Anh lặng lẽ giữa hai bờ cảm xúc...

Nhiều lúc tôi cứ tự nghĩ có lẽ con người này nếu thiếu thơ một ngày chắc ông sẽ không chịu nổi, thơ với ông đã thành người bạn gắn bó như bóng với hình. Hơi thở cuộc sống và nguồn cảm xúc dồi dào mà ngòi bút tuôn chảy từ rung động con tim đã làm nên một nhà báo Minh Nho suốt đời có duyên nợ với thơ.

- Ghi chép -

Đến với thơ bắt đầu từ ca dao

Tôi đến với thơ của ông bắt đầu từ chùm thơ đăng trên báo tết Hà Tĩnh năm 1975 gồm ba bài thơ: "Hươu sao", "Cọ dầu" và "Ong''. Trang thơ ấy có nhiều bài nhưng bây giờ tôi vẫn nhớ trọn vẹn những bài thơ của Minh Nho, bởi một nhẽ lời thơ chân tình mà sâu lắng, tứ thơ gợi hình gợi cảm. Gia đình tôi lúc đó nuôi hươu nên bài thơ "Hươu sao" lại càng khiến tôi khâm phục khi Minh Nho mô tả : " Nhung hồng mọc tựa chồi cây. Tấm lưng tròn lẳn nở đầy ánh sao. Ngỡ như sao tự trời cao. Thấy vui bay xuống đậu vào lưng hươu ".

Gần một năm sau nhờ Nguyễn Trọng Tạo làm "môi giới" lần đầu tiên tôi tìm được địa chỉ toà soạn báo Hà Tĩnh để được tiếp cận với Duy Thảo ( lúc đó làm thư ký toà soạn). Buổi chiều tháng chạp hôm ấy có lẽ là kỷ niệm sâu lắng nhất trong cuộc đời tôi. Vừa đi nhà in về, Duy Thảo gọi ngay ông Minh Nho đang ở phòng chú Như Đàm. Minh Nho - tác giả mà tôi đang khao khát gặp xuất hiện trước mặt tôi, với chiếc áo bludong tô châu, mái tóc đen hơi xoăn, hàm răng trắng đều như hạt ngô bắp. Ông cười và nói chuyện còn duyên hơn cả thơ ông viết. Anh Duy Thảo giới thiệu : " Đây là anh Liêm quê ở Sơn Tân huyện Hương Sơn nhà cậu đấy, hiện nay anh Liêm là phó Tổng biên tập báo Hà Tĩnh ". Ông Liêm nói ngay " Thôi cậu đừng giới thiệu chức danh làm gì cho thêm quan trọng ra, bây giờ anh muốn em đọc cho anh nghe một số bài thơ mới viết". Nghe ông nói thế tôi nổi hứng đọc 5 bài thơ liền. Là một cậu lính chưa đầy 18 tuổi lúc đó tính cách hồn nhiên, chân thật vụng về, tôi kể hết chuyện làm thơ của tôi cho ông nghe. Tôi nói " Trong bộ đội họ khắt khe lắm, chín giờ đã phải tắt đèn đi ngủ rồi, nên nghĩ được tứ thơ nhiều đêm phải bật đèn pin dậy chép trên giường ngủ không quên mất ". Ông khuyên tôi " Làm thơ đã khó chung thuỷ với thơ trọn đời lại càng khó, không có một trái tim thực sự trước cuộc sống thì không thể có thơ hay được. Em cố gắng đọc nhiều thơ và rèn làm thơ như tập thể dục thì mới nuôi được cảm xúc bền vững ".

Rồi Minh Nho bắt đầu kể cho tôi nghe cuộc hành trình của ông đến với thơ ca. Càng nghe ông tự bạch tôi càng hiểu nhà thơ cũng giống nhà làm kinh tế phải có "vốn" nhưng không phải là tiền bạc mà "vốn chữ nghĩa". Cái vốn đó không ai đưa đến cho mình mà mình phải tự tìm lấy. Tìm lấy sách mà đọc, tìm lấy bạn thơ mà chơi. Hồn cốt và tinh tuý thơ ca không ở đâu xa lạ mà từ trong cuộc sống nhân dân, từ những người chân bùn tay lấm làm ra hạt lúa củ khoai. Ông bảo tôi : " Lớp trẻ như bọn em bây giờ đã nhập cuộc với thơ mới và tiếp cận với những nhà thơ tên tuổi trên thế giới nhưng đừng quên tục ngữ, ca dao, dân ca ".

Ông phân tích hồn cốt ca dao được phóng thích sự sáng tạo lên ngàn lần qua Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn khắc hoạ tiễn người chồng ra đi " Thuở trời đất nổi cơn gió bụi ". Ông Minh Nho nói " Những người vĩ đại nhất của thi ca Việt Nam từ Nguyễn Du, Đặng Trần Côn , Nguyễn Đình Chiểu đến Tố Hữu đều bắt rễ và nẩy nở tài năng qua tâm hồn nuôi dưỡng bằng ca dao". Thế rồi tôi hiểu được điểm xuất phát của Minh Nho đến với thơ bắt đầu bằng thuộc lòng những đoạn ca dao qua lời ru của mẹ. Ông may mắn hơn mọi người khi những cánh cò, dòng sông, cây đa bến nước, con đò từ sâu thẳm trong ca dao lại được hiện hữu ở vùng quê Sơn Tân ông sinh trưởng. Từ tiếng vọng gọi đò trong đêm khuya thanh vắng đến vạt áo nâu sồng trên đồng ruộng và cả quả cà dầm tương đã thôi thúc ông viết những dòng đầu tiên trong cuộc đời bằng những câu ca dao.

Minh Nho và các đồng nghiệp Báo Hà Tĩnh
Minh Nho và các đồng nghiệp Báo Hà Tĩnh

Ông kể tôi nghe niềm vui đầu tiên khi được có tên trong tập sách "Trên quê hương Trần Phú" do Ty Thông tin Văn hoá Hà Tĩnh chỉ với sáu câu ca dao cổ động phong trào thanh niên làm bèo dâu bón ruộng. Sáu câu ca dao ấy lại được tiếp tục phát lại nhiều lần bằng loa cổ động. Kể từ đó trở đi Minh Nho sáng tác đến hàng trăm bài ca dao, nhiều bài ca dao của ông đã in đều đặn trên Báo Văn Nghệ , Thời sự Phổ thông , Nhân dân, Quân đội nhân dân và báo Hà Tĩnh. Phải đến 15 năm sau khi Hội Văn nghệ Hà Tĩnh đã đủ sức để tuyển chọn in thành sách cho các tác giả, Minh Nho - một trong những người đầu tiên tham gia sáng lập hội văn nghệ Hà Tĩnh - mới được chọn in 20 bài ca dao trong tập " Cành xanh- lá xanh " cùng với 4 tác giả khác.

Cảm xúc theo nhịp sống

" Đối với lao động báo chí Minh Nho là con ong cần mẫn, đối với thơ ông là người thuỷ chung và giàu cảm xúc chân thành. Ông luôn cố tìm cho mình những hình ảnh mới và cố giử cho thơ mình không già nua theo tuổi tác ". Đấy là lời nhận định của anh Duy Thảo một người bạn báo, bạn thơ đã gắn bó với ông trong suốt cuộc đời.

Chiều tháng sáu đượm nắng mùa hè năm nay tôi tìm đến nhà riêng của anh Duy Thảo để khai thác thêm những tư liệu quý về ông, những cuốn sách thơ thưở xưa mà ông tặng hiện đang còn nằm trên giá sách bạn bè. Cầm tập thơ " Mai em về " Duy Thảo đưa tôi bất giác tôi lại thấy hình bóng nhạc sĩ Trần Hoàn trong đêm thị xã Hà Tĩnh gần hai thập kỷ qua.. Đôi lông mày của người nhạc sĩ nhíu lại, dưới mái tóc hoa râm ông cầm đàn và hát say sưa bài hát " Mai em về Hà Tĩnh " phổ nhạc của Minh Nho, lần đầu tiên trưng diễn ở nhà Trung tâm văn hoá tỉnh Hà Tĩnh cho công chúng và bạn bè nghe trước khi ghi vào đĩa Đài tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ Trần Hoàn nói : " Tôi thật sự xúc động khi được đọc bài thơ này trên báo. Bài thơ nhắc lại một thời đầy gian khổ mà tình người đẹp vô cùng : " Bát cơm chưa đầy đặn. Bao lần phải sẻ san. Nắng lửa và mưa chan. Dựng nên làng nên phố.". Có một lần một bạn văn ở Hà Nội ngồi uống trà và hỏi ông Minh Nho " Anh lúc đó công việc đổ dồn ngập đầu, làm sao lại có bài thơ lay động lòng người đến vậy?.". Minh Nho cười " Cậu hỏi thế mình khó trả lời lắm. Đúng đêm đó mình không sao ngủ được vừa viết bài xã luận " Chia tỉnh nhưng không chia tình " để báo Hà Tĩnh kịp ra số đầu tiên, tự dưng tứ thơ vụt dậy mình viết bài thơ đó chưa đầy một tiếng đồng hồ ".

Nhà báo, nhà thơ Minh Nho và người bạn đời của mình
Nhà báo, nhà thơ Minh Nho và người bạn đời của mình

Tôi nhớ một kỷ niệm ngày đến thăm ông khi trụ sở Báo Nghệ Tĩnh còn đóng ở xóm Phong Toàn - Nghi Phú. Căn phòng làm việc của ông lúc đó cũng là chỗ tá túc của gia đình ông buổi mới nhập cư. Gian nhà chật chội tới mức bên chồng bản thảo và sách báo dưới gầm giường là xủng xoảng soong, nồi, xô, chậu..Tôi thấy ông đang mặc áo may ô, quần cộc và miệng đang lẩm nhẩm .. thơ. Vừa thấy bóng tôi ông reo lên : " Cải ơi vào đây anh đọc cho em nghe bài thơ mới sáng tác. Anh vừa đi lao động cùng cơ quan ở trên Tân Kỳ về ..". Ông giải thích cho tôi hiểu thêm cơ quan hiện nay thiếu gạo tới 2 tháng, được huyện uỷ Tân Kỳ giúp đỡ cho đất nên anh em lên đó khai hoang trồng ngô. Chao ôi nhắc lại cái thời 1979-1980 ấy bây giờ ngẫm lại vẫn thấy thương cho những đồng nghiệp " khốn khổ ". Minh Nho lúc ấy lại càng vất vả hơn bởi vợ yếu, con đông. Nhưng bài thơ " Sắc lá " ông đọc say sưa cho tôi và nhờ góp ý nghiêm túc, chân thành cho ông từng câu từng chữ. Hôm đó hai người say sưa tới mức dường như trên chỉ có trời, dưới đất chỉ có thơ. Tôi khoái nhất khi bắt gặp những hình ảnh " Bông ngả nghiêng cười trong nắng loá ". Khi ông thả hồn mình lãng mạn cùng cô gái đang trên cánh đồng ngô " Bãi ngô dài hút mắt em ơi. Em đừng sợ mặt trời mau xuống núi ". Minh Nho tả thực bằng những điều mắt thấy tai nghe dưới những nét vẽ đầy quyến rũ của một tâm hồn thi sĩ : "Dưới chân lèn trong vắt giếng tiên/ Các cô gái trồng ngô về tắm gội / Gió thả hương ngô hong làn tóc rối/ Tiếng cười lay động cả lèn cao ".

Minh Nho thường tâm sự với giới trẻ cuộc đời ông cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc nhất khi được làm báo và làm thơ đến trọn đời. Riêng Minh Nho trái tim "có 3 phần tươi đỏ" rõ rệt : một phần dành cho tư duy công tác lãnh đạo, một phần tư duy báo chí và một phần tư duy thơ ca. Lúc đến tuổi về hưu trái tim lại được thay hình đổi hướng rõ rệt 2 nửa đều nhau, một nửa dành cho báo, một nửa dành cho thơ. Ông bảo với bạn bè "Mình sẽ viết đến lúc nào trái tim ngừng đập mới chịu từ giã nghề báo, nghiệp thơ".

Cuộc gặp gỡ giữa Minh Nho với giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Cuộc gặp gỡ giữa Minh Nho với giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Càng gắn bó với cuộc sống đời thường càng tìm thấy ở ông tình cảm mênh mông chan chứa với bao người. Minh Nho có thể làm thơ ngay trên đường đi, làm thơ trên cánh võng hay trong cuộc hội nghị vừa tan. Một lần đi hội thảo báo chí tại Bình Định, khi đi gần hết địa phận Quảng Bình dừng nghỉ trưa ít phút trong bóng râm bắt ngờ gặp một người phụ nữ cầm một bó sen hồng từ dưới đầm bước lên. Ai ngờ cuộc trò chuyện với mấy người khách vãng lai ấy, người phụ nữ chân quê tốt bụng ấy đã dành tặng anh em trong xe mỗi nguời ba đoá sen hồng hương thơm ngan ngát. Nghĩa tình ấy làm rung đọng trái tim ông Minh Nho, ngày hôm sau tại cuộc hội thảo có đông đảo đồng nghiệp báo miền Trung và Tây Nguyên ông đọc cho cả hội trường nghe bài thơ cảm xúc bất chợt về cô gái bên hồ sen. Bài thơ như một người thanh niên mới chớm nở tình yêu ban đầu chứ không phải là ông Minh Nho lúc đó đã ở tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh " Ngập ngừng ngỏ với cô em / Đường xa xin được tặng sen làm quà/ Mỉm cười hái mấy bông hoa/ Trao người khách đã ghé qua vườn mình ". Thi sĩ tưởng nói cái của mình nhưng không phải của mình, chính ông đã nói hộ cho tình yêu và khát vọng của tuổi trẻ. Người thi sĩ vừa "làm cánh chim hải âu cho tuổi trẻ trong biển cả tình yêu" và cũng có khi "mở đường bay mới".

Hơn 5 thập kỷ làm thơ với các tập đã xuất bản : Niềm vui của đất, Dòng Suối, Mai em về, Mây Trắng bạn đọc đã quý ông về sức lao động kiên trì trong sáng tạo nghệ thuật, càng mến phục ông hơn khi xuyên suốt mọi tập thơ, tập nào tập nào cũng chan chứa tình yêu quê hương đất nước và con người sâu lắng.

7- 2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast