Trấn Yên Bình ngày ấy

Trấn Yên Bình nằm dọc theo lộ Một. Chiều dài chưa đến hai ki lô mét. Phía tây hẹp té bởi núi chắn ngang. Phía đông rộng trên năm cây số đường chim bay. Phía nam bị chắn bởi một ngọn đèo cao tầm năm trăm và quanh co trên sáu ngàn mét. Phía bắc có một con sông lớn chạy ngang, kề bên sông là một cánh đồng mênh mông kiểu cò bay thẳng cánh.

Cha ông gọi Yên Bình là không ngoa. Những người lớn tuổi kể rằng suốt một thời kháng chiến chống Pháp, Yên Bình không biết chi tới hòn tên mũi đạn. Thậm chí cho đến những năm người Mỹ và lính Cộng hòa giành Yên Bình vào tầm kiểm soát vẫn không có một viên đạn pháo kích nào của Giải phóng rót vô trấn. Vì sao? Vì hầu hết con em Yên Bình là cách mạng, cả những người làm việc cho Cộng hòa, mười ông thì hết sáu là Việt cộng, pháo vô cho chết phe ta à? Nói như vậy không có nghĩa là không có người chết vì súng đạn, nhiều là đằng khác.

Yên Bình loạn cuồng từ khi lính Cộng hòa chọn nơi này làm đất hứa cho vợ con. Từng đoàn công voa ghé ngang và trút xuống trấn những người là người. Lính tráng a la xô vào những cánh rừng ven lộ và nhà dã chiến theo hình thức khu gia binh mọc lên. Chợ Yên Bình vốn xổm bỗng hóa thị tứ. Chỉ có cái hơi buồn, đó là tiếng khóc. Tiếng khóc ấy bắt nguồn từ những chiếc GMC chở những cỗ quan tài bọc kẽm trên phủ cờ vàng ba sọc đỏ.

Lệnh động viên vào lính được ban bố. Tất nhiên rồi, phải có kẻ lót vào thay người đã chết để quân số luôn đủ. Và tất nhiên là chả ai chịu để con em mình ra sa trường làm mồi cho súng đạn. Vậy là cảnh sát đi lùng sục khắp chợ cùng quê. Họ xuống mấy thôn ấp kề Yên Bình lùng thanh niên trốn quân dịch… Về sau còn có cả quân cảnh đi truy lính đào ngũ. Yên Bình nhiều đường ngang ngõ tắt nên rất lí tưởng để trốn chạy. Đào ngũ, trốn lính tập trung nhiều ở nhà thổ và sòng bạc. Một thế giới ngầm ra đời cùng với các hảo hớn.

Minh họa của Nguyễn Nghĩa Phương
Minh họa của Nguyễn Nghĩa Phương

Những tên tuổi cồm cộm nổi lên nào Sơn trắng, Sơn đen, Long khào, Bảy mò, vân vân. Mỗi đàn anh lấy một vùng phố đóng đô. Người ta kể rằng trước khi Sáu vũ bão làm cha xứ này thì Bảy, lúc đó chưa là Bảy mò, uy phong lắm, được giang hồ tụng xưng với lòng kính trọng. Khu phố nơi Bảy ngụ, nhà thổ và sòng bạc phải đóng hụi chết cho Bảy. Đồn rằng Bảy đã xách súng bắn chết đại úy đại đội trưởng rồi bỏ ngũ. Mẹ cha ơi, chỉ huy mà còn thịt thì dân tình có ra chi. Uy vậy mà về sau Bảy phải dưới trướng Sáu.

Sáu tên thật là Bão họ Vũ, thứ sáu trong một gia đình đông anh em ở miền Tây. Buồn quá, Sáu đăng lính, với chiều cao mét bảy, nặng bảy lăm kí, một thể hình lí tưởng cho sắc lính dù. Ông Cộng hòa đưa Sáu ra Quảng Trị để chống Cộng, bà mẹ ơi, khổ quá, Sáu chuồn. Xe đò đưa Sáu từ Quảng Trị vào Nam, ngang qua Yên Bình thì bị chặn để kiểm tra. Biết bị bắt lại là lãnh kiếp lao công đào binh, làm bia đỡ đạn trên chiến trường, nên Sáu liều mạng. Sáu vung tay thọc một cú đờ réc vào mặt một viên cảnh sát, rồi tiện tay chụp khẩu Ru-lô của hắn dí vào đầu một tay quân cảnh, lôi cổ tay này đi về một con hẻm, khi khoảng cách đã ngon lành, Sáu đâm đầu bỏ chạy. May nhờ vụ đó nên mấy thanh niên trốn lính và tốp đào ngũ vừa bị tóm, thoát luôn. Một trong số này có Bảy. Bảy chạy về thì thấy Sáu đang ngồi trong một quán thuộc địa bàn quản lý của mình liền mời vào nhà kết nghĩa đệ huynh.

Rượu bày ra, chưa kịp tạc thù thì hai thằng du thủ của phố khác ập vào, quyết xin Bảy tí huyết vì tội cà nghinh. Bảy tuy đàn anh nhưng chơi không sạch nên em út toàn thứ lôm côm, thấy có biến chúng co vòi để anh muốn chi đó thì muốn. Hai thằng du côn xách cổ áo Bảy rút lê ra đòi lụi. Thấy vậy Sáu liền ra tay. Té ra Sáu có tí chút võ nghệ, hai thằng du côn bị đập một trận nên hồn. Đôi tay của thằng bảy lăm kí vứt hai thằng ốm đói vì xì ke ra cửa như vứt miếng giẻ rách...

Có Sáu, Bảy như hùm thêm vuốt, liền gọi Sáu là Sáu vũ bão cho giang hồ sợ chơi. Hên cho Bảy là Sáu bỏ ý định về miền Tây vì bất ngờ anh ta gặp Thìn.

Thìn không đẹp nhưng duyên. Cô là gái của nhà chứa. Sau vụ cướp súng, Sáu tuy nổi tiếng trong giới giang hồ nhưng vẫn phải sống chui nhủi như giun dế tránh sự truy lùng của công quyền. Sáu vô nhà chứa giải quyết cái sự buồn, ai cũng biết chốn chứa thổ đổ hồ luôn có những chỗ trốn tránh trên cả tuyệt. Vậy là dưới hầm Sáu ôm Thìn tỉ tê ôi chiến tranh cướp mất đóa mộng đời…

Thìn rằng ở quê em bị lính đi càn hãm hiếp. Đời đã không còn chi nên em thây kệ cuộc đời…

- Xứ em – cô nói - buồn cười lắm anh, em bị hiếp mà người ta lại ngoảnh mặt, xem như thứ bỏ đi. Em đâu có tội gì hả anh? Ở không được bởi mắt nhìn khinh thị nên em lên đây…

Sáu thở dài:

- Biết nói làm sao được em? Chiến tranh đâu ai làm chủ được mình.

Vậy rồi không hiểu làm sao Sáu đắm cô gái này. Yêu chăng? Cũng dám lắm. Hai tâm hồn đơn độc và thiếu thốn tình cảm gặp nhau mà. Sáu đưa Thìn về một căn nhà như bao căn tạm bợ khác ở miền quan quân hỗn loạn mà ra vợ chồng.

Sáu và Bảy kể từ khi bọn du thủ bị hốt mặc nhiên thành trùm Yên Bình. Cả hai mò đến một nhà thổ hoặc đổ hồ nào bất kì thì chủ nhân vội ra tay cống nạp để bình yên mà hành nghề. Yên Bình có mười một khu, tất cả đều xếp mình dưới trướng anh Bảy. Bảy tham lam, vênh vang ra vẻ mình là đàn anh của Sáu, làm lắm cái chướng mắt, và bao nhiêu tội lệ thiên hạ đổ vào đầu một Sáu vũ bão. Họ cho rằng nếu không có Sáu, cho vàng Bảy cũng không dám cha chú râu ria. Bảy làm trời làm đất với cả lính tráng về Yên Bình dưỡng quân. Cả sắc lính biệt động rằn ri Bảy cũng không từ.

Sau biến động Mậu Thân, báo chí ra rả rằng Việt cộng đã kiệt quệ cả hồn lẫn xác. Điều này e không đúng, bằng chứng là cam nhông vẫn đưa lính Cộng hòa chết vì súng đạn từ đâu đó nhập nghĩa địa Yên Bình. Lệnh tổng động viên vẫn ỳ ỳ xèo xèo. Và lính tráng các nơi kéo về dưỡng quân. Đủ màu cờ sắc áo. Từ ô liu mũ lưỡi trai cho đến đồ hoa với mũ nồi. Phía tây Yên Bình, ông Việt Nam Cộng hòa cho máy cày san phẳng một diện tích cả hai mươi hecta, lao công đào binh nện nọc sắt bằng búa tạ và kẽm gai vây lại để cho ra một trung tâm huấn luyện quân sự.

Đó là chưa nói đến những căn cứ của lính Mỹ đóng rải rác dọc lộ. Thôi thì quán xá mọc lên với muôn hình vạn trạng sắc màu. Lính tráng về ăn nhậu để quên đi ngày mai với cái chết cận kề, ngà ngà lên họ rúc vô nhà thổ rồi đổ tiền vào đỏ đen. Sống nay chết mai, để tiền làm chi cho nặng túi?

Sống giữa đám lính với tâm hồn sống không bằng chết, vậy mà Bảy vẫn ngang nhiên cha chú. Du côn trong thời chiến không gan góc thì đâu đứng được với đời. Thêm một Sáu vũ bão đi đâu cũng lận súng trong hông. Ai lì lợm hay cà nghinh cà bật, hú một tiếng là anh Sáu cho đo ván ngay tức khắc. Chỉ vì ỷ thế thần nên Bảy đã đẩy Sáu vào cửa tử.

Hôm ấy trong sòng xóc đĩa, toàn lính tráng. Bảy ra tay hốt bạc. Một đồ hoa, mũ nồi đỏ, túm cổ Bảy đòi đâm bằng lê. Quê độ, Bảy về tâm sự cùng Sáu. Sáu nghe nói có thằng đòi xử người thân liền đến xem cớ sự. Chưa kịp rõ đuôi đầu thì anh cả nhảy dù xách mé:

- Mày là Sáu vũ bão hả? Tao đâm cho mày ra mười luôn.

Nói xong vung lê. Sáu ôm bụng ngã xuống. Thằng nhảy dù đạp mũi giày lên ngực Sáu, thò tay tước khẩu súng sáu xỉa vào Bảy. Sợ quá Bảy co giò chạy trối chết. Chủ sòng kể rằng thằng nhảy dù không cho ai khiêng Sáu đi, oằn oại suốt hai tiếng đồng hồ, Sáu nhìn máu chảy và chứng kiến cái chết của chính mình từng tí một. Thìn có đến van lạy nhưng gã mũ nồi lạnh như tiền, tuyên bố rằng, phải trảm cho bằng hết thứ cặn bã của xã hội. Đâu có chuyện kẻ phơi thây ngoài chiến địa, kẻ làm du côn đi cướp bóc?

Sáu vũ bão ra đi, Thìn phải sống nhờ thằng em trai tên Tỵ với cái nghề hớt tóc.

Hai mươi lăm tuổi, Tỵ chịu không xiết cảnh lùng bắt quân dịch, nghe nói chị gái sống vợ chồng với một trùm, Tỵ lên Yên Bình núp bóng. Quả vậy, đã là em anh Sáu chả ma cảnh sát nào dám mè nheo. Tỵ hiền như bụt, Sáu liền gửi Tỵ cho ông chủ hiệu hớt tóc Thủ Đô. Tỵ hàm ơn anh rể lắm, vì anh luôn cho tiền gửi về nuôi vợ và hai con. Sáu chết, Tỵ cũng vắn dài nước mắt. Nhưng biết làm sao, đành ngậm ngùi chị em nương nhau qua thời tao loạn.

Sáu chết, nhưng những du côn khác vẫn cát cứ Yên Bình. Mỗi anh làm cha một cõi. Cả chục trùm du đãng làm bát nháo dân tình. Ông chính quyền dân sự chả dám động chạm. Mấy tay già cố cựu nhìn cảnh tình mà thở dài trong thăm thẳm chiều trôi.

Đùng một cái, biến cố mùa hè đỏ lửa 1972 đến như sấm động. Nó làm dân ở những trại tạm cư ngoài trấn Yên Bình hoảng hốt. Dân các nơi đổ về Yên Bình tránh chiến sự, ông Cộng hòa đưa họ vào tập trung trong những trung tâm tiếp cư. Cư dân tuy có tù túng khoản ở, nhưng lương thực được cấp phát rất chi xôm tụ. Từ thịt hộp, gạo Thái Lan, bánh mì súc của Mỹ… Yên Bình vốn đông đảo bởi lính tráng, nay thêm dân tạm cư nên càng bát nháo. Xe quân sự xuôi ngược cả ngày lẫn đêm, chuyển quân đi trận, đưa quân về dưỡng. Yên Bình, đêm cũng như ngày, trong những quán bar vọng rền rĩ những bài hát với ca từ sầu bi, chán chường cho cuộc chiến khắp hang cùng ngõ tận. Ngoài đường tài xế xe nhà binh chạy bất kể trời đất thánh thần, tai nạn xảy ra ai chết ráng chịu. Ông chính quyền dân sự Yên Bình phải chữa cháy bằng cách dộng cát vô thùng phuy dựng giữa đường để hãm đà các ông thần tốc độ. Cứ năm mét một thùng, kéo dài hai cây số chiều dài thị trấn.

Và hôm đó, dữ dội gấp một nghìn lần trong phim cao bồi Mỹ. Bảy mò và Tỵ tử thần bắn nhau bằng súng M-16 ngay giữa lộ, nơi khu vực sầm uất nhất của trấn là chợ Yên Bình. Tỵ một thùng phuy, Bảy cũng một. Cửa nẻo toàn khu phố cấp kì kéo lại. Tiếng cửa sắt kéo gấp giữa trưa nắng cháy nghe rùng rợn không sao tả xiết. Lộ lớn hốt nhiên không một bóng người. Mấy thằng giang hồ vặt chả đứa nào dám thò ra. Đàn anh Hải rỗ kể:

- Lúc đó tao đang trên mái nhà của quán Nam Sơn, giương súng tính cho thằng Tỵ một phát, nhưng tình thiệt mà nói là đếch dám.

- Sao vậy?

- Không dễ để nhắm bắn một con người…

Đã nói giang hồ Yên Bình chỉ là thứ vặt, lợi dụng thời thế hỗn mang rồi bày đặt cha chú râu ria chứ đối diện với sự chết là run như cầy sấy. Vậy mà không hiểu tại sao gã lành như đất là thợ cắt tóc Tỵ lại hóa hung thần, giết người không ghê tay? Và thằng đàn anh Bảy lại bị phán thêm chữ mò? Ông Phong chủ hiệu hớt tóc Thủ Đô kể rằng:

- Thằng Tỵ máu lạnh là do vợ con nó chết.

- Sao chết vậy chú?

- Một trái cà nông của chi khu bay không tới điểm nên chết chùm, nó hận nên ra vậy.

- Còn thằng Bảy, vì sao mà có hận với nó vậy chú? Sao lại gọi Bảy mò?

- Vụ này tao thua. Muốn biết hỏi Á Cao.

Á Cao dân lai Tây, đào ngũ sau tám tháng là lính thủy quân lục chiến, nhà một khu với Sáu vũ bão. Á rằng:

- Hôm đó thằng Bảy mò vô buồng bà Thìn. Có lẽ nghĩ bà Thìn là gái bán hoa nên có chấm mút cũng không sao, ngờ đâu bị đạp ra khỏi giường. Điên lên nó phang cho bà Thìn hai bạt tai, rồi đè ra làm cái nó muốn. Thằng Tỵ về thấy mặt chị nó sưng húp. Nó nghiến răng tuyên bố chưa giết được Bảy mò là chết không cam.

Tỵ tử thần làm rúng động Yên Bình. Cuộc đọ súng kéo dài cả tiếng đồng hồ không phân thắng bại. Bảy biến mất hút. Tỵ mặt mày ám khói súng như cô hồn, nắm nòng khẩu M-16 kéo lê trên đường dưới ánh đèn...

Sau mùa hè đỏ lửa 1972, người Mỹ đã rút về mẫu quốc, còn lại ba ông cố vấn đâu đó trên cao. Ông Cộng hòa quân sự hóa cả học đường. Đâu đâu ở Yên Bình cũng lính. Mấy ông đào ngũ bán súng kiếm tiền xe về lại cố quận. Bọn du thủ cũng trang bị cho mình một khẩu lấy uy. Ba Chinh dường như muốn xưng bá nên mang súng đến tiệm Thủ Đô tìm Tỵ. Hớt tóc xong, Ba Chinh nghênh ngang đi ra thì Tỵ ở đâu lừ lừ bước vào, mặt lạnh như đá cục:

- Ê Ba Chinh! Sao mày không trả tiền?

- Tao cho một viên nát gáo bây giờ.

- Dám không? Tao đang muốn chết nè.

- Súng đây, tự xử đi.

Nói xong Ba Chinh đưa khẩu súng cho Tỵ.

Không ai có thể lường được việc xảy ra. Ai mà nghĩ rằng giữa thanh thiên bạch nhật, người qua lại như nước như nêm, một tiếng súng khô khốc vang lên và Ba Chinh huỵch ra đường.

Trong khi thiên hạ nháo nhác chạy, cả mấy ông lính cũng chạy luôn, ai ngu gì đứng đó để lãnh đạn. Thời loạn kẻ khùng khịu nhiều lắm. Cái chết oan ức của ông chủ quán phở Hồng Hà đã cho dân tình thật sự sáng mắt. Ở Yên Bình lừng danh phở bắc Hồng Hà, chủ quán vào Nam hồi 1954. Ăn nên làm ra chỉ một phở. Hôm ấy tiếng súng nổ rền rền. Một chiếc Dodge bốn bánh chạy trên lộ. Tài xế tay nắm vô lăng, tay xỉa súng bóp cò. Thiên hạ vội vàng kéo cửa, ông Hồng Hà kéo chậm nên bị ăn một phát vào đầu. Gã giết người cũng tự cho mình một viên. Vậy nên ai ngu chi mà coi ngó? Vả lại chết bớt một du thủ thì càng tốt có sao.

Khi cảnh sát đến thì Tỵ đã yên vị trong một con hẻm nào đó rồi. Trưởng trấn Yên Bình cực ngạc nhiên khi biết kẻ thủ ác là Tỵ. Cả tốp đang lập vi bằng, ăng kết thì Ba Lực em trai Ba Chinh đến. Thằng du đãng này đưa tay lên trời lớn tiếng thề rằng:

- Đù… không giết được thằng này tao là con chó!

Câu thề vừa dứt thì một tiếng “đòm” vang lên. Cái gáo dừa của Ba Lực vỡ toang. Óc não văng xa cả mười lăm mét. Một tay cảnh sát nói:

- Ê, não con người ta khi gặp gió nó phình ra nhìn ghê thấy mẹ!

Vậy là cái tên Tỵ tử thần lan ra tận hang cùng ngõ hẻm của Yên Bình và các vùng phụ cận.

Bọn trùm các khu không thằng nào dám léo hánh ra đường. Dân tình lại to nhỏ rằng, chuyến này mấy thằng du đãng chết chắc, ông chính quyền đã mượn tay Tỵ để giết bớt côn đồ. Bằng chứng là Tỵ vẫn nhởn nhơ sống. Vậy là ai cũng tin trưởng trấn bật đèn xanh cho Tỵ. Có người còn khẳng định là đã gặp trấn trưởng cùng Tỵ tạc thù ngay tại nhà riêng. Bọn du côn nghe qua sợ quá, không biết bao giờ đến lượt mình về đất mẹ, nên từng em một đâm đầu tháo chạy khỏi Yên Bình.

Người đầu tiên là Thành cụt.

Thành không hề là du đãng, cụt chân thì du côn du kiếc chi. Nhưng Thành bị Tỵ đòi giết là vì hắn đã lỡ tay làm chết vợ con mình. Để phòng thân, Thành mua một khẩu M-16. Hôm ấy lấy súng ra lau chùi. Trước Thành từng đi lính nên vụ tháo ráp súng không chi khó. Ráp xong lên đạn thử chơi, lúc cầm khẩu súng đưa ngang thì bị cướp cò, nguyên băng hai mươi viên vợ và con trai Thành lãnh trọn. Nghe chuyện Tỵ nói với ba quân:

- Thành cụt đáng chết!

Khi bị cảnh sát truy bắt vì tội ngộ sát, Thành vẫn lẩn quất ở Yên Bình. Chính quyền Thành cụt không sợ, vì hắn đã có những con hẻm chở che. Nhưng đối với Tỵ tử thần thì Thành cụt trốn vào đâu, vì gã là vua hẻm.

Tỵ tử thần vẫn âm thầm trong bóng tối, thoắt ẩn thoắt hiện như ma trơi. Được cái, những kẻ chết dưới tay Tỵ đều là bất hảo của xã hội. Cái dữ dội mang tính bạo tàn ấy khiến Yên Bình về đêm bớt nhốn nháo, con phố nhường lại cho lính tráng, còn trẻ trai, học trò bị cấm ngặt ra đường.

Sau Thành cụt lại đến Chín say. Thuở Tỵ còn lành như bụt, Chín ỷ thế đàn anh cũng ra vẻ yêng hùng, từng túm cổ áo Tỵ đòi thoi. Nay Tỵ là thần chết nên Chín phải trốn lên Đà Lạt nương nhờ. Nhiều nhiều nữa các anh phải co cái vòi nhũng nhiễu. Chỉ duy nhất lính tráng thì chả sợ Tỵ. Loại người lúc nào cũng có thể bị bỏ thây ngoài chiến địa ấy coi Tỵ chả ra cà ram gì. Một đêm kia có một tay biệt động quân, sau chầu nhậu ở một Snack- bar, ngà ngà men, hắn xách súng xỉa lên trời xả một băng rồi la lớn rằng:

- Đù má! Thằng Tỵ là thằng nào, ngon ra đây ông coi?!

Vừa dứt lời thì một tiếng “đòm” vang lên, gã biệt động một đi không trở lại.

Chả biết ai nã đạn, nhưng thiên hạ cho đó là tác phẩm của Tỵ.

Thì còn ai vào đó nữa. Chỉ có Tỵ mới đủ gan chặt đầu hùm thôi. Và lời đồn đại quả không ngoa. Mấy ngày sau trấn Yên Bình lại hãi hùng về chuyện Tỵ đi lùng Tuấn ngò.

Tuấn ngò có chú là cảnh sát. Tuấn bán ma túy lẻ. Chú có quyền, cháu bán hàng cấm ai dám bắt? Và xưa nay ai cũng biết buôn bán cái vụ này vốn một lời ba. Đó là dạng tầm thường, nếu biết pha chế thì còn lời gấp bội. Nhưng pha làm sao? Ma túy khi đụng nước là hòa tan tức khắc, trong tất cả các loại thuốc tây dạng bột, tuy cũng tan nhưng khi tiêm vào tĩnh mạch là ngoẻo. Có chất gì hòa tan mà không chết ai biết nói nghe chơi?

Làm sao mà biết được nếu không có sự tình cờ của Tuấn ngò. Tuấn thấy chai cốm bổ phổi của đứa cháu trên kệ, liền nghiền thành bột trộn vô ma túy. Một con nghiện tên Ba gà, lính đào ngũ, nghiện nặng, chuyên đi đêm rình rập để chôm chỉa kiếm tiền chích choác. Hắn đến và Tuấn bán ma túy pha chế cho Ba. Ba choác vô tĩnh mạch, và, mô phật, Ba gà… sống nhăn. Từ đó Tuấn ngò nghiền loại cốm này trộn chung với ma túy để kiếm thêm lời. Hôm đó Tuấn bán cho Tỵ một liều. Phê vô, Tỵ bị đi Đà Lạt, nghĩa là bị sốc thuốc gây lạnh toàn thân, lạnh gấp trăm lần sốt rét.

Tỵ đến tận nhà Tuấn ngò. Ông chú cảnh sát của Tuấn thấy gã sát nhân mặt lạnh vác M-16, liền chạy vào buồng lôi Ru-lô ra nghinh chiến. Cái dòng cảnh sát đâu quen trận mạc, súng trong tay chủ yếu hù chơi lấy uy chứ bắn người thì nào dám. Ông chú bị Tỵ cho một phát chết ngay trong nhà. Tuấn ngò bung cửa vọt vào một con hẻm. Tỵ xách súng bám theo. Tuấn ngò kể:

- Tao chạy vô trúng ngay con hẻm cụt, nghĩ mình chết chắc chuyến này. Nhìn chung quanh thấy có cây trứng cá, hết cách nên tao leo đại lên… Thằng Tỵ vào nhìn quanh quất… Nó mà ngước mặt lên là tao rớt cái bịch liền… Bà mẹ nó đúng là sống chết có số.

*

* *

Sau mùa hè 1972, đơn vị cha tôi tháo chạy khỏi Y., gia đình tôi thành cư dân Yên Bình.

Năm ấy tôi mười bảy và để chuẩn bị cho kì thi tú tài, chiều nào tôi cũng đến học nhóm ở nhà một giáo sư toán, tất nhiên là phải về trước chín giờ tối. Điện đóm ở xứ này thao túng bởi xì thẩu(1). Mười giờ đêm là phố phường tắt ngóm, chỉ mấy cái Snack-bar lập lòe vì có máy điện riêng.

Đêm ấy phố hết đèn tôi mới rời nhóm học. Đi bộ dọc theo con phố, sự yên tĩnh và tiếng gót chân gây cho tôi cảm giác sờ sợ khi nghĩ đến Tỵ tử thần. Tuy ở Yên Bình đã gần hai năm mà tôi chả biết mặt mũi Tỵ ngang dọc ra sao. Bỗng nhiên từ trong con hẻm tối om một giọng nói vang lên:

- Ê nhỏ, đứng lại biểu coi mậy!

Tôi sựng người, lạnh chạy dọc sống lưng. Trong con hẻm là một con người với súng trên vai.

- Vô đây!

Tôi vào hẻm. Hãi sợ làm đầu óc như sệt lại.

- Đi đâu về khuya vậy?

- Dạ… em đi học.

- Còn đi học hả? Lớp mấy rồi?

Tôi trả lời như cái máy.

- Ngồi đi… Vậy mày sắp thi tú tài hả? Biết tao không?

- Dạ không?

- Tao là Tỵ. Nguyễn Tỵ.

Tử thần móc trong túi quần bệt ra một chai rượu. Hắn ngồi xuống ngửa cổ tu một hơi, khà một tiếng rồi chả hiểu làm sao Tỵ kể cho tôi nghe vì sao hắn ra cái nỗi nầy. Tỵ oán trách tất cả những gì thuộc về súng đạn, về chết chóc… Nói chung hắn thù hận chiến tranh. Lại kể cho tôi nghe về một anh Sáu vũ bão rất mã thượng, vì Bảy mò mà phải chết, vân vân. Rồi kết luận:

- Tao chả muốn giết ai hết, tao đang bị tụi nó săn, tao không giết nó thì nó giết tao. Nhưng tao cần trảm thằng Bảy mò trước khi chết.

Tôi ngồi nghe và đơ như một khúc gỗ, chả gật được cái đầu nói chi ý kiến lôi thôi. Mẹ cha ơi, bên một kẻ đang bị săn đuổi bởi kẻ thù riêng và cả chính quyền, nhỡ họ biết ở đây mà phơ đại vài băng đạn tôi có mà đi về âm ty cùng Tỵ. Chết kiểu này thì tội nghiệp cho tôi quá.

Và điều tôi sợ quả không sai.

Một tiếng nổ vang lên.

Tỵ sấp vào người tôi. Tôi ngã ra sau hãi hùng, nhận diện cái chết kề cận, và nghe nóng một dòng chảy trên cơ thể. Từ bóng tối cuối hẻm, một bóng người lừng lững bước. Tay anh ta cầm một khẩu AK.

- Về đi em trai. Mày ở đây không yên với tụi cảnh sát và thằng Tuấn trưởng ấp đâu.

Nói xong anh đi luôn. Tôi chết lặng chả biết phải làm gì trước sự cố. Và rất nhanh tiếng thắng gấp của một chiếp Jeep lùn đánh thức cơn mê muội. Không phải một mà cả hai chiếc. Roạt, roạt, roạt… tiếng lên đạn vang vang. Tôi vùng dậy chạy theo tay chiến binh Việt cộng. Chả hiểu làm sao tôi lại nghĩ anh ta là Việt cộng. Nhanh như một con sóc, tay chiến binh tạt sang một ngách và lôi tôi vào. Một loạt đạn rền hẻm vắng, không nhanh tôi chắc chắn chết. Nhưng chúng tôi không tiến được nữa vì hẻm cụt.

Đẩy tôi vào trong, anh án ngữ bên ngoài. Tiếng trưởng trấn Tuấn vang lên:

- Nó chết rồi hả?

- Chết rồi anh.

- Lôi ra… Về.

- Có hai thằng mới chạy vô… Không theo hả anh?

- Mày muốn bể gáo hả? Tiếng tằc cù của AK chớ không phải tiếng Ép tay(2) đâu con.

Đợi cho cả toán cảnh sát rút, anh bước ra và tôi bước theo:

- Về đi. Mày theo anh làm gì?

- Em… sợ quá… anh…

- Thôi được, theo tao.

Vòng vèo khoảng mười lăm phút trong mê cung những lối dọc ngang, cuối cùng hai chúng tôi lọt vào một căn nhà. Lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc với những người đối lập với cha tôi. Nói chung họ chả như những điều tôi đã nghe và tin đến sái cổ. Những bảy tên vi-xi đu một cành đu đủ không gãy, những dã man, tàn ác, vân vân… Lúc đầu tôi sợ họ sẽ bắt theo như bên ngoài đường đồng đội cha tôi đang bắt lính. Nhưng không, tôi được mời vài tách trà sau khi tắm rửa và thay một bộ quần áo:

- Thôi, cháu về đi - Một chiến binh có tuổi bảo.

Người chiến binh đã cứu tôi thoát chết xách AK đưa tôi quay trở lại bằng một con đường khác.

May quá chả gặp ai trên đường.

*

* *

Cha về hưu, tôi rớt tú tài nên nguy cơ vào lính là chắc. Nhưng sau sự cố đêm ấy, tôi hoàn toàn mất niềm tin vào sự nghiệp mà cha hơn hai mươi năm đã theo. Với lương hưu còm cõi ba tháng nhận một lần, cha không thể nuôi bầy con của ông được nữa. Anh em tôi vào rừng kiếm thêm bằng cây củi cục than. Những tưởng rừng xanh chỉ cây cối chim muông. Rất bất ngờ khi dưới màu xanh cây lá lại có thêm màu xanh quân phục của những người giải phóng. Trước cha tôi thường nói, với một triệu binh lính và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa thì Việt cộng không thể chiến thắng. Bây giờ ông yên lặng có vẻ không tin vào nhận định của mình nữa.

Mùa xuân 1975 đến. Chiến sự nổ ra khắp nơi. Từ miệt ngoài thiên hạ chạy dồn vào trong. Nghe đồn rằng ông Thiệu đã nhượng từ Đèo Cả trở ra cho Mặt trận Giải phóng. Cha tôi đăm chiêu:

- Vô ích. Nắng chạy thì làm sao chạy nắng.

Tôi cùng ông đứng bên trấn Yên Bình nhìn đoàn người quay lại

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast