Vài cảm nhận về tiểu thuyết Việt năm 2014

Sức khỏe của một nền văn học, theo tôi, phụ thuộc nhiều vào khả năng lao động thể loại mà các cây bút của nền văn học đó phô diễn trước công chúng.

Nói lao động thể loại là nói quá trình theo đuổi tận cùng, tuy không đến mức sống chết nhưng ít ra phải cho thấy tâm huyết và “thủ thuật” đặc biệt nào đó để tồn tại, làm mới bản thân trước các yêu cầu tối thiểu của bút pháp, lối viết, hay quanh co nhất là chủ đề, đề tài của thể loại đó. Bởi vậy, những cây bút mà danh tiếng đã đóng chặt với một thể loại thì cùng lắm, một cách khiêm tốn, thoát thân được ở thể loại khác không tương xứng về mặt công sức đổ ra để hoàn thành.

Như Milan Kundera đã từng say mê nhận định về sức mạnh tiểu thuyết(1), tôi cũng tin rằng, tiểu thuyết sẽ là thể loại không chỉ đòi hỏi các nhà tiểu thuyết phải khám phá ra thêm một mẫu sự sống trước nay chưa từng biết, mà còn, bằng kinh nghiệm vượt qua chính giới hạn của mình, sẽ chạm đến một phong cách viết được coi là bản sắc riêng. Khi tin như thế, đương nhiên tôi chấp nhận thua thiệt vì không nhìn rộng vào thực tế văn học Việt Nam vài năm gần đây đang chứng kiến sự lên ngôi của thể tản văn và du kí, hai trong số nhiều món ăn phù hợp với thời đại tối đa hóa nhu cầu văn chương giải trí. Tôi cũng chấp nhận phiến diện vì bỏ qua mức độ sinh thành thường xuyên truyện ngắn, thể loại nhanh chóng giành nhiều vinh dự đón đọc, bình luận nhất.

Vài cảm nhận về tiểu thuyết Việt năm 2014 ảnh 1

Với tôi, năm 2014, bất chấp văn học dịch luôn áp đảo trên mọi kệ sách và văn học ngôn tình Hoa ngữ đang có lượng công chúng chung thủy tột bậc, văn học Việt dường như vẫn đáng chú ý hơn bởi sự xuất hiện đều đặn của tiểu thuyết, một thể loại mà từ lâu, trong nhiều tổng kết văn học sử, giới nghiên cứu đã sốt ruột trông ngóng. Và để mọi bình phẩm dưới đây không bị vô sở cứ, tôi chỉ xác nhận mình trong tư cách độc giả hiểu biết hạn hẹp, dù lên tiếng hay im lặng trước hiện tượng nào, đều không muốn bỏ rơi những tiểu thuyết nội địa sáng giá và càng không hề quay lưng trước tinh thần tự khẳng định tâm sức sáng tạo văn chương của nhiều cây bút đang phải chịu những áp lực rất lớn từ thị trường đọc ngày một sành sỏi, khắt khe.

Viết tiểu thuyết không phải bỗng chốc mà thành. Và nếu tản văn, truyện ngắn có thể mau chóng được đón nhận thì tiểu thuyết cần nhiều hơn những cung đường thẩm thấu khác nhau. Bởi thế, tính chất “cách năm” mới có một cuốn tiểu thuyết đã được minh chứng rõ ngay cả với những tác giả chuyên thâm canh thể loại này: Nguyễn Việt Hà, bẵng đi gần mười năm đầy đủ quyền uy lẫn danh tiếng ở tản văn, mới tái xuất với Ba ngôi của người; Nguyễn Bình Phương, sau Ngồi (2006) cùng một tập thơ xen kẽ, Buổi câu hờ hững (2011), đã quay lại đường đi tiểu thuyết với Mình và họ. Khác với vẻ chừng mực nửa vời của giới phê bình, hai cuốn tiểu thuyết này đã thay phiên nhau tạo nên những tranh luận đa chiều trong diễn đàn của các độc giả ưa đặt kì vọng vào tiểu thuyết gia lớn. Nhưng lá phiếu đề cao hay bài bác đều chỉ có giá trị tương đối và bởi một bối cảnh văn hóa văn chương chưa mấy khi nuôi dưỡng được tiểu thuyết gia đi dài hơn cuốn sách đầu tay, chúng ta hãy tạm bằng lòng với sự trở lại một vài cái tên mà nhờ đó, có thể định hình được những lí do cơ bản vì sao viết tiểu thuyết. Hay nói khác đi, vì sao chọn tiểu thuyết như là thái độ phản ứng trước thực tại.

Theo đó, Ba ngôi của người có thể gây thất vọng so với Cơ hội của Chúa Khải huyền muộn nhưng vẫn là Nguyễn Việt Hà ưa giễu nhại, trào tiếu những gì đang hiện hữu và vì phẩm chất này không phải đã quá phổ biến nên phải thấy rằng văn học biết cười, thích cười cũng quan trọng như bất kì đức tính nào khác. Trong Ba ngôi của người, cái thế tục được dùng như một chất liệu để nhìn thấu vào sự biến đổi của tính cách người, của đường vân lịch sử Hà Nội bên trong lớp vỏ thế sự đô thị hiện đại đang chất dày khó cưỡng.

Nếu thực tại được nhìn bởi kí ức thì sự giàu có của kí ức, như Nguyễn Việt Hà bày chật trong tiểu thuyết, sẽ là thứ thuốc giảm đau cho chứng sang chấn tinh thần vì quá khứ cứ lùi vừa đúng vào chỗ hiện tại đang hẫng hoặc rỗng. Dưới tấm màn bình luận và so sánh, Nguyễn Việt Hà ưa dùng kiểu tự sự không rành mạch, không có câu chuyện giữ trục gắn kết toàn bộ sự kiện, các liên tưởng và nhân vật bất thần xuất hiện, để, như thế sự hôm nay hỗn loạn và sắp đặt tùy tiện, chúng đều khớp nối với ý tưởng trung tâm rằng, xem ra, thực tại thật khó phân ngôi giá trị. Viết tiểu thuyết, rút cuộc, đã đánh thức những thứ không thể quên và ưu tư, nhẫn nại tìm kiếm niềm tin vào cái đẹp phổ quát.

Điều lí tưởng này dù chưa lấy gì đảm bảo thật đắc địa nhưng cũng đã làm nhiều người viết chú tâm. Như cái cách Trần Chiến chạm sâu đến kí ức và bóng hình Hà Nội trong số phận Cậu ấm. Hay cái cách Nguyễn Ngọc Tiến tái dựng xen lẫn phong thái khảo cứu một phần quá vãng Hà thành ở Me Tư Hồng. Ở đây, câu chuyện về Hà Nội xưa chỉ như cái cớ để tiếng gọi của kí ức được vang vọng và xáo trộn tâm tư hiện sinh đương thời.

Nhưng tiểu thuyết 2014 không hoàn toàn chỉ là “mùa thu của các trưởng lão”, không đến mức “tới hay lui cũng chừng ấy mặt người”. Năm 2014 ngẫu nhiên đánh dấu sự đua nở của thế hệ viết đang vào độ trưởng thành ý thức thể loại: Nguyễn Xuân Thủy thoát khỏi chủ đề người lính để phức tạp trong những biểu đạt hiện thực đô thị ở Nhắm mắt nhìn trời; Nguyễn Danh Lam điềm tĩnh và phần nào gọn ghẽ hơn với Cuộc đời ngoài cửa; Nguyễn Đình Tú, như thường lệ, biết cách đan cài giữa yếu tố đại chúng và cách xử lí cấu trúc dù không quá thời thượng ở Xác phàm; Trần Nhã Thụy sau Sự trở lại của vết xước cũng tự mình nhẹ nhõm và thú vị ngay cả ở những triết lí trong Hát; Nguyễn Ngọc Thuần hơi luống tuổi khi đứng cùng Văn học tuổi hai mươi nhưng tỏ ra hiện đại và nhiều ẩn ý tinh tế trong Cơ bản là buồn; Uông Triều, sau truyện ngắn có phần chừng mực, đã đa nghĩa và gai góc hơn hẳn trong Tưởng tượng và dấu vết, cuốn tiểu thuyết mang thái độ của một người trầm tư hơn là sự tưởng tượng của một kẻ kể chuyện đời.

Không đến mức gối đầu giường nhưng tiểu thuyết của thế hệ viết này, bởi đang đi dần vào sự ổn định phong cách, vẫn đủ sức quen hơi biết tiếng trong cộng đồng đọc đang bị chia thành nhiều kiểu dạng. Như thế, đủ thấy tiểu thuyết đứng được và có phản hồi đã là một cuộc chơi không quá lép vế trong thời buổi bát nháo giải trí. Nên văn chương có ích gì chẳng qua là câu hỏi tỏ vẻ nghiêm trọng mà thôi(2).

Dù có đôi phần dị biệt nhưng điểm gặp gỡ của đa số các tiểu thuyết trên vẫn là tính chất hồi tâm nhìn về phong tục, lịch sử và chiến tranh. Phong tục và lịch sử Hà Nội trong bộ ba Ba ngôi của người, Cậu ấm, Me Tư Hồng sâu sắc vì sự truân chuyên và đời tư của nó, thay vì mĩ từ thêu dệt, khiến ta hiểu lịch sử không dễ ăn ngay mà cần những trải nghiệm tận cùng. Và cái áo lịch sử dù chật cỡ nào thì sự trải nghiệm cá nhân, với những câu chuyện nhỏ nhưng sinh động, vẫn là cơ hội để các mãnh lực hư cấu được chấp nhận. Còn chiến tranh, xin dừng lại chốc lát để nói thêm, trong Mình và họ, Xác phàm, Cơ bản là buồnMiền hoang, cuốn tiểu thuyết dày dặn của Sương Nguyệt Minh, đã giãn cách hơn khi lồng vào bối cảnh xưa những câu chuyện hôm nay.

Cuộc chiến được viết lại nhưng không thật thà trưng hết dữ dội, khốc liệt của chiến trường mà còn nhồi thêm những tai ương của hiện tại, của hậu chiến khiến bất hạnh, mất mát nào cũng đều chua xót như nhau. Nhưng vấn đề cần thiết hơn, theo tôi, không chỉ ở phơi mở những điểm mờ quá khứ, ở mục đích tiệm cận hiện thực chiến tranh biên giới còn thưa vắng trong một nền văn học coi chiến tranh là đề tài bất tận, mà còn ở tiếng nói trí thức của nhà văn, người đã đứng xa hơn cuộc chiến ấy, người buộc phải chạm đến những thông hiểu sâu hơn trước các biến cố lịch sử không phải đã kết thúc xong xuôi. Sẽ là tự co rút vào kinh nghiệm của người can dự chiến tranh nếu không đoái hoài đến vị thế người viết, người có quyền dùng kinh nghiệm đọc và tri nhận sách vở để thoát khỏi sự phụ thuộc tài liệu kí ức của chính mình.

Tôi ấn tượng Mình và họ vì cách tổ chức đối thoại tài tình, giấu nhẹm các mạch chuyện cho đến khi nó thực sự gây ám ảnh. Tôi chọn Cơ bản là buồn vì nó mang cái nhìn của thế hệ mới, vừa khỏe khoắn vừa thâm trầm, ngắn gọn và tỉnh táo trong từng bình luận. Tôi thích Miền hoang ở tình thế bị kẹt giữa sống và chết, giữa lòng tốt và thù hận, dã man và văn minh của những con người đáng ra đã không phải chĩa súng vào nhau. Nhưng chiến tranh và rộng hơn, những thiên tai địch họa, với tất cả ngón đòn dai dẳng của nó, là chấn thương chung đối với nhân loại, bất kể vùng địa lí hay xã hội nào.

Tôi đã không tìm thấy những sáng tạo mang tính biểu tượng về chấn thương trong các cuốn sách này, như những gì tôi đọc được trong Cái trống thiếc, Không số phận, Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời, Người đọc, Có được là người,… vốn viết về chiến tranh-lò thiêu trong Thế chiến II, một vết thương liên tục tái lặp ở văn học châu Âu suốt bao thập niên qua. Điều có thể khiến người đọc yên lòng là, cho đến hôm nay, viết về chiến tranh vẫn như định mệnh của văn học Việt Nam sau nhiều năm chúng ta hớt hải đuổi theo đủ loại đề tài thời thượng khác.

Sự hấp dẫn của tiểu thuyết đôi khi nằm trong bút pháp. Là thể loại không chịu dừng lại ở bất kì những tìm tòi lối viết nào, tiểu thuyết trở nên chiều chuộng độc giả vì sự cởi mở của nó. Đọc tiểu thuyết Việt 2014, nếu phải gạt bỏ một vài vụng về xứng đáng thất bại, vẫn có thể lọc ra những tìm tòi hoặc nỗ lực làm mới đường đi thể loại. Khó đọc và lạ lẫm bậc nhất có lẽ là Thành phố bị kết án biến mất của Trần Trọng Vũ. Cuốn tiểu thuyết im ắng truyền thông nhưng quá sức cho những giải mã hời hợt này đã gây lúng túng cho cách đọc truyền thống ưa tìm kiếm câu chuyện, chủ đề. Là họa sĩ, Trần Trọng Vũ tận dụng tối đa tri thức thị giác để xây dựng một tác phẩm văn học bằng ngôn ngữ. Nếu ngôn từ có chức năng chuyên chở khái niệm, biểu nghĩa thì với Trần Trọng Vũ, ngôn từ tiểu thuyết dường như thiểu năng khái niệm mà tối đa hóa lớp lang hình ảnh. Đọc chữ để thấy “hình”, để thích thú với màu sắc, hình khối không gian hiện hữu trong thứ chất liệu phi hội họa. Đằng sau các câu chữ không tập trung biểu nghĩa cụ thể là cảm giác về sự biến mất của những điều xác thực, những thứ ta đã thuộc về.

Bởi thế, sự biến mất thành phố, rộng hơn là sự biến mất của căn cước con người, chỉ được tìm lại bằng kí ức, sự xuyên-không-gian và những tưởng tượng về quá khứ. Với Thành phố bị kết án biến mất, “gu” đọc đại chúng khó tiêu ngốn lối viết không dấu phẩy, các nhân vật trùng tên và câu chuyện hai năm rõ mười, như lâu nay thường thế, lại không lẩy ngay ra được. Không dấu phẩy, thoạt nhìn chỉ như trò chơi, nhưng ắt sẽ đẩy người viết vào tình thế đi trên dây, giữa một bên là quy tắc ngữ pháp, và bên kia, là nhịp điệu kể chuyện. Viết tiểu thuyết, do đó, còn tạo ra cách đọc, tạo ra công chúng mới. Trường hợp Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên, một tiểu thuyết theo hướng cách tân lối viết, là ví dụ hợp lí cho việc tự đoạn tuyệt hẳn với lớp độc giả trước đây của chính tác giả. Ngựa thép mang trong mình sự hài hòa về cấu trúc, những cân nhắc chính xác về chi tiết và sự dụng công lời văn nghệ thuật. Bước đi của Ngựa thép không chỉ tính toán trong từng ẩn dụ về thân phận bị xẻ đôi, giữa quê hương và gia đình, mà còn kĩ lưỡng tạo ra các điểm nhìn mới mẻ về cơ thể, về đau ốm, bệnh tật và cái chết, điều trên thực tế, là chưa hề được coi trọng trong văn học Việt Nam đương đại.

Tường trình tỉ mỉ về bệnh tật, đau ốm, ngòi bút của Phan Hồn Nhiên nhắc nhớ người đọc phải chấp nhận những nỗi đau cần có của đời người, những bất khả kiểm soát về cơ thể luôn hiện hữu trong cô độc, bất hạnh, dù bi quan nhưng không thể trốn chạy, chỉ có thể học cách hồi phục. Thiển nghĩ, Ngựa thép là một “ca” tiểu thuyết không dành cho thói đọc tùy thích mà phải đọc như một thao tác làm việc với văn bản.

Nếu so sánh là để nhìn thấy nét riêng khác thì Nguyễn Bình Phương khác biệt vì chưa dừng lại trong lối viết đào sâu ẩn ức, tiềm thức, sự nhập nhằng giữa tỉnh và điên, bản ác và bản thiện mà người ta cố phân định rạch ròi; Nguyễn Việt Hà khác biệt vì ưa dụng câu văn đảo trật tự từ, chủ ý tạo lập, chêm xen các điển tích mới trên phông nền câu chuyện thế tục của thị dân hiện đại; Nguyễn Ngọc Thuần được đón nhận vì đã dùng tiểu thuyết ngắn (novella), một thể loại đang được ưa và phải có mẹo mực viết hẳn hoi, để chuyển tải câu chuyện nhỏ giữa bối cảnh văn hóa đang hướng về những tiếng nói ngoại biên, nơi đồng tính, di dân, căn cước cá nhân,… là rất đáng quan tâm. Nhưng nhìn chung, không có nhiều hơn những khác biệt tạo ra độc sáng, tiểu thuyết Việt 2014, như lâu nay, là hành trình tự hoàn thiện các lối viết đã định hình.

Có lẽ, trong mọi kì vọng về một tác gia tiểu thuyết vượt hẳn lên, người đọc thường phải tự mình vui vẻ từng nấc. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, ngay cả với các thử nghiệm bút pháp, cho dẫu táo bạo, cũng quá ít được hưởng ứng khi diễn đàn dành cho nó còn tương đối ít ỏi hoặc khép kín. Tình trạng người đọc bị “úm” bởi vài bài báo lăng-xê tiểu thuyết mới là khá phổ biến và thay vì đi tìm quyền được lựa chọn, chúng ta lại yên tâm sử dụng chúng, khiến việc bước lỡ những ga đọc đích thực hình như ngày một thường xuyên hơn

MAI ANH TUẤN

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast