Việt Nam xuất bản tác phẩm văn học kinh điển Thái Lan

“Đằng sau bức tranh” là tên tác phẩm văn học kinh điển Thái Lan của nhà văn Sri Boorapha được Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

“Đằng sau bức tranh” là kiệt tác văn học lãng mạn được Sri Boorapha (31/03/1905-16/06/1974) viết vào năm 1936. Đến nay, tác phẩm đã được tái bản 40 lần, 3 lần được dựng thành phim và 1 lần dựng thành nhạc kịch và được nhiều thế hệ bạn đọc Thái Lan cũng như ở nhiều nước trên thế giới yêu thích đón nhận.

Tác phẩm là câu chuyện tình đẹp, thuần khiết giữa công nương Kirati và chàng trai trẻ Nopporn. Tình yêu xuất phát từ hai con người chênh lệch về tuổi tác địa vị. Tác phẩm tái hiện xã hội Thái Lan trong những năm đầu thế kỉ 20, khi đang dần biến đổi và giao lưu với văn hóa phương Tây. Ở đó, người phụ nữ không cam chịu những khuôn phép, lễ giáo đương thời, dám sống với lý tưởng của mình.

Dịch giả Trần Thị Quỳnh Trang, người chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Việt cho biết: “Ở câu chuyện này, hình ảnh tiêu biểu nhất là công nương Kirati. Cái chết của bà đã phản ánh xã hội Thái Lan và đặc biệt là địa vị của người phụ nữ trong xã hội cũ. Người phụ nữ trong xã hội ấy có địa vị thấp kém và không có con đường lựa chọn, kể cả chuyện tình yêu hay công việc.

Việt Nam xuất bản tác phẩm văn học kinh điển Thái Lan ảnh 1
Tác phẩm văn học kinh điển Thái Lan "Đằng sau bức tranh" (Ảnh: Zing)

Điều đó cũng giống như tư tưởng trọng nam khinh nữ của mình. Và Kirati là người phụ nữ rất tiên tiến bởi tuy sống trong một xã hội cổ hủ nhưng lại được tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Nhưng sự giao thoa nửa vời giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa cái cũ và cái mới đã làm cho bà ngộp thở, không thể thoát ra nỗi ám ảnh và không thể tìm được con đường của riêng mình. Cuối cùng bà đã chọn cách ra đi. Đó là ý nghĩa sâu xa của tác phẩm này.”

Tác phẩm gồm 19 chương, được viết bởi ngôn ngữ lãng mạn, cách kể chân thực. Người đọc còn được thưởng thức những trang văn miêu tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng, làm nền cho sự xuất hiện của hai nhân vật chính.

Đến nay, hình ảnh nhân vật nữ chính trong tác phẩm “Đằng sau bức tranh” đã trở thành một trong số ít những nhân vật được các nhà nghiên cứu nhắc nhiều, trên hầu hết mọi phương diện, từ xã hội, chính trị cho đến tâm lý học.

Theo Phương Thúy/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast