Báo động tình trạng tái chế nhựa từ rác thải y tế

Tái chế nhựa được xem là việc làm hữu ích, vừa tận dụng được nguyên liệu, vừa thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tái chế nhựa từ rác thải y tế nguy hại, thuộc danh mục cấm tái chế do Bộ Y tế quy định lại là vấn đề đáng báo động, khi mà lượng rác thải từ y tế vô cùng lớn, các cơ sở thu gom rác thải y tế hình thành trôi nổi trên thị trường ngày càng nhiều. Mới đây, phòng Cảnh sát Môi trường Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định đình chỉ một cơ sở tái chế nhựa trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã gióng lên hồi chuông náo động tình trạng tái chế nhựa từ rác thải y tế.

Bơm kim tiêm, bộ dây chuyền dịch, ống dẫn lưu… là những chất thải nguy hại do Bộ Y tế quy định, cấm tái chế, nhất là không sử dụng làm các nguyên liệu cho các mặt hàng liên quan đến đồ dùng chứa đựng thực phẩm. Tuy nhiên, tại cơ sở tái chế nhựa của chị Phạm Thị Thúy Hà ở Khu phố 1, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, lại có rất nhiều những rác thải nguy hại này.

Bơm kim tiêm được phát hiện tại cơ sở chế biến nhựa của chị Hà
Bơm kim tiêm được phát hiện tại cơ sở chế biến nhựa của chị Hà

Kho tái chế rộng khoảng 330m2 được chị Hà thuê lại trên một phần diện tích đất của Tập đoàn Chấn hưng miền núi Lào, để sản xuất và sinh hoạt. Chị Hà cho biết: Toàn bộ các rác thải trong kho chủ yếu là rác thải y tế được chị Hà mua từ bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An, sau đó xay nhỏ thành hạt nhựa, làm nguyên liệu bán cho các cơ sở sản xuất của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tại hợp đồng mua bán chất thải y tế được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế, do Ông Nguyễn Danh Linh (Bên A) - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An (địa chỉ 138 đường Nguyễn Phong Sắc, Phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An), ký kết với Chị Phạm Thị Thúy Hà - Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Dũng Anh (số 70 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An), ngày 2/1/2012 quy định: Từ ngày 2/1/2012 đến ngày 30/12/2012, bên A sẽ bán cho bên B toàn bộ số vỏ chai nhựa, can nhựa (không dính máu, không chứa thành phần nguy hại, không có bộ dây chuyền dịch, không có các loại ống dẫn lưu, không có bơm kim tiêm). Bên B cam kết không dùng vỏ chai nhựa làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng liên quan đến đồ dùng chứa đựng thực phẩm. Nếu bên B trong quá trình thu gom, vận chuyển, tái chế có lẫn phế liệu khác thuộc danh mục chất thải nguy hại theo quy định của Bộ Y tế thì bên B sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm…

Rác thải y tế thu gom từ Bệnh viên đa khoa Nghệ An
Rác thải y tế thu gom từ Bệnh viên đa khoa Nghệ An

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi Công ty cổ phần Nhựa Dũng Anh làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản, chị Hà tận dụng các thiết bị máy móc sẵn có, vẫn dùng hợp đồng mua bán này mua chất thải y tế từ bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Nghệ An để tái chế nhựa. Vậy các chất thải y tế nguy hại này do đâu mà có, chúng tôi đã đến bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Nghệ An tìm hiểu thực hư.

Công tác xử lý rác thải Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Nghệ An khá bài bản. Bệnh viện đã có một lò đốt chất thải nguy hại, công suất 400kg/ngày, với 2 lò, lò dưới có nhiệt độ 600oC, lò trên 1000oC. Chai lọ thủy tinh bệnh viện hợp đồng với Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại môi trường xanh tại lò 15, khu Công nghiệp Nam Sách, TP Hải Dương để xử lý. Các chai lọ, vỏ dịch chuyền Bệnh viện giao cho Khoa Dược phân loại và quản lý. Các loại can hóa chất, chai dịch chuyền nhựa, Công đoàn khoa Dược cử cán bộ bán và nộp tiền về Công đoàn Bệnh viện.

Tận mắt chứng kiến các bao tải chứa đựng toàn bộ rác thải y tế chuẩn bị được bán cho chị Hà, chị Yến – một công nhân khoa Dược, đã để nguyên hiện trạng như trước khi các khoa trong bệnh viện nộp về khoa dược. Đó là dùng bộ dây chuyền dịch buộc hàng chục chai nhựa lại với nhau trước khi cho vào bì để bán. Chỉ vì việc làm tắc trách này, mà rác thải thông thường đã xuất kho tại bệnh viện - được coi là uy tín, được bán đi cho cơ sở tư nhân bên ngoài để tái chế. Trung bình mỗi tháng Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An bán từ 20 đến 22 ngàn vỏ dịch chuyền. Vậy, đã có bao nhiêu bộ dây dịch chuyền, bơm tiêm nhựa được “đính kèm”? Trong khi đó, không loại trừ trường hợp cơ sở tái chế dùng cả nguyên liệu là rác thải nguy hại để chế biến. Sau đó, đem bán hạt nhựa cho các cơ sở khác.

Ai đảm bảo những hạt nhựa này không được tái chế từ rác thải y tế?
Ai đảm bảo những hạt nhựa này không được tái chế từ rác thải y tế?

Theo các chuyên gia, thì toàn bộ chất thải thông thường xen lẫn chất thải nguy hại thì sẽ thành rác thải nguy hại. Có ai dám chắc rằng, số lượng lớn hạt nhựa không dùng để sản xuất các sản phẩm chế biến sản phẩm chứa đựng thực phẩm? Vậy, chất thải nguy hại này sẽ đi đâu, về đâu? Hiện tại trong kho của chị Hà có 400kg rác thải y tế, 600kg đã được chế biến thành hạt nhựa. Và, từ trước đến nay, đã có bao nhiêu lượng hạt nhựa mà chị Hà đã bán đi? (Theo lời chị Hà, thì 100kg nhựa sẽ chế biến được 70kg hạt nhựa).

Trong khi đó, tại cơ sở của chị Phạm Thị Thúy Hà, chúng tôi phát hiện có rất nhiều phế phẩm nhựa không sản xuất được do các cơ sở khác ngoài tỉnh đã bán lại cho chị Hà để tái chế nguyên liệu nhựa. Cái vòng luẩn quẩn của tái chế nhựa này đã được quản lý ra sao? Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng các sản phẩm từ nhựa tái chế, không phải sử dụng các sản phẩm từ chất thải nguy hại. Các Bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân cần quan tâm hơn nữa trong khâu quản lý rác thải y tế, để tránh các trường hợp lợi dụng để tái chế.

Hiện nay, phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định đình chỉ cơ sở tái chế nhựa của chị Phạm Thị Thúy Hà, nhưng trên thị trường có ai dám đảm bảo các cơ sở tái chế nhựa đều sử dụng nguyên liệu sạch?!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast