Chương trình tấn công nhanh của Mỹ cực nguy hiểm

Khi trả lời báo Wall Street Journal, Đại sứ Nga tại NATO, ông Aleksandr Grushko cho rằng, chương trình tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ là cực kỳ nguy hiểm.

Khi trả lời câu hỏi liệu Nga có đòi NATO ngừng chương trình phòng thủ tên lửa ở châu Âu hay không? Đại sứ Grushko cho rằng điều Moscow quan ngại không chỉ là chương trình này mà cả những khả năng tiềm ẩn do Mỹ chuẩn bị và khai triển bên ngoài châu Âu.

"Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về các căn cứ của Mỹ trên biển, hiện đang triển khai ở Địa Trung Hải, ở Rota (Tây Ban Nha)… Nhưng đó cũng là một phần của số học chiến lược lớn phức tạp hơn nữa. Cần phải thêm các vấn đề như tấn công chớp nhoáng toàn cầu. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm dưới góc độ sự bình ổn chiến lược.

Cần nghiên cứu cả vấn đề với quân sự hóa vũ trụ. Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục các đối tác của chúng tôi tham gia nghiêm túc vào những cuộc đàm phán theo nội dung từ bỏ việc bố trí các phương tiện quân sự trong không gian", ông Grushko cho biết.

Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ dự trù tạo lập phương tiện mang siêu thanh mà nguyên mẫu hiện đang qua thử nghiệm. Phương tiện tên lửa này có thể giáng đòn phi hạt nhân với độ chính xác cao vào mục tiêu ở bất kỳ điểm nào trên Trái đất chỉ trong vòng chưa đầy một giờ sau khi phóng.

Hệ thống như vậy là cực kỳ nguy hiểm vì với sự hỗ trợ của nó có thể thực hiện cuộc tấn công phi hạt nhân, vô hiệu hóa lực lượng hạt nhân chiến lược.

Chương trình tấn công nhanh của Mỹ cực nguy hiểm ảnh 1

Tên lửa UR-100N UTTKh rời hầm phóng.

Dù cho rằng chương trình tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ là cực nguy hiểm nhưng theo các chiến lược gia quốc phòng Nga, Moscow hoàn toàn có thể khắc chế được chương trình vũ khí này của Mỹ.

Cụ thể, chỉ cần 40 phút để tên lửa Yu-71 bay từ Nga đến Mỹ, với tốc độ này, Yu-71 được coi là khắc tinh của "Đòn tấn công nhanh toàn cầu" của Mỹ. Theo Washington Free Beacon, người Mỹ đã rất bất ngờ khi Nga đã âm thầm thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa siêu vượt âm Yu-71.

Theo nguồn tin này, Nga đã phát triển Yu-71 trong mấy năm trong khuôn khổ dự án "Objekt 4202" và lần đầu tiên thử nghiệm vào tháng 2/2015. Nga thực hiện dự án này với mục tiêu vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ vốn được xây dựng để tiêu diệt mục tiêu đường đạn chuyển động theo quỹ đạo có thể tính toán.

Còn các phương tiện siêu vượt âm như loại mà Nga đang chế tạo cực kỳ khó bám theo và bắn hạ vì chúng chuyển động không theo quỹ đạo có thể tính toán, tốc độ di chuyển của chúng lên tới 11.200 km/h. Vụ thử nghiệm gần đây đối với phương tiện bay này đã diễn ra vào tháng 2/2015. Vụ phóng diễn ra từ bãi thử Dombarovsky gần Orenburg.

Trước đây, các nguồn phương Tây chỉ đưa tin phỏng đoán về nó, còn nay vụ phóng này đã được các nhà phân tích mới xác nhận. Điều đó được công bố trong báo cáo phát hành tháng 6/2015 của hãng phân tích quốc phòng nổi tiếng Jane's Information Group.

Theo tài liệu này, việc đó sẽ mang lại cho Nga khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác cao vào các mục tiêu lựa chọn, còn khi kết hợp với khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, Moscow sẽ có khả năng tiêu diệt thành công mục tiêu chỉ bằng một quả tên lửa.

Báo cáo dự đoán, sẽ có đến 24 phương tiện (đầu đạn) siêu vượt âm nêu trên có thể được triển khai tại trung đoàn thuộc Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga RVSN ở Dombarovsky trong thời kỳ từ năm 2020-2025.

Đến lúc đó, Nga cũng sẽ chế tạo được tên lửa đường đạn xuyên lục địa hạng nặng Sarmat có khả năng mang Yu-71. Trước đó, các nguồn tin công khai chưa bao giờ nhắc đến cái tên Yu-71.

The Washington Free Beacon cho biết thêm, Yu-71 là một phần của dự án bí mật chế tạo “Objekt 4202” nào đó. Các nhà phân tích khẳng định rằng, vụ phóng tháng 2/2015 được thực hiện nhờ một tên lửa UR-100N UTTKh.

Có thể, các mẫu đầu đạn hạt nhân cơ động siêu vượt âm của Nga và được trang bị cho các tên lửa xuyên lục địa Nga mấy năm nay có ký hiệu như thế. Các đầu đạn này, sau khi tách khỏi tên lửa mang, có khả năng thay đổi quỹ đạo bay theo độ cao và hướng bay, do đó có thể vượt qua thành công các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và tương lai.

Tài liệu khẳng định rằng, Moscow cần vũ khí siêu vượt âm để có được các đòn bẩy tác động trong quá trình đàm phán với Mỹ và hạn chế hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Lầu Năm góc từ chối bình luận vụ thử phương tiện bay siêu vượt âm của Nga.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast