Về thăm đền Trầm Lâm nghe sử tích, ngắm báu vật vua ban

(Baohatinh.vn) - Những giai thoại gắn liền với vua Hàm Nghi và những báu vật nhà vua ban cho người dân xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh) được bà con lưu truyền qua nhiều thế hệ, gìn giữ cẩn thận đến ngày nay.

Khuôn viên ngôi đền cổ Trầm Lâm.

Đền Trầm Lâm (còn gọi là miếu Trăm Năm) tọa lạc ở thôn Phú Thành, xã Phú Gia, huyện Hương Khê. Đền được dựng bằng gỗ đặt theo hướng Nam với cổng tam quan, tường nối nhau được xây bằng gạch đá, vôi vữa. Trên hai cột có hai con nghê đứng chầu, ba mặt cột được trang trí họa tiết rồng, phượng và câu đối.

Giếng nước lớn bên trong khuôn viên đền Trầm Lâm.

Trong khuôn viên ngôi đền có giếng nước lớn, màu nước thay đổi theo mùa trong năm (mùa xuân nước xanh, mùa hạ nước hồng, mùa thu nước trắng, mùa đông nước đen). Người dân cho biết, dù đã trải qua nhiều trận hạn hán nhưng giếng nước ở đền Trầm Lâm không bao giờ cạn.

Các sách Đại nam nhất thống chí, dư địa chí Hà Tĩnh và lễ nghi của Nhà Minh đều nhắc đến Trầm Lâm là ngôi đền thiêng. Năm Hồng Vũ thứ 3 (năm 1370), vua Thái Tổ nhà Minh đã sai sứ nhà Minh tế tại đền.

Tại đền Trầm Lâm, nhân dân địa phương cắt cử người thường xuyên trông nom, hương khói.

Sử sách ghi lại rằng, vào năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi (lúc ấy mới 14 tuổi) chạy ra vùng núi phía Bắc lánh nạn. Đến xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), vua Hàm Nghi dừng chân lập căn cứ địa Sơn Phòng và ban bố hịch Cần Vương lần 2, kêu gọi Nhân dân chống giặc Pháp.

Tương truyền, trong thời gian lập căn cứ địa ở xã Phú Gia, một hôm bị quân Pháp tấn công, vua Hàm Nghi chạy trốn vào đền Trầm Lâm để ẩn náu. Đêm tối, một vị thần linh báo mộng nhà vua không nên ở lại nơi này quá lâu, bởi nguy hiểm sắp đến gần.

Đền Trầm Lâm được nhiều người dân trong và ngoài địa phương xem là một địa điểm tín ngưỡng, cầu bình an, may mắn.

Ngay khi tỉnh giấc, vua Hàm Nghi lập tức triệu quần thần cùng bô lão trong vùng để tìm hiểu về giấc mơ và được biết vừa gặp Thánh Mẫu đền Trầm Lâm. Sau đó, vua Hàm Nghi liền làm lễ tạ ơn và sắc phong cho các vị thần được thờ ở đền.

Video: Cố đạo chủ Phan Hùng Vỹ kể về giấc mộng của vua Hàm Nghi và sự linh thiêng của đền Trầm Lâm.

Cũng trong đêm làm lễ tạ ơn và sắc phong cho các vị thần được thờ ở đền, nhà vua trao tặng người dân làng Phú Gia những vật phẩm quý giá, gồm 2 con voi bằng vàng, 1 con voi bằng đồng, 2 thanh bảo kiếm và nhiều báu vật khác để cảm ơn công lao phò vua. Đến rạng sáng, khi vua vừa đi khỏi thì giặc Pháp đã kéo tới lùng sục.

Một số vật phẩm quý giá của nhà vua trao tặng dân làng Phú Gia.

Để gìn giữ báu vật vua ban, người dân địa phương đã cử ra một người canh giữ (còn gọi là cố đạo chủ). Những người giữ bảo vật phải đạt đủ những điều kiện, gồm: là người có đạo đức, liêm khiết, cẩn trọng, am hiểu tế tự, gia đình hòa thuận, được người dân tín nhiệm, phải sống thọ cả ông và bà.

Theo phong tục của dân làng, vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm, người dân và các cụ cao niên trong làng tổ chức lễ Hạ Keo xin thần linh chứng giám, chọn cố đạo chủ mới. Một nhiệm kỳ cố đạo chủ là 2 năm. Người được chọn phải xin “quẻ âm dương”. Nếu một đồng xu nằm ngửa, đồng xu còn lại nằm sấp trên đĩa thì người này chính thức trở thành cố đạo chủ. Trải qua hơn một thế kỷ, đến nay, xã Phú Gia có hơn 50 vị cao niên vinh dự được trao trọng trách này.

Ông Phan Hùng Vỹ - người hiện giữ chức vụ cố đạo chủ, trông coi bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng.

Theo địa phương, trước đây, những đời cố đạo chủ có rất nhiều cách để bảo vệ báu vật. Có người lựa chọn cất trong các hốc bí mật tại nhà, người lại lựa chọn chôn xuống đất. Tất cả các hình thức đều hướng tới việc gìn giữ báu vật, tránh kẻ gian đánh cắp. Nhờ đó, trải qua hàng trăm năm, vật phẩm quý giá của nhà vua trao vẫn còn nguyên vẹn.

"Yêu cầu để tìm ra cố đạo chủ khá khắt khe. Thế hệ trẻ sau này tại địa phương không có nhiều người am hiểu và quan tâm đến lịch sử. Chính vì thế, những người làm cố đạo chủ như chúng tôi rất lo lắng về các thế hệ tiếp nối", ông Phan Hùng Vỹ - người hiện giữ chức vụ cố đạo chủ bày tỏ.

Theo quan niệm của người dân, việc thờ cúng, gìn giữ báu vật tốt thì dân chúng luôn gặp nhiều vận may.

Những báu vật vua Hàm Nghi trao tặng người dân làng Phú Gia mỗi năm chỉ xuất hiện một lần vào ngày lễ rước sắc phong của vua. Người dân Phú Gia quan niệm, năm nào cố đạo chủ canh giữ, bảo vệ tốt báu vật vua ban thì năm đó dân chúng làm ăn thuận hòa, ấm no và gặp nhiều điều may mắn.

Đền Trầm Lâm là một trong 3 di tích thuộc quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, được công nhận vào năm 2001. Đền có diện tích hơn 4 ha, được quan tâm đầu tư, tu bổ một số hạng mục cơ bản. Địa phương đã có một Ban Quản lý di tích và hợp đồng thường xuyên với một bảo vệ để bảo vệ cơ sở vật chất và đáp ứng nhu cầu du khách về thăm quan đền với khoảng 4.000 - 5.000 lượt khách/năm.

Đối với các báu vật vua Hàm Nghi ban, người dân cùng chính quyền địa phương đã gìn giữ qua nhiều thế hệ. Việc mở hay chiêm ngưỡng bảo vật được chúng tôi quản lý chặt chẽ, theo nhiều quy trình nghiêm ngặt. Với giá trị to lớn về văn hoá, lịch sử của báu vật, Nhân dân cùng chính quyền xã Phú Gia luôn trân trọng, mong muốn bảo tồn cho muôn đời sau.

Ông Lê Xuân Sang - công chức văn hóa xã Phú Gia

Video: Công chức văn hóa xã Phú Gia chia sẻ về việc địa phương tăng cường bảo tồn báu vật vua Hàm Nghi.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói