Văn chương Việt 2015 - Buồn vui và hi vọng

Festival hội thảo Truyện Kiều và đại thi hào dân tộc Nguyễn Du nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh của ông diễn ra rộng khắp. Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vui vẻ, dân chủ nhưng cũng bắt đầu báo hiệu một sự phân hóa. Cuộc thi tiểu thuyết 4 năm không chọn được đỉnh cao. Có nhiều niềm vui, nhưng cũng không hiếm nỗi buồn, rơi nước mắt. Chưa có năm nào văn chương Việt lại sôi động, nóng bỏng, ngổn ngang và phức tạp... như năm 2015.

Sinh thời, Nguyễn Du viết Truyện Kiều, rồi ưu tư Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng? Suốt từ khi Truyện Kiều xuất hiện đến nay chưa bao giờ ngớt đọc Kiều, đố Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, bàn luận và nghiên cứu Kiều. Năm nay lại có một Festival... Kỉ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du tổ chức ở cấp quốc gia. Có nhiều tỉnh, thành, hội văn học nghệ thuật, viện nghiên cứu, khoa ngữ văn... tổ chức các hoạt động kỉ niệm và hội thảo tác giả tác phẩm.

Sau 20 năm tưởng như bỏ hẳn, Hội nghị những người viết văn trẻ thủ đô lại được tổ chức. Lực lượng sáng tác trẻ của Hà Nội đông đảo, đa dạng. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy tác giả trẻ nào mới xuất hiện chói sáng “như một niềm kinh dị” trên bầu trời văn học, chưa thấy dấu ấn cá tính sáng tạo với sự độc đáo, bùng nổ, khác biệt... trong cuộc điểm danh đội ngũ này. Dù vậy, hội nghị lần này cũng là một cuộc gặp mặt cần thiết để các tác giả trẻ giao lưu, học hỏi, tiếp lửa, truyền cảm xúc sáng tạo. Mùa màng văn chương lúc trĩu hạt, khi thất bát. Vẫn cần phải kiên nhẫn chờ đợi, hi vọng những tác giả trẻ - tương lai của nền văn học thủ đô và đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới và Sáng tạo” có hơn 500 đại biểu tham gia. Chưa bao giờ đại hội nhà văn nhiệm kì lại nghiêm ngắn và vui vẻ, dân chủ như đại hội lần này. Tuy nhiên, đôi khi dân chủ quá thành ra phá vỡ ngay cả những biểu quyết mà chính đại hội trước đó đã thông qua. Chỉ 6 nhà văn trúng cử ban chấp hành so với dự định ban đầu là 15. Ít mà... tinh, dễ làm việc. Chỉ tiếc ban chấp hành có 6 người thì 5 nhà văn đã và đang mặc áo lính, còn 1 nhà văn khác thì cũng từng mang sắc phục công an nhân dân; văn học miền Trung, miền Nam, phụ nữ, và văn học dân tộc thiểu số vắng thiếu nhà văn đại diện.

Đại hội lần thứ 9 cũng thông qua điều lệ Hội, một điểm thay đổi rất đáng chú ý: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không được tham gia tổ chức khác khi tổ chức ấy chưa được pháp luật nhà nước công nhận.

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 có 151 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ 41 quốc gia trên thế giới đến dự. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì “... người Việt có một nền văn học lâu đời, nhiều thành tựu, nhưng số lượng tác phẩm dịch ra nước ngoài còn hạn chế. Gần đây, một số tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh... được phát hành ở Pháp, Nga, Trung Quốc, Bỉ, Thụy Điển, Mĩ, Indonesia... Tuy nhiên lượng sách dịch ra vẫn quá thấp so với nhập vào. Chúng ta không muốn là thị trường tiêu thụ văn hóa thế giới, mà muốn giao lưu bình đẳng, lành mạnh. Trong hướng đi đó, hội nghị này là một việc làm cụ thể”.

Kết thúc hội nghị, chủ - khách đều vui vẻ, có những biên bản ghi nhớ, có những thỏa thuận dịch thuật...; nhưng sau các lần hiếu hỉ, sách văn học “dịch xuôi” vẫn ào ạt như dòng lũ lớn, sách văn học “dịch ngược” vẫn chỉ nhỏ giọt như cà phê phin. Bạn đọc Việt Nam đang hân hoan đón nhận cuộc “xâm lăng” của văn học nước ngoài, song con đường đến với trái tim bạn đọc ngoài biên giới của văn học Việt Nam thời hội nhập toàn cầu thì vẫn mang thân phận cây quế giữa rừng: “thơm tho ai biết ngát lừng ai hay?”.

Một năm sôi động của đời sống văn học trong nước Ảnh: Thành Duy

Một năm sôi động của đời sống văn học trong nước Ảnh: Thành Duy

Một tin vui nho nhỏ: tập truyện ngắn Rau ngải đắng trên núi gồm 24 tác phẩm của 12 tác giả như Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Sương Nguyệt Minh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Tạ Duy Anh, Thùy Linh, Thụy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Phan Thị Vàng Anh… do dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền tổ chức bản thảo, tổ chức dịch thuật và các dịch giả Igor Britov, Elena Nikulina, Nguyễn Quỳnh Hương dịch sang tiếng Nga đã in tại nhà xuất bản Lokid Premium ở Moskva tháng 10/2015. Tiểu thuyết Ngược mặt trời của Nguyễn Một cũng được dịch ra Anh ngữ và phát hành tại Mĩ.

Ở Tây Âu, dịch giả Đoàn Cầm Thi và nhóm cộng sự lại đi theo một lối riêng, tiếp tục xây dựng “Tủ sách văn học Việt Nam đương đại tại Pháp”, đã giới thiệu đến công chúng cộng đồng Pháp ngữ hơn mười đầu sách. Những cuộc giao lưu giới thiệu văn học Việt Nam tại Pháp khá sôi động và hiệu quả. Không chỉ in sách tại nước ngoài, các tác giả Nguyễn Danh Lam, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên cũng có những chuyến xuất ngoại nói về tác phẩm của mình và văn học Việt. Câu chuyện đưa văn học ra nước ngoài còn dài dài. Nếu nhà nước có định hướng đưa “sức mạnh mềm” ra các nước như Hàn Quốc, Nhật... thì các dịch giả sẽ hưởng ứng tiên phong và người nước ngoài sẽ hiểu người Việt hơn qua con đường văn học.

Vấn đề tranh cãi và xâm phạm bản quyền tác giả ở xứ sở hình chữ S này vẫn còn phức tạp và kéo dài bất tận. Hội Nhà văn Hà Nội phải rút giải thưởng cũng là câu chuyện buồn. Qua đó thấy một thực tế là vấn đề bản quyền sáng tạo ở Việt Nam rất à ơi, lơi lỏng.

Ngày 27/09/2015, Giải Sách Hay 2015 lần thứ 5 do Viện IRED (một viện nghiên cứu độc lập, phi lợi nhuận hoạt động vì một nền giáo dục khai minh) và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (một quỹ xã hội hoạt động phi lợi nhuận nhằm nâng cao tri thức của dân tộc Việt Nam) đã tổ chức trang trọng tại khách sạn Rex, thành phố Hồ Chí Minh. Tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, tiểu thuyết Miền Hoang của nhà văn Sương Nguyệt Minh và dịch phẩm Những đứa con của nửa đêm do dịch giả Nham Hoa dịch từ tác phẩm của Salman Rushdie được vinh dự nhận giải này.

Năm nay tập truyện dài Về cô gái này của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần và tập thơ Minh triết đất đai của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Tập thơ Minh triết đất đai tươi mới, giàu cảm xúc và cũng giàu trải nghiệm và triết lí nhân sinh. Tay lấm láp phù sa/ chính là lúc ngộ ra điều sạch sẽ/ giấc ngủ thường đến muộn/ tôi gối đầu lên luật nhân quả của cây trồng… (Minh triết đất đai). Nguyễn Vũ Tiềm là người sống riết róng với mình, và mới mẻ với thơ. Không chịu cũ, “trên con thuyền hoàng hôn tuổi tác” ông già thơ Nguyễn Vũ Tiềm ngoài 70 tuổi vẫn đột sáng: Có một chuyện hiểu lầm/ giữa nhân tình và thời tiết/ chị dùng thơ làm dao giải phẫu/ cấp cứu một làn gió thu (Nữ văn sĩ).

Nguyễn Ngọc Thuần đã chọn được cái tứ truyện dài Về cô gái này rất độc đáo: Con người ta rất khốn khổ, đôi khi chẳng thích thú gì với cơ thể mình mà vẫn phải sống chung với nó. Nhân vật Z - người đàn bà bất hạnh béo phì, ngụp lặn vượt thoát khỏi căn bệnh khát uống thèm ăn, tuyệt vọng đau khổ với cái thân xác quá khổ - cất tiếng kêu về nỗi buồn chán, cô đơn, về nỗi đau tình yêu và hạnh phúc làm người đàn bà, làm mẹ... bị vuột mất. Khao khát được sống được yêu, được làm một con người bình thường mà sao lại khó khăn đến vậy. Mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, và bi kịch của cái bất bình thường, nhưng cũng phơi ra ánh sáng sự mù lòa của người đời phiến diện hời hợt chỉ nhìn thấy cái bề ngoài, cái đập vào mắt, còn cái đẹp thẳm sâu trầm tích như viên ngọc lóng lánh của tâm hồn thì vô tình đi qua. Bi kịch Về cô gái này thực ra là bi kịch nhận thức của loài người.

Cuộc thi viết Tiki Young Author 2015 dung lượng 2.500 - 3.000 từ với đề tài Sống Trẻ đã kết thúc. Ban giám khảo là các nhà văn trẻ chấm một giải thưởng văn học trẻ do tư nhân tổ chức. Tác giả Nguyễn Bình Nguyên, 24 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh giành quán quân với số tiền mặt 100 triệu đồng sau vòng thi cuối cùng - phản biện với ban giám khảo tại đêm trao giải Tiki Book Awards. Ở đây, không bàn đến mục đích kinh tế chính đáng, tôi muốn nói đến giá trị cuộc thi không chỉ là số tiền giải thưởng lớn, mà đề cao tính phát hiện, tìm kiếm tài năng trẻ trong lĩnh vực văn chương. Nó động viên, khuyến khích, giục giã, mời gọi người viết đến với cuộc thi, truyền lửa, tiếp cảm xúc để người viết trẻ dấn thân vào con đường văn chương vốn nhọc nhằn khổ ải. Trong đời sống văn học, đã và đang có nhiều cách làm tương tự như Tiki, có ích hơn là mở các trại sáng tác khắp nam bắc tây đông mà tác phẩm cứ èo uột, lào phào.

Tiểu thuyết Mình và họ của Nguyễn Bình Phương và tập nghiên cứu phê bình Trên đường biên của lí luận văn học của Trần Đình Sử được Hội Nhà văn Hà Nội tôn vinh và trao Giải thưởng văn học năm 2015. Lâu nay, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội thường trao giải thưởng không giống nhau, thậm chí ngược hẳn về tiêu chí mĩ học. Sự thật là không đợi đến khi được tôn vinh, Mình và họTrên đường biên của lí luận văn học đã tạo ra dư luận khen chê và được đồng nghiệp quan tâm từ khi phát hành.

Mình và họ vẫn theo phong cách rất riêng biệt chơi kết cấu và tinh luyện ngôn từ của Nguyễn Bình Phương. Thời gian nghệ thuật đồng hiện. Truyện và nhân vật triển khai ở nhiều chiều kích, nhiều tuyến tính trong sự phức tạp của đời sống, của nghệ thuật. Thế giới thực - ảo trộn lẫn, đan xen, viết về cuộc sống đời thường mà nói được cả chiến tranh để... phơi bày và lên án cái ác.

Trên đường biên của lí luận văn học một lần nữa khẳng định con mắt nghệ thuật với tầm vóc bao quát, sắc sảo và không chịu cũ mòn của Trần Đình Sử. Tác phẩm không chỉ có giá trị học thuật mà còn có ý nghĩa trong đời sống văn chương. Nhiều vấn đề như là một sự nhận thức lại về lí luận văn học trong thời đại mới được đặt ra và giải quyết rốt ráo, thuyết phục: Mấy vấn đề lí luận marxist và lí thuyết hiện đại; Mấy vấn đề thực tiễn lí luận, nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam; Mấy vấn đề thi pháp học... Trần Đình Sử có bản lĩnh và học thuật thâm sâu để truy vấn tri thức lí luận văn học đã “đổ bê tông” trong nhận thức nhiều người; ông phê phán cái cũ để xây dựng cái mới tiến bộ, chứ không phủ định sạch trơn. Có thể nói Trên đường biên của lí luận văn học là một công cụ rất cần thiết cho những người làm văn học, nhất là người sáng tác.

Giải tiểu thuyết lần thứ 4 của Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2015) không có giải A, chỉ có 3 giải B gồm: Người thứ hai của Tô Hải Vân; Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sỹ; Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền và 9 giải C. Chỉ có 2 tác giả thế hệ 7x là Nguyễn Danh Lam và Trần Nhã Thụy, còn lại đều là các nhà văn đức cao vọng trọng tuổi trên dưới 70. Xem ra, các nhà tiểu thuyết trẻ vẫn chỉ mon men đứng ở ngoài giải thưởng, hoặc đứng rất xa không dự thi. Cuộc thi tiểu thuyết không có giải nhất cũng là... một sự kiện. Vì sao một cuộc thi tiểu thuyết kéo dài 4 năm mà không có giải nhất? Tiêu chí giải nhất: Hoặc là... bó đũa chọn cột cờ. Hoặc là... tác phẩm có đóng góp về tư tưởng, về thi pháp nghệ thuật với nền văn học. Không có giải nhất là vì cuộc thi không có tác phẩm nào xứng đáng giải nhất?! Hay có mà không trao?! Có thể giải nhất đang nằm ở giải nhì, thậm chí giải ba, hoặc đang trong số tiểu thuyết bị loại ra?!

Ở bất cứ cuộc thi nào, không có giải nhất thì cuộc thi ấy coi như... không thành công. Nhưng, giải nhất hay giải nhì, hay giải ba... thì lại thuộc hoàn toàn vào... ban giám khảo. Tôi cũng đã nhiều lần tham gia chấm giải các cuộc thi văn chương và nhận ra rằng: ban giám khảo nào thì... kết quả ấy. Thậm chí, chỉ cần thay một thành viên ban giám khảo này bằng một người khác, kết quả cũng thay đổi. Giải thưởng là ghi nhận của một ban giám khảo, một tổ chức văn học đối với tác phẩm, cũng là khuyến khích động viên người sáng tác; nhưng đôi khi sức sống của tác phẩm lại... nằm ngoài giải thưởng. Thôi thì, có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa.

Trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 có hai tác giả rất đáng chú ý là Trần Nhã Thụy và Nguyễn Danh Lam. Tiểu thuyết Hát của Trần Nhã Thụy như một tiếng thở dài về cuộc sống mòn tẻ của người trí thức thất nghiệp, sống vật vờ, chán buồn, vô nghĩa; doanh nhân bất động sản; cô gái quê mùa nhoai ra phố phường... thay đổi thân phận nhờ sắc đẹp; người đàn bà sống nổi loạn... Hát phản ánh một hiện thực bế tắc, đổ vỡ, mất mát, nhưng tác giả không gieo vào lòng người đọc nỗi bi lụy thất vọng. Văn của Trần Nhã Thụy trầm buồn, dịu nhẹ, dịu khẽ, mà tinh tế, đằm sâu.

Tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam là bi kịch của người thầy giáo dạy người nhưng bất lực với vợ con, gia đình tan nát. Hóa ra, cuộc đời có sức mạnh khủng khiếp hơn bục giảng gấp nhiều lần. Hành trình người thầy giáo đi cùng đứa con cũng là cuộc thập chinh tự nhận thức, tự giày vò, và được đẩy đến điểm nút vỡ tung bi kịch thế hệ. Hai tính cách, hai lối sống, hai hệ mĩ học khác nhau xung đột. Đằng sau câu chuyện kể buồn day dứt là thông điệp cảnh báo bi kịch sống chung thế hệ trong một thế giới bất an, bất trắc. Sự trải nghiệm, từng trải, chăm đọc cũng làm nên cái nhìn đời trong tác phẩm già dặn, sắc sảo. Người viết mang cảm quan hiện sinh luôn hoài nghi... sẽ sinh ra nhân vật hoang mang, tự vấn. Nguyễn Danh Lam “đẻ” người thầy giáo trong Cuộc đời ngoài cửa cũng có nghĩa là đóng góp một loại nhân vật mới trong thời đại mới hoang mang, bất trắc.
Năm 2015 còn là năm có nhiều tác phẩm sinh động, rất đáng đọc và quan tâm:

Có tác phẩm xuất hiện đã đóng đinh phong cách tác giả mà Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’mông của Nguyễn Mạnh Tiến là một ví dụ. Nếu coi Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’mông như một tác phẩm liên ngành ngữ văn, xã hội học, địa lí, tâm lí học, dân tộc học, thì Nguyễn Mạnh Tiến là một phát hiện mới về hướng nghiên cứu này. Hoàng Trần Cương rút thần hồn khí nhập vào đất đai sông núi quê hương xứ Nghệ làm nên “long mạch” Tổ quốc. Ông không mài dũa, đánh bóng mạ kền con chữ, hồn quê khí đất cuồn cuộn xiết chảy trong Long mạch như là tự sinh, như là vốn thế. Không khác được. Nguyễn Quang Lập với tiểu thuyết Tình cát viết về thời hậu chiến thêm một lần nữa khẳng định ông là một tác giả văn xuôi quan trọng trong thế hệ nhà văn sau năm 1975. Tình cát gây hiệu ứng ám ảnh khủng khiếp: Ám ảnh về chết chóc trong cuộc chiến tranh. Ám ảnh về sự lãng quên, bỏ rơi. Ám ảnh về sự tha hóa quyền lực. Có thể nói chiến tranh chấm dứt từ lâu rồi mà nhân vật của Nguyễn Quang Lập vẫn chưa thoát khỏi chiến tranh. Thả là buông, là sống thật với bản ngã. Mai Văn Phấn “thả” để ghi lại diễn biến của thời gian, vận động của vũ trụ, ưu tư về cuộc sống thường nhật, thế giới tâm linh và lao động sáng tạo nghệ thuật. Thả là những chớp sáng, những khoảnh khắc, những lát cắt đời sống, vũ trụ, và cái tôi... giàu triết lí nhân sinh. Kỳ nhân làng Ngọc là tập truyện ngắn mới nhất của Trần Thanh Cảnh. Chỉ kể chuyện trong một làng mà đủ cả hỉ nộ ái ố, nhân tình thế thái. Con mắt nhà văn nhìn đời khá lọc lõi, tinh ranh, và văn cũng vì thế mà già dặn, sắc sảo, nhưng vẫn có hồn, có tình. Chúa đất của Đỗ Bích Thúy rất thành công ở xây dựng thế giới nhân vật với bộ ba: Sùng Chúa Đà, Vàng Chở, Bà Cả. Nhân vật của Đỗ Bích Thúy không đơn giản, đơn tuyến, mà tính cách rất phức tạp. Chúa đất chứng tỏ Đỗ Bích Thúy đang làm sâu sắc hiện thực và có đóng góp riêng cùng làm nên diện mạo văn học các dân tộc thiểu số. Âm thanh của tưởng tượng của Lê Hồ Quang với giọng phê bình thơ hiện đại trầm tĩnh, kìm nén tối đa, thân sơ cất đi chỗ khác, trước mắt chị chỉ có tác phẩm với cái nhìn học thuật, khách quan. Cảm nhận thơ giàu tinh tế, sắc sảo, nắm bắt được mạch ngầm chuyển động của các tác giả, luận bàn thông minh và khiêm nhường...

Không thể bao quát hết một năm văn học và đó cũng là việc làm quá sức đối với người viết bài này. Chỉ biết rằng còn nhiều tác phẩm rất đáng đọc như: Ga ký ức của Phong Điệp, Một ngày lưng lửng của Văn Giá, Kiên ngạnh như thủy của Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) do Minh Thương dịch, Vườn khuya của Trần Hùng, Cuối cùng thì đàn bà muốn gì của Y Ban, Huyết ngọc của Tống Ngọc Hân, v.v… Và rất có thể nhiều văn phẩm nữa ra đời trong năm 2015 sôi động, buồn vui, đang lặng lẽ nằm khiêm tốn trong các hiệu sách, nhưng một thời gian sau lại lừng lững dưới ánh mặt trời, khiến bạn đọc chuyền tay nhau đọc.

Năm 2015 - một năm văn học buồn vui và hi vọng.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast