"Chim ưng biển" CV-22 Osprey của Mỹ lần đầu hạ cánh ở Việt Nam

Bốn chiếc CV-22 Osprey của không quân Mỹ đã hạ cánh ở Việt Nam vào tuần qua, trên đường di chuyển đến Thái Lan tham gia cuộc tập trận Hổ mang Vàng.

Theo Stars & Stripes, hình ảnh bốn chiếc CV-22 Osprey đậu tại sân bay quốc tế Đà Nẵng được lan truyền trên mạng xã hội vào hôm 7/2.

Những vận tải cơ "trực thăng lai máy bay" này xuất phát từ căn cứ không quân Yokota của Mỹ tại Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng thuộc biên chế của Nhóm Tác chiến Đặc biệt số 353, đóng tại Okinawa, theo xác nhận ngày 8/2 của người phát ngôn đơn vị Renee Douglas.

“Chim ưng biển” CV-22 Osprey của Mỹ lần đầu hạ cánh ở Việt Nam
Hình ảnh bốn chiếc CV-22 Osprey của Mỹ hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng trên mạng xã hội. Ảnh: Stars & Stripes

Douglas nói sân bay Đà Nẵng là điểm trung chuyển mà máy bay quân sự Mỹ thường xuyên sử dụng để tiếp nhiên liệu khi hoạt động trong khu vực. Bà xác nhận đây là lần đầu tiên CV-22 của Mỹ hạ cánh tại Việt Nam.

"Những chiếc CV-22 dừng tại sân bay quốc tế Đà Nẵng trong gần một tiếng để tiếp nhiên liệu là hoạt động được lên kế hoạch từ trước. Họ đang trên đường đến Thái Lan để tham gia cuộc tập trận và huấn luyện quốc tế Hổ mang Vàng 19", bà cho biết.

Bốn chiếc CV-22 ghé Đà Nẵng không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Việt Nam sẽ là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Đà Nẵng khi đó được xem là một trong những ứng viên tiềm năng "đăng cai" tổ chức sự kiện. Tổng thống Trump ngày 8/2 xác nhận cuộc gặp sẽ diễn ra tại Hà Nội.

"Chim ưng biển" V-22 Osprey là máy bay cánh lật đa năng, với năng lực cất cánh thẳng đứng nhưng có vận tốc của một máy bay chiến đấu và có thể hạ cánh trên đường băng như những máy bay phản lực thông thường.

“Chim ưng biển” CV-22 Osprey của Mỹ lần đầu hạ cánh ở Việt Nam
Bốn chiếc CV-Osprey thuộc biên chế Nhóm Tác chiến Đặc biệt 353 bay trên bầu trời thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào tháng 4/2018. Ảnh: Không quân Mỹ.

CV-22 Osprey là phiên bản khác của V-22 được đặt hàng bởi Bộ chỉ huy Tác chiến Đặc biệt Mỹ (USSOCOM), thường nằm trong biên chế của các đơn vị trực thuộc không quân. Phiên bản này có tầm hoạt động rộng hơn và bổ sung khoang chứa nhiên liệu ở hai cánh.

Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng phiên bản MV-22 được cải thiện các chức năng đổ bộ, vận chuyển hàng tiếp tế. Hải quân Mỹ sử dụng phiên bản CMV-22 được điều chỉnh tăng khả năng tương thích với tàu sân bay.

Đây là mẫu trực thăng đắt đỏ hàng đầu của quân đội Mỹ. Trong năm tài khóa năm 2014, mỗi chiếc CV-22 có giá gần 73 triệu USD, theo Defense News.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast