Truyện ngụ ngôn về con sán dây (thư gửi một nhà văn trẻ)

Mario Vargas Llosa (sinh 1936), nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch, nhà tiểu luận, nhà báo, nhà phê bình văn học người Peru, một trong những nhà văn trung tâm của khu vực nói tiếng Tây Ban Nha. Ông là chủ nhân giải Nobel văn học 2010.

Truyện ngụ ngôn về con sán dây (thư gửi một nhà văn trẻ) ảnh 1
Nguồn: www.danchimviet.info

Bức thư của bạn khiến tôi xúc động sâu sắc, vì đọc nó tôi bỗng nhận ra chính mình ở tuổi mười bốn, mười lăm, khi tôi sống ở thành phố Lima xám xịt dưới chế độ độc tài Odria. Tôi say sưa mơ có ngày nào đó trở thành nhà văn và đau khổ vì chẳng biết phải làm gì để được thế, phải bắt đầu từ đâu, phải làm sao để biến thiên hướng tôi cảm thấy trong mình và luôn xui tôi cầm bút viết truyện trở thành các tác phẩm - và để chúng chinh phục được độc giả như tôi đã từng bị chinh phục bởi tác phẩm của các tác giả đã được tôi xếp vào ngôi đền thờ của riêng mình: Faulkner, Hemingway, Malreau, Dos Passos, Camus, Sartre.

Nhiều lần tôi đã có ý nghĩ viết thư cho một ai đó trong số các nhà văn trên (khi đó họ còn sống cả) để xin họ lời khuyên: làm thế nào trở thành nhà văn? Nhưng rồi tôi đã không dám - tính rụt rè đã ngăn cản tôi, và có lẽ, cả thói bi quan nữa đã tước bỏ ý định viết thư: viết mà làm gì, nếu biết trước là không ai trong số họ sẵn lòng trả lời cho tôi? - đấy, chính cái đó thường giết chết các tài năng trẻ ở những nước mà đối với số đông người văn học gần như chẳng là gì cả và đành kéo lê sự tồn tại thảm hại bên lề cuộc sống xã hội, biến thành một công việc gần như là rút vào bí mật.

Nhưng bạn đã không biết đến nỗi sợ tê liệt đó nên bạn đã viết thư cho tôi. Và đấy là một khởi đầu tốt, nếu bạn thực sự nghĩ gánh lấy một công việc mạo hiểm như vậy và chờ đợi ở nó - tôi tin là bạn có chờ đợi, dù trong thư bạn không nói lời nào về chuyện này - biết bao điều kỳ diệu. Tôi chỉ khuyên bạn đừng tạo ra những ảo ảnh thừa, tức là đừng cứ chăm chăm vào thành công. Xin hãy hiểu tôi cho đúng. Bạn hoàn toàn có thể đạt được nó! Sao lại không cơ chứ! Nhưng bạn hãy sẵn sàng đón nhận bước ngoặt khác của tình thế, bởi mỗi ai kiên trì viết và in đều rất nhanh nhận ra rằng các giải thưởng, sự thừa nhận của độc giả, số lượng bản in, uy tín trong xã hội thảy đều phụ thuộc vào những quy luật đặc biệt nào đó, hoàn toàn võ đoán và thường với sự lì lợm lạ lùng, khó hiểu quay lưng lại với chính những người xứng đáng được nhận nhất, nhưng lại trút như mưa xuống những kẻ ít xứng đáng nhất. Nói cách khác, nếu bạn coi thành công là động lực chính thì bạn hãy chuẩn bị tinh thần cho việc các mơ ước không phải bao giờ cũng đạt được, và nói chung đừng nên nhầm văn học với chớp lóe ồn ào của vinh quang và những lợi ích vật chất mà công việc sáng tạo thực sự mang lại cho một số nhà văn (đếm được trên đầu ngón tay). Đó là hai chuyện khác nhau.

Có lẽ, tiêu chí chính ở đây là thế này: đối với người có tài năng văn học, chính khả năng bộc lộ mình là phần thưởng cao nhất, lớn hơn, đáng thèm muốn hơn tất cả những gì hắn có thể nhận được nhờ thành công. Tôi hoàn toàn tin vào một điều - mặc dù nhiều phương diện khác của tài năng văn học vẫn còn bí ẩn đối với tôi - mà nhà văn cảm thấy bằng tâm hồn: đúng, loại công việc mà hắn lựa chọn là tốt nhất trong tất cả những việc hắn đã kịp thử trước đó hay có thể sẽ biết sau này, bởi vì viết văn đối với hắn - đó là cách sống tốt nhất trong tất cả các cách sống phù hợp với hắn, bất luận hắn nhận được những lợi lộc chính trị, xã hội hay vật chất nào do sáng tạo mang lại.

Nhưng trở lại câu hỏi của bạn trong thư: làm thế nào trở thành nhà văn. Bạn cảm thấy trong tâm hồn mình có một thiên hướng nào đấy, sau đó dồn hết tính cách và ý chí, bạn quyết hiến mình cho văn học. Tiếp đến là thế nào?

Quyết định của bạn lấy văn học làm số phận đời mình cần phải biến thành sự sẵn sàng phục vụ nó một cách trung thành tận tụy, thực chất là trở thành nô lệ của nó. Để giải thích rõ hơn điều này, tôi xin nói rằng trong chừng mực nào đó bạn giống như các quý bà nổi tiếng thế kỷ XIX, họ lo sợ phát phì và muốn giữ được thân hình thon thả nên đã buộc mình phải uống sán dây. Bạn đã bao giờ thấy một người có cái giống ký sinh khủng khiếp ấy ở trong mình chưa? Tôi đã thấy và có thể nói với bạn rằng các quý bà đó đáng được gọi là anh hùng, là những người tuẫn tiết vì cái đẹp. Đầu những năm sáu mươi tại Paris tôi có một người bạn thân - anh chàng Tây Ban Nha Jose Maria, một họa sĩ và người làm điện ảnh. Và anh ta cũng bị căn bệnh đau khổ này. Số là khi đã vào trong cơ thể rồi, con sán dây dường như dính liền với cơ thể, bám vào cơ thể mà sống và lớn lên, đến mức rất khó đuổi được nó ra khỏi cái cơ thể nó đã được đưa vào và sống thoải mái ở đó. Jose Maria gầy rộc đi, mặc dù anh buộc phải ăn uống rất nhiều (trước hết là uống sữa) để thỏa mãn con ký sinh trùng đang ở trong lục phủ ngũ tạng mình, nếu không người bệnh sẽ đau không thể chịu nổi. Nhưng mọi đồ ăn thức uống đều không ích gì cho anh chàng đáng thương và không đưa lại sự thỏa mãn nào. Một hôm chúng tôi ngồi trò chuyện tại một quán rượu nhỏ ở Monparnase, Jose Maria đã có lời tâm sự khiến tôi sửng sốt: "Tớ với cậu thường gặp nhau. Chúng ta đi xem phim, xem triển lãm, vào hiệu sách, nói chuyện hàng giờ về chính trị, văn học, điện ảnh, về những người bạn chung. Cậu làm tất cả việc đó vì ý thích riêng, nhưng tớ thì không. Tớ làm là vì nó, con sán dây ấy. Bất luận thế nào nhưng tớ luôn có cảm giác bây giờ tớ như không sống cho mình mà cho cái kẻ đang ở trong tớ và tớ phải làm nô lệ cho nó".

Nguồn: bigdargon.blogspot.com

Từ đấy tôi thích so sánh cuộc sống của nhà văn với cuộc sống của anh bạn tôi Jose Maria. Văn học - không phải là sự tiêu khiển thời gian, không phải là thể thao, không phải là trò chơi hoa mỹ trong những giờ nhàn rỗi. Đó là công việc đòi hỏi phải dốc toàn tâm toàn lực cho nó, phải dành cho nó vị trí ưu tiên hàng đầu không có cái gì khác chạm đến được, đó là công việc khổ sai tự nguyện biến người chọn nó (những kẻ tuẫn tiết hạnh phúc) thành nô lệ. Cần phải lao động văn học thường xuyên, nó choán hết cả cuộc đời chứ không chỉ trong những giờ ngồi viết, nó bắt tất cả mọi việc khác phụ thuộc vào nó, bởi vì lao động văn học ăn tuốt chính ngay cuộc đời của nhà văn, giống như con sán dây to lớn nằm trong cơ thể người. Flaubert từng nói: "Văn học là lối sống". Nói cách khác, người đã chọn sứ mệnh cao đẹp và toàn năng đó là người không phải viết để sống, mà là sống để viết.

Nhưng hóa ra, cái ý so sánh nghề văn với sán dây không phải là mới. Vừa đây tôi mới biết điều này, khi đọc Thomas Woolf (học trò của Faulkner, tác giả hai cuốn tiểu thuyết đồ sộ "Về Thời Gian và về Dòng Sông" và "Thiên thần, hãy ngó vào nhà mình"), ông đã mô tả quan hệ của mình với nghề văn như là có con sâu nằm trong bụng mình: "Thế là vĩnh viễn hết ước mơ, cái ước mơ tuổi nhỏ nhân từ, khó hiểu và bị lãng quên. Con sâu đã chui vào tim tôi và cuộn tròn ở đó, và óc tôi, tinh thần tôi, ký ức tôi trở thành thức ăn cho nó... Tôi biết rốt cuộc thì ngọn lửa của tôi đã lan sang tôi, cái ngọn lửa riêng của tôi đã thiêu đốt tôi, phải, thiêu đốt tôi, kẻ bị xâu xé bởi những móng vuốt của một ham muốn điên cuồng và phàm ăn suốt bao năm qua đã ăn trụi toàn bộ cuộc đời tôi, không để lại chút gì. Nói gọn lại, tôi biết cái luồng sáng đó - ở trong óc, trong tim hay trong ký ức - sẽ không bao giờ lụi tắt, sẽ tỏa sáng suốt ngày đêm, khi thức cũng như khi ngủ; con sâu sẽ nhận được thức ăn - và ánh sáng sẽ phát ra, và không trò vui nào, không cuộc nhậu nhẹt nào, không cuộc du lịch trọng đại nào hay người phụ nữ kiều diễm nào có thể dập tắt được ánh sáng đó, vì thế tôi sẽ không bao giờ có thể thoát được con sâu đó nữa, trừ khi cái chết phủ lên tôi tấm màn đen vô tận và không thể đảo ngược được.

Tôi hiểu rằng cuối cùng tôi đã biến thành nhà văn, hiểu ra cái gì đang diễn ra với con người mà cuộc sống của hắn đã trở thành cuộc sống nhà văn".

Tôi nghĩ rằng chỉ ai hiến mình cho văn học như hiến mình cho tôn giáo, kiên quyết dâng cho nó tất cả thời gian, tất cả nghị lực, tất cả sức mạnh, chỉ người đó mới có khả năng trở thành nhà văn chân chính và viết được tác phẩm làm nổi danh hắn. Và còn một điều bí ẩn nữa - đó là tài năng. Thiên tài không phải sinh ra là có, ít ra thì giữa các nhà văn cũng không gặp nhưng người như thế, dù ở các nhà thơ và các nhạc sĩ thì có - thiên tài bộc lộ khi tuổi còn rất nhỏ (hai trường hợp cổ điển là Rimbaud và Mozart) - không, phải cần có những năm dài khổ luyện thành tài. Không có các nhà tiểu thuyết chín sớm. Tất cả các nhà tiểu thuyết vĩ đại, tất cả các nhà tiểu thuyết xuất sắc ban đầu đều là các nhà văn-thợ phụ, và tài năng của họ phát triển dần dần, nhờ sự kiên trì và niềm tin vào năng khiếu của mình. Vì vậy tác giả mới vào nghề cần nên hy vọng theo tấm gương của những nhà văn xây tài năng của mình bằng từng viên gạch nhỏ, khác với Rimbaud đã trở thành nhà thơ thiên tài khi còn đầu xanh tuổi trẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast