Bảo hiểm y tế và nguy cơ “vỡ” quỹ (Bài 1): Nỗi lo bội chi

Mặc dù chưa “vỡ” như nhiều địa phương trong cả nước, nhưng đến thời điểm này, quỹ BHYT tại tỉnh ta cũng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu về nguy cơ này...

Đối với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh, vấn đề bội chi quỹ BHYT đã trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”. Điều đáng nói là không phải BHXH và BVĐK Hà Tĩnh không triển khai các giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Những năm qua, BVĐK phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức quản lý chặt chẽ quỹ khám chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân có thẻ BHYT điều trị tại bệnh viện với các biện pháp chặt chẽ như: hạn chế tới mức thấp nhất chuyển tuyến trên điều trị; khoán bình quân 1 bệnh nhân điều trị nội trú giảm 30% so với bình quân điều trị của 1 bệnh nhân đa tuyến đến; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng cận lâm sàng và thuốc điều trị cho bệnh nhân, nhất là các loại thuốc và dịch vụ kỹ thuật đắt tiền, tránh lạm dụng. Riêng năm 2012, BVĐK tỉnh giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên 20% so với năm 2011...

Bệnh nhân có thẻ BHYT được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Bệnh nhân có thẻ BHYT được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Mặc dù vậy, tình trạng bội chi quỹ BHYT tại bệnh viện vẫn chưa thể khắc phục. Cụ thể: năm 2012, Bệnh viện bội chi hơn 2,62 tỷ đồng; năm 2013, riêng quý II đã vượt quỹ hơn 1 tỷ đồng. Lý giải về nguyên nhân trên, Giám đốc BVĐK tỉnh Nguyễn Viết Đồng cho biết: Thứ nhất, đối tượng có thẻ BHYT KCB ban đầu tại đơn vị chủ yếu là hưu trí, người có công, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi. Các đối tượng này có tần suất mắc bệnh cao nên số lần KCB trong năm cao, chi phí lớn, lại được thanh toán 100% chi phí KCB; đặc biệt là các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, viêm phế quản mãn, ung thư, các bệnh về máu, viêm phổi trẻ em, thận nhân tạo...

Thứ hai, thực hiện Luật BHYT nên nhiều bệnh nhân tự đi khám và điều trị trái tuyến tại các cơ sở KCB khác nên đơn vị không kiểm soát được bệnh nhân. Thứ ba, do đặc thù nên số lượng bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cần phải điều trị ở tuyến trên nhiều, chi phí điều trị cao. Do đó, chi phí đa tuyến chuyển đi rất cao. Ngoài ra, áp lực xin chuyển tuyến đối với người già, trẻ em, tăng tần suất bệnh nhân điều trị và tăng biểu giá viện phí từ ngày 20/8/2012 cũng là nguyên nhân đáng kể.

Vượt quỹ BHYT không chỉ là mối lo ngại đối với sự an toàn của quỹ mà còn là sự băn khoăn lớn đối với các đơn vị KCB. Theo bác sỹ Võ Viết Quang - Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế, khoảng 80% bệnh nhân trên địa bàn toàn tỉnh có thẻ BHYT. Để đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân có thẻ BHYT nói riêng và toàn thể bệnh nhân nói chung, các cơ sở KCB trên địa bàn không ngừng cải thiện chất lượng từ khâu đón tiếp đến việc triển khai các dịch vụ.

Đặc biệt, BVĐK tỉnh đã triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao như mổ nội soi khớp, nút mạch điều trị ung thư gan, điều trị chửa ngoài dạ con bằng nội khoa. BVĐK huyện Đức Thọ và TP Hà Tĩnh cũng đã triển khai phẫu thuật nội soi; BVĐK huyện Kỳ Anh triển khai phẫu thuật kết hợp xương đùi... Một thực tế khác, mô hình bệnh tật đang thay đổi, gia tăng nhóm bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư... Chi phí BHYT cho nhóm bệnh nhân này cao.

Bên cạnh gia tăng chi phí, trong thực hiện BHYT vẫn còn một số bất cập như: do chưa có quy trình cụ thể KCB cho từng loại bệnh nên vẫn còn tình trạng chưa có sự thống nhất giữa chỉ định xét nghiệm cận lân sàng của bác sỹ KCB và người giám định BHYT. Về thanh toán BHYT theo định suất cũng gây nhiều bất cập. Các đơn vị vượt quỹ phải giải trình, thẩm định, có khi mất cả năm mới được thanh toán, gây khó khăn cho đơn vị KCB. Nguyên nhân này cũng khiến các đơn vị KCB e ngại trong phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới. Mặc dù có nhiều hạn chế như vậy nhưng tình trạng bội chi quỹ BHYT vẫn thường xuyên xảy ra và nguy cơ “vỡ” quỹ luôn thường trực.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 22 cơ sở y tế triển khai hợp đồng KCB BHYT (6 cơ sở KCB tuyến tỉnh, 14 cơ sở KCB tuyến huyện và 2 phòng khám đa khoa ngoài công lập), trong đó, áp dụng phương thức thanh toán theo định suất tại 12 đơn vị. Nhìn chung, các đơn vị áp dụng phương thức thanh toán theo định suất đều chủ động cân đối trong việc quản lý, sử dụng quỹ và đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đến KCB.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu người bệnh và đảm bảo cân đối bền vững nguồn quỹ BHYT vẫn đang là bài toán khó. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, có 41.875 lượt bệnh nhân KCB đa tuyến ngoại tỉnh với chi phí gần 65 tỷ đồng (chiếm 27% quỹ KCB BHYT), trong đó số bệnh nhân KCB trái tuyến, vượt tuyến 30.830 lượt với chi phí hơn 12 tỷ đồng.

Điều đáng quan tâm, chi phí KCB trái tuyến tại các cơ sở KCB ở Nghệ An trong đó chủ yếu là các cơ sở tư nhân không hề giảm so với năm trước. 6 tháng đầu năm, quỹ BHYT Hà Tĩnh phải chi cho các cơ sở y tế này lên đến 14,27 tỷ đồng, chiếm 22% chi phí đa tuyến đi toàn tỉnh.

Riêng quý II/2013, có 6/12 cơ sở thực hiện định suất vượt quỹ BHYT hơn 5 tỷ đồng. Các đơn vị KCB BHYT theo định suất chưa vượt quỹ đa số có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu cao, cộng với ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế...

Mặc dù ngành Y tế và BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý chặt chẽ nguồn quỹ BHYT nhưng nhiều cơ sở KCB vẫn còn bội chi và nguy cơ “vỡ” quỹ vẫn luôn thường trực. Điều băn khoăn là tình trạng này diễn ra trong khi người dân chỉ được hưởng quyền lợi BHYT ở mức tối thiểu; nhiều người có thẻ BHYT chưa có điều kiện để quan tâm chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast