Bị chồng bạo hành cần lên tiếng để được bảo vệ

(Baohatinh.vn) - Bạo lực gia đình, từ trước đến nay luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người vợ, ảnh hưởng tới tâm sinh lý của con cái. Với sự nỗ lực của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, ngày nay, tình trạng bạo lực gia đình đã có chiều hướng giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, đâu đó, trong cuộc sống thường nhật, chuyện chồng mạnh tay bạo hành vợ vẫn xẩy ra. Và do tâm lý ngại ngùng, “xấu chàng hổ ai” và vì con cái, nhiều người vợ đã cam chịu và giấu kín chuyện mình bị đánh đập.

Y. – làm dâu trong một gia đình ở thành phố. Những tưởng, người chồng khỏe mạnh sẽ là chỗ dựa cho cô nhưng chỉ chưa đầy 1 năm làm vợ, cô đã vỡ lẽ rằng, mình đang sống trong một gia đình có “truyền thống” bạo hành vợ. Bố của N. - chồng Y. là một ma men, cứ sau mỗi lần say rượu thì cả nhà phải nghe chửi và mẹ chồng cô là người phải hứng chịu những trận đòn vô cớ. N. là người được học hành, có việc làm, được giao tiếp với xã hội và cũng từng là nạn nhân của thói bạo hành ấy, ngỡ rằng, sẽ ý thức được việc làm xấu xa đó nhưng hễ vợ chồng có mâu thuẫn là ngay lập tức anh ta đụng tay, đụng chân. Nhiều lúc, Y. vừa đi làm về đã bị chồng bạt tai mà không rõ nguyên nhân. Lời qua tiếng lại mới biết là N. nghe mẹ hoặc chị phàn nàn điều gì đó về Y.

Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Thường xuyên bị bạo hành nhưng vì thương con gái mới 2 tuổi nên Y. lặng lẽ chấp nhận. Cô giấu nhẹm mọi chuyện. Nhiều hàng xóm chứng kiến cảnh đó, khuyên cô nên báo với các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương nhờ can thiệp nhưng Y. không dám. Phần vì ngại, phần vì nếu chính quyền không giải quyết được, cô lại bị bạo hành dữ hơn.

Đỉnh điểm, ngày nọ, sau một mâu thuẫn nhỏ với mẹ chồng, Y. đã bị N. khóa trái cửa, đánh thâm tím mặt mày rồi bắt cô đưa hết tiền tiết kiệm và đuổi ra khỏi nhà. Cực chẳng đã, Y. quay về nhà mẹ đẻ. Hàng ngày, dù nhớ con đứt ruột, Y. chỉ biết nhờ hàng xóm dò la tình hình, chứ không dám về nhà vì sợ bị đánh. Dù vậy, Y. cũng không biết cách, hoặc không muốn báo cơ quan chức năng để được bảo vệ. Tôi hỏi vì sao thì Y. nói, sợ bị trả thù và sợ N. không cho gặp con nữa.

Tương tự Y., chị L. - một người buôn bán nhỏ ở chợ do quá lứa nên chấp nhận lấy A. khi hắn đã qua một đời vợ. Quãng thời gian hòa thuận nhanh chóng trôi qua khi lần lượt những đứa con ra đời. Nghề chạy xe ôm của A. không còn kiếm tiền dễ dàng nữa, việc buôn bán ở chợ của chị L. cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. A. quay ra chán nản, rượu chè và hễ say là đánh vợ. Những trận đòn ầm ĩ khiến hàng xóm ái ngại thay cho L. nhưng chị vẫn một mực cam chịu. Thậm chí, đại diện hội phụ nữ và liên đoàn cán bộ tổ dân phố đến can thiệp thì chị L. lại giấu giếm, bao che cho chồng vì chị vẫn hy vọng chồng thay đổi. Trái lại, A. ngày càng dấn sâu hơn vào tệ nạn. Nhiều hôm theo bạn bè “đập đá” xong về ngồi cười cả ngày trong góc nhà. Đồ đạc và chiếc xe làm nghề cũng theo các cuộc chơi mà ra đi. Không thể chịu đựng thêm nữa, chị L. đành làm thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, để giải quyết xong thủ tục, chị L. đã phải trải qua rất nhiều trận đòn chí mạng.

Cả Y. và chị L. đều đáng thương và đáng trách. Những hạn chế trong nhận thức về hạnh phúc gia đình và pháp luật đã khiến họ phải trải qua những tổn thương về tâm lý cũng như sức khỏe. Giá như, họ sớm biết nhờ sự tác động của các đoàn thể, biết đâu người chồng sẽ sửa đổi. Giá như, họ biết nhờ sự bảo vệ của pháp luật thì đã không phải chịu những trận đòn dã man như thế. Và con cái họ, chắc chắn không phải trải qua những chấn động tâm lý, tinh thần không đáng có.

Chủ đề Gây rối - Trật tự - Phá hoại

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast