Truyện Kiều tỏa bóng đến mai sau…

(Baohatinh.vn) - Truyện Kiều - áng thơ bất hủ của dân tộc, hàng trăm năm qua vẫn còn sống mãi những giá trị của Truyện Kiều đã tỏa bóng vào đời sống văn hóa không chỉ của người Việt, không chỉ ở Việt Nam mà đã vươn ra thế giới, hòa vào đời sống văn hóa của nhiều quốc gia…

Truyện Kiều tỏa bóng đến mai sau…

Trò Kiều - một trong những loại hình nghệ thuật dân gian phái sinh từ truyện Kiều đang được khôi phục ở nhiều địa phương.

Truyện Kiều được sáng tác dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc), qua tài năng của Nguyễn Du, đã trở thành kiệt tác của văn học Việt Nam. Từ trong 3.254 câu lục bát, người ta đã tìm được ở đó rất nhiều giá trị. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã khẳng định rằng, tiếng Việt trở nên giàu có, phong phú, tinh túy và đặc sắc hơn, văn chương Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn một phần là nhờ Truyện Kiều.

Văn học Việt Nam, ít có tác phẩm nào chinh phục được tình cảm của đông đảo người đọc đến như vậy. Trong suốt 2 thế kỷ qua, Truyện Kiều đã trở thành cuốn sách “quốc dân” của người Việt. Rất nhiều câu thơ, cụm từ trong Truyện Kiều đã được các thế hệ người Việt thuộc nằm lòng và sử dụng phổ biến trong giao tiếp hàng ngày. Truyện Kiều cũng là thi phẩm duy nhất tạo ra quanh nó cả một loạt những loại hình văn nghệ dân gian như: Ngâm Kiều, vịnh Kiều, bình Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều, chèo Kiều, cải lương Kiều, tranh Kiều... thậm chí cả tâm linh như bói Kiều.

Truyện Kiều tỏa bóng đến mai sau…

Tại cuộc thi đọc thuộc Truyện Kiều, xuất hiện nhiều thí sinh nhỏ tuổi thuộc nhiều câu và hiểu sâu về Truyện Kiều. Ảnh Đậu Hà

Từ năm 2005 đến nay, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập nhiều kỷ lục liên quan đến Truyện Kiều. Các kỷ lục thuộc nhiều lĩnh vực như: Tác giả có nhiều sách viết về Truyện Kiều nhất; người sở hữu cuốn sách dài nhất - “Kim Vân Kiều”; vở cải lương đầu tiên có giá trị đầu tư cao nhất; người vẽ tranh lụa về Truyện Kiều đầy đủ và nhiều tranh nhất... đã một lần nữa khẳng định tính thời sự của những giá trị trong Truyện Kiều.

Gần đây, với sự ra đời của Hội Kiều học Việt Nam (năm 2011), tình yêu với Truyện Kiều càng được thức dậy mạnh mẽ hơn trong đời sống nhân dân. Các hoạt động của Hội Kiều học ở 10 tỉnh, thành phố đã góp phần đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị, tinh hoa về văn học nghệ thuật, về văn hóa, xã hội kết tinh hội tụ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Năm 2016, Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh được thành lập cũng nêu cao vai trò phổ cập rộng rãi những hiểu biết sâu sắc mọi mặt về Truyện Kiều để nâng cao độ cảm thụ cái hay, cái đẹp của kiệt tác này.

Ông Thái Văn Sinh - Trưởng Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh cho biết: “Từ ngày thành lập đến nay, chúng tôi đã tổ chức được rất nhiều buổi tọa đàm, hội thảo khoa học về Nguyễn Du và Truyện Kiều, đặc biệt đã phối hợp tổ chức 2 cuộc thi đọc thuộc Truyện Kiều tại Hà Nội và Nghi Xuân. Qua đó, ngày càng có nhiều người trẻ yêu mến, thuộc và hiểu Truyện Kiều, nhất là các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh. Sắp tới, chúng tôi sẽ chuẩn bị các hoạt động tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du để lan tỏa hơn nữa các giá trị của Truyện Kiều trong đời sống nhân dân”.

Truyện Kiều tỏa bóng đến mai sau…

Cô trò trường THPT Nguyễn Đình Liễn tìm hiểu các giá trị của Truyện Kiều trong giờ ngoại khóa.

Truyện Kiều và các giá trị của Truyện Kiều không chỉ “tỏa bóng” trong đời sống văn hóa Việt mà còn vượt ra ngoài biên giới Việt Nam đến nhiều quốc gia trên thế giới. Truyện Kiều không chỉ sống trong tình yêu, nỗi nhớ quê hương của những Việt kiều ở các nước thông qua hoạt động sưu tầm, biên dịch, ngâm Kiều, lẩy Kiều… mà còn trở thành niềm yêu mến của rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, chính trị gia trên thế giới. Trong đó, việc Truyện Kiều được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, đặc biệt có những ngôn ngữ được dịch rất nhiều bản khác nhau đã khẳng định sức lan tỏa của các giá trị tiềm ẩn trong những câu lục bát “quốc hồn” Việt Nam.

Cho đến bây giờ, người Việt và cả thế giới vẫn còn đầy cảm xúc khi nhắc đến sự kiện 2 vị Tổng thống Mỹ lẩy Kiều bằng tiếng Anh khi đến thăm Việt Nam. Tháng 11/2000, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam với vai trò tổng thống, Tổng thống Bill Clinton đã lẩy hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân” để diễn tả về sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa, qua đó ẩn ý về tính thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước. Còn trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, kết thúc bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lẩy 2 câu Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” để nói về mối quan hệ Việt - Mỹ trong thời đại mới.

Truyện Kiều tỏa bóng đến mai sau…

"Cung đàn bạc mệnh” – tranh lụa họa Truyện Kiều của họa sĩ Ngọc Mai (Ảnh Internet)

Không ai có thể phủ nhận rằng, Nguyễn Du đã chắt lọc những phần tinh tú nhất trong lời ăn tiếng nói của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học dân gian để làm nên cái tinh tú của Truyện Kiều. Giữa Truyện Kiều và đời sống văn hóa dân gian đã có những mối quan hệ qua lại đặc biệt. Nếu như Nguyễn Du vận dụng linh hoạt, sáng tạo ngôn ngữ dân gian để đưa vào Truyện Kiều thì ngược lại, nhân dân cũng đã vay mượn ngôn ngữ của các nhân vật để xây dựng thêm nhiều câu thành ngữ, ca dao mới để biểu đạt những sắc thái tình cảm phong phú trong cuộc sống thường nhật của mình.

Cô giáo Phan Việt Hà - Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) chia sẻ: “Tôi rất yêu Truyện Kiều và với tôi, Truyện Kiều chính là đời sống, mọi chuyện trong đời sống đều có thể tìm thấy ở Truyện Kiều. Những giá trị của Truyện Kiều, nhất là giá trị hiện thực, giá trị nhân văn vẫn luôn còn tính thời sự. Đọc Kiều, thuộc Kiều, hiểu Kiều cũng sẽ giúp tâm hồn con người phong phú hơn, được bồi đắp nhiều kỹ năng hơn”.

Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều đã khiêm tốn nói rằng: “Lời quê chắp nhặt rông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Tuy nhiên, 3.254 câu lục bát của ông đã trở thành áng văn chương bất hủ của dân tộc, trở thành nền móng khởi sinh nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật. Và đặc biệt, đã trở thành tiếng lòng, trở thành những triết lý nhân sinh để con người có thể tìm đến nương tựa, vay mượn, để tỏ bày cả về tình cảm lẫn tư tưởng. Với sức sống rộng rãi, mạnh mẽ, bền bỉ ấy, chắc chắn, những giá trị của Truyện Kiều còn tỏa bóng đến mai sau…

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast