Vi phạm quyền nhân thân: 'Tắt đèn' bị cắt bỏ phần cụ cố và chị Dậu

Nêu vấn đề quyền nhân thân của tác giả Tắt đèn, con gái Ngô Thị Thanh Lịch và con rể Cao Đắc Điểm của cụ Ngô Tất Tố cho biết, nhiều bản in tác phẩm Ngô Tất Tố trong năm 2014 đăng sai câu chữ hoặc cắt bỏ một phần tác phẩm.

Vấn đề được bà Thanh Lịch và ông Đắc Điểm, những người đứng tên sưu tầm nhiều bản in của Ngô Tất Tố, nêu ra trong hội thảo về quyền tác giả văn học tại Hà Nội tuần qua.

Theo họ, một số bản in có “nhiều sai lệch nếu đem đối chiếu với nguyên gốc tác phẩm”, cụ thể là “nhiều chỗ bị cắt bỏ và sai về chữ nghĩa dễ nhận biết”.

Không in theo “nguyên gốc chuẩn mực”

Các tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố (1894-1954) được tái bản rất nhiều lần, trong đó: tiểu thuyết Tắt đèn 140 lần, tiểu thuyết Lều chõng 40 lần, phóng sự Việc làng 30 lần. Nhà văn qua đời cách đây 60 năm nên quyền tài sản của ông đối với các tác phẩm đã chấm dứt (Luật Sở hữu trí tuệ VN quy định là 50 năm), nhưng quyền nhân thân là vô thời hạn.

Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền nhân thân cho phép tác giả “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc”.

Vi phạm quyền nhân thân: 'Tắt đèn' bị cắt bỏ phần cụ cố và chị Dậu ảnh 1

Ông Cao Đức Điểm, con rể nhà văn Ngô Tất Tố. Ảnh: Hạ Huyền

Theo đó, ông Cao Đức Điểm cho biết: “Hầu hết các bản tái bản tác phẩm của Ngô Tất Tố “chỉ dựa theo nội dung của bản in thành sách đầu tiên vốn đã bị kiểm duyệt ở thời Pháp thuộc, hoặc dựa theo những bản tái bản vốn đã có sẵn lỗi sai lệch”.

Ông đưa ra 3 ví dụ trong năm 2014: bản in Tắt đèn của NXB Hồng Đức, 2 bản in Lều chõng Việc làng của Công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn.

Trong đó, ông Điểm cho rằng Tắt đèn (2014) so với bản in năm 1939 (mà ông cho là “nguyên gốc chuẩn mực” của tác phẩm) đã cắt khá nhiều. Đó là câu tả cảnh ở phần 1, đoạn tên quan phủ định cưỡng hiếp chị Dậu ở phần 24, đoạn cụ cố “đang sống nhờ sữa của chị Dậu lại tìm cách giày vò cơ thể chị” ở phần kết. Sách cũng in sai một số từ, chẳng hạn “toang cổng” (hai then to chèn ngang cổng) thành “trong cổng”.

Còn bản in Lều chõng (2014), ông Điểm chỉ ra là thiếu “gần 20 chỗ” so với bản in đầu trên báo Thời Vụ (1939). Những chỗ bị thiếu là đoạn văn viết về bói Kiều, về “Đầu đề bài thi với chú giải của chính Ngô Tất Tố”, về việc làm bài thuê tại trường thi.

Cũng theo ông Điểm, tác phẩm Việc làng có bản gốc đầy đủ là cuốn Phóng sự việc làng (1941). So với bản gốc, thì Việc làng (2014) bị cắt bỏ hai đoạn văn ở phần 6 và phần 12, đồng thời in sai một số từ.

Vi phạm quyền nhân thân: 'Tắt đèn' bị cắt bỏ phần cụ cố và chị Dậu ảnh 2

Các bản in tác phẩm của Ngô Tất Tố do con dâu và con rể nhà văn trực tiếp biên soạn

Khó khăn cho người làm sách

Trong 3 cuốn bị gia đình Ngô Tất Tố nêu tên, các cuốn Lều chõngViệc làng nằm trong bộ sách Việt Nam danh tác gồm hàng chục đầu sách của Công ty Nhã Nam, theo tiêu chí “ưu tiên in theo bản in đầu tiên”.

Theo đó, Lều chõng in theo sách của NXB Mai Lĩnh năm 1941 và Việc làng in theo bản trên báo Hà Nội Tân văn năm 1940. Công ty Nhã Nam cho biết sẽ có văn bản trả lời báo chí vào đầu tuần sau về các trường hợp này.

Trả lời Thể thao & Văn hóa, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, người giới thiệu bản in Việc làng, cho biết: “Tất cả các đầu sách trong bộ Việt Nam danh tác đều sử dụng văn bản một cách cân nhắc, nhưng vấn đề nằm ở chỗ các tác phẩm văn học Quốc ngữ hầu như chưa hề được nghiên cứu về văn bản học, trừ 2 cuốn Giông tốSố đỏ của Vũ Trọng Phụng do tôi khảo cứu”.

“Tùy theo tác phẩm mà Nhã Nam dùng bản in trước năm 1945 hoặc sau này, nhưng đều với tâm huyết cung cấp một bộ sách tương đối tin cậy về văn học Việt Nam thế kỷ 20. Mặc dù vậy, họ vẫn gặp khó khăn vì giới nghiên cứu văn bản chưa tham gia góp ý cho giới xuất bản”.

Hiện nay, việc nhiều tác phẩm văn học Việt Nam chưa có văn bản chuẩn đã gây không ít khó khăn cho người làm sách. Trong hội thảo nói trên, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) thừa nhận phải tập hợp một cơ sở văn bản gốc chuẩn mực cho các tác phẩm văn học Việt Nam từ trước đến nay.

Theo TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast