Truyện Kiều thấm đẫm hồn dân tộc

(Baohatinh.vn) - Có lẽ, bất kỳ người Việt Nam nào cũng đều biết đến Truyện Kiều, đều ít nhiều thuộc “nằm lòng” những câu Kiều mình tâm đắc.

Không chỉ có thế, những câu thơ đậm hơi thở dân tộc của Nguyễn Du còn lay động rất nhiều trái tim trên thế giới, trở thành phương tiện chuyển tải tâm trạng, tư tưởng của nhiều người…

Truyện Kiều thấm đẫm hồn dân tộc

Truyện Kiều, ngoài ngôn ngữ thuần Việt và Hán Việt, còn được dịch ra nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, Pháp, Nhật... qua đó, ngôn ngữ và văn chương Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn. Ảnh Tư liệu

Nói về ngôn ngữ Truyện Kiều, Đào Nguyên Phổ cho rằng, đây là “thiên thu tuyệt diệu từ”, còn Phạm Quỳnh lại cho rằng, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”… Những nhận xét đó cùng nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ của Truyện Kiều đều khẳng định tài năng bậc thầy trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của Nguyễn Du.

Nguyễn Du mặc dù học chữ Hán, thi cử bằng chữ Hán nhưng ông lại sáng tác Truyện Kiều bằng chữ Nôm và ở đó, ông như một nghệ sĩ đưa ngôn ngữ dân tộc lên một đẳng cấp, một tầm cao mới. Rõ ràng, Truyện Kiều dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân nhưng chính những sáng tạo ngôn ngữ độc đáo, chính những giá trị nhân đạo sâu sắc thấm đẫm hồn dân tộc của Nguyễn Du đã Việt hóa hoàn toàn tác phẩm này.

Trên chất liệu văn học dân gian Việt Nam, trên cơ sở truyền thống văn hóa của dân tộc, Nguyễn Du đã khiến Truyện Kiều có một đời sống khác với cốt truyện nguyên bản của nó, giúp Truyện Kiều trường tồn với thời gian và vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia, hòa vào đời sống văn hóa của nhân loại.

Truyện Kiều với ngôn ngữ gần gũi với đời sống, khai thác hiệu quả kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ của văn học dân gian và chiều sâu giá trị nhân văn, nhân đạo, từ lâu đã đi vào mọi nẻo đường sinh hoạt của nhân gian. Trên thế giới hiếm có một tác phẩm có ảnh hưởng tới văn hóa dân tộc sâu rộng đến như thế.

Truyện Kiều thấm đẫm hồn dân tộc

Trên thế giới hiếm có tác phẩm nào có ảnh hưởng tới văn hoá dân tộc sâu rộng như Truyện Kiều

Như nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng nhận xét: “Truyện Kiều là tác phẩm của ngàn tâm trạng”, bởi thế, rất nhiều người Việt, khi muốn ý tứ điều gì đó lại dùng những câu thơ đầy ẩn ý trong Truyện Kiều để biểu thị. Thậm chí, đã hơn một lần các chính khách Mỹ lẩy Kiều để biểu thị cho hiện tại và tương lai của mối quan hệ giữa hai quốc gia trong các cuộc thăm hỏi lẫn nhau.

Từ khi ra đời, tuyệt tác Truyện Kiều này đã được bao danh sĩ bàn luận, tán thưởng với những lời đẹp đẽ nhất. Mộng Liên Đường đã thốt lên: “Tố Như dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”.

Đào Duy Anh cho rằng: “Truyện Kiều văn chương đủ tính nghiêm trang, đường hoàng, điêu luyện, khiến cho kẻ học thức phải khâm phục và yêu mến, mà lại đủ cả tính giản dị, phổ thông để khiến cho bình dân hiểu được mà thưởng thức”.

Còn bộ từ điển “Các tác phẩm của tất cả các thời đại và các xứ sở” xuất bản tại Paris năm 1953 lại nhận định: “Ở thời kỳ mà người Việt đang thoát dần ra khói sự lệ thuộc về văn tự viết bằng chữ Hán để trở về với tiếng mẹ đẻ thì công lao vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã biết phát huy nghệ thuật chỉ riêng ông có, khiến cho ngôn ngữ dân tộc đã phong phú giàu chất nhạc, được nâng lên tột đỉnh của nghệ thuật, mà trước đó và cả đến hôm nay, chưa có tác giả nào vươn tới được”…

Truyện Kiều thấm đẫm hồn dân tộc

Trường Tiểu học Xuân Phổ (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) tổ chức cuộc thi “Đọc thuộc Truyền Kiều” lần thứ nhất - năm 2019

Việc sử dụng ngôn ngữ dân gian với tần suất lớn đã khiến ngôn ngữ Truyện Kiều mang đậm hơi thở dân tộc, trở nên gần gũi, thân thuộc trong đời sống Nhân dân. Hơn thế nữa, Nguyễn Du còn có những sáng tạo độc đáo để biến những câu thơ tuyệt đẹp ấy thành từ điển mới, thành ngữ mới trong đời sống.

Thậm chí, một số tên riêng trong Truyện Kiều đã trở thành danh từ chung, thành tính từ để chỉ một loại người, một loại tính cách trong đời sống xã hội như: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư…

Cũng chính bởi tính dân tộc thấm đẫm trong ngôn ngữ mà Truyện Kiều còn có những tác động tích cực, khai sinh ra một số loại hình nghệ thuật dân gian. Cùng với việc vẽ tranh Kiều, làm thơ vịnh Kiều của tầng lớp trí thức, dân gian lại có bói Kiều, lẩy Kiều, sáng tạo nên hình thức diễn xướng trò Kiều…

Ngày nay, người dân nhiều vùng miền trong cả nước vẫn duy trì những sinh hoạt văn hóa dân gian đó trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, năm 2011, Hội Kiều học Việt Nam được thành lập đã quy tụ hàng trăm người yêu Truyện Kiều. Đến nay, đã có 15 tỉnh, thành trong cả nước thành lập Chi hội Kiều học. Các hoạt động của hội đã phổ cập rộng rãi trong công chúng những hiểu biết về Truyện Kiều của các nhà nghiên cứu để công chúng nâng cao độ cảm thụ cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của Truyện Kiều.

Với những sáng tạo đặc sắc và các giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng của Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều, không ai có thể phủ nhận rằng, Truyện Kiều đã làm giàu hơn tiếng Việt, làm đẹp hơn văn chương Việt Nam. Và cũng chính Truyện Kiều đã khiến những vẻ đẹp văn hóa Việt được nhân loại biết đến rộng rãi hơn.

Truyện Kiều thấm đẫm hồn dân tộc

Chủ đề 255 NĂM NGÀY SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast