Xe đỏ, sông xanh, đêm trắng và bùa yêu

Chiếc xe gầm gừ một chút rồi tắt hẳn, dù cố gắng đến mấy nàng cũng không thể đề cho nó nổ lại. Hốt hoảng hơn là qua lớp kính xe đầy bụi, nàng như thấy một làn khói trắng mỏng manh thoát lên từ nắp ca-pô.

Nàng vội vàng mở cửa xe bước ra, vội vàng bật nắp, hơi nóng hầm hập phả thốc vô mặt, một cái-gì-đó đang tỏa khói nghi ngút, nàng không biết bộ phận gì nhưng thấy rõ nó đang gần lắm nguy cơ bốc lên thành ngọn lửa. Gần 650km liên tục không ngưng nghỉ, qua bao đèo dốc, lúc đói nàng lôi bánh mì chuẩn bị sẵn ra nhấm nháp, vừa ăn vừa lái, khát thì chai nước cũng ở ngay gần bên. Mấy lần dừng lại đi vệ sinh, mất ít thời gian đến nỗi nàng cũng không tính đó là chặng dừng chân. Từ ngày mua xe tới nay, nàng chưa bao giờ thấy nó hư nên không thể nghĩ bỗng có lúc nó lại làm nư như thế. Nàng nhớ trong những lần cãi nhau với chồng, anh bảo xe này là đồ kiểng, trông chỉ được cái mã chứ cứ đi đường trường xem, rồi sẽ biết. Nàng cãi, mua xe chạy trong thành phố, bao nhiêu lúc phải đi đường trường đâu. Sau cãi vã thì cũng thưa rồi ngưng, vì chiếc xe chủ yếu do nàng lái và nó rất hiếm khi “nhức đầu sổ mũi”. Chồng nàng ưng một chiếc hai cầu khỏe mạnh, màu đen, dáng to kềnh càng, nhưng ý định không thành vì anh đã phải chịu thua ý nàng. Chắc cũng vì vậy nên anh ít lái xe chở nàng đi đâu, anh tiếp tục đi làm bằng chiếc mô tô đã có từ cái thuở tiền hôn nhân, quen với chuyện nàng đổi cách gọi từ “xe đỏ” ra thành “xe em”.

Minh họa: Thành Chương

Minh họa: Thành Chương

Thỉnh thoảng khi có việc phải đi chung, kiểu như đám cưới đám tiệc hay về quê, anh ngồi bên cạnh ghế lái, giả vờ cắm mặt vô iPad nhường cho nàng cầm vô-lăng. Lúc đầu nàng hơi dị ứng với cái kiểu rất không “chuẩn men” nên khó chịu, gây gổ, nhưng mãi cũng đành phải chịu vì không muốn cứ lên xe lại cãi nhau. Ý cũng là quen nhau đến gần bốn năm rồi mới cưới mà xem ra chẳng thích nghi. Nàng bất chấp vì quá thích chính hình ảnh mình mỗi sáng phóng xe hơi đỏ đi làm, thể hiện phong cách một phụ nữ trẻ tự do, rất tự tin, tự chủ.

Vợ chồng lấy nhau mới gần hai năm đã mua nhà, mua xe, sống thong dong không lo nghĩ, có thể xem như thành đạt. Nàng biết mình hơi có tính lấn lướt chồng, nhưng thấy anh nhường thì rất thích - xem như là chiến tích, đem đi khoe khắp nơi. Cũng bởi vì trong công ty nàng có cái hội khoe chồng, thường nhóm họp lúc nghỉ trưa hay bất cứ thời gian nào có thể tám được. Câu chuyện về chiếc xe đỏ cũng nhiều lần được mang ra góp tiếng nói ở đây, riết đã thành quen đến nỗi có lần chồng nàng xuất hiện cùng nàng trong đám cưới của con trai sếp, chị Thy trưởng phòng Vật tư đã hí hởn hỏi “hôm nay ai cắm mặt vào iPad? ai cầm lái?”, rồi phá lên cười ra cái điều biết tuốt khi thấy vẻ mặt chồng nàng lơ ngơ lác ngác. Bây giờ thì chiếc xe đỏ kiêu hãnh ấy đang ở đây, bốc khói mịt mù từ một cái-gì-đó mà nàng không biết rõ, còn nàng thì cuống lên, không biết phải làm gì.

Chợt nàng nhớ trong xe có một cái bình chữa cháy nho nhỏ xinh xinh gác trên giá gài nơi trần xe. Nàng ào vô hối hả gỡ lấy, lúng túng mất một chút để mở khóa bình và xịt cuống cuồng vô chỗ đang tuôn khói. Bọt trắng ùn ra, nhưng chỉ mới trào đầy tay thì tắc tị. Cái bình bị gãy van, chắc do nàng ấn quá mạnh hoặc do van dỏm. Nàng loay hoay sửa cái van trong nỗi vô vọng, lúc lắc đầu chịu thua cũng là khi bắt đầu dáo dác nhìn quanh, xem thử mình đang ở đâu. Xe đang dừng ở chân một chiếc cầu bắc qua con sông, nước sông lặng lờ xanh rượi như khối thạch. Cách chỗ cái xe một chút là bụi tre to với những ngọn la đà vút cong, tiếp kế bụi tre là cái bảng với tên “cầu Hoán Triện” (bí ẩn và xa lạ). Xa mờ quây lấy khắp xung quanh là cơ man núi, dãy này tiếp dãy kia trập trùng giấu ngọn trong mây, cây xanh mướt mắt ken dày trên vách đá. Cảnh vật nói chung là thơ mộng, đẹp đến nao lòng, nếu như nàng là du khách đang rong ruổi khám phá đó đây, thanh thản ngắm xem thì chắc là thích thú lắm, nhưng đâu phải vậy, nàng đi tìm chồng...

Bỗng nhiên, từ phía cầu có mấy đứa trẻ con mặt mũi lấm lem ngập ngừng kéo đến, chúng nép nhau đứng nhìn chiếc xe, màu đỏ quá nổi bật trong khung cảnh hầu như toàn là xanh, mà ngay chính nàng cũng rất khác biệt. Nàng diện một bộ váy giả jeans bó gọn liền thân, dáng thon xinh, chân dài, khỏe mạnh, kính đen trật lên gài tóc, tay cầm cái bình chữa cháy gãy van, ánh mắt xa lạ nhìn quanh không lấy gì làm thân thiện. Nàng hơi bất ngờ khi mấy đứa trẻ bỗng chìa tay như muốn xin gì đó, nhưng chúng nói lí nhí trong miệng nên nàng không nghe được và cũng không thể đoán. Hỏi han một lúc nàng mới biết cả đám xin kẹo, may sao trong xe lại có hũ kẹo cà-phê, nàng để dành ngậm khi lái xe buồn ngủ, giờ đem ra phân phát cho mỗi đứa vài chiếc. Loay hoay với đám trẻ một lát thì một đứa trong bọn chúng bỗng la lên: “cô ơi, kìa, cháy!”, tay nó chỉ về phía chiếc xe. Phản xạ hết sức nhanh, nàng lao lại chỗ ca-pô, ngọn lửa kinh hoàng đã bốc lên, dữ dội nhưng không thể với tay không mà dập tắt.

Nàng đứng như trời trồng nhìn cái-gì-đó ở bên trong bộ máy đang sắp biến thành than, thì bỗng chẳng biết từ đâu xuất hiện một ai - đó ào tới, chụp một miếng-gì-ấy lên trên ngọn lửa, và tất cả tắt phụt, khói trắng bốc lên mù mịt. Miếng-gì-ấy hóa ra là một cái áo, ướt sũng như vừa mới được nhúng nước, còn ai-đó là một chàng trai xa lạ đang cởi trần, chắc chắn cái áo sũng nước kia là đồ sở hữu của anh ta rồi.

Sao hay vậy, sao anh ta kịp làm bấy nhiêu thao tác trong khoảng thời gian rất nhanh như vậy: phát hiện đám cháy trong xe, cởi vội áo ra, chạy xuống sông nhúng nước, chạy trở lên, tấp áo vào đám cháy… Nỗi thắc mắc khiến cho nàng quên cả nói cám ơn. Anh ta chỉ tay vào quán nước nhỏ phía bên kia đường, giải thích vị trí nơi anh nhìn ra thấy khói bốc lên từ nắp ca-pô xe của nàng mở tung, thật ra từ lúc xe dừng lại rồi nàng loay hoay với đám cháy tiềm ẩn thì cả khúc sông này, hai bên đầu cầu người ta đã ngó. Một cô gái xinh đẹp với chiếc xe ô tô màu đỏ, y như đóa mặt trời sáng rực mọc lên kiêu hãnh ở cái nơi quanh năm chỉ thấy sương mù này. Nhưng không để cho nàng phải lúng túng thêm, gật đầu với vẻ cảm thông, anh ta nói: “cô chờ chút, để tôi kiểm tra xem xe hư hỏng có nặng không”. Anh ta lần dò theo những đầu dây, cái nào bị cháy đứt thì tìm cách nối… Loay hoay một lát, tay anh ta đã lấm than lẫn dầu đen nhẻm, mặt cũng dính mấy vệt do tay quệt lên, trông rất hề nhưng nàng không thấy buồn cười mà vội vã tìm khăn giấy ướt để đưa anh ta lau. Tuy nhiên, tất cả những gì anh ta có thể làm cũng chỉ là cố dọn dẹp hậu quả từ đám cháy, lúc nàng đã ngồi vào ghế lái, ra sức đề máy xe nhưng nó nhất định trơ ra, không chịu nổ, bấy giờ anh ta mới gục gặc đầu nói “tôi đâu có biết sửa xe ô tô” và cười hiền như thể chính anh ta có lỗi.

Nàng bắt đầu thấm thía hơn bao giờ hết nỗi hoang mang khi vỡ ra rằng nơi đây người ta chủ yếu là đi bộ, có những hành trình vài ba chục cây số tuyệt đối “bằng chân” mà hôm nào cũng phải đi. Đường lại không bằng phẳng, toàn lên đèo xuống dốc, có đoạn bám cheo leo vách đá, có đoạn băng qua cầu treo vắt vẻo nối hai sườn núi, có đoạn băng dài suốt qua thung lũng… Với một nơi như thế thì người ta không cần có thợ sửa xe ô tô, không cần biết lái xe, lâu thật lâu mới có những chiếc xe của khách du lịch hay những người có công việc từ nơi xa đến. Nói chung như vậy, còn nói riêng, nàng giống người dạt đến nơi “hoang đảo” trong khi máy bay đã bị gãy cánh và chẳng có ai biết sửa. Sau một lúc ngồi thừ ra suy nghĩ với ánh mắt ái ngại của Sáng (nàng đã kịp hỏi tên anh ta), câu đầu tiên mà nàng hỏi lại là “ở đây có gì ăn… ngon không anh?!”. Sáng gật, tất nhiên là có chứ. Tuy nhiên, thứ duy nhất có trong quán nhỏ bên kia đường lại chỉ là mì gói... Một lần nữa Sáng lại cười hiền, lỏn lẻn như có lỗi khi thấy thái độ nàng chưng hửng. Ngập ngừng, Sáng bỗng đưa ra lời đề nghị, “mẹ tôi nấu ăn ngon lắm, nếu cô không ngại xin mời cô về nhà tôi chơi, ở lại ăn bữa cơm”.

Nàng suy tính rất nhanh, chiếc xe cũng cần tìm người sửa, bụng thì đang đói (chủ yếu là thèm rau vì sáng giờ ăn toàn món khô), chốn xa lạ này nàng chẳng quen ai, máu phiêu lưu có sẵn, mà Sáng thì trông có vẻ rất hiền lành, chân chất – có lẽ nàng cũng cần phải bám víu anh ta để hỏi thăm tung tích của chồng, nghĩ thế nên nàng gật đầu, “nhờ anh gửi giùm tôi cái xe”, “không sao, cô cứ để đấy đi, tôi nói chị chủ quán trông chừng cho”. Và Sáng cười nói thêm, “xe đang hỏng, ai lấy cũng có đi được đâu, cô không cần phải sợ mất”. Nàng vui vẻ gật. Rất nhanh nhẹn nàng quay về xe lấy cái ba lô gọn nhẹ mang theo, “ta đi bằng gì hở anh?”. “Đi bộ”, Sáng tỉnh bơ nói như cái sự tất nhiên. Nàng nhìn nhanh xuống chân, không phải đôi giày bụi, là do hôm nay nàng đang diện váy. Giày cao thì đẹp, giữ dáng, tôn chân thêm dài nhưng đi bộ trông kỳ cục, nhất là đi ở cái nơi địa hình mấp mô như ở đây. Nàng lừng chừng thêm mấy phút để lục tìm đôi xăng-đan quai thắt nhưng không thấy, chắc là quên bỏ túi mang theo. Thôi kệ, khúc nào căng quá thì mình tháo giày đi chân đất, nàng thở ra, tặc lưỡi. Đâu ai biết được chữ ngờ.

Hành trình của họ hóa ra lại rất dễ thương, Sáng dẫn nàng đi tắt băng vòng qua chân núi để về nhà cho nhanh, nhưng đây chính là khúc sông đẹp đến không tin được. Màu nước xanh ngăn ngắt như được pha trộn từ nhiều thứ: màu của đá vôi, các loại khoáng chất hòa tan trong nước lọc lấy tầng xanh từ ánh sáng ngày, màu của rêu lưu cữu, màu các tàng cây lung linh soi bóng, màu mây và núi lam mờ trong sương, màu những bụi tre cong vổng cần câu, màu cỏ hoa tíu tít ven bờ… Quê hương nàng (ở không xa thành phố nơi nàng đang sống), như mọi miền quê khác trên dải đất thanh tao hình chữ S cũng có “một dòng sông bên nhà”. Dòng sông to rộng, nước thường lấp lánh bạc hay nhuộm vàng phù sa, trong trẻo vào mùa khô và đục nặng trong mùa mưa. Ít nhất từ khi nàng sinh ra và lớn lên, về thành phố học hành, ra trường đi làm rồi lấy chồng, vẫn thường xuyên về thăm quê và thăm sông thì cũng chưa bao giờ thấy con sông thân thiết ấy có màu xanh như cẩm thạch của sông nơi đây. Buổi chiều nhạt nắng, sương mờ bâng khuâng, cây lá lạ lùng do mới gặp lần đầu nên chưa thể biết tên, mọi thứ như thực như mơ khiến nàng phải tự bấm vào tay để biết mình đang không mộng mị.

Bờ bãi gập ghềnh, chỗ đá chỗ bùn sình chỗ cỏ vướng víu nên nàng đã tháo giày đi chân đất gần như từ đầu cuộc rong ruổi. Sáng bẻ hai cành cây dẻo mềm có lá xum xuê và khéo léo đan thành hai cái “rọ” cho nàng xỏ chân, trông to cộ, buồn cười như cô ếch điệu cố mang đôi giày to, nhưng đỡ bị đau nên nàng không ngại. Thỉnh thoảng có những người quen của Sáng bắt gặp, họ tò mò ngạc nhiên, hỏi han Sáng, không thèm che giấu nỗi hiếu kỳ. Cũng giống như ban nãy ở chỗ quán, có mấy người đồng bào thuộc dân tộc Dao, dân tộc Mông (nàng nghe Sáng giải thích thế) với nước da ngăm sậm rám nắng và vóc người nhỏ nhắn đã đi lại bên nàng, tò mò giơ tay chạm thử làn da trắng mịn, chạm trên áo váy, như để xác nhận nàng là nhân vật có thật, đã bước ra khỏi cái màn hình vô tuyến. Nàng thấy vui thích vì điều đó, nàng không ngại thứ hương vị rất ban sơ, hoang dã của núi rừng, cây cỏ, muông thú… cứ tỏa ra ngằn ngặt nơi con người họ, những bàn tay đen sạm màu nắng gió, những ánh mắt sâu thăm thẳm, hun hút, như đã quá quen thả cái nhìn không đích đến trong những khoảng không thoáng rộng, bao la.

Sáng là người dân tộc Tày, một dòng tộc khá lâu đời ở miền đất vùng cao này. Người Tày có nề nếp sống và các phong tục tập quán rất gần với người Kinh, Sáng so sánh thế nhưng nàng thì nghĩ, chẳng cần Sáng nói nàng cũng thấy Sáng rất nhanh quen và dễ gần gũi. Khi họ băng qua một tảng đá lớn nổi cao bên bờ sông, có nhiều cạnh sắc, Sáng đi trước để dọn đường và quay lại đưa tay dìu bước cho nàng, bàn tay họ chạm vào nhau theo một cách rất tự nhiên và nàng cảm nhận cái sự vững chãi kia hơi có điều kỳ lạ, tay Sáng không thô ráp và nổi chai như tay những người làm nông mà khá mềm, kiểu lòng bàn tay của dân văn phòng. Nàng chẳng e ngại gì, đưa ngay nhận xét đó ra để thắc mắc. Sáng mỉm cười, nháy mắt, “rồi cô sẽ biết”. Có vẻ gì rất linh hoạt, duyên dáng và tự tin nơi cái người mới vừa hơn nửa tiếng đồng hồ trước vẫn là ai-đó quá xa lạ, bây giờ họ đã thành một đôi sánh bước bên nhau đi chung cung đường đẹp như hoa mộng.

Buổi chiều đã sậm màu hơn, và nàng cũng đã kịp hỏi thăm về cái địa danh nơi chồng nàng được (hay bị?) nghĩ là đang ở đó. Chuyến đi của anh dự kiến kéo dài trong hai tuần, vậy mà anh biến mất đã ba mươi mốt ngày. Khó khăn là ở chỗ, anh không liên lạc về nhà mà cũng không liên hệ với công ty, vụ mất tích bí ẩn được các bà các cô xung quanh nàng tha hồ thêu dệt thêm lên, khiến nàng chẳng còn cách nào khác hơn là viết vội lá đơn xin nghỉ phép năm, chuẩn bị vội vàng đồ đạc và tự tay lái chiếc xe ô tô đỏ lần tìm đến tận nơi đây. Đó chính là lần đầu tiên chiếc xe chạy đường trường và nàng cũng lần đầu tiên cầm lái qua những cung đường rất xinh đẹp nhưng cũng quá gian nan, hiểm trở. Lẽ ra, nếu chiếc xe không trục trặc thì nàng đã có cơ hội chứng minh cho chồng thấy “nàng vẫn luôn luôn đúng”, câu chuyện chiếc xe chỉ là một ví dụ và còn rất nhiều những mâu thuẫn, căng thẳng khác trong cuộc sống, nàng biết anh đã nhường, luôn luôn nhường để cho nàng “thắng”, nhưng không chắc rằng anh vui vẻ chấp nhận...

Có một chỗ lõm, nơi con sông mấp mé tràn qua đám cỏ rậm xanh, Sáng nhắc nàng cẩn thận nếu không muốn bước hụt chân, dứt nàng ra khỏi dòng suy nghĩ miên man. Sáng vẫn vô tư kể câu chuyện gì đó về lá ngón, những cái lá rất-ư-đáng-ghét của vùng cao, lá có vẻ ngoài hiền lành nhưng nếu ăn phải thì chết chắc, không cách gì cứu vãn được. Nàng miên man hỏi thăm Sáng về bùa ngải, trước lúc nàng đi, chị Thy trưởng phòng vật tư đã gieo vào đầu nàng một suy nghĩ không dễ gì đánh bật, “miền Thượng ấy có nhiều cô “bỏ bùa” ghê lắm, không chừng chồng em đã dính phải một cô nên bây giờ hết đường ra, chết thì cũng… làm ma nhà người ta, không cách gì thoát được”. Sáng bật cười nói ngay, sinh ra và lớn lên ở đây nhưng tôi chưa từng biết cái bùa yêu mà cô nói trông nó ra thế nào, chỉ thấy con người vùng cao hễ đã yêu ai thì yêu đến cháy lòng, yêu trọn vẹn chung tình, yêu mãi đến già đến chết cũng không thay đổi, bởi vậy nên mới có những câu chuyện tình sống mãi như huyền thoại, kể lại cho người đời nghe như những trang sử yêu đẹp đẽ và bi tráng, thấm thía lan tỏa mãi cho đến nhiều đời sau...

Ngôi nhà sàn của gia đình Sáng nằm ở chân núi, phía bên này là ruộng lúa non ngun ngút cánh cò bao la xanh mượt, bên kia là dãy ba cây gạo đang mùa hoa đơm đỏ cháy trời hè. Mặt trời hoàng hôn không thấy rõ sau những đụn mây xao xác chìm trong sương, nhưng ánh hồi quang của ngày lúc tắt vẫn rực lên thành viền sáng đỏ cam ôm dài theo mép núi, khiến cho nàng lặng đi, ngây người đứng ngắm quang cảnh quá đỗi huy hoàng đó. Gia đình Sáng đón tiếp nàng rất tự nhiên, đơn giản và ấm áp, dường như luôn sẵn sàng một chỗ cho đứa con đi xa về. Mẹ Sáng rất hiền, bữa ăn do bà nấu cho cả nhà ngon miệng đến nỗi nàng phá lệ ép cân lúc bình thường, ăn liền ba bát. Bắp cải hái sau vườn, tươi xanh luộc lên rất ngọt, cá suối rán giòn tan, thịt lợn đen xào cháy cạnh thơm mùi hành, măng muối ớt chua… ăn với cơm gạo nương rất thơm và dẻo. Bố của Sáng ít nói, vẻ ngoài ông như là khuôn mẫu đúc ra ba khuôn mặt cũng như vóc dáng của ba người con. Anh trai Sáng làm ở công ty Bưu chính Viễn thông tỉnh, anh nói có biết một bác thợ sửa xe ô tô, là chỗ quen nên có thể nhờ đến tận nơi, nàng cứ yên tâm đi, ngày mai sẽ giải quyết. Em gái Sáng hay len lén ngắm trộm nàng, thích thú nhìn nàng ăn uống ngon lành, thích thò đũa gắp tiếp cho nàng hết món này đến món kia rồi giả vờ cười tủm tỉm như không. Qua câu chuyện mới hé lộ ra, Sáng đang đi học đại học ở dưới xuôi, nghỉ hè nên tranh thủ về quê chơi. Sáng nhỏ hơn nàng 5 tuổi… Vậy nhưng sau đó, lúc cơm nước đã xong xuôi, dẫn nàng ra suối chơi, Sáng nghiêm giọng tự nhận mình già trước tuổi và khen nàng trẻ trung, tóm lại vẫn phải gọi chị nhưng không “tâm phục khẩu phục”, thích gọi bằng tên hơn.

Đêm ấy là mười ba âm lịch, trăng gần như đã tròn vành vạnh, sáng như đuốc trắng, kiểu nắng mát của đêm, lấp lánh bạc rơi trên dòng suối thẫm chảy sát ngay dãy núi kéo dài ôm thung lũng. Nàng kể cho Sáng nghe lý do một mình một xe rong ruổi đến nơi đây, Sáng có vẻ hơi buồn, lặng đi một chút nhưng rồi vẫn cố gượng, vờ vui hứa sẽ đưa nàng đi tìm chồng theo những thông tin khá mơ hồ mà nàng đang có. Họ ngồi bên nhau, nói những chuyện không đâu, nàng lan man kể mấy vụ cãi nhau, nói là cãi nhưng chủ yếu chỉ có mình nàng nói thôi – còn chồng nàng chọn cách im lặng nghe. Sáng có vẻ ngạc nhiên, thú thật đã không hình dung một cô gái có vẻ ngoài dễ thương, dễ mến, dịu dàng khéo léo như nàng lại có lúc lanh chanh, đáo để đến thế. Sáng kể về chị dâu tương lai, người đã được bố mẹ ngắm sẵn từ lâu cho anh trai, một cô gái đồng tộc, cũng hiền lành mộc mạc chân chất như bao nhiêu cô gái Tày ở nơi đây. Tình yêu giản dị êm đềm đó giống như hình mẫu suốt bao đời nay, rồi đến khi Sáng học hành xong trở về quê hương làm việc, có lẽ cũng sẽ tìm yêu ai đó và cũng sẽ xây dựng cho mình một gia đình rất êm ả, hiền lành, hạnh phúc.

Có một lúc nàng đã nghĩ, sống như vậy có vui không, có thật không bao giờ thấy chán không? Phải chăng hạnh phúc không có chỗ cho những người ưa phá cách, hay thích băng ra ngoài khuôn khổ? Nhưng Sáng mỉm cười quả quyết, tìm thấy tình yêu chỉ mới một phần thôi, nuôi dưỡng cho tình yêu sống mãi trong ngôi nhà chung, đó mới đúng thật là hạnh phúc. Có tiếng chim xao xác kêu đêm, nàng thoáng lạnh nên run rẩy so vai, cảm thấy bàn tay Sáng hơi khoác nhẹ trên vai, vỗ hờ một chút rồi buông ra. Sáng vào nhà rất nhanh rồi quay trở lại, đưa cho nàng cái khăn. Trong lúc nàng quàng khăn thì ánh mắt Sáng dõi theo từng cử động, lấp lánh đôi con ngươi sáng rực bóng trăng, tỏa ánh lân tinh, âu yếm và trìu mến. Nàng cười ngơ ngẩn không rõ ý, kiểu cười khỏa lấp khi lòng đang bối rối... Đêm trăng kỳ lạ ở chốn núi non điệp trùng và lúa thơm sương, rời rợi gió vờn như sóng dâng, nàng ngồi đây với người con trai lạ, còn chồng nàng đang phiêu du ở nơi đâu?

Họ cứ ngồi như vậy mãi cho đến khuya, trong ánh trăng mát lạnh, càng lên cao trăng như càng trắng hơn, lũ gà eo óc gáy theo cầm canh, tận tới lúc cô em gái của Sáng ra gọi – chuyển lời mẹ Sáng nhắc trời đêm sương xuống, hai người ngồi ngắm trăng lâu có thể bị ốm. Đêm nơi nhà sàn, nàng ngủ bên gian dành cho phụ nữ. Không biết xoay trở như thế nào nhưng đến sáng, cảm nhận có bàn tay rất nhẹ nhàng gỡ tay nàng ra khỏi vòng ôm nơi bụng, đổi cho nàng tấm chăn cuộn tròn để dễ gác, chính là tay của mẹ Sáng. Cái mùi vị ấm áp thân thuộc đó, y như mùi hương của mẹ nàng đã quấn quýt theo nàng suốt cả thời thơ ấu. Nhớ khi mẹ mất, nàng ngất lên ngất xuống nắm níu mãi đôi bàn tay lạnh giá, đớn đau cảm nhận rõ hơi thở của sự sống đã bay đi, mùi hương thân yêu ấy cũng phai theo, tan mất vào trong vô cùng, mãi mãi mẹ không còn nữa…

Ngày hôm ấy trôi nhanh với nhiều sự biến tăng lên dập dồn theo cấp số nhân. Nàng theo chân Sáng quay trở lại chỗ chiếc xe, chờ một lúc thì anh của Sáng tới, dẫn theo người thợ sửa xe có mái đầu nửa muối nửa tiêu, nhìn chiếc xe đỏ bừng dưới nắng bằng ánh nhìn kẻ cả. Một số đồ gì đó của xe bị cháy, hư không sửa được, cần phải thay, nên anh của Sáng phải chở ông ấy vòng qua thị xã, với hy vọng là sẽ có. Trong khi đó Sáng tranh thủ đưa nàng đi tới cái địa danh bí ẩn kia, có đi rồi mới biết: nếu không có Sáng chắc chắn nàng sẽ không bao giờ có thể tìm tới. Đó hẳn cũng là lý do mà công ty của anh đã không thể kiếm ra anh. “Người đàn ông của núi rừng ơi, hãy trở về với người vợ hiền ngoan đang ngày đêm trông chờ, mong ngóng…”, câu hát ấy chính là Sáng đã hát cho nàng nghe khi kể câu chuyện tình bi tráng trên đỉnh núi Mù Sương, để rồi sau đó câu hát cứ ám ảnh nàng mãi, lúc gặp lại chồng đang ngồi vót tre đan chiếc gùi trong ngôi nhà sàn của bà mế già không con cái. Cho mãi đến sau này, khi đã trở về vui sống lại bên nhau, chồng nàng cũng không bao giờ giải thích cho nàng nghe, lý do vì sao anh đã tin lời hứa của bà mế rằng sẽ dạy anh cách thức luyện ra bùa yêu, chỉ bấy nhiêu thôi anh đã bỏ qua tất cả mọi thứ để chứng minh cho bà mế thấy anh thành tâm muốn học.

Trở lại buổi chiều hôm nàng đã tìm ra được chồng, chiếc xe cũng vừa sửa xong, không còn lý do để nán lại thêm nơi xứ sở xinh đẹp như cơn-mơ-khó-lòng-tỉnh-giấc. Nàng bịn rịn chia tay những người ơn. Sẽ không thể nào quên cái ánh mắt đăm đắm ấy, ánh mắt của Sáng nhìn nàng như muốn ghi lại cho bằng hết bao nhiêu chi tiết của những khung hình sau cuối (cho dù có vô tình đến mấy, chồng nàng chắc cũng không thể không nhận thấy). Nhưng thật mâu thuẫn, nàng vừa muốn che giấu, giữ riêng cho mình chút tình cảm trong veo, mơ hồ như sương khói của một đêm trăng thơm mềm hương lúa non, lại vừa muốn được chồng ghen như cô gái trẻ bước chân ra đường cũng có số đào hoa. Không biết cảm giác nào nhiều hơn, chỉ thấy thương như đã bỏ mất điều gì đó chắc không bao giờ có lại.

Đường về, chồng nàng không còn cắm mặt vào cái iPad quen thuộc đã hết pin từ lúc nào, anh vững vàng cầm lái chiếc xe hơi màu đỏ chở nàng đi trên những cung đường đèo, núi vờn tiếp núi, ngất ngây đẹp. Đã định hỏi chồng, cuối cùng anh đã luyện xong món bùa yêu chưa. Chẳng lẽ chồng không biết nàng yêu anh nhiều đến thế nào hay sao mà còn phải cất công đi luyện một thứ chắc chi đã cần dùng đến. Nhưng rồi thoảng qua đầu những lời của Sáng, bên con sông ngút ngàn trong xanh, nước thơm lành, mát đẹp như mơ: chẳng có bùa yêu trên đời đâu, chỉ có những con người yêu nhau đến cháy lòng thôi, yêu trọn vẹn chung tình và yêu mãi đến già đến chết không thay đổi. Học cách hiền ngoan hơn, bởi tìm thấy tình yêu có lẽ chỉ mới là một phần thôi, nuôi dưỡng cho tình yêu sống mãi trong ngôi nhà chung, đó mới đúng thật là hạnh phúc…

Nàng thiếp đi trên chiếc ghế ngả dài êm ái, nghe lơ mơ trong giấc ngủ có tiếng chồng nàng đang hát, bản tình ca anh mới học: Người đàn ông của núi rừng ơi, hãy trở về với người vợ hiền ngoan đang ngày đêm trông chờ mong ngóng, và con sông xanh núi lam sương mờ vây quanh, có một miền yêu đẹp như cổ tích…

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast