Robot chiến đấu thay đổi hình thức tác chiến thông thường

Không còn là chuyện viễn tưởng trên phim ảnh, robot chiến đấu đã bắt đầu tham chiến và chúng được cho là sẽ thay đổi hình thức tác chiến thông thường.

Thay đổi hình thức tác chiến

Robot quân sự sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến chiến tranh tương lai? Các chuyên gia nghiên cứu quân sự cho rằng, không giống với việc nâng cao hiệu suất sản xuất, các robot khi được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự sẽ nâng cao hiệu quả tác chiến.

Trước mắt, việc sử dụng robot trong quân đội Mỹ đã đem đến năng lực tác chiến nhất định. Thống kê cho thấy, tính đến năm 2007, quân đội Mỹ đã đưa ít nhất 10 robot thông minh hoạt động tại chiến trường Iraq và Afghanistan.

Kể từ năm 2003, quân đội Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu cải tiến robot chiến đấu Talon trên cơ sở nguyên bản của robot này với chức năng thực hiện nhiệm vụ trinh sát và rải mìn.

robot chien dau thay doi hinh thuc tac chien thong thuong

Robot chiến đấu Avatar của Nga được thiết kế với 2 chế độ: Độc lập tác chiến và con người điều khiển.

Sau khi cải tiến, Talon có thể mang súng trường tự động M240 hay M249. Ngoài ra, nó còn được lắp đặt máy ảnh và ống nhòm nhìn đêm. Talon đủ khả năng thực hiện 24 giờ chiến đấu liên tục, hiệu quả tác chiến cao hơn nhiều so với binh sỹ thông thường.

Việc sử dụng số lượng lớn robot quân sự sẽ nâng cao khả năng sinh tồn của binh sỹ trên chiến trường. Trong một số cuộc chiến tranh cục bộ gần đây, các robot quân sự như thiết bị trinh sát không người lái, vũ khí siêu nhỏ tự động, xe xử lý bom mìn... đã được đưa vào sử dụng rộng rãi giúp giảm bớt tỷ lệ binh sỹ thương vong.

Ngoài ra, các robot này còn được triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như tác chiến trong môi trường đô thị và chống khủng bố. Để giảm bớt mức độ nguy hiểm cho binh sỹ, trong chiến tranh Iraq, quân đội Mỹ đã điều robot Sword chủ yếu sử dụng trong tác chiến đô thị. Bên cạnh đó, Mỹ còn nghiên cứu, phát triển robot cầm tay PackBot có tính năng trinh sát, tìm kiếm các khu vực hang động, bên trong khối kiến trúc hay đường thoát nước.

Nhằm tăng cường khả năng tác chiến linh hoạt cho binh sỹ, thích ứng yêu cầu hình thái mới trong chiến tranh tương lai, xét từ góc độ thực hiện chiến đấu, các robot quân sự về cơ bản đã bao quát 4 môi trường tác chiến lớn ngoại trừ không gian điện từ.

Mỹ hiện nay đã nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ robot quân sự thực hiện nhiệm vụ trong môi trường trên biển, trên đất liền và trên không, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh "robot hóa chiến tranh". Chiến binh robot chiếm ưu thế hơn hẳn trên các mặt đột kích, tiến công chính xác, tác chiến trong thành phố so với binh sỹ thông thường.

Trong "Công nghệ chiến lược thế kỷ 21" của Mỹ có đoạn viết: "Vũ khí trung tâm của tác chiến mặt đất trong thế kỷ 20 là xe tăng, trong thế kỷ 21 rất có thể là robot quân sự" cho thấy, trong tương lai gần, tác chiến "không người" sẽ xuất hiện trong không gian 3 chiều, cuối cùng sẽ tạo ra cuộc cách mạng làm thay đổi căn bản phương thức tác chiến hiện nay.

Tuy nhiên, dù Mỹ đi tiên phong nhưng lại bị đánh giá là đạt được ít thành tựu hơn so với Nga trong công nghệ tối tân này. Tại cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, lần đầu tiên Nga mang robot chiến đấu tham chiến và đã đạt được kết quả không ngờ. Và chính thức trở thành đối trọng với Washington.

Cuộc đua nóng bỏng

Bắt đầu từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, các nước trên thế giới đã đầu tư mạnh cho phát triển các loại vũ khí thông minh, trong đó có robot quân sự. Hiện nay có người còn cho rằng, dựa vào việc sử dụng trên quy mô lớn robot quân sự, nhân loại sẽ bước vào thời đại chiến tranh “không người hóa”.

Là một cường quốc quân sự, Nga cũng không hề chịu lép vế trước các quốc gia khác trong ứng dụng robot quân sự. Năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga đã xây dựng, thông qua bản kế hoạch nghiên cứu, phát triển hệ thống robot và ứng dụng vào lĩnh vực quân sự; trong đó xác định, giai đoạn 2017 - 2018 sẽ bắt đầu biên chế số lượng lớn robot trong lực lượng vũ trang của mình.

Theo thống kê, hiện nay, quân đội của hơn 60 quốc gia trên thế giới được trang bị robot quân sự với hàng trăm chủng loại khác nhau. Dựa trên phân tích của các chuyên gia, dự đoán đến năm 2025, chiến binh robot sẽ chiếm 30% tổng quân số lực lượng vũ trang LB Nga. Đến năm 2040, trong biên chế quân đội Mỹ sẽ có tới hơn 1 nửa số binh sỹ là robot.

Trước tương lai không xa về những đội quân robot chiến đấu thực sự trong quân đội các nước, Toby Walsh – Giáo sư chuyên trách về Trí thông minh nhân tạo tại Đại học New South Wales cảnh báo: "Sự phát triển hệ thống vũ khí tự động chết người không hề khôn ngoan, trái với luân thường đạo lý và nên bị cấm trên quy mô toàn cầu".

Khác với thỏa thuận cấm vũ khí hóa học đã được 192 quốc gia ký kết, hệ thống vũ khí tự động là một lĩnh vực rộng lớn. Ranh giới giữa vũ khí do con người điều khiển và vũ khí hỏa lực tự động là khá mơ hồ, và nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ, đã bắt đầu lợi dụng tìm cách vượt qua giới hạn đó.

Ngoài ra, các kỹ thuật như máy bay và các phương tiện sử dụng trên mặt đất robot đã chứng minh khả năng hữu dụng đến mức các lực lượng vũ trang cho phép chúng hoạt động độc lập hơn, bao gồm cả việc giết người. Và đây chính là nguy cơ lớn với con người một khi mất kiểm soát với chúng.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast