầu véo von. Phải nói tiếng sáo quá tài hoa, cứ như mật ngọt rót lịm vào cuống họng. Sau đoạn sáo mở đầu, Hằng cất lên tiếng hát. Chẳng ai tin nổi đấy là giọng ca của một nữ tướng luôn giữ gương mặt như sắt như thép, bởi nó có sự bềnh bồng của mây, của gió, như tiếng dòng sông con suối, xôn xao, miên man. Giọng hát vút lên, hoà vào tiếng sáo của Hoàng Tín như nắng quện gió chiều…

Hết Bèo dạt mây trôi đến Con gà rừng, rồi Nửa giường nửa chiếu đợi ai… “Người về em dặn mấy nhời, yêu em xin chớ đứng ngồi với ai. Người về em dặn người rằng…” Hằng càng hát càng đắm đuối, quên hết xung quanh chỉ còn con sông Cầu quê hương chảy trong lòng mình… khi ấy, lần lượt từng đôi đồng hương thật và “vờ”, lặng lẽ ra, vào hang trong tiếng sáo vi vút đắm vào giọng hát, như biển và bờ không thể rời nhau. Một lúc sau, xem ra “bên trong âu yếm có chiều lả lơi”, thằng Tín mới giả vờ ngả lưng, nghẹo đầu, tựa vào lưng Hằng để “gây sự”. Nhưng tín hiệu ấy không có phản hồi. Sau này hỏi ra mới biết, đêm ấy Hằng cũng say lắm, nhưng vì đang có chồng là bộ đội chiến đấu ở xa nên không dám tơ lơ mơ gì…

Minh họa: Nguyễn Ngĩa Phương

Minh họa: Nguyễn Ngĩa Phương


Sáng hôm sau chúng tôi lên đường, chị em rủ nhau dậy sớm để đun bếp, nắm sẵn cơm, tiễn đưa hết sức lưu luyến, có đủ cả nước mắt ngắn, dài. Lại còn tặng khăn tay, giấy pơ luya viết thư nữa. Tín cũng muốn tìm trung đội trưởng Hằng để bắt tay giã từ, nhưng chị em nói Hằng đã lên mặt đường từ nửa đêm rồi…

Khi phân về các khẩu đội, thế nào tôi và Tín lại cùng ở khẩu đội 3 do anh Công Chính là khẩu đội trưởng. Cuộc sống của người lính nơi chiến trường cuốn đi khiến chúng tôi chẳng còn tơ tưởng gì đến các cô gái thanh niên xung phong ở đèo Cô Tiên bữa đó…

Cho đến một lần, Tín lên cơn sốt rét nặng phải võng đi trạm xá mất đến một tuần, khi về nó rầu rĩ nói với tôi:
- Thu Hằng hi sinh rồi cậu ạ
Tôi cũng thấy choáng váng:
- Thế à? Sao mày biết?
- Tao nằm trên trạm xá, bên cạnh một thằng lái xe cũng bị sốt rét, nó kể với tao. Đêm ấy ở đèo Cô Tiên có một đoàn xe bị đánh cháy, Hằng đã chỉ huy trung đội lao vào dập lửa cứu đoàn xe và bị trúng đạn. Đơn vị đã mang Hằng về hậu phương rồi…

Chúng tôi cùng lặng đi thương xót. Đêm ấy, lần đầu kể từ khi về khẩu đội, tôi thấy Tín lấy cây sáo trong ba lô ra, ngồi lên bờ công sự cất lên điệu quan họ đầy nhớ thương… Tôi hiểu, Tín đang thổi lên tiếng lòng mình nhớ nhung một người con gái xinh đẹp, dũng cảm và nồng nàn tình yêu quan họ đã không còn. Sau đêm đó, thằng Tín bảo, giống như Bá Nha - Tử Kì, vì Hằng chết rồi nên nó thề sẽ không bao giờ đụng tới cây sáo nữa…

Nhắc đến đây, tôi nhấp một ngụm nước cho đỡ khê cổ rồi khẽ khàng:
- Sau đêm đó, tao chuyển đi đơn vị khác thì lại nghe rất nhiều người kể, khi đi qua trạm thanh niên xung phong ấy, họ vẫn được nghe giọng quan họ mượt mà của người đàn bà “sắt” ấy! Tao cứ bán tín bán nghi, nhiều lúc lẩn thẩn nghĩ, hay hồn Hằng hiện về hát cho lính mình nghe. Và cái tuyên bố của mày…
Tín cúi đầu trầm ngâm không nói gì. Một lát sau nó mới ngẩng lên:
- Ừ. Hồi ấy, sau khi mày đi, chuyện về Hằng vẫn chưa dừng lại ở đấy. Nó là thế này…

*
* *

Mùa mưa năm ấy, vì không hoàn thành chỉ tiêu đưa hàng lên phía trước, binh trạm buộc phải chuyển từ vận chuyển cơ giới sang thô sơ, đưa hết tất cả lính tráng, thanh niên xung phong của cả binh trạm đi gùi đạn, gùi gạo. Cứ năm giờ sáng ra nhận gạo rồi vượt hơn hai chục cây số đường rừng giao ở kho Nậm Xong. Ngày nào núi rừng cũng trắng xóa mưa rơi. Lính tráng còng lưng bấm chân, nhiều khi cả tay, trên những đoạn đường trơn, lầy gùi từ sáng sớm cho đến tối mịt mới về…

Một hôm tao nhận được lệnh triệu tập của chính trị viên tiểu đoàn. Trong lòng thấp thỏm không biết có sự tình gì, hay vạ miệng lúc nào đó leo đèo lội suối mệt nhọc lỡ văng vài câu mất quan điểm lập trường?
Đến nơi, thấy chính trị viên tươi cười đón tiếp mới thực sự thở phào:
- Này, tớ nghe anh em nó kháo cậu thổi sáo hay lắm phải không?
Tao ậm ừ, không thừa nhận cũng không phản đối. Quả thực khi ấy, lòng tao đang rất hoang lạnh sau khi nghe tin Hằng mất, không nghĩ đến sáo kèn gì nữa.

- Tớ có biết chuyện của cậu ở đèo Cô Tiên, chính trị viên vỗ vào vai tao đầy cảm thông. Nhưng là thằng đàn ông, nhất là lại giữa chiến trường, cần phải cứng rắn, bộ đội đang cần tiếng sáo của cậu… cái hồi tớ còn là anh lính trẻ đi chiến dịch Điện Biên, nhiều đêm hành quân mệt mỏi đến rã rời, thế mà có hôm đến một lưng núi kia, gặp tiếng đàn tiếng sáo của một đội văn nghệ đứng biểu diễn động viên chiến sĩ ta hành quân, tớ thấy như được chắp cánh… Anh em mình là pháo thủ, là công binh, là thanh niên xung phong, vì nhiệm vụ mà đi vác gạo, vác đạn qua suối sâu đèo cao, vất vả lắm. Phải làm sao động viên tinh thần anh em kịp thời để họ quên đi mệt nhọc. Mình cứ nghĩ, thi thoảng qua những đoạn đường suối sâu đèo cao, họ được nghe tiếng đàn tiếng hát động viên thì thật quý giá. Thế nên mình mới cho gọi cậu lên… Cậu cứ về nghĩ cho kĩ, nếu đồng ý, từ ngày mai cậu sẽ ngày ngày lên đỉnh dốc Yên Ngựa, đứng đó thổi sáo phục vụ động viên tinh thần anh em.

Quả thực, khi nghe ông ấy nói thế, có ai mà không nhận lời cho được? Vậy là hàng ngày, trên sườn đèo Yên Ngựa, nơi có con đường mòn gùi gạo đi qua, tao đứng đó thổi sáo hết bài này qua bài kia. Lính ta bất ngờ được phục vụ như thế, hoan nghênh lắm. Anh em bảo, khi nghe tao thổi bài Anh vẫn hành quân dù vai trĩu nặng gạo sau lưng, lòng vẫn cứ thấy phơi phới. Lính ta còn phục tao sát đất cái vụ giữa trời mưa dầm dề, thế mà tao cứ phơi mặt, mặc mưa xối xả, những ngón tay vẫn bấm thoăn thoắt, chẳng một giọt nước nào có thể rơi được vào lỗ sáo, nên tiếng sáo cứ đầy đặn và tròn căng, vi vút như tiếng tre làng đêm trăng gió mát, tiếng vạc bay trong sương hay tiếng gió thổi lồng lộng trên những cánh đồng…

Thế rồi một hôm đang réo rắt khúc Anh vẫn hành quân thì một nhóm các o Thanh niên xung phong gùi gạo đi qua bỗng hét toáng lên: “Quan họ đi anh ơi”. Cũng chẳng kịp nhìn ai vừa hét lời đề nghị đó, tao thổi ngay Ngồi rằng là ngồi i tựa…í a… chứ có mấy mà… mạn thuyền. Khi tiếng sáo vừa dứt, các o lại gào lên: “Nữa đi, nữa đi”. Ừ thì nữa, tao lại thổi tiếp mấy khúc quan họ liền.

Khi tao đang đắm vào những xúc cảm ấy thì có một người trùm áo mưa kín mít lặng lẽ đi tới, trên tay là một bó hoa rừng. Khi gần tới chỗ tao, người ấy dừng lại bần thần. Rồi như không thể kìm được cảm xúc đang dồn nén trong lòng, một giọng con gái vang rền nền nảy chợt vang lên quyện lấy tiếng sáo, loang ngấm vào màn mưa giăng…

Khi bài hát kết thúc, tao nhao xuống, ôm ròa lấy người đàn bà trong chiếc áo mưa kín mít, giọng gần như lạc đi:
- Chị Hằng. Chị Hằng phải không? Thế mà tôi nghe tin…
Hằng lúc ấy mới bỏ áo mưa ra, nhìn tao mỉm cười:
- Đúng là đợt ấy, tôi bị thương nặng. Nhiều người cũng tưởng tôi đã chết. Về viện hậu phương điều trị mấy tháng là khỏe. Lại khoác ba lô trở ngay vào mặt trận. Lại phá bom mở đường, lại cùng đi cõng gạo với chị em… Mấy hôm nay nghe tiếng sáo của anh thấy xốn xang quá, nên hôm nay đánh liều hái bó hoa rừng tặng anh, mời anh có dịp thì đến thăm chị em trung đội chúng tôi đóng quân cũng ngay gần đây…

Ngay xẩm tối hôm ấy, tao mò đến khu lán trại của Hằng. Các em thanh niên xung phong đón tiếp mình hết sức nhiệt tình. Mời cơm mời nước xong, túm tụm bên nhau hò hát. Chỉ tiếc đàn ông chỉ có mình tao, mà các em thì tới mấy chục. Hát chán chê mê mỏi, tao xin về để sáng mai còn làm nhiệm vụ. Hằng bấm đèn pin tiễn tao một quãng, hẹn ngày hết chiến dịch vận chuyển này, trước lúc trở về đơn vị, thể nào cũng phải gặp lại nhau…

Khi chiến dịch kết thúc, buổi tối trước khi đơn vị nào về bản doanh của đơn vị ấy chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, tao hăm hở ra bờ suối nơi đã hẹn hò Hằng. Thay vì tâm tình, tao lại rút cây sáo ra véo von thổi thay cho nói bằng lời, để Hằng ngồi bên cứ se sẽ hát theo. Thế nhưng mới được mấy câu đầu của Bèo dạt mây trôi, Hằng bỗng nghẹn lại, bất chợt ôm mặt rưng rưng khóc, tao hoảng quá, lay lay vai Hằng, chẳng hiểu sao tiếng “em” lại buột ra:
- Hằng, Hằng ơi… Em làm sao vậy?
Nghe từ em, Hằng sững sờ nhìn tao, rồi ôm choàng lấy:
- Chồng em hi sinh rồi… hu hu… Em được tin mấy tháng nay mà chưa dám nói với ai.

Hằng lại nấc lên. Tao xúc động xiết lấy đôi bờ vai đang rung lên từng đợt của Hằng, mặc cho những dòng nước mắt lã chã ướt đẫm ngực áo. Một cảm xúc thật khó tả, vừa xót thương, vừa nóng bỏng, rạo rực trào dâng. Một tình yêu chân thành đã nẩy nở, dẫu có chênh lệch về tuổi tác, nhưng chẳng là gì khi cả hai đã từng cùng nhau qua lửa đạn, qua những gian nan vất vả đời lính, hiểu nhau qua những làn điệu quan họ quê hương đã có từ ngàn đời nay…

Buổi tối hôm ấy, trước lúc chia tay, Hằng nói tao thổi tặng nàng một bài. Tao đưa sáo lên môi, để hết tâm hồn thổn thức khúc Giã bạn… Khi tiếng sáo dứt, bỗng nhiên Hằng giật lấy cây sáo, rồi thẳng tay ném nó xuống dòng suối. Hằng bảo “Bởi cái tiếng sáo ma mị này mà em nhớ nhung dấm dứt, tan nát con tim, nên phải vứt sáo đi để nó đừng làm ai khổ nữa, để anh không còn được dụ dỗ ai nữa mà chỉ biết một mình em thôi”.

Nhìn cây sáo cứ dập dềnh trên mặt nước loang loáng ánh trăng trôi xa dần, lòng tao xốn xang khó tả. Tao xiết chặt Hằng hơn và đặt lên môi nàng một nụ hôn nóng bỏng… Ôi, cõi đời này, hỏi rằng có mấy ai có được tình yêu quyết liệt như của Hằng dành cho tao? Tao nhìn nàng đắm đuối, se sẽ gật đầu… Nhất định, anh sẽ chỉ của riêng em. Nhất định thế… Nhưng cũng bất ngờ như lúc giật lấy cây sáo, ngay lập tức, Hằng lội xuống vớt cây sáo lên và trao lại cho tao. Nàng dựa đầu vào ngực tao khẽ khàng: “Cây sáo lúc nãy em vứt xuống suối để anh không thổi tặng riêng cho bất cứ cô gái nào ngoài em, nhớ chưa? Còn cây sáo này, anh giữ lấy, thổi cho đồng đội chúng mình nghe…”

*
* *

Tín dừng lại. Anh khẽ ho nhẹ mấy tiếng. Tôi biết anh đang xúc động. Những kỉ niệm cũ ào ạt như con lũ đầu mùa đang cuồn cuộn trong anh. Chờ cho cảm xúc nén xuống, anh mới tiếp tục câu chuyện.

- Hai tháng sau, vào buổi trưa, khi vừa bưng bát cơm lên thì có một cô thanh niên xung phong hớt hải chạy vào báo tin Hằng bị thương nặng khi phá bom trên đường, chắc khó lòng qua khỏi. Chẳng kịp xin phép, tao vội chạy theo. Đến nơi, thấy Hằng đang nằm trong lán. Một khoảng ngực bị vỡ, đầm máu đỏ. Hằng đã yếu lắm rồi. Đôi mắt mệt mỏi chớp nhẹ đầy yêu thương nhìn vào mắt tao rồi khẽ đưa xuôi xuống lưng, nơi có cây sáo tao dắt ở đó. Môi nàng khẽ mấp máy như muốn nói điều gì khẩn thiết lắm. Tao chợt hiểu. Khi tiếng sáo vút lên, đôi môi Hằng khẽ mỉm cười. Hai mi mắt của nàng từ từ khép lại vĩnh viễn như đang chìm vào một giấc mơ …

Cả hai chúng tôi cùng im lặng. Tôi nghe như vẳng đâu đây, giai điệu réo rắt người ơi người ở đừng về. Giữa tiếng sáo da diết đó, có một cô gái đang say giấc với nụ cười hạnh phúc nở trên môi.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast