An toàn vệ sinh thực phẩm và “quả bóng” trách nhiệm

(Baohatinh.vn) - Với người dân hiện nay, đi chợ mua thực phẩm không biết đường nào mà lần vì nhiều thực phẩm còn trôi nổi, không rõ nguồn gốc; không có khuyến cáo của các cơ quan chức năng... Đặc biệt, tại chợ TP Hà Tĩnh, điều này càng thể hiện rõ. Người đi chợ không còn niềm tin vào thị trường thực phẩm.

Câu chuyện về giá đỗ

Giá đỗ là một thực phẩm tốt được nhiều người ưa dùng. Tuy nhiên, câu chuyện về việc làm giá đỗ gần đây khiến nhiều người e ngại.

Đó là những câu chuyện truyền tai nhau về cách sử dụng thuốc và chọn đỗ để làm giá đẹp. Họ cho rằng, người làm giá đang sử dụng thuốc kích thích của Trung Quốc để rút ngắn thời gian ủ và cho giá lên đều, đẹp… Chưa rõ thực hư nhưng những câu chuyên như thế còn được biểu hiện ở nhiều mặt. Người bán giá khuyên người mang bầu không nên ăn giá, không bán cho người quen, thân… Các loại giá đỗ được bán phổ biến khác so với các loại được ủ theo cách truyền thống: đều, đẹp hơn, mập hơn và rất ít rễ…

Một người bán giá tên H. ở chợ TP Hà Tĩnh cho biết: Làm giá theo cách truyền thống giờ rất ít vì khó và ít lời. Để giá lên đẹp đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó độ sạch của đỗ và thời tiết rất quan trọng. Giá của bà H. trông rất xấu. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì dễ nhận thấy những mầm giá này rất khác so với các loại giá trên thị trường. Xấu hơn, khẳng khiu hơn và đặc biệt là rễ dài hơn. Tôi hỏi về hiệu quả kinh tế, bà cười: Bà về hưu nên làm cho vui thôi. Mỗi tháng nếu bán thường xuyên thì lãi khoảng 1-1,5 triệu đồng. Khó làm lắm!

Điều này có thể giải thích vì sao ngay tại các chợ vùng nông thôn cũng vắng các loại giá như thế này từ lâu. Giá đỗ trên thị trường toàn tỉnh hiện nay chủ yếu được lấy từ các đầu mối. Người bán chủ yếu là người bán buôn chứ không phải là người làm giá.

Dư luận đang hồ nghi: giá đỗ chủ yếu trên thị trường hiện nay không đảm bảo ATVSTP? Thực trạng này đã kéo dài từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đáng tiếc là chưa thấy các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh và khuyến cáo người tiêu dùng.

“Đá bóng” trách nhiệm?

Tại chợ TP Hà Tĩnh, khoảng 3h sáng đã tấp nập những chuyến hàng ngoại tỉnh về tập kết và phân phối, chủ yếu là rau, củ, quả. Tuy nhiên, nguồn gốc hàng hóa chỉ có chủ hàng mới biết. Người lấy hàng chỉ chú ý đến những mặt hàng mình cần và giá cả, không quan tâm đến nguồn gốc. Chị N.T.L, một người buôn bán lẻ đến từ Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) cho biết: “Bao năm rồi chị chủ yếu lấy hàng ở đây. Rau, củ, quả giá rẻ, phù hợp với thị trường nông thôn. Hơn nữa đảm bảo hàng thường xuyên. Rau, củ, quả của bà con nông dân Hà Tĩnh sản xuất vừa đắt, hiếm, về nông thôn khó bán, lại mau hỏng”.

Việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các loại rau, củ, quả tập kết và phân phối tại chợ TP Hà Tĩnh vẫn còn bị bỏ ngỏ
Việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các loại rau, củ, quả tập kết và phân phối tại chợ TP Hà Tĩnh vẫn còn bị bỏ ngỏ

Những chuyến xe chở hàng về chợ TP Hà Tĩnh không chỉ cung cấp cho các tiểu thương ở chợ mà còn phân phối về hầu hết các địa phương trong tỉnh. Về nguồn gốc, theo những người buôn bán, rất đa dạng, từ miền Nam, miền Bắc. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là hàng Trung Quốc. Qua tìm hiểu, được biết, các mặt hàng này có “tuổi thọ” khá cao, ít hư hỏng, chẳng hạn như khoai tây Trung Quốc…

Câu hỏi đặt ra là liệu có phải các mặt hàng rau, củ, quả được nhập từ xa về đều sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm vượt ngưỡng? Trong nhiều cuộc tiếp xúc với các ngành chức năng gần đây, hỏi về thực trạng này, hầu hết mỗi ngành đều có lý do riêng. Chi cục ATVSTP thuộc ngành Y tế thì cho rằng, trách nhiệm chính của y tế là ở “bàn ăn”. Phòng Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) thì lý giải, khu vực chợ thành phố thuộc về Chi cục Quản lý thị trường, ngành nông nghiệp có nhiệm vụ kiểm soát từ trang trại và các chợ đầu mối (nhưng chợ TP Hà Tĩnh chưa phải là chợ đầu mối). Còn Chi cục Quản lý thị trường thì có những lý do khác. Thứ nhất, thiếu nhân lực; thứ hai, chuyên môn của Chi cục chủ yếu kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ chứ không phân tích được các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong thực phẩm như ngành nông nghiệp để khuyến cáo!?

Việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các loại rau, củ, quả tập kết và phân phối tại chợ TP Hà Tĩnh vẫn còn bị bỏ ngỏ. Bấy lâu, xe cứ lũ lượt về tập kết hàng và phân phối mà chưa có ngành chức năng nào đứng ra kiểm tra, kiểm soát, chỉ duy nhất có chợ TP Hà Tĩnh thu thuế vào ra và thuế bán hàng. Như vậy, “quả bóng” trách nhiệm vẫn còn được đá qua đá lại giữa 3 ngành chức năng trong khi hàng ngày, hàng giờ, người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ngộ độc. Càng băn khoăn hơn nữa khi không ít trường mầm non, tiểu học tổ chức ăn bán trú trên địa bàn đều lấy thực phẩm từ nguồn cung cấp này. Thiết nghĩ, tỉnh cần nhanh chóng chỉ đạo cụ thể để các ngành chức năng vào cuộc một cách thực chất, kịp thời kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa và khuyến cáo đối với người tiêu dùng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast