Bạc như... Đá Bạc!

Với dung tích chứa 3 triệu m3 nước, hồ chứa nước Đá Bạc (phường Đậu Liêu - TX Hồng Lĩnh) chỉ "nhỏ như con thỏ" trong hệ thống hàng trăm công trình thủy lợi của Hà Tĩnh. Song, tình trạng thấm ở hạ lưu đập lại làm rúng động giới thủy lợi nước nhà khi đã cận kề mùa mưa lũ thứ 3 kể từ khi đưa vào sử dụng (tháng 1/2009), nguyên nhân gây hại công trình vẫn còn là ẩn số.

Nhà thầu khốn khổ

Trung tuần tháng 8, nghĩa là chỉ còn hơn một tháng nữa thôi là bước vào mùa mưa lũ chính vụ năm 2011, tôi trở lại Đá Bạc. Do chỉ được phép tích nước ở cốt 25m thay vì 29,8m như trước đây nên lượng nước trong hồ còn hơn phân nửa so với thiết kế 3 triệu m3 ban đầu, nhưng không vì thế mà giảm thiểu lưu lượng thấm tại vị trí bên phải đập (gần cống lấy nước); đặc biệt, tại khu lòng sông cũ, nước thấm qua thân đập vẫn ào ào chảy thành dòng.

Các chuyên gia đầu ngành thủy lợi Việt Nam đều đã xem xét nhưng vẫn chưa có câu trả lời cho hiện tượng nước thấm qua thân đập chảy thành dòng ở hồ Đá Bạc
Các chuyên gia đầu ngành thủy lợi Việt Nam đều đã xem xét nhưng vẫn chưa có câu trả lời cho hiện tượng nước thấm qua thân đập chảy thành dòng ở hồ Đá Bạc

Chị Phạm Thị Thúy Vinh là công nhân kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hồng Lam - một trong hai người được giao nhiệm vụ trông coi hồ Đá Bạc, cho biết, công việc hàng ngày ở đây là đo mực nước trong lòng hồ và theo dõi những dấu hiệu bất thường của hồ để kịp thời báo lên trên. Trong hai trận lũ lịch sử năm 2010, nhờ có tràn mới nên hồ Đá Bạc mới thoát nạn chứ nếu không thì chưa biết điều gì đã xẩy ra.

Nói đoạn, tôi hướng sang phía tràn xả sâu. Hà Tĩnh hiện có hàng trăm hồ chứa các loại nhưng Đá Bạc là hồ duy nhất có tới 2 tràn xả lũ. Sở dĩ như vậy là bởi, để đảm bảo an toàn cho đập chính, từ giữa tháng 9/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hạ thấp mực nước hồ Đá Bạc bằng việc xây dựng thêm một tràn xả sâu (ở cốt nước 25m) bên cạnh tràn xả lũ chính (cốt nước 29,8 m). Theo đó, tràn có ngưỡng tràn dài 7m cắt ngang dạng kênh hình chữa nhật kích thước 4x4m, kết cấu bê tông cốt thép; trên ngưỡng tràn bố trí 2 trụ bin kích thước 0,6x2,3x2,45m, bố trí cửa van phẳng điều tiết với kích thước 4,4x4m kết hợp với tường ngực có kích thước 4x2,6x0,3m, bên trên có giàn van công tác...

Thế nhưng, đã gần 2 năm kể từ khi được bổ sung xây dựng theo giải pháp xử lý trước mắt (từ tháng 9/2009), đến nay, hạng mục này vẫn chưa thể hoàn chỉnh (còn phần lắp cửa điều tiết) do không có nguồn để giải ngân cho đơn vị thi công dù chỉ một đồng.

Ông Phạm Liêu - Giám đốc doanh nghiệp xây dựng tư nhân Trường Tiến, than vãn: "Đơn vị chúng tôi đã phải sống dở chết dở với công trình này. Trước khi bắt tay thi công tràn, cả Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh (lúc đó là ông Đinh Quốc Thị) và Phó BQL các công trình XDCB thị xã (ông Nguyễn Quế) đều khẳng định vẫn còn 1,3 tỷ đồng (trên tổng số 3,2 tỷ đồng giá trị công trình) trong tài khoản. Tuy nhiên, khi thi công được một thời gian, đơn vị xin ứng vốn thì chủ đầu tư cứ khất hết lần này đến lượt khác và kéo dài... gần 2 năm nay.

Cùng chung cảnh ngộ với Doanh nghiệp xây dựng tư nhân Trường Tiến là Công ty TNHH xây dựng Xuân Hà khi bản hợp đồng gói thầu 2 - xử lý thấm hạ lưu suối; gia cố hạ lưu cống lấy nước; đắp phản áp hạ lưu vai phải đập; gia cố tiếp giáp mái thượng lưu vai trái - trị giá hơn 550 triệu đồng, đến nay, vẫn chưa được thanh toán.

Hội đồng ngồi trông

Sau khi hoàn thành xử lý trước mắt với việc làm thêm tràn xả sâu và sửa chữa một số vị trí thấm đập như đã nói trên, từ tháng 6/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo việc xác định nguyên nhân, trách nhiệm của chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra sự cố thấm đập trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đá Bạc; đồng thời có giải pháp đảm bảo an toàn bền vững cho công trình.

Làm thêm tràn xả sâu chỉ để đảm bảo an toàn trước mắt nhưng không khai thác hiệu quả lượng nước của hồ Đá Bạc
Làm thêm tràn xả sâu chỉ để đảm bảo an toàn trước mắt nhưng không khai thác hiệu quả lượng nước của hồ Đá Bạc

Theo đó, Hội đồng xác định nguyên nhân thấm hồ Đá Bạc được hình thành do một lãnh đạo Sở NN&PTNT làm Chủ tịch, 1 lãnh đạo Sở Xây dựng làm Phó Chủ tịch Thường trực và một số cán bộ phòng chuyên môn thuộc các ngành này làm thành viên.

Trong công văn 2109 ngày 16/8/2010 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về báo cáo quá trình thực hiện xác định nguyên nhân thấm của hồ Đá Bạc do ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch hội đồng, nêu rõ: Do yếu tố về con người và thiết bị của Hội đồng không đủ điều kiện để xác định nguyên nhân thấm, mà cần phải thuê một đơn vị tư vấn độc lập có đủ các điều kiện, năng lực để thực hiện là Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Thủy lợi), với dự toán 835,3 triệu đồng (quy tròn).

Ông Trần Mạnh Cường - Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN&PTNT), thành viên Hội đồng xác định nguyên nhân hồ Đá Bạc, cho biết, đề cương của đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu, đánh giá tình hình thấm, an toàn đập của toàn bộ công trình trên cơ sở tài liệu khảo sát thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình từ năm 2005 - 2010. Tư vấn cũng sẽ khảo sát, thu thập các tài liệu hiện trạng công trình về địa hình, địa chất, các thông số thí nghiệm hiện trường, trong phòng và các kết quả đo đạc khác nhằm tìm ra nguyên nhân gây thấm gồm: thấm qua 2 vai đập đất tại tiếp giáp thân đập với sườn đồi và thấm qua sườn đồi; thấm qua móng đập (thấm phía bên dưới tường xi măng đất với lớp đá gốc, thấm do chất lượng tường xi măng đất không đảm bảo do thi công, thấm qua khe nứt tường xi măng đất do các biến dạng gây ra, thấm từ lỗ hổng do hiện tượng ăn mòn xi măng đất của nước ngầm); thấm qua thân đập (thấm qua tường nghiêng và lớp vải địa kỹ thuật); đánh giá nguyên nhân thấm và vị trí thấm, mức độ ảnh hưởng tới chất lượng, an toàn công trình và đề xuất phương án xử lý; xác định cao trình địa tầng các lớp địa chất tại các vị trí hố khoan khảo sát.

Cũng theo ông Cường, với trách nhiệm được giao, Hội đồng đã tích cực làm việc để trong thời gian ngắn đã cùng đơn vị tư vấn lập và trình phê duyệt đề cương, dự toán để UBND tỉnh xem xét quyết định. Song, kể từ khi có công văn báo cáo kèm theo tờ trình đến nay đã tròn 1 năm nhưng Hội đồng chưa nhận được phản hồi từ UBND tỉnh nên tiến độ công việc xác định nguyên nhân vẫn "dẫm chân tại chỗ".

Lời kết

Từ xấp xỉ 25 tỷ đồng tổng mức đầu tư ban đầu, hồ chứa nước Đá Bạc được điều chỉnh lên gần 30 tỷ đồng và chưa biết sẽ còn tốn kém thêm bao nhiêu kinh phí cho việc đảm bảo an toàn bền vững cho công trình; đó là chưa kể những thiệt hại vô hình mà các doanh nghiệp phải gánh chịu.

Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm có phương án xử lý dứt điểm nguồn vốn để chủ đầu tư trả nợ cho các đơn vị thi công 2 gói thầu khắc phục tạm thời nhằm lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng trong điều kiện lạm phát kinh tế như hiện nay; trong đó, có việc Doanh nghiệp xây dựng tư nhân Trường Tiến sớm lắp đặt cửa điều tiết tràn xả sâu. Cùng đó là sớm quyết định việc tiếp tục xác định nguyên nhân nhằm không chỉ tìm ra giải pháp khắc phục lâu dài cho công trình hồ Đá Bạc mà còn trên cơ sở đó để xử lý trách nhiệm các bên liên quan.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast