Truyện Kiều nâng tầm giá trị ngôn ngữ Việt

(Baohatinh.vn) - Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một bậc thầy về ngôn ngữ. Có thể nói, ông là người đã nâng ngôn ngữ văn học dân tộc lên một đỉnh cao sáng chói. Và chính ngôn ngữ đã làm nên giá trị bất hủ của thơ Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều. Sự độc đáo của ngôn ngữ Truyện Kiều đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, đứng vững trong lòng bạn bè thế giới.

Sự kiện các chính khách Mỹ đã dùng những câu thơ trong Truyện Kiều trong những buổi đàm đạo với lãnh đạo nước ta đã chứng minh được giá trị bất hủ của Truyện Kiều cũng như ngôn ngữ của Truyện Kiều đã có tầm ảnh hưởng tới văn hóa thế giới như thế nào. 13 năm trước, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã lẩy Kiều: Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân trước khi có những lời phát biểu trang trọng: “Những ký ức băng giá về quá khứ bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành...”. Và mới đây, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lẩy 2 câu Kiều: Trời còn có buổi hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời để nói về quan hệ Việt – Mỹ hiện nay.

Truyện Kiều nâng tầm giá trị ngôn ngữ Việt ảnh 1

Truyện Kiều, ngoài ngôn ngữ thuần Việt và Hán Việt, còn được dịch ra nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, Pháp, Nhật... qua đó, ngôn ngữ và văn chương Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn.

Mặc dù mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng ngôn ngữ để xây dựng tác phẩm lại được Nguyễn Du khai thác từ văn học dân gian Việt Nam. Văn học dân gian với sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ, hình tượng, cách diễn đạt đã góp phần giúp Truyện Kiều trường tồn với thời gian và nhân loại. Dưới bàn tay của thiên tài Nguyễn Du, tiếng Việt của chúng ta trở nên tinh túy, đặc sắc hơn. Ngôn ngữ của Truyện Kiều từ lâu đã đi vào mọi nẻo đường sinh hoạt của nhân gian. Từ người già tới trẻ nhỏ, từ người biết chữ hay không biết chữ, khi đã yêu mến đều thuộc nằm lòng những câu lục bát trong truyện, đều biết bói Kiều, lẩy Kiều… Có những người yêu mến Truyện Kiều như một tín đồ, trong câu chuyện của họ bao giờ cũng có một đôi câu Kiều phù hợp... Truyện Kiều sử dụng nhiều chất liệu của ca dao, tục ngữ nhưng cũng từ tác phẩm này, nhân dân ta có thêm nhiều thành ngữ mới trong đời sống hàng ngày.

Văn học dân gian có một bộ phận rất đặc sắc là thành ngữ, ở đây, những chân lý đời sống được hình tượng hóa cao độ và được nén gọn trong ngôn từ rất giàu nhạc tính. Truyện Kiều vận dụng khẩu ngữ, ngoa ngữ, thành ngữ, tục ngữ; trong đó, một số thành ngữ Hán Việt được vận dụng, chuyển thành thành ngữ thuần Việt như: “Thiên nhai hải giác” thành “Chân trời góc bể”; “Hồng diệp xích thằng” thành “Lá thắm chỉ hồng”; “Bình địa ba đào” (Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em) và rất nhiều thành ngữ thuần Việt khác: “Nói như ru” (Lặng nghe lời nói như ru/ Chiều thu dễ khiến nét thu ngại ngùng); “Bạc như vôi” (Phận sao phận bạc như vôi/ Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng); “Ma đưa lối”, “Quỷ đưa đường” (Ma đưa lối quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi); “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều” (Dễ dàng là thói hồng nhan/ Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều)… Mặt khác, từ khi Truyện Kiều ra đời, quần chúng nhân dân lại vay mượn ngôn ngữ và nhân vật để xây dựng ca dao và dân ca. Nói về phận làm con, ca dao ta có câu: Thức khuya, dậy sớm chuyên cần/ Quạt nồng ấp lạnh, giữ phần làm con. Trong Truyện Kiều là: Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.

Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã biết lọc lấy những phần ưu tú nhất trong lời ăn, tiếng nói của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học dân gian, biểu hiện được một chừng mực nhất định những cảm nghĩ của nhân dân đối với giai cấp thống trị đương thời. Ông đã học được nghệ thuật biểu hiện những cảm nghĩ trước thời thế của nhân dân để sáng tạo nên một Truyện Kiều bất hủ.

Bên cạnh đó, Nguyễn Du còn khai thác từ Hán Việt rất tài tình. Ở một góc độ nào đó, ông đã giúp ngôn ngữ Hán – Việt gần gũi và dễ hiểu hơn trong đời sống. Không những thế, Nguyễn Du đã cố gắng Việt hóa bằng cách dựa vào từ Hán để tạo ra từ mới do Tiếng Việt. Từ Hán Việt chiếm tỉ lệ cao trong vốn từ tiếng Việt (70%), song không vì thế mà tác giả sử dụng nó một cách dễ dàng, tùy tiện. Trong Truyện Kiều, lượng từ Hán Việt chiếm tỉ lệ 35%. Những từ Hán Việt được dùng trong tác phẩm thể hiện vốn hiểu biết rộng, sự sàng lọc kỹ lưỡng của Nguyễn Du. Ví như từ “não” trong câu Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân đã diễn đạt rất đắt nỗi buồn đau trong tâm can nhân vật. Khúc tiêu tao của thiên bạc mệnh ấy đã từng khiến Kim Trọng nao nao lòng người, Thúc Sinh phải tan nát lòng và cả trái tim vô tình, sắt đá của Hồ Tôn Hiến cũng phải cảm thương mà rơi châu, nhỏ lệ.

Với một khối lượng phong phú những từ đồng nghĩa bao gồm từ Thuần Việt, Hán Việt và từ Hán Việt được Việt hóa, Nguyễn Du đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong cách thể hiện tâm trạng, tình cảm nhân vật, có thể tránh được sự trùng lặp, đơn điệu, có thể gieo vần một cách uyển chuyển, làm âm hưởng của câu thơ thêm dồi dào, sinh động. Những giá trị trong ngôn ngữ của Truyện Kiều vì thế trường tồn cùng thời gian. Và cho đến nay, không ai có thể phủ nhận rằng, tiếng Việt trở nên giàu có, phong phú hơn, văn chương Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn một phần là nhờ Truyện Kiều. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ có thể điểm qua một vài nét như vậy.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast