Bão vào làng, chuyện bây giờ mới kể

Làng tôi xanh lũy tre, vất vả quanh năm mà đủ đầy chưa khi nào tròn trịa, chỉ có bão tháng 8 và giông tháng 3 lũ lượt về rất đúng hẹn. Sau những lần bão “quậy”, làng tôi xơ xác, tiêu điều, nhà cửa, cây cối bị đổ nát. Hoa quả bị vặt trụi, đồ đạc trong nhà vỡ tan. Thế nhưng, con người làng tôi vẫn bình thản lạ thường...

Bút ký

Thương nhớ cây trôi chợ Đình

Khi tôi lớn lên đã thấy cây trôi ở chợ Đình. Hồi đó, tôi còn bé tẹo, ngửa mặt trông cây trôi cao vợi, ngỡ như chạm cả mây trời. Lá cây thưa, xanh màu lục diệp, nhưng cành trôi như bàn tay của người khổng lồ trong chuyện cổ tích vươn những ngón dài tỏa ra bốn phía. Thân cây to, tròn và thẳng, 2 người ôm không xuể. Đến mùa xuân, cây lại ra hoa vàng, mùi thơm đến lạ lùng. Rồi cây nhú lên những quả dài lấp ló đầu cành.

Quê tôi mùa bão. Ảnh: Đậu Bình
Quê tôi mùa bão. Ảnh: Đậu Bình

Theo cụ Tiêu, một bậc cao niên trong làng thì khi có tên Sơn Thủy (Hương Sơn) và nghe những huyền thoại về ông Can Pháp Đồng, cây trôi làng đã có rồi. Cây có từ khi làng chưa “cưới” chợ Đình, nhẩm tính phải năm trăm tuổi. Khi “tuổi hạc” càng cao thì cây trôi càng trở thành niềm kiêu hãnh của làng. Thuở ấy, làng Sơn Thủy quê tôi, con người sống với nhau rất hồn hậu. Mỗi phiên chợ Đình, các bà, các mẹ lại quảy gánh chè xanh, chuối, mít, bưởi... quây quần dưới gốc cây trôi. Những buổi tối có phim, đội chiếu bóng lưu động huyện Hương Sơn dựng rạp ở dưới gốc cây trôi. Nhiều gia đình buổi chiều đó nghỉ việc đồng, nấu cơm cho con ăn để chúng được đi xem phim cùng bè bạn thật sớm.

Bao nhiêu trai làng Sơn Thủy lên đường đi bộ đội đều tập trung tiễn đưa ở dưới gốc trôi này. Không ít người chẳng giữ được “giọt nước mắt dành cho ngày gặp mặt”, nhưng tôi tin chắc rằng, trước giờ phút hy sinh, họ vẫn nghĩ về cha mẹ và quê hương, vẫn nhớ bóng dáng cây trôi ở chợ Đình. Những kỷ niệm êm đềm, sâu sắc nhất của tuổi thơ được chia đều cho tất cả.

Thế nhưng, điều tôi và cả dân làng Sơn Thủy này không tin được, cây trôi cổ thụ làng tôi đã bị bão số 7 vào thập kỷ 80 thế kỷ trước quật đổ… Ấy là một đêm trung tuần tháng 8, cả làng tôi như quay cuồng trong lốc bão. Rồi mưa đổ ầm ầm, gió mỗi lúc càng mạnh. Nhà cụ Tiêu, cụ Bát, cụ Kinh ở gần cây trôi đêm hôm ấy chẳng ai ngủ được. Đất đá từ ngoài bờ giậu bị gió “ném” vào nhà lia lịa. Cụ Tiêu cùng vợ đang chuẩn bị tìm gióng để gánh chiếc chum sành cất vào buồng trong thì bất ngờ bão quật chiếc đòn tre ở trên nhà rơi xuống làm chiếc chum vỡ toang.

Cụ Tiêu đang xót của thì phía nhà bà Bát có tiếng khóc nức nở: “Bà con ơi, làng xóm ơi, hai mái tranh nhà tôi bị bão cuốn bay mất rồi”. Trên nền nhà chỉ còn trơ trọi vài chiếc cọc gỗ nhỏ liêu xiêu; bên cạnh góc nhà là một ổ chó bện bằng nùn rơm ướt sũng... Bão số 7 mỗi lúc một to, hung dữ hơn. Có nhà bão “húc đổ” một lúc 5 cây mít, 10 cây cam, có người bão đến “khiêng” cả nhà ngang, nhà dọc… Suốt 5 tiếng đồng hồ không ngớt mưa gió và lũ dâng. Khoảng 12h đêm, bão số 7 tiếp tục mạnh thêm, nhiều người phải đưa trẻ em vào ổ rơm, chui vào sập hay hầm trú ẩn, không dám ra ngoài bởi bão có thể nhấc bổng cả người hay gặp bất cứ vật gì rơi xuống đều xẩy ra tai nạn. Gần 2h sáng, bão số 7 đã “húc đổ” cây trôi chợ Đình...

Cây trôi giã từ chợ Đình như một vật báu linh thiêng của làng mất đi. Người lớn buồn, trẻ em cũng buồn khi nhìn nó nằm rạp xuống, thân dài phủ kín gần một phần ba sân chợ. Ông Đoàn Thúc - Chủ tịch xã hôm đó động viên mọi người: “Thôi bây giờ không làm sao trồng lại được nữa, xin phép bà con, cô bác được hiến gỗ làm trường cho con em…”.

Trâu, bò… “chạy loạn”!

Câu chuyện về trâu, bò trên núi ở làng Sơn Thủy bị mắc kẹt vì bão đã trở thành những dòng ký ức khó phai nhòa. Tôi cũng giống như mọi đứa trẻ lớn lên ở xứ sở này nhờ tuổi thơ đi chăn trâu, cắt cỏ mà hiểu hết những tên núi của làng, từ Cơn Khế đến Ung Trảng, Nước Dưa, từ Ung Đao đến Nạp Trình, Đòi Long, không có chỗ nào người làng không chăn thả trâu, bò. Hồi ấy, làng tôi làm ăn theo hợp tác xã nên việc chăn trâu, bò cũng lập thành nhóm. Mỗi nhóm thường gắn theo từng đội sản xuất. Tôi đã vài lần để trâu ăn lúa của hợp tác xã, bị họ “phạt đền”. Nhưng có lẽ không gì khổ bằng đi chăn trâu gặp mưa giông hoặc bão. Lúc đó, trâu, bò mặc sức “chạy loạn”.

Không chỉ người mà gia súc cũng luôn phải sẵn sàng chạy bão
Không chỉ người mà gia súc cũng luôn phải sẵn sàng chạy bão

Vào tiết tháng 8 mùa thu, chú Xá - chú họ tôi đến lượt chăn trâu nhóm. Chú vốn khỏe và chăn trâu nổi tiếng cẩn thận nhất làng. Nhưng vào khoảng 3h chiều hôm đó, khi chú Xá đang cầm gậy tre khua đàn trâu ra thì bỗng dưng trời nổi bão. Cả núi Đòi Long chìm trong biển mưa, từ suối nguồn tung lên những dòng suối trắng đến rợn người. Mưa dội vào người xối xả, chốc chốc những cành cây mục, những hòn đá cuội lại bay vèo vèo trên đầu. Chú cố hết sức để lùa đàn trâu vào tận chân đền Cửa Khâu. Bởi chỗ ấy khá an toàn. Một lúc sau giông tố tan, chú điểm danh lại đàn trâu của mình thì thiếu những 2 con. Chú Xá thấy cồn cào gan ruột. Nhưng trời đã tối, chú không thể quay lại tìm trâu được nữa. Mai thế nào rồi sẽ hay…

Về tới nhà, chú Xá thông báo cho ông Lộc đội trưởng cùng 2 chủ có trâu thất lạc là ông Đoàn Chiu và ông Thái Nhùn biết. Sáng hôm sau, ông Lộc cử 10 người cùng chú Xá tìm trâu cho gia chủ. Đội quân tìm trâu được chia làm 2 tốp, một hướng tìm phía Nam núi Đòi Long, một hướng tìm phía Tây núi Nạp Trình. Con trâu nhà ông Nhùn được mọi người phát hiện ngay vào buổi sáng hôm đó. Nhưng thật tội nghiệp, nó đang bị “chôn” toàn thân vào một đám ruộng lầy ở ngay dưới chân núi Nạp Trình, chỉ còn cái đầu ngửa lên, mũi thở phì phò từng cơn gấp gáp. Với kinh nghiệm cứu trâu, bò khi bị mắc lầy, người ta bắt đầu ngăn 4 góc 4 tấm ván lớn, rồi dùng cuốc ven, xô, chậu để múc bùn lên. Gần 1 ngày ròng rã, con trâu nhà ông Nhùn được cứu thoát.

Tốp thứ 2 buồn hơn, bởi 2 ngày tìm, con trâu lạc của ông Đoàn Chiu vẫn bặt vô âm tín. Ông Lộc vẫn thuyết phục mọi người tiếp tục cuộc tìm kiếm. Ông bảo: “Cả đội sản xuất được con trâu của ông Chiu là đẹp và kéo cày khỏe nhất. Nếu mất trâu, không chỉ khổ cho gia đình ông Chiu mà khổ cả bà con mình”. Ngày thứ 3, họ tiếp tục đi ngược nguồn núi Đòi Long. Tình cờ khi ông Thức rẽ qua một lạch gặp một cây dâu da rừng cổ thụ bị bão quật lấp kín miệng hang đá. Ông Thức lắng tai nghe rõ tiếng con vật dẫm chân, giống tiếng chân trâu lắm, vội cúi rạp người xuống thân cây quan sát. Một con trâu đen đang nằm trong hang này. Lập tức mọi người dùng rìu, dao triệt hạ nhánh cây đổ để “phá vây” cho trâu.

Không biết bao nhiêu mùa bão đi qua, nhưng những chuyện về bão ở quê tôi bây giờ nhắc lại già trẻ, gái trai làng Sơn Thủy không ai không nhớ. Năm nay, mùa bão lại về, ở thành phố, tôi vẫn nghe rõ tiếng gió hú và mưa giăng trắng trời cố hương... Vẫn biết, bão hoành hành thì tổn thất là điều khó tránh khỏi, nhưng người dân làng tôi chắc sẽ chẳng còn sợ tái diễn cảnh xưa nữa. Bởi những phương tiện chống bão đầy đủ, hiện đại hơn và nhà được xây kiên cố. Có một điều hiện nay dân làng tôi ai cũng đang lo ngay ngáy, đó là “bão” cờ bạc, rượu chè và tai nạn giao thông” còn nguy hiểm hơn cả bão trời!

Tháng 9/2013

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast