Tính cách người Mỹ trong 'Đám đông cô đơn'

Nhiều năm rồi, dung hòa để thích nghi hay tách đám đông để độc lập vẫn là câu hỏi khiến tôi băn khoăn. Đọc Đám đông cô đơn của David Riesman, thấy còn một kiểu khác: lệch lạc, không thích nghi cũng chẳng độc lập.

Đám đông cô đơn (The Lonely Crowd) là tác phẩm xã hội học nổi tiếng của nhà nghiên cứu không bằng cấp David Riesman (người Mỹ) cùng hai cộng sự Nathan Glazer và Revel Denney. Đây cũng là một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, bản gốc ra vào năm 1950. Bản tiếng Việt của Thiên Nga xuất bản năm 2013.

Cuốn sách được coi là nghiên cứu có tính bước ngoặt về tính cách người Mỹ, về sau cũng là cơ sở xã hội học để các dân tộc khác cùng soi chiếu. Cũng chính cuốn sách này (bán chạy, tiêu thụ đến hơn triệu bản) khiến các thuật ngữ “nội tại định hướng” và “ngoại tại định hướng” trở nên quen thuộc.

Tính cách người Mỹ trong 'Đám đông cô đơn' ảnh 1

Sách Đám đông cô đơn dày 508 trang khổ lớn. Nhã Nam và NXB Tri thức ấn hành

Trong chương 12, Thích nghi hay độc lập, tác giả nêu ra 3 kiểu người phổ quát trong xã hội: thích nghi, lệch lạc và độc lập. 3 kiểu người này ứng với 3 thuật ngữ: truyền thống định hướng, nội tại định hướng và ngoại tại định hướng.

Phẩm chất thích nghi được lấy làm chuẩn, là truyền thống, điển hình, dành cho “người bình thường”. Vậy nên, con người ta thích nghi được với hoàn cảnh là một điều không lấy gì làm lạ.

Với từ lệch lạc, Riesman nghiêng về nghĩa “không theo quy tắc, phóng túng”, nhưng ông thận trọng không nhấn mạnh ở nghĩa “kém về khả năng thích nghi”, vì ông tôn trọng những nền văn hóa đánh giá cao sự lệch lạc, vượt ra ngoài khuôn khổ.

Còn người độc lập, nếu nghe khái niệm của Riesman thì vô cùng lý tưởng, là người “có thể tuân thủ các chuẩn mực hành vi của xã hội mình, nhưng được tự do quyết định xem có tuân thủ hay không”. Những người có chút bản sắc và mong muốn phá cách nên đi theo con đường này.

Giọng văn dịch có chút khô cứng nhưng nội dung tương đối dễ hiểu: không ai cả đời chỉ sống một kiểu thích nghi, lệch lạc hoặc độc lập. Con người thay đổi theo từng hoàn cảnh. “Nói quá lên thì, ngay đến một người mất trí cũng không phải là kẻ lệch lạc trong mọi mặt đời sống; một người độc lập cũng không hoàn toàn độc lập… Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể mô tả một cá nhân theo cách một phương thức thích nghi chiếm ưu thế” – Riesman viết.

Đám đông cô đơn có tiêu đề bay bổng nhưng là tác phẩm học thuật nghiêm túc và kỳ công, là công trình để đời của tác giả. Suốt 20 năm, từ cuối thập niên 50 đến cuối thập niên 70, Riesman giảng dạy ở Đại học Harvard về chuyên đề nổi tiếng: Tính cách Mỹ và cấu trúc xã hội.

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast