8/3 - Tôn vinh bằng sự chia sẻ từ trái tim

(Baohatinh.vn) - Nhà triết học Simone de Beauvoi đã nói rất hay: “Người ta sinh ra không là đàn bà, người ta trở thành đàn bà”, có nghĩa, chính trật tự nam quyền đã tạo nên thế đối lập và đưa tất cả giới tính nữ thành “giới thứ hai” sau nam giới, trong khi không giới nào có trước giới nào. Cả loài người đã quen theo con đường ấy và hậu quả là, phụ nữ luôn khao khát để tìm kiếm nữ quyền. Câu chuyện nữ quyền là câu chuyện hệ trọng, thuộc thượng tầng ý thức, nay chỉ xin mở ngỏ mấy lời chung quanh đời sống chị em thường nhật.

Tôn vinh một ngày rồi có thể đâu lại vào đấy, bản chất vẫn là sự thấu hiểu, chia sẻ và thông cảm cho những người phụ nữ. Một ngày tôn vinh là một lần thức nhận. Nấu thay vợ bữa ăn, giặt giũ quần áo, tặng một bông hồng hay một món quà, món tiền… tất cả đều mang ý nghĩa đẹp. Nhưng có lẽ, chúng ta nên đằm thắm để sẻ chia với chị em nhiều hơn là những gì chúng ta đã nghĩ, đang làm, và tự tin rằng mình có thể là đã trở thành một… chuẩn mực.

8/3 - Tôn vinh bằng sự chia sẻ từ trái tim ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Phân công lao động là lí do cơ bản tạo nên sự phân biệt giới. Cùng với lao động, đàn ông có nhiều thú vui, đôi khi là do sự tác động của xu thế xã hội, ngay cả những lí do hầu như đã được hợp thức hóa một cách bất thành văn bản: gặp gỡ, trao đổi công việc khi hết giờ hành chính. Những thời gian ấy, đa phần chị em dồn vào việc gia đình. Hầu hết chị em phải giành một khoản thời gian khá lớn cho việc bếp núc, chăm sóc con, lo lắng cho chồng. Đó cũng là lí do chị em thiếu sự giao lưu, gặp mặt, trong khi, đó cũng là một nhu cầu. Chuyện này không còn là mới, bởi suy cho cùng, sự phân công lao động một cách thầm lặng trong gia đình theo kiểu: vợ nấu ăn, giặt giũ, cho con ăn…; chồng làm việc, lo lắng về nguồn thu cho gia đình. Xét ở mặt nào đấy cũng là hợp lí.

Tuy nhiên, cái mất mát, hao hụt về tình cảm gia đình, sự sẻ chia chân thành giữa hai giới… hẳn là mỗi người có thể cảm nhận được. Với đàn ông, đôi khi có các thứ khác bù lại và hầu hết, đàn ông không phải motif trọng tình, duy cảm mà thường là trọng lí (lí tính), trong khi phụ nữ thì ngược lại, chính điều này đã làm phương hại đến hình ảnh người chồng trong mắt vợ. Với người phụ nữ, mất mát, hao hụt về hình ảnh người chồng là một tổn thương dầu họ ít khi chia sẻ với người khác, trừ bạn thân nhưng là phụ nữ.

Chi phối bởi thời gian giành cho gia đình, nhiều người phụ nữ mất mát dần cả những sở thích chính đáng như: nghe nhạc, đọc sách và viết điều gì đó, có khi chơi đàn piano, chơi thể thao, thêu thùa, lựa chọn trang phục, phụ kiện… Điều đó làm cho họ dễ trở thành đơn điệu và thiếu sự mới mẻ ngay trong ngôi nhà của mình, trong khi đàn ông đã suốt ngày trông thấy vợ. Quan niệm bóng gió "cơm” và “phở”… có lẽ từ đấy mà sinh thành chăng? Tôi chợt nghĩ đến câu nói khôn ngoan của ông Chu Lai: “sợ vợ cũng là một giá trị của đàn ông”. Trong nhiều trường hợp, điều ấy có lẽ đúng. Cụ thể hơn, sợ ấy là tôn trọng, tôn trọng để “yêu” được vợ lâu hơn, bởi tình cảm của chồng thường làm cho người vợ tự trau chuốt và làm giàu đẹp mình. Hẳn nhiên, cái sự sợ ở đây không nằm trong motif truyện dân gian: vợ - giống sư tử hiếu chiến.

Đồng thuận giữa chồng và vợ đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có lẽ quyết định cho việc này là quan niệm về cuộc sống. Chẳng có một quan niệm đơn nhất, nhất loạt đúng, chẳng có một quan niệm đầy đủ bởi mỗi người có một trạng thái, một trái tim và mỗi dạng nhu cầu. Thời điểm hiện đại, con người cần nhiều tiền, nó sẽ giải quyết những bài toán có khi liên quan đến tình cảm, kiểu như: thương ai phải kèm theo quà biếu… nhưng tiền đôi khi không phải là tất cả. Nhiều cặp vợ chồng chọn cuộc sống hài hòa giữa phân bố thời gian lao động, làm ra tiền và thời gian giành cho gia đình, đấy là sự chia sẻ của đôi bên. Nói điều này để thấy, phụ nữ cũng phải gánh trách nhiệm trong việc … “tu sửa” người chồng theo hướng “trở về với gia đình” khi có một quan niệm đẹp và một ứng xử đúng.

Khát vọng của chị em, quan niệm của chị em có phần tác động không nhỏ, đành rằng nhu cầu của đàn ông cũng có sức mạnh lấn át. Một ví dụ đơn giản: khi chị em rốt ráo vì tiền, lòng tự trọng của đàn ông buộc họ phải vắt chân lên cổ, lúc ấy, về tâm lí, họ sẽ chẳng thể nào dõi theo những ứng xử của chị em. Nghi vấn đặt ra ở đây có thể là: sự chia sẻ của chị em đối với anh em chính là hành động tạo nên sự tôn trọng, yêu thương của người chồng đối với người vợ! Xin đừng đặt ra căn cơ: điều nào có trước, điều nào có sau trong hai điều: vợ phải chia sẻ hay là chính người chồng phải “ý thức” được tình yêu với vợ, sự chăm lo cho gia đình. Bởi thế, nhiều người vợ đã kết luận chắc như đinh đóng cột: “chồng tôi đã hết yêu tôi”. Điều ấy liệu có dại dột?

Cái sự hòa hợp luôn là bài toán khó giải. Tôn vinh chị em cốt là để làm đẹp thêm một nửa của cuộc đời. Cuộc đời cần chị em như cây cần có nước. Chị em đẹp sẽ làm đẹp cho cuộc sống gia đình và cho xã hội. Anh em cần chia sẻ để cuộc tôn vinh kéo dài, nhưng đôi khi phía chị em cũng cần có quan niệm đúng. Bình đẳng giới không phải là đấu tranh đả phá đàn ông mà là một chu trình làm cho đàn ông hiểu và tôn trọng các giá trị của người phụ nữ. Đến đây tôi nhớ một mẩu truyện rất sâu sắc của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: một người ra hiệu sách cũ chọn mua, thấy nhiều sách có đề tặng nhưng sách còn mới, chợt nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ cũng như cuốn sách vậy.

Mẩu truyện cho thấy nhiều ẩn ý, trong đó cái đáng nói là những vẻ đẹp của phụ nữ mãi là bí ẩn đối với đàn ông. Có thể chăng: hãy chia sẻ để tìm ra vẻ đẹp lấp lánh như trang sách dấu kỹ, chỉ đọc nó mới thấu hiểu, đồng cảm và thêm yêu cuộc đời!!!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast