Báo chí và thách thức "lộng giả thành chân" trong thế kỷ 21

Cuộc khủng hoảng tin tức giả mạo tràn lan và có tác động lớn đặt ra thách thức với các cơ quan báo chí cũng như những dịch vụ mạng xã hội trong nỗ lực mang lại sự thật cho độc giả.

bao chi va thach thuc long gia thanh chan trong the ky 21

Tin tức giả (fake news) không phải là điều mới mẻ, nhưng ông Mark Thompson, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc New York Times, chỉ ra rằng "hệ sinh thái số hóa đã phát triển trở thành một môi trường hoàn hảo cho các tin tức sai lệch hoặc bị bóp méo được lan truyền rộng rãi". Cuộc khủng hoảng fake news ngày càng gây lo ngại kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Nhiều nghiên cứu cho rằng một tỷ lệ đáng kể những bản tin không đúng sự thật được lan truyền trên mạng xã hội lại thu hút sự quan tâm của cử tri.

bao chi va thach thuc long gia thanh chan trong the ky 21
Tổng thống Mỹ Donald Trump vô cùng giận dữ trước những bản tin không đúng sự thật mà ông gọi là "fake news". Ảnh: Daily Beast.

Nhà báo góp phần tạo ra tin tức sai trái?

David Mikkelson, người sáng lập trang Snopes.com và là một trong các đối tác với Facebook kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội, nêu lên trách nhiệm của nhà báo đối với tình trạng fake news.

"Báo chí vốn dĩ phải tạo được niềm tin với công chúng bằng sự thật, nhưng một số diễn biến xấu đã phát sinh gần đây. Các phóng viên không phải lúc nào cũng có được sự thật đầy đủ trước khi xuất bản tin, bài. Bên cạnh đó, áp lực của thời đại báo mạng và sự cạnh tranh với mạng xã hội về việc lên tin sớm nhất khiến những bản tin này có thể sai sót", ông Mikkelson nói với Zing.vn.

"Nghiêm trọng hơn, "một số bài báo có chi tiết sa vào kích động cảm xúc của độc giả vì nó sẽ dễ thu hút lượt xem và lợi nhuận hơn, ngay cả khi nó không chính xác".

bao chi va thach thuc long gia thanh chan trong the ky 21

Theo Giáo sư Amy Eisman (Đại học American University, Mỹ), những câu chuyện có thể nhận biết là fake news từ chỗ rất hiển nhiên như các mẩu tin châm biến, hài hước trên các báo; hoặc những bài báo mắc sai sót về nội dung; thông tin quảng cáo thường không hoàn toàn phản ánh tất cả sự thật.

"Ở mức độ cao hơn là những bản tin hàm chứa ý tuyên truyền phục vụ cho một mục đích nhất định, như ngay trong giới truyền thông cũng có một số cơ quan "cánh tả", "cánh hữu". Một số bản tin mà tôi cho là "cố tình sai sót" về dữ liệu, thông tin để phục vụ ý đồ của họ", bà Eisman nói.

Lỗi ở độc giả hay mạng xã hội?

Trong bài đăng trên trang cá nhân vào ngày 13/11/2016, hậu bầu cử tổng thống Mỹ, Mark Zuckerberg trần tình rằng: "Trong số tất cả những nội dung mà mọi người xem trên Facebook thì 99% là thông tin "xác thực". Chỉ một phần rất nhỏ là các fake news và tin lừa gạt. Do vậy, việc những tin tức này có thể tác động kết quả bầu cử là rất khó có thể xảy ra".

Tuy nhiên, khảo sát của BuzzFeed News cho biết các tin tức bịa đặt như Giáo hoàng Francis ủng hộ ông Donald Trump hoặc bà Hillary Clinton sẽ bán vũ khí cho phiến quân IS là những tin được chia sẻ và tương tác nhiều đáng kể trên Facebook, hơn cả các tin tức "thật", trong mùa bầu cử.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Xuân Phương (Khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), thành viên dự án Nâng cao năng lực truyền thông cho giới trẻ các nước Đông Nam Á do chương trình Eramus+ của Liên minh châu Âu tài trợ, nói người tiếp nhận thông tin cũng có phần trách nhiệm trong việc khiến "fake news" lan truyền.

bao chi va thach thuc long gia thanh chan trong the ky 21
Một tờ báo đưa tin không đúng sự thật rằng bà Hillary Clinton phê chuẩn việc bán vũ khí cho phiến quân IS. Ảnh: CBS.

"Người dân châu Âu được dạy cách tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông từ rất sớm, từ khi các em còn nhỏ, đến khi vào phổ thông và khi bước vào đại học. Việc đào tạo này được thực hiện từ rất lâu, ngay trước cả "cơn bão fake news" hiện nay. Qua từng cấp độ, mỗi người sẽ tự hình thành "phản xạ có điều kiện" khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội cũng như chia sẻ rất cẩn thận. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng đưa nội dung này vào chương trình giáo dục chính quy. Do vậy rất nhiều người không có tư duy phản biện khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin trên mạng", TS. Phương chia sẻ với Zing.vn.

Trong khi đó, một số chính phủ tỏ ra quyết liệt với các dịch vụ mạng xã hội. Chính phủ Cộng hòa Czech đã thành lập một đơn vị "chống fake news" với nhiệm vụ giám sát khoảng 40 trang web được cho là hay đăng những thuyết âm mưu hoặc các thông tin không chính xác về vấn đề nhập cư. Nỗ lực này nhằm ngăn chặn các thông tin tiêu cực có thể gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2017.

Ngày 6/4, chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel thông qua quy định các dịch vụ mạng xã hội phải chịu các khoản phạt lên tới 50 triệu euro nếu không để cho độc giả lên tiếng về fake news hoặc từ chối loại bỏ nội dung vi phạm. Điều này hình thành áp lực ngày càng lớn đối với các nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm cho nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt khi nước đầu tàu của Liên minh châu Âu sắp bước vào mùa bầu cử.

bao chi va thach thuc long gia thanh chan trong the ky 21
Bức ảnh được lan truyền nhiều trên mạng xã hội được cho là hiện trường một vụ án mạng, trong đó thủ phạm sau khi gây án đã kéo lê thi thể nạn nhân ra giữa cầu. Tuy nhiên, tấm hình sau đó được xác nhận là một chú chó vừa tắm sông và chạy về phía chủ. Vệt được cho là vệt máu thực chất là vệt nước từ con chó. Ảnh: Google Map.

Kiểm chứng và ngăn chặn fake news

Giáo sư Eisman cho biết một số kỹ năng cơ bản để người dùng tự thẩm định một thông tin khi tiếp cận và trước khi quyết định chia sẻ nó trên mạng xã hội. "Đầu tiên bạn cần xác định nguồn tin như thế nào, đó có phải tờ báo uy tín, độc lập hay thuộc phe phái nào? Nếu một tờ báo không có địa chỉ rõ ràng và phần lịch sử hoạt động thì cần phải nghi ngờ", bà Eisman nói.

Kế đến, vị giáo sư khuyên độc giả cần xác định mục đích của bài báo là để cung cấp thông tin, để giải trí hay để thuyết phục và lôi kéo độc giả? Bài báo có tuân thủ những quy tắc báo chí cơ bản không, như việc nêu rõ danh tính của người đưa ra phát biểu, các dữ liệu được dẫn ra từ cơ quan uy tín hay vô danh...

"Ngay cả những câu chuyện "quá tốt đẹp để tin rằng đó là thật" cũng cần phải kiểm chứng. Sau khi đọc câu chuyện thì bạn có cảm thấy tức tối hoặc cảm động sâu sắc hay không? Hãy cẩn thận vì có thể bạn đã bị thao túng cảm xúc", bà Eisman khuyên.

Công việc kiểm chứng thông tin (fact-checking) vốn là nhiệm vụ cơ bản của nghề báo, nhưng nó được Viện Reuters dự báo sẽ trở thành dịch vụ phát triển nhanh trong tương lai. Tập đoàn Google đang hỗ trợ nhiều dịch vụ tin tức về năng lực kiểm chứng thông tin. Facebook đã tuyên bố kế hoạch hợp tác với những đơn vị như Snopes để xác minh nội dung các bản tin mà người dùng chia sẻ trên mạng xã hội này.

Báo Washington Post hoặc những trang như PolitiFact thành lập hẳn một chuyên mục để đăng các bài "bóc phốt" nội dung không đúng sự thật hoặc thiếu chính xác trong phát biểu, tuyên bố của các chính khách.

bao chi va thach thuc long gia thanh chan trong the ky 21
Bên trong văn phòng của báo Washington Post ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: CT.

Tại Washington Post, nhóm kiểm chứng có nhiệm vụ tìm kiếm và phân tích những nội dung chưa chính xác trong tuyên bố của Tổng thống Trump cũng như các quan chức khác trong chính quyền. "Tổng thống Trump là người rất tự tin và ông chắc chắn rằng những điều mình nói ra đều đúng. Nhưng rất nhiều tuyên bố của ông không như vậy. Chúng tôi đã kiểm chứng và thấy một tỷ lệ đáng kể bị sai sót về số liệu hoặc bản chất vấn đề", Glenn Kesler, thành viên nhóm này nói với Zing.vn.

Theo người này, tỷ lệ sai sót thấp hơn nhiều trong những phát biểu của bà Hillary Clinton. Điều này có thể hiểu được do bà Clinton là chính trị gia chuyên nghiệp nên các tuyên bố luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hoặc trong một số nội dung khác, bà trình bày vấn đề một cách kỹ thuật hoặc tạo ra nhiều cách hiểu khiến việc đo lường cũng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, nhóm của Washington Post khẳng định họ không chỉ quan tâm tới Tổng thống Trump mà còn là các quan chức đảng Cộng hoà, Dân chủ và các đảng nhỏ khác. "Như gần đây mọi người rất quan tâm việc Tổng thống Trump quyết định không tiếp tục tham gia Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đảng Cộng hoà và Dân chủ đều có chương trình nghị sự riêng để ủng hộ hoặc chống đối quyết định này. Chúng tôi phải theo dõi cân bằng ở tất cả các bên", ông Kessler nói.

Trong khi đó, ông Mikkelson cho biết đội ngũ kiểm chứng của Snope hiện gồm 12 người. "Chúng tôi cũng đi công tác rất nhiều nhằm nỗ lực đa dạng hóa nguồn cộng tác viên từ các quốc gia khác nhau để giúp xác minh các nội dung không phải là tiếng Anh", ông nói.

Chia sẻ về quy trình kiểm chứng thông tin cho Facebook, Mikkelson cho biết việc này xuất phát từ sau khi người dùng báo cáo (report) một nội dung mà họ cho là fake news. "Sau đó nhóm của chúng tôi sẽ truy cập vào cơ sở dữ liệu này do Facebook cấp cho để xác minh. Sau quá trình kiểm tra, nếu chúng tôi cho rằng đó đúng là tin tức giả, sai sự thật thì Facebook sẽ gửi cảnh báo đến người dùng đã đăng thông tin đó", ông nói.

Tuy nhiên, ông Mikkelson nhấn mạnh điều quan trọng là sự xác minh phải được đồng thuận bởi tất cả các đối tác của Facebook. Hiện Facebook có khoảng 10 đối tác cung cấp dịch vụ fact-checking. Chỉ cần một bên cho rằng đây không phải fake news thì Facebook cũng sẽ không gửi cảnh báo. Nguyên tắc của họ là không muốn gây ra sự hoang mang cho người dùng.

bao chi va thach thuc long gia thanh chan trong the ky 21
Tỷ lệ tương tác với các tin tức giả mạo trên Facebook tăng vọt so với tin tức chính thống trong mùa bầu cử. Ảnh: BuzzFeed.

Các tờ báo chủ động phòng ngừa

Vừa hoàn thành chương trình cao học về truyền thông tại Australia, phóng viên Nguyễn Thị Thủy Ngân (Đài truyền hình TP.HCM) cho biết báo chí xứ sở chuột túi đã nhanh chóng chủ động ứng phó dù chưa bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng fake news mạnh như Mỹ. Nhiều tờ báo, cơ quan truyền thông lớn ở Australia đang tiến hành các chiến dịch quảng bá để tiếp cận và xây dựng lòng tin với độc giả.

"Thông điệp chính trong các chiến dịch này là báo chí luôn luôn cung cấp sự thật khách quan, xây dựng thương hiệu trong tâm trí độc giả là họ đứng về sự thật chứ không phải là kênh quảng bá cho một chính trị gia hay đảng phái nào", cô Thủy Ngân cho biết.

Theo Thủy Ngân, bên cạnh quảng cáo về tờ báo, các đơn vị này tổ chức những buổi giao lưu với độc giả, chủ động bắt tay với mạng xã hội như Facebook, Twitter để lan truyền thông tin chính thống và tiếp cận độc giả nhiều nhất có thể. "Khi đó, độc giả sẽ có nhiều lựa chọn đáng tin cậy hơn trong khi tờ báo sẽ dần định hình thương hiệu là "đứng về sự thật"".

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast