Trong rừng trúc

(Baohatinh.vn) - Chiều Yên Thế sương giăng mờ núi. Ở vùng đất địa hình đồi núi trung du này, hễ cứ sang đông tiết là ban ngày có vẻ ngắn hơn, đêm như dài ra. Trời chiều bít bùng mây, mang dáng vẻ ảm đạm u buồn của một mùa lạnh giá. Khắp nơi toàn sương.

Sương kéo mờ cả trời chiều. Sương bò lan man ra từng vỉa núi, từng ngọn đồi, dòng sông, con suối và đâu đó, tiếng bìm bịp thúc thúc kêu chiều buồn não ruột. Xung quanh núi, cả thôn Vạn Vân như ngủ im. Tịch không cả một tiếng động nhỏ. Đâu đó, nhà ai thổi cơm tối, khói bếp ngoằn ngoèo bay lên đậu là là mái rạ. Yên Thế cứ như một sự ám ảnh thần kì.

Đêm nay sáng quá. Trăng vượt cao hơn cả dãy núi hình cánh cung soi rõ xuống dòng sông Thương. Dãy Bắc Sơn ngạo nghễ soi mình trong lớp lớp những con sóng lân tinh rực rỡ. Trăng cứ thế kiêu hãnh sáng, gạt băng tất cả những bụi rậm, soi sáng cả tấm sân nhỏ giăng đầy lụa ướt vừa đem phơi sương của Nhu. Nhu đang ngồi xe tơ ngoài hàng hiên từ lâu lắm rồi. Phòng bên, bố đang ngồi nói chuyện với anh nuôi rì rầm. Nhu không để ý nhiều đến chuyện thế sự của đám đàn ông nữa. Tự bao giờ, Nhu đã quá quen với cảnh cướp bóc. Quân lính ràn rạt đuổi chạy suốt đêm ngày. Tiếng chó sủa, tiếng súng đạn làm cho Nhu phát chán. Không biết bao giờ vùng này mới được yên.

Không hiểu sao, Nhu cứ nghĩ mãi về Đề Thám. Ở đất này, đi đâu dân làng cũng nói đến ông như nói đến một người anh hùng áo vải gần gũi và quen thuộc. Một đồn mười, mười đồn trăm. Khi người ta thấy ông ngồi với đám thợ cày cùng chia nhau một củ sắn vùi hay uống chung một bát rượu nóng khi trời lạnh giá, mới nghe những tưởng ai cũng đã hơn một lần diện kiến. Thế mà không phải. Đề Thám cứ như con hổ của rừng đại ngàn, thoắt ẩn, thoắt hiện. Xung quanh ông còn được thêu dệt nên bởi rất nhiều chuyện thần kì với cây thiết địch mê hoặc lòng quân sĩ đến nỗi đêm đêm, hễ nghe thoảng lại tiếng sáo từ trong rừng già là người làng lại ngồi quây quần bên nhau kể về những chiến tích của nghĩa quân Yên Thế. Tiếng sáo lúc nghe như tiếng sắt, tiếng vàng đua chen trận mạc, lúc lại như trăng tỏa, thác reo mê đắm lòng người.

Tiếng hò hét bắt bớ rồi cũng vãn dần. Đêm đã khuya. Dân làng đã tắt đèn lâu rồi nhưng Nhu mãi không ngủ được. Vơ vội nắm cỏ đem lại chuồng ngựa rồi một mình ra sông kín nước. Trăng 14 rười rượi sáng. Gió từ sông thổi vào mát lạnh. Nhu không kín nước vội, tìm trong bóng trăng mờ mùi thơm của những bông hoa côm cốm bung nở. Hương thơm thoảng đâu đây, nghe rất gần. Nhu đi lại phía lùm cây trước mắt. Cỏ lác bẹ cao vút đầu đang rộ mùa hoa. Ban ngày ở đây, hoa tím phủ cả một dải sông dài ngút mắt. Nhu se sẽ hát một bài hát quen thuộc rồi xăm xăm bước. Bỗng cô giật mình, khi trong bờ bụi chợt nghe một tiếng rên rất khẽ. Định thần mất một lúc, cô can đảm bước đến. Trước mặt cô, người đàn ông đang thoi thóp thở. Hai mắt nhắm nghiền, đôi môi khô nứt nẻ còn nguyên một vết máu dài xuống đến tận cổ, người mê man sốt. Một ý nghĩ loáng qua trong đầu: bị thương rồi, thảo nào sáng này, lính tuần cho quân lùng sục khắp cả làng trên xóm dưới không trừ một chỗ.

Chật vật mãi, Nhu mới dìu được người đàn ông vào sâu trong rừng. Chỗ căn chòi trú ẩn nằm biệt lập giữa rừng trúc, được bao quanh bởi một vũng lầy lớn. Nếu không biết lối đi bí mật sẽ không ai có thể qua được vũng lầy. Đây là chỗ ngày ngày Nhu thường ra cùng bố. Chính ông đã khai phá được vũng lầy này và cho dựng một căn lều trong rừng trúc để bàn việc quân cơ trước đó. Người đàn ông vẫn mê man không tỉnh. Nhu lau khẽ vết máu đã khô lại trên trán và khóe miệng, băng bó lại vết thương do tên bắn trên bắp tay anh ta và đổ lại một ít nước rồi chần chừ ra về. Sương trắng đục như sữa non lấp lánh, giăng bịt bùng và nhỏ thành nước quét trên vai Nhu ướt đẫm.

*

Bố vẫn chưa ngủ. Phòng bố vẫn còn sáng đèn. Trông thấy Nhu về, bố đằng hắng giọng gọi Nhu chiêu thêm nước nóng vào ấm trà đang dở. Nhu khẽ cúi xuống, bóng đèn hạt đỗ hắt rõ chỗ bố đang ngồi. Trên mặt bàn, một bức tranh vẽ chân dung một người đàn ông. Bóng tối hắt ra che gần kín khuôn mặt khiến Nhu ngờ ngợ quen mà không thể nào nhớ nổi. Nhu vội vã rót nước rồi đi ra ngoài, cô không thể nói với bố, càng không thể nói với anh nuôi về người đàn ông cô đã cứu ngoài bãi sông khi chưa biết rõ danh tính của anh ta như thế nào. Nhu không phải là đàn ông, không được bàn việc quân cơ. Việc của Nhu chỉ là quanh quẩn bên bếp lửa tối ngày với những nồi cơm lớn và cái mo cau để vắt cơm mỗi khi bố bảo. Cuộc đời Nhu có lẽ chỉ yên phận đến đó nếu không có lần Nhu bị bắt, bị trêu ghẹo bởi lũ giặc. May lúc ấy, bố đến kịp.

Nhu nhớ, đêm đó, bố ngồi uống rượu một mình đến đêm rồi thắp hương lên bàn thờ vợ mà rằng: “Mình bỏ cha con tôi lại đây. Con gái bây giờ đã lớn. Thời buổi loạn lạc này, tôi không dễ gì mà theo nó suốt đời được. Bí kíp bí truyền tôi đành phải giao lại cho nó, không mong ước nó có thể làm gì, chỉ là để nó phòng thân thôi mình ạ”. Tàn hương. Đêm cũng đã khuya lắm rồi, bố gọi Nhu theo ông vào rừng trúc. Ông đi trước, Nhu cứ thế bước theo. Bước chân cô giẫm lên bước chân bố đều đều. Nhu linh cảm việc bố đưa Nhu vào trong rừng trúc này còn hệ trọng hơn cả những gì đang diễn ra trước mắt. Bố ngồi ở chân lán rút ra hai cái đũa cả lớn trong một cái bao da làm bằng da ngựa đã mốc xỉn trao cho Nhu:

- Giữ lấy, đó là đôi đũa của mẹ con.

Khi Nhu đón lấy đôi đũa cả của mẹ, cũng là lúc bố đứng dậy. Ông đứng giữa bãi đất rộng, rút ra một đôi đũa cả khác rồi bắt đầu xuống tấn. Nhu lặng nhìn theo, đôi đũa cả bây giờ không còn là đôi đũa nữa mà trở thành một đôi song kiếm kì tài. Bố vừa luyện vừa hướng dẫn Nhu từng động tác một. Đôi đũa như song kiếm hợp bích qua tay bố biến hóa khôn lường. Nhu học rất nhanh. Đôi đũa gộc to xù xì ấy trở thành một binh khí hết sức lợi hại. Nó có thể dùng như sông đoản côn lúc lâm trận lại có thể như đoản kiếm lúc công lúc thủ rất lợi hại. Mười ba kiếm pháp bí truyền của vợ, ông đã truyền lại cho Nhu một cách thành thục.

Đã đến lúc ông Đặng ngồi một mình uống rượu dưới trăng trong rừng trúc nhìn Nhu tập luyện say sưa một cách không ngờ. Tại nơi “long đàm, hổ huyệt” này, đứa con gái bé nhỏ của ông với dải lụa trắng mềm mại như cánh chim bay đang biểu diễn những tuyệt kỹ võ công “ngọc nữ xuyên hoa”, “hồ điệp song phi”... mà ông ngỡ như mình đang sống lại một thời tuổi trẻ. Trăng rền rỡ sáng, ánh trăng soi rõ cả bóng Nhu nhẹ như cánh bướm vạch những đường kiếm huyền ảo lên bóng trúc xạc xào. Kiếm thu như bông hoa, kiếm đùa như đinh đóng hợp cùng với tiếng sáo mạnh mẽ, thực và mơ làm nên những biến đổi kì tài.

*

Chiều. Hoàng hôn ảm đạm. Mây giăng giăng trên dãy Bắc Sơn trông xa như một cánh cung khổng lồ màu trắng. Từ đầu thôn Vạn Vân nhìn lên chênh chếch phía Tây là rừng. Bóng nắng khuất dần. Rừng mỗi lúc một đen lại. Nhu cứ thế bước đi. Tiếng nước réo rắt từ con suối, tiếng chim hót, tiếng sương rơi trên tán lá lòa xòa trước mặt. Vừa đi, Nhu vừa nghĩ đến người đàn ông mình đã cứu. Không biết anh ta là ai mà sa cơ lỡ bước đến vùng này giờ đang như thế nào khi một ngày trong rừng trúc không có gì để ăn, người mê man sốt. Nghĩ thế, Nhu bước rộn hơn, chân giẫm lên đám lá mục ẩm ướt. Những cánh mối ướt rụi, những con bọ nhảy, tiếng vượn não nùng và cả những bông hoa bé xíu xíu cũng rộn lên trong mỗi bước chân nàng bước.

Nhu đi sâu vào rừng. Băng qua một đoạn rừng mỡ, rừng dẻ, rừng tre rồi dừng lại ở một vũng lầy rộng mênh mông trước mắt. Trong tích tắc, nàng biến mất sau một lùm trúc um tùm và tích tắc hiện ra bên cái lán nhỏ. Nhìn ngoài vào, giữa bãi đất trống mênh mông được bao bọc bởi rặng trúc ken dày như thành lũy, cái lán mọc lên như một cây nấm khổng lồ.

Nhu vào lán nhẹ nhàng. Người đàn ông vẫn nằm thiêm thiếp ngủ. Đêm xuống nhanh trùm kín cả khu rừng chỉ còn lại một góc bếp nhỏ bập bùng sáng. Siêu thuốc lục bục sôi, thơm lừng ra cả tóc Nhu. Nhu lặng lẽ bó gối ngồi rồi se sẽ nhìn người đàn ông đang mê man sốt bên góc lán. Gã nằm đó, ngủ im. Mái tóc rối lòa xòa trước trán. Vầng trán rộng, sống mũi thẳng kiên quyết, nước da đen giòn. Chỗ bắp tay cuồn cuộn cơ, một vết thương còn tây tấy đỏ, máu rịn ra, ướt cả ống áo màu nâu đất.

Nhu đoán chừng rằng, người đàn ông này cũng vừa độ 40 tuổi. Vẻ phong trần trên khuôn mặt, không một hành lý nào trên người có giá trị ngoài một cây sáo giắt ở mạng sườn. Nó làm cho Nhu yên tâm rằng đây không phải là một bọn giặc khách mà chỉ là một kẻ tiêu giao giang hồ nào đó mà thôi. Trông cái vẻ phong trần của anh ta cũng chỉ nói lên được điều đó. Nhưng vì sao ra nông nỗi này thì Nhu chịu, không thể nào hiểu nổi. Thôi không nghĩ nữa, Nhu đổ thuốc, dịch anh ta lại sát bếp lửa lần lượt rửa vết thương. Trong ánh lửa bập bùng đỏ, khuôn ngực vạm vỡ làm cho Nhu nóng bừng lên luống cuống vội vàng. Cô đắp cho người đàn ông đang ngủ một tấm chăn mỏng rồi lặng lẽ rời lán.

*

Người đàn ông trở người trên tấm thảm cỏ. Vết thương ở tay buốt nhức khiến anh phải gắng gượng mãi mới quay lại được phía bếp chỉ còn than lửa. Lạnh quá. Cơn lạnh chạy dọc từ sống lưng lan ra cả trước ngực rồi như kim châm chích chích vào vết thương nhoi nhói. Những ngày cuối đông, ở vùng này lạnh hơn hẳn, sương bốc dày đọng lại thành những dải mây ken dày đặc trên đỉnh núi. Anh gắng gượng người ngồi tựa vào thành lán, ngửa mặt ra phía ánh trăng đùng đục như sữa tan loãng. Mấy hôm nay, nghĩa quân bị lùng ráo riết quá, không biết anh em có kịp tản ra khắp các vùng hay đã bị bắt. Không ngủ được, vết thương càng đau hơn. Trong tịch mịch hoang vu này tự nhiên anh ta thấy thanh thản lạ. Giữa đục ngầu mây trắng, mùi hoa mai thoang thoảng ngọt và mùi đất trở mình, đâu đó quanh đây, những mầm măng trúc đã bắt đầu bật mầm đội đất lên rồi. Vậy là trời đã sang xuân. Nghĩa quân đã cầm cự với triều đình thế là cũng đã hơn chục năm có lẻ rồi, mười năm chinh chiến với triều đình vẫn chưa thu được kết quả như mong muốn. Nhưng với sức người, sức của và hợp lòng dân, thể nào nghĩa quân cũng giành thắng lợi. Anh lại nghĩ đến cô gái, người dân nơi đây anh dũng và kiên cường. Như cô gái bé nhỏ kia, dẫu biết anh là kẻ đang bị truy lùng vẫn cứu giúp, chở che, nuôi nấng thì nghĩa quân sẽ chẳng bao giờ thất thủ được.

Lại đau. Cơn đau làm anh co rút người lại. Vết thương được đắp lá đang rút mủ. Cô gái đã đi rồi. Tự nhiên, anh thoáng ngửi thấy mùi hương bưởi trên tóc cô còn vương lại khi giả vờ nằm im, nhắm nghiền mắt cho cô gái thay vết thương trên ngực. Một cảm giác gần gũi, thân thương đến lạ chợt ùa đến cùng với nỗi lo, không biết khi trở về làng, cô gái có bị quân lính lùng sục chặn đường trêu ghẹo. Nàng bé nhỏ thế kia, mảnh mai thế kia, liệu rằng nàng có qua khỏi những cuộc truy bắt quy mô và gắt gao của triều đình?

*

Người đàn ông đã đỡ nhiều rồi. Sáng nay, ông ta đang ngồi bên bậc cầu thang lên lán nhìn nắng chênh chênh chiếu trên những ngọn tre lấp lánh sương mai. Trông thấy cô, người đàn ông thoáng cười. Bao nhiêu ngày qua đi, dẫu không nhìn thấy mặt cô gái, ông vẫn hình dung dáng vẻ dịu dàng của cô qua từng cử chỉ. Hình dung được bàn tay ấm nóng, nhẹ nhàng lau vết thương cho mình và mái tóc thơm dậy mùi thuốc bắc:

- cô đã đến

- để đưa cho ông một ít cơm nắm.

- cảm ơn cô đã cứu sống tôi. Tôi là Thế.

- Nhu - Nhu nói trống không dúi vào tay Thế nắm cơm nóng hổi rồi lại vội vàng quay đi - để tôi xuống suối giũ cho ông mớ quần áo bị bẩn.

Nhu chưa kịp bước đi thì Thế đã chận lại.

- sao cô không hỏi tôi là ai?

- chẳng lẽ đó là điều quan trọng? Nhu nói rồi cười - điều quan trọng là ông hãy ăn cho no để đủ sức mà đi tiếp con đường ông đã đi là tốt rồi - với tôi, việc ông là ai không quan trọng bằng việc tôi đã cứu sống một con người.

Thế thôi, không nói nữa. Anh biết không thể đôi co với cô gái thông minh và lắm lí lẽ như nàng được. Nhu đi trước, Thế cứ thế bước theo đi ra bờ suối. Con suối mùa thu trong văn vắt nhìn được cả đám đá cuội trong lòng. Mùa này, rừng thay lá, xao xác lá tre rụng giăng kín, lập lờ trôi theo dòng suối. Nhu vừa giặt đồ, thi thoảng ngước nhìn Thế đang ngồi trên mỏm đá bên suối. Trông thần thái anh đã nhanh nhẹn hơn nhiều, tự nhiên Nhu thấy vui vui. Cảm giác như trút đi một gánh nặng trong người vì sợ rằng mình không thể chăm sóc anh ta khi anh ta bị thương được nữa. Bây giờ Thế đã khỏe, Thế cũng có thể ra đi được rồi. Việc Thế đi cũng là một chuyện quá đỗi bình thường sao Nhu vẫn cứ mãi không yên được. Thế ngồi trên mỏm đá, chốc chốc anh lại ném một hòn cuội xuống chỗ Nhu ngồi, nước bắn tung tóe, ướt cả váy Nhu cả một vạt dài. Nhu không nhìn lên:

- bao giờ anh đi?

- bao giờ cô không cho tôi ăn cơm nữa?

Thế hỏi ngược trở lại rồi lại tiếp tục nắm cơm đang dở. Nhu lén nhìn vẻ ngon lành của anh phì cười, ngạc nhiên trước vẻ tự nhiên đến suồng sã của một người đàn ông từng trải. Tự nhiên Nhu thoáng nghĩ đến đêm hôm trước, khi bàn tay cô dỡ tấm áo bết dính đầy máu. Khuôn ngực rộng rãi lộ dần ra dưới ánh lửa bập bùng làm hai má cô bừng đỏ. Thế hình như cũng đang nghĩ đến điều đó, anh lặng lẽ xoay người, ánh mắt hai người bỗng nhiên gặp nhau rồi đột nhiên sững lại mất một lúc. Nhu bối rối quay đi giấu đi sự xao động vừa dội đến trong lòng. Trời mùa thu cao và trong xanh quá...

*

Trời lắc rắc sương lạnh. Trong thôn xa xa, thoảng tiếng chó sủa dồn. Hồi chiều, nghe lao xao ngoài chợ đồn rằng: Đề Thám đã bị bắt, nghe nói đêm nay sẽ bị bêu đầu giữa chợ. Tự nhiên nghĩ đến đó, Nhu cười, Đề Thám không thể nào chết được. Hùm thiêng Yên Thế không dễ gì bị bắt đến thế.

Nhu về đến nhà trời cũng đã nhá nhem tối. Bố đợi ngay ngoài cổng, vội vã kéo Nhu chạy vào nhà run cầm cập. Một lúc lâu ông mới mở lời:

- Nhu à, đầu Đề Thám bị bêu ngoài chợ. Anh nuôi con không biết ra làm sao rồi mà hẹn mấy ngày đã qua mà không quay trở lại.

Nhu giật mình, hình như bố đang giấu Nhu một việc gì đó lớn lắm nên khi Đề Thám bị bắt, bố mới bàng hoàng đến thế. Nhu đỡ ông ngồi lại chiếc phản gỗ, rót cho ông một ngụm trà rồi khẽ ra ngoài cửa khép lại. Đoạn cô ngồi bên cạnh ông. Ông ôm lấy đầu Nhu ấp vào ngực mình nói khẽ:

- Đời người chỉ mong có một cuộc sống yên bình mà sao khó quá. Ta thương con, đàn bà con gái sinh ra phải thời loạn lạc - ông im lặng, một lúc sau mới lại thở dài - thủ lĩnh đã bị bêu đầu giữa chợ. Tàn quân giờ như rắn mất đầu, rồi cũng tan nát hết cả thôi. Bố rồi cũng sẽ bị bắt.

Nhu thôi không nói nữa. Tự nhiên trong lòng cô cũng có những bất an và tò mò không thể tả. Cô không thể tin rằng cái đầu đang bị đóng cọc bêu ngoài chợ là đầu thủ lĩnh như bố đang nói. Nhu chưa thấy mặt Đề Thám bao giờ, nhưng trong trí tưởng tượng của Nhu, Đề Thám phải là một người vạm vỡ, phi thường. Mà đã là người phi thường thì không thể bó tay chịu trói, chịu đầu hàng giặc Pháp nhẹ nhàng đến thế.

Bố đã đi ngủ rồi. Giấc ngủ mệt mỏi đến với bố một cách nhọc nhằn. Nhu mãi không ngủ được. Đêm không trăng. Bóng tối trùm trụp chạy kín cả một khúc sông Thương đen như đổ mực. Chỉ nghe tiếng sóng vỗ ì oạp buồn buồn. Nhu một mình chạy ra đầu chợ. Vắng toe. Chỉ đôi ba toán lính chụm đầu đánh tá lả bên một đống lửa lớn. Ngay bên cạnh, những hàng cọc cắm những chiếc đầu của những người tham gia nghĩa quân bị chém chết. Nhu lạnh người nhìn chiếc cọc thứ nhất. Một khuôn mặt hao hao khuôn mặt Thế đang dần bị biến dạng khổ sở. Buồn nôn quá, Nhu chạy thục mạng ra bờ sông ngồi sụp xuống nước. Nước xấp xõa lên mặt, lên tóc Nhu. Cô cứ thế bước đi vô thức. Không thể là Thế được, chẳng lẽ là Thế đã bị bắt rồi. Không, không thể, tự nhiên Nhu khóc òa lên. Đêm đã khuya. Sương nặng rỏ như mưa ướt đầm mà Nhu vẫn xăm xăm bước. Cô phải đến rừng trúc, phải xem có phải là Thế không. Trời ơi, nếu đúng là Thế, Nhu sẽ phải làm gì. Nghĩ thế, Nhu cắm cúi vào rừng. Trăng soi những bước nàng đi. Trăng rải dài thành những dải lụa vàng óng ánh mắc từ cành trúc này sang cành trúc khác.

*

Nhu khẽ đứng thật lâu trước lán. Yên tĩnh đến lạ lùng. Nhu không thấy ai trong lán. Không cả một tiếng động. Chắc Thế đã đi rồi, đã bỏ Nhu mà đi không một lời từ giã. Nhu chạy vào lán, bộ quần áo vẹn nguyên. Bếp lửa nguội lạnh lạc lõng. Nhu thở dài ngồi bệt xuống bậc cầu thang. Cảm giác mất mát, cảm giác cô đơn bất chợt duyềnh lên trong mắt Nhu từng giọt nước mắt nóng hổi. Nhu buồn quá. Lòng vắng như một căn phòng đóng cửa bỏ hoang không có hơi người, lạnh lẽo và ma mị giữa rừng già thăm thẳm.

Nhu cắn chặt môi mình đến tứa máu để khỏi bật ra tiếng nấc. Vậy là Thế đã đi rồi. Vì sao Thế bị bắt khi ở giữa vũng lầy an toàn này được. Thế đã nghĩ Nhu là người thế nào khi bị bắt. Liệu anh có oán trách hay căm thù khi nghĩ rằng chính Nhu đã là người chỉ điểm chỗ anh lẩn trốn. Nhu ngồi im thất thần. Sao trăng đêm nay lại lạnh thế, gió rờn rợn hú từ rừng già, quẩn quanh con suối nghe như tiếng khóc ai oán vọng lại. Nhu cứ ngồi yên như thế, nhắm mắt. Hình như mùa rụng lá, lá trúc đang rơi xạc xào, xạc xào.

Về thôi. Nhu đang định nhớm bước ra về, bất chợt nghe từ thinh không bao la có tiếng sáo vi vút. Nhu chạy ra trước lán ngỡ ngàng. Ai đang thổi sáo ngoài kia. Tiếng sáo trầm bổng, thiết tha nhưng nghe kỹ lại như có tiếng sắt, tiếng vàng đua chen trận mạc. Nhu lắng tai nghe, tiếng thiết địch vọng lại một lúc một rõ dần. Gần lắm, gần như quanh đâu đây, phía bên kia con suối. Là một người tinh thông võ nghệ, nàng biết, người thổi sáo đó là một người có công lực phi phàm.

Nhu len lén đi theo tiếng sáo rồi ngỡ ngàng. Dưới ánh trăng huyền ảo, trên phiến đá trắng như ngọc ở lưng chừng ngọn thác, Thế ngồi đó thổi sáo. Tiếng sáo réo rắt như tiếng chuông vàng khánh bạc, lúc nhẹ nhàng như nước chảy, như lá bay, lúc thôi thúc như rừng thẳm gào trong gió, như núi xa vọng tiếng chiêng cồng... rồi bất thần Thế ném cây sáo lên không trung rồi lao theo nó. Trong tay anh, cây sáo biến ảo khôn lường, các chiêu thức “mã xà truy lão hổ”, “tống điểu thượng lâm”, “dạ xoa thám hải” làm nàng ngơ ngẩn. Chợt Thế đứng phắt dậy, cầm hờ sáo trên tay, đứng thế hạc tấn. Ngón tay trỏ như mỏ hạc ngước hờ lên trời vằng vặc trăng soi. Rồi chàng chuyển thế trão mã tấn, mắt nhìn đất, người khom, tay khua nhẹ trong không gian như đang thưởng nguyệt bên hồ nước. Nhu thoáng chút giật mình rồi khe khẽ nép vào một bụi trúc lớn thì thầm: “Bóng trăng Phồn Xương”, “thiết địch thần phong”... chẳng lẽ đây là...

Nhu đã không kịp căn vặn lòng mình, thoắt một cái, Thế đứng bên làm Nhu giật mình:

- nhìn trộm nhé! - tiếng Thế nói nhỏ bên vành tai Nhu thật gần.

- không, không phải - Nhu toan cãi lại nhưng rồi chợt im lặng, hai má bỗng chốc chín đỏ. Cô không thể nói cô đã lo lắng cho anh như thế nào, đã cảm giác cô đơn và tủi thân làm sao khi không thấy anh ở lán. Nhu chống chế - Tôi đưa cho anh ít thức ăn rồi về nhà. Từ ngày mai tôi sẽ không ra đây nữa.

- vì sao?

- Tôi là đàn bà con gái, không thể lặn lội trong rừng sâu một mình như thế này khi quân của triều đình suốt ngày lùng sục tìm giết bằng hết nghĩa quân Yên Thế. Bố tôi nói đúng, thủ lĩnh chết rồi, bị bêu đầu ngay giữa chợ, những người như bố sớm muộn rồi cũng bị bắt.

- Thủ lĩnh nào?

- Đề Thám

- Nàng biết mặt ông ta không? - Thế nâng hai vai Nhu dậy, nhìn thẳng vào mặt cô nghiêm nghị. Nhu lặng lẽ lắc đầu.

Thế thôi không hỏi nữa, cất tiếng ngạo nghễ cười rồi quay lại nói với Nhu:

- Đề Thám cũng chỉ là một con người rất đỗi bình thường nàng ạ. Ông ấy cũng như bao người dân mất nước khác muốn đứng lên chống lại triều đình và bè lũ tay sai bán nước. Đề Thám ấy chết đi, sẽ có những Đề Thám khác thay thế, phong trào Yên Thế sẽ chẳng bao giờ thất bại cả.

- Thật không? Nhu nhìn Thế. Anh nhìn thẳng vào mắt Nhu, cầm lấy bàn tay nàng thì thầm:

- Thật, Đề Thám sẽ chẳng bao giờ chết nếu có những người phụ nữ như nàng bên cạnh trong những lúc nước sôi lửa bỏng. Vì thế, nàng phải ở bên ta, việc quân cơ đang chờ nàng giúp đỡ.

Thế nói rồi nhảy phắt xuống tảng đá, quay lại đỡ lấy Nhu một cách nhẹ nhàng. Nhu thấy mình như bay lên, tan đi trong cảm giác rộn ràng, mơ hồ đến không thể tả.

Trăng đã vượt qua khỏi con đèo hình yên ngựa. Vằng vặc soi rõ bóng hai người ngồi tựa bên nhau bên dòng suối lấp lánh trăng vàng.

* Lịch sử kể lại rằng: Trong cao trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám và nông dân vùng Yên Thế là cuộc đấu tranh vũ trang quyết liệt nhất, kéo dài nhất và cũng làm cho giặc lo ngại nhất. Trong cuộc khởi nghĩa này, bà Ba Cẩn đã sát cánh bên chồng xông pha trận mạc. Là một người tinh thông võ nghệ với đôi long đao bí truyền, bà đã đứng ra giúp chồng lo liệu việc quân cơ được tướng lĩnh nghĩa quân và thủ lĩnh Đề Thám coi trọng.

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast