Xẩm nhân tư (*)

(Baohatinh.vn) - 1. Làng nép dưới chân ngọn núi đá hình lưng rùa, ngoảnh mặt ra sông. Từ cổng làng, con đường đất đỏ uốn cong qua bãi cây dại lúp xúp, qua bãi cỏ có gốc đa già là gặp sông.

Người đàn ông găm thuyền chăng te giữa dòng. Đã chín năm trên sông nước như thế. Chiến tranh đã cướp đi của anh tất cả: gia đình, nhà cửa, vườn tược.

Người đàn bà gội đầu nơi bến nước. Tóc dài xõa một vùng, những vòng sóng quyện ra tận thuyền. Hai bên bến, hoa lau trải dài, trắng phất phơ. Một ngày một lần gội. Một ngày một lần thuyền anh chung chao giữa vùng sóng. Hết một mùa hè, như thế…

Sang thu, sang đông, rồi đông sang xuân… những lúc chị gội tóc trên bến sông, anh ôm đàn nhị, hát:

Thương nhớ, trông mong em, ra là bao ngày tôi thương nhớ, trông mong. Nhớ thương, là em ơi, là quặn thắt mà để trong lòng, thương nhớ khôn nguôi ư… hừ…(**)

Xẩm nhân tư (*) ảnh 1
Minh họa của Huy Tùng

Một đêm trăng khuyết và nóng hôi hổi, trên bãi cỏ giữa mịt mùng lau hoa trắng, họ trộn vào nhau.

Chị thì thào:

- Lỡ có mang thì …

- Thì sao? - Anh hỏi, bàn tay vẫn ấp trên khuôn ngực phập phồng của chị.

- Thì ta cưới nhau?

- Cưới rồi ở trên sông, hé?

- Ở giữa bãi lau cũng xong – Chị nhìn lên bờ sông, nhoẻn cười.

Họ ôm lấy nhau, ngỡ không gì tách ra được.

Là thế mà mãi họ cũng không thành vợ chồng vì anh tứ cố vô thân, chị có cha làm quan chức to trên tỉnh, nhà ngang, dãy dọc.

Cữ ấy, người bên kia biển sang, người phía Bắc vào san ủi núi đá, làm đường lớn phía sau làng nối đến một chỗ nào đấy phía thượng nguồn sông để xây dựng khu công nghiệp. Sông sủi bọt, đục ngầu. Suốt ngày làng rậm rịch, ồn ào như chiều ba mươi Tết. Người làng bỏ ruộng đồng, dựng quán bán hàng ăn, hàng uống, hàng hút dọc đường mới mở, rồi rủ nhau lên phố Huyện buôn bán, vào khu công nghiệp làm thuê.

Không còn thấy chị ra bến sông gội đầu. Anh để mặc lưới chìm trong nước, đau đáu nhìn dọc con đường đất đỏ dẫn lên làng. Đường vắng, gió reo trong cây và cỏ dại.

Nghe đồn cha chị dẫn ông chủ khu công nghiệp nói tiếng tây, tiếng ta ngọng nghịu về nhà. Dân làng đứng chật trong sân ra tận ngõ nhà chị. Đến một ngày nọ, hai chiếc ô tô chở chị ra khỏi làng. Chị đi, lặng lẽ, không một lời với anh.

Hôm ấy, hoa lau dửng dưng bay trắng trời, trắng đất.

Anh bỏ thuyền, bỏ te lưới, bỏ sông đi đâu không ai biết. Mãi không thấy trở về. Dân làng đồn đại, anh bị người đàn ông đầy thế lực trên thành phố bắt vào tù. Lại nghe anh dẫn đầu một đám giang hồ đi đào vàng trong núi Đà Neo, Chư Phát. Rồi nghe anh làm thủy thủ cho tàu vận tải biển của một đại gia người Hải Phòng. Lại nghe, anh kéo đàn nhị, hát xẩm ở chốn đông người.

Hư hư, thực thực.

2. Lại nói về người đàn bà.

Từ độ làm vợ ông chủ ngoại quốc, chị trở nên nõn nường, môi son má phấn, có mặt ở những tiệc tùng ồn ào và nhốn nháo những con người ăn mặc sang trọng, nồng nàn mùi nước hoa Victoria. Đang thế thì một người hát xẩm xuất hiện. Và tiếng hát anh ta nấc nghẹn, buồn não len lách giữa ồn ào và nhốn nháo kia:

Mười tám cái xuân xanh em bỏ người tình. Mười tám cái xuân xanh em bỏ người tình, em đi ư hư... Mỏi mòn, là em ơi người đợi, người trông ư ư. Thuyền lênh đênh trôi, là em ơi, lau trắng, trắng rơi trôi theo con nước ư ư. Thủy chung, chớ em ơi, bạc ơ là bạc ư màu. Chớ lòng đau đã từng, đã từng em ơi… ư hừ… (**)

Chị nghe, thẫn thờ giữa đám đông.

Đêm đêm, tiếng hát bay vào tận phòng ngủ vợ chồng chị. Chị dón chân đến bên cửa sổ nhìn bóng anh đơn độc ngồi ôm cây đàn nhị dưới gốc cây bằng lăng trước cổng.

Tiếng hát thì quặn thắt đêm.

Từ ấy, chẳng hiểu sao, tóc người đàn bà cứ bạc trắng dần. Mươi ngày, nửa tháng chị lại đến hiệu nhuộm tóc. Mươi ngày, nửa tháng, những sợi tóc lại bạc, bắt đầu từ gốc… Vào tuổi bốn mươi, chị thôi nhuộm, mái tóc trắng rũ.

Người đàn ông như chỉ chờ có thế, anh bỏ thành phố trở về chốn xưa.

Người đàn bà cố công tìm kiếm cũng không thấy bóng dáng người hát xẩm, chỉ nghe thổn thức bốn phía chung quanh:

Hồ mong cho người, là em ơi, đi chín sông ơi mười bến, ơ hồ mong cho người ư ư ư… Thương nhau đã từng, đã từng em ơi. Đứng ngóng trông theo, em ơi, nỏ thấy, thấy em đâu nào. Hương thừa là có bên sông, hỡi chứ, để hoa lau trắng bên sông... Hỡi chứ, để hoa buồn thương nhớ, em ơi… ư... hừ…(**)

3. Mùa xuân năm… Người đàn bà xuất hiện ở bến sông. Bấy giờ đã quá chiều. Sông trôi mềm mại giữa hai bờ hoa lau trắng.

Mưa phùn giăng mắc. Chị ngồi nơi bến nước. Anh xếp bằng đầu mũi thuyền, cây đàn nhị tựa vào vai.

- Hắn đi rồi à? Anh hỏi.

Chị thở dài, hơi thở nóng hôi hổi:

- Ờ…

Anh có vẻ ngậm ngùi:

- Nhưng mà… Vì đâu ra nông nỗi…

Chị thở dài:

- Nhặt chặt bị rồi hắn về với vợ con hắn.

Anh nhìn vào mắt chị, giọng trách cứ:

- Thế nên bà mới mò về đây chứ gì?

Chị vuốt mái tóc bạc, lí nhí:

- Ờ… Trên ấy, một mình…

- Thì sao?

- Già rồi chưa?

Anh nhìn chị:

- Thì vẫn còn trẻ.

- Trẻ à?

Người đàn bà rưng rưng:

- Bao nhiêu là mùa hoa lau.

- Vài chục… Cứ bạc trắng - Anh bâng quơ và dựng cần nhị, run run cầm vĩ:

Hồ mong cho người, là em ơi, đi chín sông ơi mười bến, ư hồ mong cho người ư ư ư… Thương nhau đã từng, đã từng em ơi. Thương nhau đã từng, đã từng em ơi… ư ư ư… (**)

Chị vục tay xuống nước sông. Không còn tóc xanh để gội. Bỗng cảm thấy buồn não lòng. Nếu từ xưa lại nay, người ấy cứ găm thuyền giữa sông và mình cứ ngồi nơi bến sông này…

Thương nhớ trông mong em, ra là, bao ngày tôi thương nhớ trông mong. Nhớ thương, là em ơi, là quặn thắt mà để trong lòng, thương nhớ khôn nguôi ư… hừ…(**)

Chị nói vọi ra sông:

- Thôi, đủ rồi. Lên bờ đi…

_____

(*): Một làn điệu hát xẩm.

(**) Phỏng theo Xẩm nhân tư; người hát: Bùi Mạnh Tường, ghi âm: Thanh Lưu; rút trong Âm nhạc Dân gian Xứ Nghệ; Lê Hàm - Chủ biên; Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An; XB 2000.

Cuối năm 2014

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast