Truyện ngắn 1.200: Níu một mầm xuân

Diệp lấy chồng rồi theo gia đình nhà chồng sang Mỹ, tới nay cũng chục năm rồi. Mẫn tính chắc cỡ bảy hay tám lần gì đó anh qua nhà Diệp bên làng Trúc Thuận hái lá mai.

Minh họa: Đặng Hồng Quân

Minh họa: Đặng Hồng Quân

Thường là giữa tháng mười một âm lịch, năm muộn nhất là đầu tháng chạp. Cái cách trông búp với ngó tiết trời để trảy lá cũng là nhờ ba Diệp bày cho. Kinh nghiệm của mấy cụ già cả đời chơi cây rành phải biết. Thế nên năm nào sang hái lá, Mẫn cũng nghĩ hái cho ông cụ ở thế giới bên kia cùng vui.

Dạo Diệp còn ở nhà, cỡ gần tết cái khoảnh sân chộn rộn rất vui. Mấy cậu trai choai choai ăn diện chạy lui chạy tới coi có việc gì phụ giúp. Diệp phớt lờ, thích tự đi chợ mua sắm một mình, bảo như thế tự do hơn. Mẫn có vẻ hợp với ông cụ nên chỉ ngồi uống trà nghe cụ kể chuyện.

Cuối năm se lạnh. Chuyện của cụ xa xưa nhưng Mẫn lắng nghe chăm chú. Diệp tinh quái bảo Mẫn giống ông cụ non. Mẫn khờ khạo, ngỡ mình chín chắn, chững chạc.

Từ ngày Diệp lấy chồng, rồi ông cụ mất, căn nhà rường gỗ ba gian vắng hoe. Diệp nhờ cô Năm hàng xóm sang trông nhà giúp, dọn dẹp vườn tược với hương khói bàn thờ. Mẫn chẳng được Diệp nhờ vả việc gì, ngay cả đến câu chào đi lấy chồng cũng không nốt. Có lần cô Năm bảo mấy cái người sống lạnh lùng kiểu đó kể ra là số sướng, biết rũ bỏ để bước đi. Đó, lấy chồng được xuất ngoại liền là sướng rành rành con mắt.

Năm Diệp vừa đi, Mẫn chạy sang ới cô Năm một tiếng rồi nhanh nhảu leo lên cây hái lá mai. Cô Năm bảo:

- Hái làm chi, người ta có về ăn tết đâu.

Mẫn cười:

- Kệ. Hái cho vui.

- Ờ. Mà cậu có biết chụp hình thì tết qua đây chụp gửi cho cô vài cái. Tui chịu mấy món đó.

Mẫn đáp dạ, nhưng rồi nghĩ liệu như thế có nhiệt tình thái quá không. Người ta đâu có cậy mình hái lá rồi bày đặt chụp ảnh. Thôi, chắc đằng nào cô cũng nhờ đứa bạn nào đó. Chẳng lẽ lạnh lùng tới mức tết nhất không thèm ngó cái nhà ở quê của mình ra làm sao. Cô Năm quay lưng xách giỏ đi chợ, lắc đầu lẩm nhẩm: “Người đâu hoa thì không hái, đi hái lá chi không biết”.

Tết năm đó Mẫn chạy xe qua, thấy mai nở vàng rực, lòng không biết nên buồn hay vui. Anh ghé vào thăm cô Năm, tiện thể hỏi coi mấy bữa nay có ai vô đây chụp ảnh không. Cô Năm thật thà bảo cũng có hai, ba người gì đấy, chẳng biết cô Diệp nhờ hay họ thấy mai đẹp thì chụp chơi thế thôi.

Năm thứ hai Mẫn sang làng Trúc Thuận hái lá. Cô Năm khen:

- Chà, cậu này giỏi ghê. À, năm rồi Diệp có điện về khen mai nở đẹp đấy.

Mẫn hồi hộp:

- Cô ấy có hỏi ai hái lá không?

- Cô không hỏi. Mà tui cũng quên kể. Sợ kể lể dài dòng tốn tiền điện thoại. Tết nhất hỏi han chúc mừng lắm điều, có nhớ gì đâu.

Có năm nào đó một anh phóng viên thấy cảnh Mẫn vừa hái lá vừa huýt sáo, coi bộ yêu đời nên ghé chụp ảnh, hỏi dăm điều ba chuyện về nghệ thuật chơi mai. Mẫn sướng rêm nghĩ lần này được lên báo nên nhiệt tình kể. Mà kinh nghiệm gì đâu của anh, chỉ nhắc lại mấy điều ông cụ nói cho nghe hồi trước. Đoạn phóng viên hỏi anh có tâm sự gì không thì Mẫn ú ớ gãi gáy: “Tui làm việc này cho một người xa xứ vui lòng”. Anh phóng viên khen câu này mùi mẫn ghê, rút làm tựa đề chắc hay lắm. Mấy bữa sau Mẫn sang chơi, cô Năm lấy báo đưa cho xem. Bài báo viết nhợt nhạt và cắt luôn câu nói sến rền rệt đó đi. Mẫn tiếc hùi hụi.

Trai ngấp nghé tuổi ba mươi như Mẫn bị người thân bạn bè giục cưới vợ. Mẫn cũng chịu khó tìm kiếm. Mẫu hình gia đình anh chọn làm rể là một căn nhà cũ, một cây mai trước sân, một cụ già. Ngó đơn giản vậy mà kiếm hoài chưa ra. Bạn bè vật ngã ra cười. Trời, cái ông này yêu ký ức chớ đâu phải yêu người.

Năm nay trời thuận, mưa rét ít, Mẫn tính có khi phải đến gần tết mới sang Trúc Thuận hái lá. Coi bộ cũng khá uể oải rồi, hái riết mà người ta chả đả động một câu cảm ơn hoặc trách mắng. Nhưng mới đầu tháng chạp anh đã nóng lòng xách xe chạy qua. Cây mai đã không còn ở đó. Đám thợ hồ đang lúi húi đầm bêtông khoảnh sân. Một người thợ cho biết mới chặt cây hôm qua. Chắc bà Năm làm biếng, sợ rụng lá quét mệt.

Lát sau cô Năm đi chợ về. Gặp Mẫn, cô hí hửng bảo:

- Năm nay Diệp nó về đây ăn tết đấy. Anh rảnh ghé sang chơi, tha hồ ôn lại chuyện xưa nhé.

- Nhưng sao lại chặt cây mai đi?

- À, cô ấy bảo chặt để làm luôn cái đường rộng cho ôtô vào đỗ tận trong sân này.

- Tiếc quá.

- Gì mà tiếc. Cậu hái lá mỗi năm một lần, chứ tui quét sân quanh năm nhọc lắm. Chặt đi cho đỡ rụng lá. Tết nhất có ai ngắm nó đâu. Mà tết này anh qua gặp cô ấy, ưa chi thì nói, làm chi năm mô cũng sang hái lá cho mất công.

- Nói chi được nữa cô ơi. Người ta đã đi lấy chồng rồi mà.

- Biết thế, sao không chịu lấy vợ đi?

- Thực ra cháu chỉ muốn nói với Diệp một câu.

- Câu gì? Được thì cậu nói đi, tui thuật lại cho.

- Là cháu không còn yêu Diệp nữa. Chỉ là thương ở bên kia không có mai nở thôi.

Cô Năm bụm miệng cười.

- Nói dở ẹc. Thôi về đi. Mỹ thiếu gì.

Mẫn quay về. Chợt nhớ cây mai ở nhà mình cũng bắt đầu hái lá đón mùa hoa đầu tiên được rồi. Nó cũng là giống cây mai anh lấy hột từ nhà Diệp đem về ươm mấy năm trước. Lại nghĩ có khi qua tết này đi lấy vợ quách cho xong.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast