Hải quân Việt Nam: Từ “Tia chớp” Molniya đến “Nhện độc” Karakurt

Cường quốc Nga đang đóng 18 tàu tên lửa cỡ nhỏ Project 22800 có hỏa lực rất mạnh. Đây là điều mà các nước nhỏ như Việt Nam nên lưu ý.

Nga sẽ đóng 18 tàu tên lửa Project 22800

Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên Gorky (thuộc Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga) đang đóng hai tàu tên lửa cỡ nhỏ (RTO - còn gọi là tàu hộ tống) của đề án 22800 (Project 22800), là thiết kế tàu tên lửa mới nhất, có khả năng tấn công rất mạnh mẽ.

Theo tuyên bố của chuyên gia Dmitry Kornev, người sáng lập cổng thông tin quân sự Nga Military Russia, chiến hạm lớp Karakurt và những tàu tên lửa khác cùng cỡ có thể hoạt động ở cả môi trường sông cũng như các vùng biển rộng.

Bên cạnh đó, kích thước nhỏ, dễ đóng khiến tàu loại này có thể được chế tạo được tại những xưởng đóng tàu không thuộc hàng lớn nhất, như vậy giúp tiết kiệm ngân sách quốc phòng một cách đáng kể.

Theo Tư lệnh Hải quân Nga - Đô đốc Viktor Chirkov, lực lượng hải quân nước này sẽ đặt mua ít nhất 18 tàu lớp này, để phân bổ đều cho 4 hạm đội Biển Đen, Caspian, phương Bắc và Thái Bình Dương, mỗi hạm đội từ 4-6 tàu.

Trong báo cáo thường niên do xí nghiệp công bố gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng cho cơ sở đóng tàu Zelenodolsk chế tạo năm chiếc tàu thuộc đề án này, như vậy ba chiếc “Karakurt” còn lại cần được hoàn thành trong năm nay và sẽ được bàn giao cho hải quân Nga trong năm 2018.

Ngoài 5 tàu đặt đóng ở nhà máy Tatarstan, Bộ quốc phòng Nga còn đặt đóng thêm 7 chiếc tàu thuộc lớp này, hiện chúng đang được đóng tại các xí nghiệp đóng tàu tỉnh Leningrad và Crimea.

Hiện nay, nhà máy đóng tàu Pella ở thành phố cảng St. Petersburg phụ trách chế tạo hai tàu hộ vệ đầu tiên thuộc Project 22800 được đặt tên Uragan và Taifun. Cặp tàu này được khởi đóng vào ngày 24/12/2015 và dự kiến sẽ gia nhập hải quân Nga vào năm 2017-2018.

Mấu chốt là ở chỗ tàu tên lửa Karakurt không chỉ vượt trội hơn những mẫu tàu tiền bối của nó về sức mạnh tấn công, mà ưu điểm lớn nhất của nó là về chất lượng đi biển. "Nhện độc" có thể hành tiến ở mọi khu vực biển, không hề bị lệ thuộc vào thời tiết.

hai quan viet nam tu tia chop molniya den nhen doc karakurt

Nga đang khởi đóng 18 tàu tên lửa lớp Karakurt có hỏa lực rất mạnh

Tương lai, tàu tên lửa Karakurt sẽ được dùng thay thế cho tàu tên lửa-pháo của vùng biển gần Buyan-M - lớp tàu tên lửa đã nổi tiếng toàn thế giới sau khi thực hiện cuộc phóng tên lửa hành trình tấn công sấm sét Kalibr từ vùng biển Caspian, tiêu diệt các chủ thể của chiến binh IS ở Syria.

Chất lượng đi biển của Buyan-M không cho phép nó hành quân quá xa căn cứ. Do đó, các tàu này chỉ hiện diện ở các vùng biển gần và biển kín, nên nó chỉ được biên chế cho Hạm đội Caspian và Hạm đội Biển Đen.

Hạn chế về khoảng cách này được khắc phục với mẫu thiết kế Karakurt. Theo kế hoạch hiện nay, con tàu đầu tiên của đề án 22800 sẽ được bàn giao cho Hải quân Nga vào tháng 12 năm 2017, những tàu khác sẽ tham gia biên chế hạm đội Nga trong những năm 2018-2022.

Sức mạnh của tàu tên lửa Project 22800

Chiến hạm Project 22800 được đặt cho một cái tên đáng chú ý là Karakurt (tên một loại nhện độc mà vết cắn có thể gây tử vong cho người và động vật). Điều này xuất phát từ những vũ khí hết sức nguy hiểm mà nó mang theo, có thể tiêu diệt các loại tàu mặt nước lớn hơn nó nhiều lần.

Là loại tàu tên lửa nên Karakurt có kích thước khá khiêm tốn. Con tàu có chiều dài 60m, chiều rộng 10m, mớn nước 4m, lượng giãn nước 800 tấn. Tàu có tốc độ tối đa 30 hải lý (khoảng 55 km/h) và có phạm vi tác chiến xa căn cứ đến 2.500 - 3.000 hải lý (4655km-5586km), thời gian hành trình trên biển khoảng 15 ngày đêm.

Kết cấu hình học và việc sử dụng các vật liệu hấp thụ radar tiến tiến làm cho Karakurt trở nên hầu như “vô hình” trước các loại radar đối hải của đối phương. Trong khi đó, con tàu Nga lại được trang bị radar hiện đại và những thiết bị điều hướng tiên tiến nhất.

Mặc dù chỉ có lượng giãn nước 800 tấn nhưng "Nhện độc" được vũ trang rất mạnh.

Vũ khí tấn công cơ bản của con tàu là tên lửa hành trình Kalibr - loại vũ khí lừng danh với phiên bản chống hạm có tầm phóng 660km, còn phiên bản tấn công mặt đất của nó có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.500km, đã gây tiếng vang rất lớn trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Ngoài ra, tàu cũng có thể được lắp đặt dòng tên lửa đa năng nổi tiếng khác của Nga là P-800 Onyx (phiên bản xuất khẩu là P-800 Yakhont), có tính năng tương đương Kalibr.

Vũ khí tấn công của con tàu là tên lửa hành trình Kalibr hay Onyx không nằm trong phạm vi quy định của Hiệp ước về giải trừ tên lửa tầm trung và tầm gần, mà vẫn dư sức bắn trúng hầu như toàn bộ các mục tiêu trọng yếu trên biển và trên mặt đất ở toàn lãnh thổ châu Âu.

Điểm nhấn mới nổi bật về vũ khí phòng không của tàu tên lửa Karakurt là tổ hợp tên lửa và pháo phòng không Pantsir-M (biến thể của tên lửa-pháo mặt đất Pantsir-S), được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu trên không ở khoảng cách từ vài chục mét cho tới 20km.

Với đề án chế tạo ít nhất 18 tàu tên lửa cỡ nhỏ Project 22800 do Cục Thiết kế hàng hải trung ương Almaz ở Saint-Peterburg phát triển, hải quân Nga đang gửi gắm những kỳ vọng to lớn. 18 con tàu thuộc lớp này có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực biển gần và cả vùng biển xa.

Việt Nam tiếp tục sản xuấ Molniya và mua thêm Karakurt?

Hiện tại, Hải quân Nhân dân Việt Nam đang có trong biên chế tổng cộng 8 tàu cao tốc tên lửa Molniya 1241.8, theo thỏa thuận mua sắm được ký vào năm 2003. Trong đó, 2 chiếc đầu tiên mang số hiệu 375 và 376 được đóng tại Nga, và bàn giao cho Việt Nam vào năm 2007 và 2008.

6 tàu còn lại trong hợp đồng sẽ do Tổng công ty Ba Son của Việt Nam sản xuất theo giấy phép chuyển giao công nghệ. Năm 2010, Ba Son khởi động thực thi phần cấp phép của hợp đồng với phía Nga và đến nay đã bàn giao thêm 6 tàu.

hai quan viet nam tu tia chop molniya den nhen doc karakurt

Tàu tên lửa lớp Karakurt có hỏa lực và phạm vi hành trình không kém gì tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 của Việt Nam

Ưu điểm nổi trội của Molniya 1241.8 là mặc dù kích thước rất nhỏ nhưng lại sở hữu tốc độ rất nhanh, được trang bị hệ thống hỏa lực mạnh với 16 tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran-E, có tầm phóng 130km, gấp đôi các tàu tên lửa của các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã được Nga chuyển giao công nghệ và tự chế phiên bản cao cấp nhất của dòng lửa hành trình chống hạm Kh-35 là Kh-35UE, với tầm phóng lên tới gần 300km, với tên gọi là KCT-15.

Với sự tự chủ về chế tạo tên lửa chống hạm tầm xa, Việt Nam cần tiếp tục duy trì các hợp đồng đóng tàu tên lửa Molniya, để tăng mạnh số lượng tàu tên lửa cỡ nhỏ, nhằm thực hiện chiến thuật “bầy sói”, để đối đầu với các tàu chiến khổng lồ của các đối thủ.

Về thực chất, các tàu tên lửa lớp Karakurt với sức mạnh không kém gì tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 mà chúng ta đã mua của Nga, thậm chí còn nhỉnh hơn về khả năng tấn công mặt đất. Hơn nữa, chúng cũng có phạm vi hoạt động khá xa, lên tới tầm 5500km.

Với kích thước chỉ nhỉnh hơn một tàu tên lửa cỡ nhỏ, nhưng lại có hỏa lực mạnh hơn một tàu hộ vệ hạng trung, Việt Nam có thể cân nhắc mua thêm các tàu tên lửa lớp Karakurt để bổ sung cho lực lượng tàu chiến chủ lực mà không phải chi thêm nhiều ngân sách quốc phòng.

Thêm nữa, các chiến hạm Nga hiện được đóng theo công nghệ modul, đấu ghép tổng đoạn nên việc nắm được công nghệ chế tạo tàu tiên tiến này sẽ giúp ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam tiến lên một tầm cao mới, có quyền mơ đến việc đóng những con tàu lớn hơn, hiện đại hơn.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast