Liên Thành, dấu xưa còn đó...
Liên Thành, dấu xưa còn đó...

..........

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh trong bài viết “Tỉnh thành Hà Tĩnh” đăng trên Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh số 116, tháng 3/2008 đã viết: “Tháng mười năm Tân Mão, Minh Mệnh thứ 12 (1831), nhà vua chuẩn cho bỏ trấn, chia đặt các tỉnh. Lấy hai phủ Hà Hoa, Đức Thọ gồm sáu huyện: Thạch Hà, Kỳ Hoa, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn lập thành tỉnh mới Hà Tĩnh. Trong buổi sơ thiết, tỉnh đường tạm đặt tại xã Đại Nài, phủ Hà Hoa. Vào tháng Giêng năm Quý Tỵ (1833), tỉnh thành mới được khởi công xây đắp”. Sách Đại Nam thực lục chính biên - Đệ nhị kỷ ghi: “Tổng đốc, tuần phủ cùng với giám thành chọn được xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà địa thế cao ráo, rộng rãi, đằng trước có núi Cảm Sơn, lại có một dải sông dài chảy quanh phía trước, vòng sang bên tả, trên nối với sông Nại Giang, dưới chảy ra Cửa Sót. Đó là một khu đất đẹp. Họ bèn xin đóng tỉnh thành ở đây…”.

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Toàn cảnh thành Hà Tĩnh (Ảnh chụp lại trong sách “An Tĩnh cổ lục” của tác giả Hippolyte Le Breton).

Đã là người dân Hà Tĩnh, không ai không nhớ truyền thuyết pha màu huyền thoại: Khi xây xong đạo thành, sau một đêm mưa gió, sáng dậy người ta thấy sen nở đầy Hào Thành, hương thơm ngào ngạt nên mới đặt tên là Liên Thành (Thành Sen).

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Sau quá trình nhập, tách với Nghệ An, năm 1875, tỉnh thành Hà Tĩnh lại dời về thành cũ ở Trung Tiết (địa điểm hiện nay UBND tỉnh đóng). Đến năm 1881, thành Hà Tĩnh mới được xây xong, bằng đá ong. Thành xây theo kiểu Vô-băng có mặt phẳng và gấp khúc theo hình chữ V; chu vi thành 366 trượng 5 thước, 6 tấc, cao 8 thước (3,2m) xung quanh chân thành có hào rộng 5 trượng (20m) sâu 4 thước (1,6m) chiếm diện tích gần 134.000 m2, nếu tính cả phía ngoài Hào Thành là 160.000 m2. Thành có 4 cửa: cửa tiền, cửa hậu, cửa tả, cửa hữu, có lầu chuông gác trống, vọng gác, nhà lao bên trong (*). Trong thành có hồ nước nên gọi là Hồ Thành. Hào Thành nay đã được cải tạo, phục hồi, duy thành Hà Tĩnh, Hồ Thành chỉ còn trong ký ức mà thôi!

Liên Thành, dấu xưa còn đó...
Liên Thành, dấu xưa còn đó...
Liên Thành, dấu xưa còn đó...
Liên Thành, dấu xưa còn đó...
Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Mặt tiền thành Hà Tĩnh giáp đường Phan Đình Phùng (ảnh 1). Cửa Hậu thành Hà Tĩnh xưa, nay là đường Nguyễn Hữu Thái (ảnh 2). Hệ thống hào phía Đông thành Hà Tĩnh (ảnh 3). Đường Lý Tự Trọng hiện nay là lối vào cửa Hữu thành Hà Tĩnh xưa (ảnh 4). Ảnh: Huy Tùng

Cái tên cửa hữu được định danh trong tôi nhờ câu chuyện của mẹ kể: ông ngoại được gọi vào thành đóng bàn ghế vì ông vốn là thợ mộc. Có lần mẹ theo ông vào thành bằng lối cửa hữu (khu vực ngã tư đường Lý Tự Trọng và Nguyễn Công Trứ bây giờ). Thành rộng và đẹp, có hồ nước sâu và trong vắt, lính khố xanh đứng gác. Sau này, đọc lại sử sách, tôi hiểu thêm về tên gọi khu phố Thành Đông (nay thuộc phường Tân Giang), nơi có nhà thờ Tịnh Giang và đền Võ Miếu, hình dung được vị trí cửa tiền, cửa hậu, nhà lao Hà Tĩnh, nơi các chiến sỹ cách mạng trung kiên bị giam cầm. Mỗi lần đi qua hồ Dâu phía Đông Bắc thành, tôi vẫn mường tượng thấy máy chém của thực dân Pháp được dựng lên để hành hình những người yêu nước. Hào Thành ngày nay đã được phục hồi, chỉ còn thành Hà Tĩnh mãi mãi là ký ức.

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Hoa sen là khởi nguồn cho tên gọi Thành Sen và cũng là hình ảnh biểu trưng cho TP Hà Tĩnh ngày nay. Ảnh: Huy Tùng

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Dẫu qua bao biến cải của đất trời và đổi thay địa giới hành chính của tỉnh Hà Tĩnh: tách - nhập thời Tự Đức (1841-1875), nhập - tách 1976-1991 ở thế kỷ XX thì sông Phủ, núi Nài vẫn nguyên thế núi hình sông ở phía Nam, Hào Thành sông Cụt (Tân Giang) vẫn chảy trầm mặc giữa trung tâm thành phố. Vẫn còn đây hồ Dâu, hồ Bảy Mẫu, hồ Nhà Hát (phía sau Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh ngày nay), hồ Bắc Hà, chợ Tỉnh, Văn Miếu, Võ Miếu... Biết bao phố, làng thân thương: Trung Tiết, Phú Hàu, Tiền Bạt, Nam Ngạn, Tân Giang, Bồng Sơn, Đồng Quế, Thành Đông, Đồng Vinh, Lâm Phước Thọ, Trần Thị Hường… vẫn thăm thẳm trong ký ức những người Thành Sen từng chứng kiến bao thăng trầm của tỉnh lỵ nhỏ bé nhưng kiên cường và giàu bản sắc văn hóa.

Liên Thành, dấu xưa còn đó...
Liên Thành, dấu xưa còn đó...
Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Văn Miếu Hà Tĩnh được phục dựng trên phần đất cũ của Văn Miếu xưa tại phường Thạch Linh (ảnh 1). Di tích Võ Miếu tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh (ảnh 2). Ảnh: Huy Tùng

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Hồ Bảy Mẫu tại phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Đồng Anh

Thị xã Hà Tĩnh được chính thức thành lập năm 1924 thời vua Khải Định, rồi nhập vào huyện Thạch Hà năm 1948, tách ra 1957. Thế kỷ XIX, người Pháp từng mệnh danh vùng đất này là “thành phố chết” bởi thiếu đi nhiều thứ của một thành phố đúng nghĩa lúc ấy. Nhưng bên trong lòng nó vẫn chứa đựng những sức sống mãnh liệt, phi thường bởi những con người yêu nước, yêu quê hương, ràng rịt máu thịt với mảnh đất này.

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Cầu Vồng - sông Cụt gắn liền với địa danh Tiền Bạt xưa, nay là phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Huy Tùng

Liên Thành từng được dùng để đặt tên cho nhiều địa danh cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Cuối tháng 3/1930, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng thị xã Hà Tĩnh đổi tên thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thị xã Hà Tĩnh với 27 đảng viên do đồng chí Lê Bá Cảnh làm Bí thư. “Liên Thành thư quán” do Lê Bá Cảnh lập nên, tập hợp và truyền bá nhiều sách báo cộng sản trong và ngoài nước. Liên Thành cũng được đặt tên cho nhiều tổ chức ở thị xã, trong đó, Đoàn văn công Liên Thành hoạt động sôi nổi một thời kỳ dài từ chống Pháp sang chống Mỹ.

Liên Thành, dấu xưa còn đó...
Liên Thành, dấu xưa còn đó...
Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Quang cảnh núi Nài năm 1976 và trạm ra đa đặt trên núi Nài (ảnh chụp năm 1989). Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Chìm trong đêm dài nô lệ với đói rét, khổ đau, những địa danh Cồn Cồ, Cồn Sa, Đỗ Đen là nhân chứng của nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nhưng dưới ánh sáng của Đảng, Thành Sen đã vùng lên giành tự do và cơm áo. Mỗi lần đi qua trụ sở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Tĩnh, tôi lại nhớ đến lời kể của cố lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Bình, người dẫn đầu đoàn khởi nghĩa kể về không khí hào hùng của Nhân dân thị xã Hà Tĩnh kéo về dinh tỉnh trưởng Hà Văn Đại để buộc viên quan này phải trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng. Chính quyền về tay Nhân dân vào ngày 18/8/1945. Trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, biết bao người con Liên Thành đã hăng hái ra trận, nhiều người đã hóa thân vào sông núi. Đặc biệt, ba người con gái Thành Sen xinh đẹp và anh dũng cùng mang tên họ Trần Thị Hường là một sự trùng hợp kỳ lạ của lịch sử: Chị Trần Thị Hường, liệt sỹ thời kỳ 1930-1931 đã hy sinh trong nhà lao của thực dân Pháp (trong thành Hà Tĩnh); liệt sỹ Trần Thị Hường là một trong 10 cô gái Đồng Lộc hy sinh ngày 24/7/1968 cùng 9 chị em Tiểu đội 4, C552; liệt sỹ Trần Thị Hường hy sinh năm 1972 tại trận địa pháo 12,7 ly ở Bồng Sơn cùng liệt sỹ Nguyễn Sĩ Thành và Trần Thị Hòa.

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Bác Hồ nói chuyện tại hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Liên Thành từng chứng kiến sự kiện vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa diễn ra vào mùa sen. Đó là ngày 15/6/1957, Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh sau 50 năm xa quê Nghệ An. Hình ảnh Người giản dị cùng bộ áo màu nâu, chân đất đứng bên hồ sen Tỉnh ủy mãi khắc sâu vào tâm trí người dân Hà Tĩnh. Liên Thành cũng chứng kiến trận đầu Hà Tĩnh bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trên trận địa Núi Nài vào ngày 26/3/1965.

Người Thành Sen sống nhân văn, nghĩa tình, lạc quan, yêu đời và không kém phần sâu sắc, lãng mạn. Nhiều văn nghệ sỹ sinh ra trên mảnh đất này trở thành danh họa, nhà thơ nổi tiếng như: Danh họa Nguyễn Phan Chánh, nhà văn Văn Linh, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhà thơ Quang Huy... Dưới chân núi Nài cũng từng ghi dấu ấn nhà thơ - dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ những ngày trí sĩ đã chọn núi Cảm Sơn để làm thơ, hát ca trù và sống hòa cùng người dân Đại Nài. Lời hát ví giặm đã được cất lên từ xa xưa và nay ngày càng thiết tha, sôi nổi.

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Nhà lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh bên dòng sông Cụt, phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Huy Tùng

Liên Thành, dấu xưa còn đó...
Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Theo dòng chảy lịch sử dân tộc và sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Hà Tĩnh đã có những bước chuyển mình đi lên, hòa vào dòng thác đổi mới của đất nước. Từ một thị xã phố làng với 2,2 km2 và hơn 4.400 dân sau Cách mạng tháng Tám, nay Liên Thành - Thành Sen đã vươn mình vóc dáng hiện đại. Thành phố Hà Tĩnh được mở rộng quy mô với diện tích gần 5.655 ha, gồm 15 xã, phường và dân số thường trú 100.313 người.

Liên Thành, dấu xưa còn đó...

Thành phố Hà Tĩnh từ cửa ngõ phía Nam. Ảnh: Huy Tùng

Nhất cận thị, nhị cận giang. Sông Rào Cái (sông Phủ) phía Nam, sông Cày, sông Hộ Độ phía Đông Bắc, lại gần biển nên khí hậu, thời tiết ôn hòa, gần hồ Kẻ Gỗ nên nguồn nước dồi dào. Con người Thành Sen thân thiện, năng động và chịu thương chịu khó, hiếu học và học giỏi. TP Hà Tĩnh hôm nay đang nối gót tiền nhân, phát huy hết tiềm năng lợi thế để xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Hà Tĩnh. Thành phố Hà Tĩnh đang có kế hoạch phục dựng di tích cổng thành Hà Tĩnh để thế hệ mai sau nhớ về lịch sử Liên Thành.

Nội dung: Bùi Minh Huệ

Ảnh: PV - CTV & Ảnh tư liệu

Thiết kế: Huy Tùng

_____

(*) Thành phố Hà Tĩnh theo dòng lịch sử -NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 6/2017.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast