Biến động dân số cơ học do di cư

(Baohatinh.vn) - Di cư (bao gồm cả xuất cư và nhập cư) là một tất yếu của xã hội hiện đại, tác động trực tiếp đến sự biến động dân số. Với một tỉnh có số lượng người nhập cư và xuất cư đều lớn, Hà Tĩnh cần quản lý tốt vấn đề di cư nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tiêu cực đối với sự phát triển KT-XH của địa phương.

Gia đình ông Phạm Văn Lợi (Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) có 6 người con thì 5 đứa đều đã lập gia đình và sinh sống, làm việc tại các tỉnh miền Nam. Ông Lợi cho hay: “Ngày thường, chúng nó bận rộn làm ăn, chỉ khi lễ tết thì mới lũ lượt kéo nhau về, thành ra, trong nhà chỉ có 2 vợ chồng già lủi thủi với nhau. Cũng may còn thằng út bám trụ lại quê hương nhưng vì cuộc sống khó khăn nên cách đây mấy năm đã đi xuất khẩu lao động, chỉ có vợ con ở nhà. Mới đây, thằng con trai cả gửi 2 đứa cháu về cho ông bà chăm sóc nên chúng tôi cũng đỡ buồn hơn”.

Hà Tĩnh đang tăng dân số cơ học do lao động nhập cư tại Khu kinh tế Vũng Áng. (Trong ảnh: Tư vấn, giới thiệu việc làm cho công nhân tại Khu kinh tế Vũng Áng.)
Hà Tĩnh đang tăng dân số cơ học do lao động nhập cư tại Khu kinh tế Vũng Áng. (Trong ảnh: Tư vấn, giới thiệu việc làm cho công nhân tại Khu kinh tế Vũng Áng.)

Gia đình ông Phạm Văn Lợi chỉ là một trong rất nhiều gia đình nông thôn ở Hà Tĩnh có con em đi làm ăn xa. Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Huế phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (Đức) năm 2010, di dân từ các tỉnh miền Trung chiếm tỷ lệ khá lớn, dẫn đầu là Thanh Hóa 37,7%, Nghệ An 22,6%, Hà Tĩnh 14,1%... Sự ra đi tìm việc làm của nông dân là hiện tượng xã hội có tính chất 2 mặt: vừa đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH, vừa tạo ra những vấn đề mang tính chất rào cản cho cả nơi đi và nơi đến.

Trở lại trường hợp gia đình ông Lợi, con cái xuất cư gần hết khiến gia đình ông rơi vào cảnh thiếu hụt lao động chính trầm trọng. Còn tại địa phương, lao động xuất cư nhiều khiến quy mô dân số giảm đáng kể, dẫn đến thiếu hụt lớn về lực lượng lao động, thiếu người trẻ có năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng. Các gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa phải gửi con cho ông bà, không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển của trẻ.

Bởi vậy, ở những địa phương có nhiều lao động đi xuất khẩu, đi làm ăn xa, số trẻ bỏ học, sa vào các tệ nạn xã hội cũng nhiều hơn so với các địa phương khác. Riêng bản thân những người lao động xuất cư, do xa nhà, không có người thân, đa số phải ở nhà trọ trong điều kiện thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Xuất thân từ nông dân đến với lao động công nghiệp nên trình độ học vấn, nhận thức của họ còn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, tính tổ chức kỷ luật chưa cao, cơ hội tìm bạn đời hạn chế… Quả thật, để “đổi lấy” cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập, nhiều lao động nông thôn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức tại nơi ở mới.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Cục trưởng Cục Thống kê Hà Tĩnh cho biết: “Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009, Hà Tĩnh có tỷ suất di cư thuần âm -64,5%o (nghĩa là số người xuất cư nhiều hơn số người nhập cư), trong đó tỷ suất xuất cư chiếm tỷ lệ lớn: (76,0%o). Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 đến nay, do lao động nhập cư tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng nên tỷ suất di cư thay đổi. Hiện chưa có số liệu cụ thể nhưng bằng phép tính riêng của ngành thống kê, năm 2013, Hà Tĩnh có tỷ lệ di cư thuần dương (số người nhập cư - số người xuất cư = 2.793 người)”. Qua tính toán của ngành thống kê cho thấy, trong năm 2013, Hà Tĩnh không chỉ có số người xuất cư lớn mà số người nhập cư cũng không thua kém. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng dân số cũng như công tác quản lý dân cư trên địa bàn của địa phương.

Tại KKT Vũng Áng, tính đến quý I/2014, có hơn 12.500 lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Họ tạm trú tại 10 xã, thị trấn của huyện Kỳ Anh và tập trung nhiều nhất ở xã Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Liên… Dự kiến, trong vài năm tới, tổng số nhu cầu nhân lực tại KKT Vũng Áng khoảng 68.000 người. Như vậy, xu thế lao động nhập cư đang ngày càng tăng tại KKT Vũng Áng. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cấp bách trong quá trình phát triển. Theo đó, môi trường sinh thái sẽ chịu tác động trực tiếp do dân số tăng nhanh trong khi khả năng xử lý ô nhiễm môi trường chưa kịp đáp ứng. Bên cạnh đó, tăng lao động nhập cư sẽ làm gia tăng sức ép quản lý cho các cấp chính quyền và TTATXH.

Tiến sỹ Đường Công Lự - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh nhấn mạnh: “Di cư là một trong 3 yếu tố (2 yếu tố còn lại là sinh và chết) tác động trực tiếp đến sự biến động dân số. Riêng Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay, yếu tố này đang có ảnh hưởng rất lớn vì tỉnh ta có số người nhập cư và xuất cư đều lớn. Để quản lý tốt vấn đề di cư, tiến tới ổn định quy mô dân số, chúng ta cần hiểu rằng, di cư là một tất yếu của xã hội, từ đó có những điều tra, khảo cứu để nắm bắt đầy đủ thực trạng di dân, dự báo xu thế và biến đổi của di cư nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực đối với sự phát triển KT-XH của địa phương”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast