Về miền đất hát

Tôi đến với Nghi Xuân đã rất nhiều lần. Mỗi lần một thời điểm khác nhau. Lúc buổi sáng mùa xuân, lúc gần trưa mùa hạ , lúc chập chiều cuốc kêu bên sông nghe buồn buồn. Ấy vậy mà tôi vẫn không quên được cái lần đầu tiên đặt chân trên đất Nghi Xuân ngày ấy- một đêm trăng mùa thu, ghé Nghi Xuân bằng thuyền trên sông Lam. Tôi đi nghe hát ca trù.

Bút kí

Tôi xuống thuyền từ mạn trên cầu Bến Thuỷ, xuôi về cửa Hội từ mờ tối. Lúc đó, trăng đang lên chênh chênh như một cánh diều trắng trên nền mây màu vàng gạch non lấp lửng nấp sau đám bần dày xanh mướt. Người đàn ông thấp đậm ngồi ở đầu mũi thuyền khởi động máy nổ rẽ nước đưa tôi xuôi dòng sông Lam một cách thuần thục. Hình như sông nước đã gắn bó thân thuộc với ông tự đời nào.

Tôi ngồi im, bó gối nhìn đất trời, nhìn dòng sông. Nước sông mùa này dâng cao, tràn ra cả vệ cỏ. Bóng trăng một lúc một sáng, rõ lấp lánh tan trong nước. Người đàn ông sau một hồi im lặng bắt chuyện với tôi:

- Cô đi tìm người quen ở Nghi Xuân, răng không đi đường một mà lại đi thuyền mần chi cho vất vả ?

- Cháu thích ri- tôi cười- bạn cháu hẹn đón ở bến Giang đình.

- Mần chi còn bến Giang Đình nữa.

- Dạ, chỗ ngày xưa là bến Giang Đình đó bác.

Người đàn ông không nói gì thêm lặng lẽ châm thuốc hút. Đầu mũi thuyền, khói bay lại cay xè cả mát. Thoáng nghe có tiếng thở dài, xa xăm buồn. Tôi nhìn quanh, không tiện hỏi. Hình như trong hình bóng già kia có một mỗi tâm sự u hoài nặng trĩu. Đêm loang lổ ánh trăng. Từng cơn gió thi thoảng thổi vào khoảng tối ràn rạt. Thuyền vẫn tiếp tục đi. Được một lúc người đàn ông cho thuyền rẽ vào sát gần bờ, chỗ những rặng bần xanh um rậm rịt. Giọng thân mật, ông dắt tôi xuống thuyền.

- Lên đi nhé, đêm ni trên đó có hát ca trù.

- Dạ, răng bác không lên nghe?

- Sau này nếu có duyên gặp lại cô tôi sẽ kể.

Người đàn ông nửa đùa nửa thật nói với tôi một câu vu vơ như thế mà làm tôi nhớ mãi. Đêm ấy tôi đi nghe hát ca trù. Thú thật, tôi là một kẻ hậu sinh không tinh tường gì về môn nghệ thuật này của cha ông thủa trước. Chỉ biết là thích nghe cái giai điệu lửng lơ, tài tử của ca trù mà quyết cho bằng được một lần được nghe chính các ca nương cố cựu một thời đàn phách.

Trong ánh sáng màu đỏ rực rỡ giữa sân khấu, một nhóm biểu diễn ca trù đang thể hiện một số làn điệu ca trù quen thuộc như "Hồng hồng, tuyết tuyết" , "Tỳ bà hành" ... Ca nương hát hay, kép đàn đánh giói nhưng bống nhiên tôi thấy thiếu một cái gì đó. Tôi đem điều băn khoăn ấy nói với anh bạn đi cùng. Anh vỗ vỗ vào vai tôi: đã đến tận đây nghe hát ca trù mà vẫn còn thấy thiếu rứa thì phải đến Cổ Đạm một lần mới được.

Làng Cổ đạm đón tôi trong một buổi chiều mùa thu dịu nắng. Trời hanh hao se se buồn. Nằm sát bên chân núi Hồng, ruộng nương còi cọc, nhà cửa thấp lè tè xơ xác. Ý nghĩ chợt hiện lên trong đầu tôi một nỗi thương cảm lẫn hoài nghi : Cổ Đạm nghèo, nghèo lắm. Người dân lam lũ, cực nhọc, bần hàn. Trong hoàn cảnh ấy, làm sao con người nơi đây có thể cất cao tiếng hát?

Tôi đi loanh quanh khắp xã. Chỉ có cát và cát. Trong ngàn cây chỉ có phi lao là xanh. Không gian vắng lặng đến lạnh người. Giờ này mọi người đã ra đồng làm việc. Tôi thẩn thờ bên bờ ao trước làng. Hồ rộng mênh mông, trong vắt. Ở giữa hồ, giữa những đám lá sen đã bắt đầu tàn rữa, vẫn còn sót lại một đôi bông nở muộn. Những bông sen bé nhỏ, trắng muốt chấp chới giữa làn nước dềnh dàng của cơn mưa hồi đêm. Đang nghĩ vẩn vơ, bỗng tôi nghe tiếng hát, tiếng đàn, tiếng phách lúc xa lúc lúc gần trong không gian vắng lặng. Phải lắng lại một lúc, tôi lần theo tiếng hát. Tiếng hát như có lửa, luyến láy, thuần thục, cao vút chấp chới như một cánh chim thoáng bay qua trên ruộng ngô già phơ phất. Rẽ qua một con ngõ quanh co, đỡ tấm cửa ngõ làm bằng tre đã mục nép vào bụi chè mận hảo tôi đi vào nơi có tiếng hát.

Ảnh: VnExpress

Ở giữa căn nhà tuyền toàng, một nhóm hát đang ngồi tập với nhau. Những đào nương cố cựu của làng đang ngồi cả đây ngẫu hứng hát. Giọng đắm đuối như say. Nào là tì bà, chúc bộ, bài bông; nào là nhịp ba cung bắc, rước, sắc bùa, trống quân, bắc phản...tôi lặng im nghe, cố gắng hiểu, phân biệt giọng đào của các bà, các chị.

Thấy tôi bần thần ngồi nghe, chị Vân - người trẻ nhất trong nhóm hát đi lại bắt chuyện. Chị kể cho tôi nghe những huyền tích của làng rằng: Làng Cổ Đạm ngày trước có lệ: hễ các cô gái muốn lấy chồng thì phải tập hát ca trù trong vài ba năm và để giọng hát được trong trẻo như tiếng oanh tiếng phượng thì các ca nương phải uống nước ở khe Môn nằm sau lưng núi Cầm Sơn. Nhưng để đạt được điều đó, người tập hát ca trù phải có cái duyên ca trù mới làm cho nó có thần được. Hát ca trù đòi hỏi kỹ năng điêu luyện vì lối hát lên xuống liên tục nên cần tròn vành, rõ chữ, giọng hát sắc nét, đài các lịch sự, thảm thiết tài tình pha chút lẳng lơ làm say đắm người nghe .

Theo các nhà nghiên cứu, ca trù và ca trù Cổ Đạm xuất hiện từ thời Triệu Đà, thời Lý Trần và hưng vượng nhất là giai đoạn hậu Lê đến sang nhà Nguyễn. Từng là một loại ca trong cung đình được giới quý tộc, vua chúa rất yêu thích. Nhóm biểu diễn thường có ba người, ca nương sử dụng luôn cả phách, sênh làm bằng gỗ trắc và tre gõ vào nhau thành nhịp, một nhạc công chơi đàn đáy, người còn lại chơi trống chầu kiêm luôn là người thưởng thức. Ca hay khen thưởng bằng tiếng tom chê bằng tiếng chát. Trang phục đều là áo dài cổ truyền màu đen hoặc màu gụ, ca nương đầu quấn khăn đen cuộn tròn khi biểu diễn. Sách cổ ghi "Đất Cổ Đạm là đất giáo phường. Đất giáo phường bốn mùa vui như hội". Theo "Đại Nam sử ký" thì làng Cổ Đạm (nay là xã Xuân Hoa, huyện Nghi Xuân hình thành cách đây hơn hai vạn năm và hát ả đào xuất hiện từ thế kỷ 16. Người ta không cắt nghĩa được ca trù hình thành như thế nào nhưng trong làng, ai cũng kể một truyền thuyết rằng, xưa có chàng Đinh Lễ con nhà nghèo ở làng Cổ Đạm, chịu khó dùi mài kinh sử và đỗ đạt cao, vì ghét thói đời xu nịnh, lại không màng danh lợi nên không chịu ra làm quan. Một hôm, Đinh Lễ nằm mơ thấy một cụ già dáng vẻ khoan thai thoát tục hỏi chuyện, Ông dặn dò rồi cho một khúc gỗ ngô đồng. Lễ y lời dặn, đẽo thành cây đàn. Tiếng đàn phát ra một âm sắc khác thường, không lảnh lót mà khoan thai, không réo rắt mà trầm đục. Từ đấy, Lễ ôm đàn và hát những giai điệu do mình sáng tác. Về sau, chính tiếng đàn, giọng hát của Đinh Lễ đã làm công chúa Bạch Hoa bị câm bật giọng oanh vàng. Lễ được lưu lại trong cung để hát cho vua, hoàng hậu và các quan đại thần nghe. Làng Cổ Đạm giờ vẫn còn đền thờ ông Đinh Lễ, người ta bảo đó là ông tổ của ca trù.

Câu chuyện cứ thế đưa tôi đi hết liên tưởng này đến liên tưởng khác. Đến khi tỉnh ra, mới thấy trời đã về chiều. Đâu đó tiếng sáo mục đồng và tiếng gọi trâu về thúc thúc. Trời xao xác hơi may. Tôi nhìn quanh. Trong các nếp nhà tuềnh toàng bảng lảng khói rạ chiều, hiếm gặp một người đàn ông, một thanh trai trẻ. Cuộc sống khó khăn khiến họ phải rời bỏ quê hương bôn ba đất khách, con cháu lớn lên cũng rời làng mà đi cả. Đói. Vì mưu sinh, những đào kép ca trù cũng lên rừng xuống biển, quên nghiệp cầm ca của tổ tiên. Tôi chợt nhớ câu nói chần chừ của người đàn ông chèo thuyền, biết đâu ông ấy cũng đã từng là một anh kép đàn ca trù thủa ấy?

Tôi nhớ như in câu chị kể rồi lại nhìn những ca nương cố cựu của làng, chỉ còn rất ít. Về đâu những ả đào yếm thắm, răng đen ?Về đâu những kép đàn buông tơ một thủa? Hơn nửa thế kỉ, Ca trù Cổ Đạm bặt giọng, người ta không còn nghĩ đến ca trù. Tưởng rằng đã quên, lời ca khuất lấp sau những lo toan cơm áo gạo tiền, ấy vậy mà vẫn có người đến tận cuối đời vẫn còn trăn trở. Mẹ Mơn đã lại ngồi vào chiếu hát khi tuổi đã qua thất thập tự thủa nào cất lên tiếng hát làm say đắm người nghe. Mẹ đã làm ca trù sống lại bằng một việc làm đầy ý nghĩa: mở lớp học hát ca trù. Một lớp học đặc biệt, bà giáo già ấy đã không quản ngại khó khăn từng đêm đi vận động con cháu trong làng học hát ca trù. “Ca trù nổi tiếng, và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người xưa nhưng mấy năm ni thế hệ con cháu thường hát những loại nhạc mới. Nghĩ về ca trù mệ thấy buồn và thấy nhớ nó qúa. Đó cũng là lý do mệ quyết tâm mở một lớp học ca trù cho lớp trẻ, không hy vong chúng kiếm được tiền mà chỉ mong duy trì nó trước lúc nhắm mắt xuôi tay”. Dân làng lại bắt đầu quay về với ca trù như một chỗ dựa tinh thần cho những ngày làm việc bươn chải, mệt nhọc.

Bây giờ tại Cổ Đạm, Ca trù đã thực sự hồi sinh từ một CLB ca trù khoảng vài chục thành viên nay xã đã hình thành thêm hai câu lạc bộ ca trù với gần 70 thành viên tham gia luyện tập hằng ngày. Thành công nằm ngoài sức tưởng tượng tại các cuộc Liên hoan ca trù toàn quốc đã làm thổi bùng lên không khí học hát ca trù. Ông Hoàng Thanh Lâm, Trưởng ban văn hoá xã Cổ Đạm hồ hởi: "Mừng qúa. từ khi được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể, ca trù mới thực sự có chỗ đứng. thế hệ trẻ đến với ca trù ngày càng nhiều thêm. Tôi bây giờ có thể tin chắc rằng bộ môn nghệ thuật ca trù sẽ không bị mất đi, rơi vào quên lãng mà vẫn sẽ còn phát triển hơn nữa.

Im lặng nhìn quanh. Tôi không biết có nên tin điều này là thật. Những thành công đã đến với ca trù Cổ Đạm nhưng liệu rằng sẽ còn gìn giữ được mãi nếu như chúng ta không bảo tồn và phát huy các giá trị của ca trù qua các hoạt động văn hoá du lịch và quảng bá khi biết ca trù thực sự là hình thức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam không vay mượn. Ca trù bao hàm rất nhiều hình thức nghệ thuật trong đó có nghệ thuật ca hát, nghệ thuật múa và nghệ thuật trình diễn. Bản thân ca trù có sự dịch chuyển rất mạnh mẽ, từ hát ở cửa đình ra sinh hoạt đời thường. Đây là một di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại bởi nó là nghệ thuật có giá trị lịch sử lâu đời nhất, một không gian văn hóa rộng nhất, và những quy chuẩn nghệ thuật cao nhất.

Khó khăn là vậy, nhưng điều đáng mừng là, làng Cổ Đạm ngày nay có nhiều thế hệ theo hát ca trù. Từ lớp nghệ nhân đã bước vào tuổi "cổ lai hy" như bà Mơn, ông Phùng, bà Khánh, bà Xuân, bà Liên... đến lớp trung và thanh niên như Nguyễn Thị Vân, Trần Thị Cảnh, Phan Thị Hà... đến lứa thiếu niên đã bắt đầu tự tin ngồi vào chiếu hát … mới biết ca trù có sức sống mãnh liệt biết nhường nào.

Giã biệt đất ca trù Cổ Đạm, mắt tôi chợt cay cay trong một nỗi u hoài không thể định giải. Hi vọng một mai này cuộc sống sẽ đổi thay trên mảnh đất cát bạc này để đêm đêm tiếng đàn tiếng phách được vang xa bay bổng. Bởi tôi biết rằng báu vật của tổ tiên sẽ không bị chôn vùi vào lòng đất khi con trẻ vùng quê này sinh ra đã ngậm sữa ca trù, lớn lên trong đắm đuối điệu đàn, nhịp phách. Vịn vào giai điệu ngàn xưa ấy, những cát bỏng, gió Lào, bần hàn, gian khó đối với họ nào có sá gì?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast