Bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục

Gần đây, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện gây xôn xao dư luận. Từ đó, một vấn đề được đặt ra là trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ con trẻ trước những hành vi xâm hại...

Theo số liệu được Bộ LĐ-TB&XH công bố tại buổi tọa đàm “Chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” được tổ chức ngày 29/3/2016 tại Hà Nội thì: trong 5 năm (2011-2015), có đến 5.300 vụ xâm hại tình dục/8.200 vụ xâm hại trẻ em nói chung. Con số làm nhiều người phải giật mình, nhưng theo một chuyên gia thì đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Trên thực tế, con số đó còn lớn hơn nhiều bởi rất nhiều vụ xâm hại tình dục không được phát hiện, tố giác. Định kiến xã hội, sự nhận thức chưa đầy đủ của gia đình và bản thân người bị xâm hại là nguyên nhân chính khiến cho nhiều người chọn giải pháp im lặng khi chẳng may trở thành nạn nhân.

Một thực tế nữa là phần lớn nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục bởi những người quen biết, thân thiết như: người trong gia đình, hàng xóm, bảo mẫu, giáo viên… những đối tượng mà cha mẹ và bản thân trẻ ít khi có tâm lý đề phòng. Nạn nhân thường có tâm lý sợ hãi, xấu hổ, cùng với đó là bị thủ phạm đe dọa nên không dám tố cáo. Có những kẻ xâm hại trẻ không bằng bạo lực mà dụ dỗ bằng quà cáp hoặc lợi dụng sự ngây thơ, lòng tin của trẻ để thực hiện hành vi thú tính. Điều này lý giải việc nhiều vụ xâm hại diễn ra trong thời gian dài nhưng nạn nhân không nhận thức được là mình đang bị xâm hại; gia đình, người thân không hay biết.

Sự việc bảo vệ trường tiểu học một huyện miền núi ở Lào Cai có hành vi dâm ô 23 học sinh nữ của trường, hay một thầy giáo nước ngoài xâm hại tình dục nhiều bé trai ở Hà Nội đang gây nên sự phẫn nộ, hoang mang đối với những người làm cha mẹ. Từ hai vụ việc trên cho thấy, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay không chỉ là nguy cơ đối với bé gái, mà các bé trai cũng là đối tượng của những kẻ bệnh hoạn. Vẫn còn nhiều người có suy nghĩ rằng, bé trai không thể bị xâm hại tình dục. Quan niệm này đã góp phần làm cho tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam ngày một gia tăng.

Trẻ em bị xâm hại tình dục phải chịu tổn thương nặng nề, đặc biệt là về mặt tâm lý. Ngoài việc có thể bị lây nhiễm một số bệnh qua đường tình dục, ở lứa tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm lý, các em sẽ sống trong nỗi ám ảnh, sợ hãi. Phần lớn trẻ bị xâm hại có tâm lý mặc cảm, khó hòa nhập, thậm chí, có những nạn nhân hình thành suy nghĩ lệch lạc về giới tính; khủng hoảng, bế tắc và có nguy cơ tìm đến cái chết.

Nhiều người thường có thói quen âu yếm trẻ bằng những hành động như ôm hôn, sờ mó bộ phận nhạy cảm. Phần lớn đều cho rằng, đó là cách thể hiện tình yêu thương rất bình thường đối với trẻ mà ít ai nhận thức những hành động đó cũng là hành vi xâm hại tình dục. Với quan niệm này, nhiều phụ huynh đã vô tình đẩy con mình vào tình thế bị xâm hại.

Hơn ai hết, cha mẹ phải là người nhận thức đầy đủ về vấn đề này để có những biện pháp bảo vệ con hiệu quả. Cha mẹ cần theo dõi, nhận biết những biểu hiện bất thường về tâm lý hoặc dấu hiệu trên cơ thể con trẻ; trò chuyện cởi mở để trang bị cho con những kiến thức cơ bản về sinh lý, tình dục; dạy con cách tự bảo vệ mình trước những hành vi không đúng mực của những người xung quanh… Khi con không may trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục, cha mẹ phải là chỗ dựa tinh thần để các em vượt qua cú sốc. Đồng thời, không vì mặc cảm mà giấu giếm sự việc, tạo cơ hội cho những kẻ bệnh hoạn tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại.

Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, rất cần sự quan tâm của gia đình và toàn xã hội để được hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng trong một môi trường đảm bảo phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast