Đổ trăm tỷ USD cho tàu ngầm hạt nhân, nâng cấp Kilo

Ấn Độ đang chi tới hàng trăm tỷ USD cho giấc mơ thành cường quốc tàu ngầm thế giới, đóng mới hàng loạt tàu ngầm hạt nhân, nâng cấp Kilo 877EKM.

Ấn Độ nâng cấp tàu ngầm Kilo Project 877EKM

Ngày 30-3, quan chức Nga cho biết, hiện nước này và Ấn Độ đang thảo luận về vấn đề hiện đại hóa các tàu ngầm diesel-điện Project 877EKM, lớp Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) và đàm phán thuê thêm một chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga trong thời gian tới.

Số tàu ngầm này được Ấn Độ mua của Liên Xô/Nga trong giai đoạn giữa thập niên 80 đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước (Ấn Độ định danh là lớp Sindhughosh), hiện đa số đã già lão và một nửa đã trải qua 1 lần nâng cấp lớn hồi đầu thế kỷ này.

“The Times of India” cho biết, lực lượng tàu ngầm thông thường của Ấn Độ đang “già” đi nhanh chóng. Hiện hải quân nước này có tổng cộng 13 tàu ngầm thông thường, gồm 3 tàu ngầm của Đức và 10 tàu ngầm Kilo 877EKM đặt mua của Liên Xô/Nga trong thế kỷ trước.

Trong đó, 8 chiếc đầu tiên được Liên Xô bàn giao trong giai đoạn 1986 - 1991. Sau khi Liên Xô sụp đổ, gói thầu này bị “chững lại” trong một thời gian dài, sau khi Nga trở thành “người thừa kế” các di sản về hợp tác quốc phòng của Liên bang Xô viết, 2 chiếc còn lại lần lượt được Nga bàn giao tiếp vào năm 1997 và 2000.

10 chiếc tàu ngầm Kilo của Ấn Độ bao gồm: S55 INS Sindhugosh, S56 INS Sindhudhvaj, S57 INS Sindhuraj, S58 INS Sindhuvir, S59 INS Sindhuratna, S60 INS Sindhukesari, S61 INS Sindhukirti, S62 INS Sindhuvijay, S63 INS Sindhurakshak và S65INS Sindhushastra.

Quy định về tuổi thọ của tàu ngầm thông thường là 25 năm nhưng trong số 13 tàu ngầm của Ấn Độ, có 10 chiếc đã quá thời gian “nghỉ hưu”, 3 chiếc khác cũng cận kề bị loại biên. Trên thực tế, chỉ còn một nửa có khả năng hoạt động thường xuyên.

Tuy nhiên, 10 tàu ngầm Kilo của Ấn Độ có thể chỉ còn 9, do chiếc thứ 5 là S-63 INS Sindhurakshak mới hoàn thành nâng cấp vào tháng 1 năm 2013, thì chỉ sau đó 7 tháng nó đã bị chìm sau khi ngư lôi phát nổ gây cháy. Sau khi trục vớt, do con tàu bị hỏng quá nặng nên rất khó phục chế.

Tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka, Project 877EKM của hải quân Ấn Độ

Tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka, Project 877EKM của hải quân Ấn Độ

Từ năm 1997 trở lại đây, nhà máy Zvezdochka đã lần lượt cải tạo, nâng cấp hiện đại 6 tàu ngầm Kilo trong kế hoạch 877EKM của hải quân Ấn Độ, bao gồm: S-58 Sindhuvir hoàn tất năm 1999, S-57 Sindhuraj hoàn thành năm 2001, S-55 Sindhughosh hoàn thiện năm 2005 và S-62 Sindhuvijay bàn giao vào năm 2007, S-63 Sindhurakshak hoàn thành tháng 1-2013 và S-61 INS Sindhukirti là tháng 6-2015.

Nội dung nâng cấp các tàu này không chỉ là duy tu để nâng cao tuổi thọ của tàu ngầm mà còn hiện đại hóa vũ khí, trang bị, đặc biệt là nâng cao khả năng tác chiến chống tàu ngầm và tên lửa hành trình.

Ấn Độ cũng đang triển khai kế hoạch đóng 6 tàu ngầm thông thường, sử dụng động cơ tuần hoàn không khí độc lập (AIP), lớp Scoperne của Pháp nhưng dự án đang gặp rất nhiều trục trặc, mà kể cả có hoàn thành trong thời gian tới thì số lượng này vẫn còn là quá ít.

Ngoài ra, Nga và Ấn Độ đang tiến hành đàm phán các hạng mục liên quan đến kế hoạch nghiên cứu, phát triển tàu ngầm P75-I, dựa trên lớp tàu ngầm Project 677 lớp Lada (phiên bản xuất khẩu là Amur-1650). Tuy nhiên đây cũng là kế hoạch phát triển trong tương lai.

Do đó, nước này tiếp tục hiện đại hóa tàu ngầm Kilo để kéo dài thời gian hoạt động. Đây là điều rất cần thiết đối với lực lượng tác chiến ngầm đang rất mỏng yếu của Hải quân Ấn Độ, trước sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng tàu ngầm của 2 đối thủ chính là Trung Quốc và Pakistan.

Tham vọng tàu ngầm hạt nhân của hải quân Ấn Độ

Hải quân Ấn Độ đang ôm ấp một kế hoạch cực lớn khi quyết định đóng 6 tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) mang tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLMB) và 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công, mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất (SSN).

Hải quân Ấn Độ hiện đang triển khai kế hoạch nghiên cứu chế tạo ít nhất 6 tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo. Chiếc tàu ngầm tên lửa đầu tiên thuộc lớp Arihant là S-73 "INS Arihant" đang được hoàn thiện các tính năng tác chiến.

Tuy nhiên, năng lực tác chiến của con tàu này vẫn chưa đạt yêu cầu của một SSBN bởi nó chỉ có lượng giãn nước khoảng 6000 tấn và được trang bị các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung K-15 và K-5, chưa có tên lửa tầm xa hay liên lục địa.

Theo tin của Bộ quốc phòng Ấn Độ, tàu ngầm này có thể được trang bị hệ thống 12 ống phóng thẳng đứng, dùng cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm do nước này tự sản xuất là K-15 (Bo5) có tầm bắn hơn 700km và có thể mang được một đầu đạn hạt nhân nặng 1 tấn.

Ngoài ra, nó cũng có thể được trang bị 12 quả tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm (SLBM), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là K-5, có tầm bắn 1.500km, đã thử nghiệm thành công đầu năm 2013.

Để con tàu này đạt được đúng những tiêu chuẩn tác chiến của một tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo liên lục địa, hải quân Ấn Độ vẫn còn khá nhiều việc phải làm. Trong thời gian đó, họ quyết định thuê 1 tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga để huấn luyện thủy thủ.

Ngoài ra, Chính phủ nước này đã phê duyệt kế hoạch nghiên cứu, chế tạo 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công, hiện các kỹ sư đóng tàu của họ đã bắt đầu giai đoạn nghiên cứu bản vẽ thiết kế.

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đầu tiên của Ấn Độ S-73 INS Arihant

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đầu tiên của Ấn Độ S-73 INS Arihant

Tuyên bố trên của giới chức quân sự nước này là một bất ngờ lớn bởi cho đến thời gian gần đây, không có thông tin cụ thể nào về ý định của Ấn Độ xây dựng các tàu ngầm hạt nhân tấn công, mà họ chỉ tập trung hoàn thiện tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Arihant.

Theo tờ "The Economic Times", dự án chế tạo các loại tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ có thể lên tới hàng trăm tỷ USD. Tờ báo cho biết rằng, các tàu ngầm hạt nhân tấn công của Ấn Độ sẽ được trang bị tên lửa hành trình siêu âm mang đầu đạn hạt nhân BrahMos, do liên doanh Ấn-Nga sản xuất.

Tháng 5-2015, một phái đoàn Ấn Độ với nòng cốt là Công ty Reliance Infrastructure đã sang Nga tìm kiếm đối tác chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới cho hải quân nước này, nhằm nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng tàu ngầm đang có dấu hiệu tụt hậu so với Trung Quốc.

Theo truyền thông Ấn Độ, nội dung cuộc đàm phán lần này xoay quanh việc đóng sáu tàu ngầm hạt nhân hiện đại, áp dụng công nghệ do “đối tác nước ngoài cung cấp” tại trong khuôn khổ dự án nâng cấp sức mạnh hạm đội tàu ngầm của hải quân nước này.

Được biết, lãnh đạo công ty Reliance Infrastructure đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga - đại tướng Sergei Shoigu đón tiếp và giới thiệu đối tác tiềm năng sở hữu các công nghệ cần thiết để lập cơ sở chế tạo tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới ở xưởng đóng tàu Pipavav ở bang Gujarat.

Ấn Độ thuê thêm tàu ngầm của Nga để huấn luyện thủy thủ

Hiện tại và trong tương lai, Ấn Độ sẽ xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân theo mô hình của Nga, nên ngay từ bây giờ họ đã tích cực thu lượm những kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo thủy thủ, vận hành kỹ thuật, chiến thuật sử dụng trong chiến đấu.

Do đó, quyết định của nước này về việc thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga là điều rất sáng suốt, để thu lượm những kinh nghiệm chiến đấu ngay từ bây giờ, để khi lực lượng tàu ngầm hình thành là các thủy thủ của họ đã sẵn sàng vận hành, tác chiến trên những phương tiện hiện đại.

Ngày 30-3, Phó Giám đốc cơ quan hợp tác kĩ thuật quân sự liên bang Nga (FSMTC) Vladimir Drozhzhov cho biết, sau khi đã thuê một tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Project 971 lớp Akula (năm 2012, với thời hạn 10 năm), có khả năng Ấn Độ sẽ tiếp tục thuê chiếc thứ 2.

Trước đây, Hải quân Ấn Độ đã thuê 1 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Akula S-71 INS Chakra của Nga. Đây nguyên là chiếc tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo K-152 Nerpa, Project 971 lớp Shchuka-B (NATO định danh Akula-II) được Ấn Độ thuê trong thời hạn từ 2012-2022.

Tờ Kommersant của Nga đưa tin, trong cuộc điện đàm gần đây giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikara, New Delhi đã ngỏ ý muốn thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân tiên tiến nhất của Nga hiện nay thuộc lớp Yasen.

Theo kế hoạch, Hải quân Nga sẽ cần tới ít nhất 8 chiếc tàu ngầm loại này nhưng chính họ mới chỉ trang bị 1 tàu ngầm lớp Yasen số hiệu K-560 Severodvinsk, chiếc thứ 2 số hiệu K-561 Kazan vẫn đang được hoàn thành tại xưởng đóng tàu. Hải quân Nga vẫn chưa đủ dùng nói gì đến việc cho thuê.

Yasen là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên của Nga được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) mảng pha đa chức năng hình cầu. Tàu được trang bị công nghệ và vũ khí hiện đại nhất của Nga, bao gồm 8 ống phóng thẳng đứng (VLS) sử dụng tên lửa hành trình Kalibr hoặc Oniks.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Akula S-71 INS Chakra, Ấn Độ thuê của Nga

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Akula S-71 INS Chakra, Ấn Độ thuê của Nga

Đây là loại tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới nhất nên Nga không sẽ không cho ai tiếp cận các công nghệ đặc biệt của nó. Chỉ đến khi nào Nga cho ra mắt thế hệ tiếp theo hoặc chí ít cũng phát triển được công nghệ thế hệ tàu ngầm tiếp theo thì Ấn Độ mới hy vọng thuê được.

Phía Nga đã đề xuất giải pháp là cho Ấn Độ thuê thêm tàu ngầm tấn công hạt nhân Đề án 971 Shchuka-B (NATO định danh là Akula). Số tiền bỏ ra thuê 1 tàu ngầm Đề án 971 rơi vào khoảng 785 triệu USD, trong khi đó, phí thuê tàu ngầm lớp Yasen sẽ là “vô giá”.

Do đó, phía Nga đã đề xuất 2 lựa chọn cho Ấn Độ: Một là chuyển giao tàu ngầm đang hoạt động trong Hải quân Nga và hiện đại hóa nó theo yêu cầu từ phía khách hàng.

Hai là giao cho Ấn Độ tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula I cải tiến mang tên Iribis đang nằm tại nhà máy đóng tàu Amur từ năm 1994. Con tàu này đang chuẩn bị hoàn thiện theo yêu cầu nâng cấp cho Hải quân Nga.

Tuy nhiên, hiện Ấn Độ đang bắt đầu xây dựng biên đội tàu ngầm hạt nhân đa năng nên họ cần thuê 1 tàu ngầm loại này chứ không phải là thuê thêm tàu ngầm hạt nhân chiến lược như lớp Akula, theo đề nghị của Nga.

Nếu Nga không muốn tiết lộ công nghệ tàu ngầm thế hệ mới nhất thì vẫn có thể cho Ấn Độ thuê các tàu ngầm hạt nhân đa năng Project 949АМ lớp Antey (NATO gọi là lớp Oscar-II) hay lớp Project 671RTM Shchuka (NATO định danh là Victor III) hoặc Project 945A Kondor (NATO định danh là Sierra II).

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast