Vịn vào câu ví mà đi…

(Baohatinh.vn) - Dòng sông Sacramento chiều đông trong xanh, chảy giữa đôi bờ. Tôi bồi hồi nhớ bến sông xưa, nhớ câu ví, giặm nặng tình trên dòng Lam thuở ấy.

Đã bao năm trôi qua, những điệu ví quê hương vẫn vẹn nguyên trong tâm hồn tôi cùng dòng chảy ký ức. Tuổi ấu thơ tôi đã yêu ví, giặm và đến tận bây giờ, lòng vẫn rạo rực nhớ về những đêm mùa xuân quê mình hát Ví.

Vịn vào câu ví mà đi… ảnh 1

Bến Tam Soa (Tùng Ảnh - Đức Thọ)

Ngày ấy, nơi làng quê nghèo khó mà thanh bình yên ả của tôi, mỗi độ xuân về, nhà nhà lại náo nức cùng nhau đi xem hát. Nắng mưa, dầu dãi, gian khó, nhọc nhằn tan biến khi câu hát bay lên, thắp sáng trong trái tim những người dân quê lam lũ ngọn lửa của tình thương, niềm tin, hy vọng. Những gương mặt người vất vả in sâu như trẻ lại cùng ánh mắt, nụ cười hồn hậu, lấp lánh mùa xuân. Ngọt ngào điệu ví hòa quyện trong đất trời xuân sang cùng chồi non, lộc biếc như bừng dậy sức sống của miền quê yêu dấu.

Tôi ngày thơ bé ấy dù chưa hiểu hết bao nghĩa tình sâu nặng, những lời dạy về cách sống, đạo làm người trong câu hát, nhưng làn điệu dân ca Xứ Nghệ nghe là thấy thương, thấy nhớ, cứ thấm vào hồn, vỗ về, tha thiết. Và tôi yêu biết bao những đêm mùa xuân trong mưa bay cùng ví, giặm để rồi một thời tuổi nhỏ càng yêu thêm bờ tre, ruộng lúa, bến nước, sân đình...!

Khi lớn lên, tôi vào miền Nam sinh sống, câu ví vẫn mang theo, da diết bên lòng. Nghe làn điệu dân ca Nam bộ ngọt ngào, buồn thương, man mác, tôi chạnh lòng nhớ câu ví quê hương: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, biết cuộc đời răng là nhục là vinh...”. Giản dị mà thẳm sâu, câu Ví nhắc tôi sống thanh sạch trong đời. Trên đường dài gian khó, thăng trầm, tôi cứ vịn vào câu ví mà đi. Tôi biết lọc hồn mình qua những hạt ngọc nghĩa tình bao đời từ câu ví: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/Sông Lam hết nước, đó với đây mới hết tình”.

Nghĩa tình ấy của người dân quê mộc mạc mà vĩnh cửu, vững bền như núi, dào dạt như sông... Dù không được bước đi trên rơm rạ quê nhà, thả hồn trong gió chiều thơm hương mùa gặt của đồng quê, những đêm sáng trăng, sáo diều vi vu gọi, văng vẳng giọng ai hò sâu nặng, chan chứa niềm thương, tôi vẫn thấy mình như neo đậu bến quê, về lại bên bờ sông Lam ngày ấy, tan chảy cùng ngọt lịm câu hò xứ sở.

Cuộc đời tôi rong ruổi trên mọi nẻo đường, xa bến sông quê, xa câu hò vời vợi... Dù đã qua những con đường, núi đồi, hoa trái đẹp như tranh nơi đất khách, tôi vẫn khôn nguôi nhớ về quê hương yêu dấu, quặn lòng khi nghe câu hò ví, giặm thật gần mà quá đỗi xa xôi. Tôi càng thấm thía và nhận ra, quê hương đã thấm vào máu thịt, hồn quê từ âm điệu câu hò như nâng bước mình những lúc chông chênh. Bởi trong âm hưởng giọng hò là hình bóng quê hương, những người thân, bè bạn... đã gắn bó cùng một nửa cuộc đời tôi với bao niềm vui, hạnh phúc, an ủi, vỗ về.

Tôi vẫn hướng về nơi xa xăm, vẫn mơ ngày trở lại con đường rú Nguộc - Thanh Chương quê tôi, nơi có dòng Lam lượn quanh vách núi để được nghe câu hò ví, giặm khi chiều về trong ánh dương ngả dài trên mặt nước. Câu hò nặng nghĩa, đượm tình vừa hồn hậu, chân quê, cũng không kém phần nhọc nhằn, gian khó vẫn bay lên bát ngát giữa trời cùng tình yêu cuộc sống. Ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm tự hào của dân tộc bởi vốn quý dân gian kết tinh hồn người, hồn quê tự ngàn xưa.

Dòng Sacramento chiều đông biêng biếc. Tôi lại nhớ dòng Lam quê mình, câu ví, giặm đò đưa...

Sacramento - California - Mỹ, mùa đông 2014

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast